Giật mình sinh viên ‘đú’ bị ‘cắt cổ’
Chỉ thẻ sinh viên, chứng minh thư là sinh viên có thể vay được cả trăm triệu đồng. (Ảnh minh họa)
Kĩ xảo cho vay của giới cầm đồ ngày càng tinh vi đã khiến không ít sinh viên lâm vào cảnh “theo lao” mà đánh mất tương lai.
Chỉ cần một chiếc thẻ sinh viên và chứng minh nhân dân là bất kỳ sinh viên nào của Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình 1 (CĐPTTH1, nằm trên địa bàn phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) cũng có thể vay được một khoản tiền từ 5 đến 10, thậm chí là cả trăm triệu, nhưng phải chịu mức lãi suất cắt cổ lãi mẹ đẻ lãi con. Theo điều tra của PV, vấn nạn này đã tồn tại ở đây nhiều năm nay, đẩy một số sinh viên cùng gia đình họ vào bi kịch nợ nần.
Chưa cắm thẻ, chưa có vẻ sinh viên
Bạn Ngô Trang H., sinh viên lớp BC3C cho biết: “Lớp em có 10 bạn nam thì có tới 4 bạn thường xuyên cầm thẻ để lấy tiền tiêu xài. Sinh viên nữ cũng không phải là ngoại lệ, khoảng 5 – 6 người là khách hàng thường xuyên của các hiệu cầm đồ”. Theo H., khi mới là sinh viên năm thứ nhất, chuyện cắm thẻ nghe có vẻ rất xa lạ, nhưng từ năm thứ 2 trở đi thì chẳng sinh viên nào không nghe, không biết tới chuyện này. Thậm chí, sinh viên trong trường còn tự đặt ra câu vè: “Chưa cắm thẻ, chưa có vẻ sinh viên”.
Phóng viên đã làm một cuộc điều tra nhanh với nhóm sinh viên nam gồm 17 bạn thuộc lớp BC3F. Trong số này, 14 người đã từng là khách hàng của hiệu cầm đồ. Cụ thể: 6 người luôn trong tình trạng thẻ sinh viên gửi hiệu cầm cắm, 8 người thỉnh thoảng có cầm thẻ, chỉ 3 người là chưa từng cắm thẻ. Số nợ trung bình của những người đang cầm thẻ trong nhóm sinh viên này ở mức 10 triệu đồng. Cá biệt, có nhiều sinh viên nợ từ vài chục tới hơn 100 triệu như Nguyễn Văn T. nợ các chủ quán cắm thẻ 160 triệu, Nguyễn Văn M. nợ 80 triệu, Đặng Văn P. 45 nợ triệu.
Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình 1
Mở rộng phạm vi các lớp khác trong trường, phóng viên nhận thấy tình trạng trên phổ biến nhất ở các khối, lớp kỹ thuật hệ trung cấp (do có nhiều bạn nam). Một sinh viên tên H., quê Quảng Bình cho biết: “ở các lớp trung cấp kỹ thuật thì không có sinh viên nam nào là không dính tới cắm thẻ. Có khoảng 70% số thẻ của họ luôn ở ngoài quán”.
Video đang HOT
Chỉ trong phạm vi bán kính 300m tính từ cổng trường, có tới hàng chục hiệu cầm đồ mọc lên để đáp ứng nhu cầu vay tiền của các sinh viên.
Một trong những quán mà sinh viên hay lui tới là quán của một ông chủ có tên T.A. nằm trên bờ đê gần khu chợ Quy Lưu, cách trường CĐPTTH1 khoảng 300m. Quán của đối tượng này hoạt động cho vay nặng lãi qua cắm thẻ từ cách đây khoảng 2 năm. Ban đầu, quán chỉ cho vay 1 đến 2 triệu / 1 thẻ. Tuy nhiên, từ hơn 1 năm nay, quán này đã nâng mức cho vay lên tới 10 triệu/thẻ. Với sinh viên có tiếng ăn chơi thì con số được vay lớn hơn gấp nhiều lần.
Một quán khác tuy mới thành lập được hơn 1 năm nhưng rất hút khách là quán của vợ chồng H-G. Ngoài 2 quán trên, còn phải kể đến những quán khác tuy không trưng biển kinh doanh cầm đồ nhưng vẫn nhận cầm thẻ để cho vay nặng lãi là quán nước B- Đ, quán G ở gần đối diện với khu cổng cũ của trường.
Lật tẩy chiêu thức “cắt cổ” sinh viên
Trực tiếp thâm nhập hoặc liên lạc qua điện thoại với các chủ hiệu, PV ghi nhận được những thủ đoạn mà các đối tượng cho vay nặng lãi thường dùng để đẩy sinh viên vào con đường nợ nần. Đóng vai một sinh viên của trường, phóng viên gọi điện tới số điện thoại của người đàn ông tên H., chủ quán H- G vờ hỏi về thủ tục cho vay. H. trả lời: “Em cần cầm thẻ sinh viên, chứng minh thư và rủ thêm một sinh viên cùng lớp hoặc cùng trường đi theo kí vào giấy bảo lãnh nếu muốn vay từ 5 đến 10 triệu. Trong trường hợp chỉ có một mình em thì tối đa anh chỉ cho vay được 4 triệu”.
Trong trường hợp con nợ đã không còn khả năng thanh toán, đầu tiên các chủ nợ sẽ “níu áo” bằng cách buộc con nợ cùng cho bạn bè “chết chùm”. (Ảnh minh họa)
Lý giải việc vì sao chủ hiệu lại yêu cầu người đi vay phải có thêm người bảo lãnh mới được vay khoản tiền lớn hơn, T. một sinh viên báo chí khóa 3 có kinh nghiệm cắm thẻ cho biết: “Đây cũng là cách làm của các quán cắm thẻ khác như quán T.A. Nếu người vay bỏ học, trốn mất thì chủ hiệu sẽ đòi khoản nợ trên từ sinh viên ký vào giấy bảo lãnh”.
Mức lãi mà các hiệu thường áp dụng là từ 3000đ/triệu/ngày đến 5000đ/triệu/ngày. Cá biệt, ở quán điện tử trước cổng trường cũ thì mức lãi lên tới 10 ngàn /triệu/ngày. Ngay sau khi sinh viên cắm thẻ, chủ nợ sẽ làm ngay động tác cắt lãi. Cụ thể: nếu sinh viên vay được 10 triệu với lãi suất 3000đ/triệu/ngày, thì sinh viên sẽ chỉ được nhận về 9 triệu, 1 triệu còn lại là tiền cắt lãi tháng đầu tiên (trong khi vẫn viết giấy vay nợ 10 triệu). Sang tháng thứ ba, nếu con nợ vẫn chưa có tiền trả, thì chủ nợ sẽ tính luôn tiền lãi thứ hai vào tiền gốc và quy trình “lãi mẹ đẻ lãi con” bắt đầu từ đây. Theo cách tính lãi này, với khoản vay ban đầu là 10 triệu đồng, sau 12 tháng số nợ sẽ lên tới hơn 27 triệu đồng, gấp 3 lần so với khoản tiền đã vay ban đầu.
Trong trường hợp con nợ đã không còn khả năng thanh toán, đầu tiên các chủ nợ sẽ “níu áo” bằng cách buộc con nợ cùng cho bạn bè “chết chùm”: tiếp tục mượn thêm thẻ sinh viên khác của bạn cùng trường để cùng thế chân. Với xảo thuật này, có thể chỉ từ một món nợ mà có tới dăm bảy sinh viên cùng phải gánh trách nhiệm.
Từ nợ nần đến bỏ học, phạm tội
Nguyễn Văn T., sinh viên lớp BC3F thực sự lún sâu vào nợ nần nặng lãi từ đầu năm học thứ 3. Sau nhiều lần vay tiền ở mức cò con, nhận thấy Tuấn là con của một gia đình khá giả, cậu được các chủ nợ tạo điều kiện cho vay 10 – 20 triệu rất dễ dàng. Không những vậy, T. còn được các ông chủ này ưu ái khi cho ghi lô đề mà không cần trả tiền ghi trước. Đến ngày thi tốt nghiệp, số nợ của Tuấn lên tới 160 triệu. Các chủ nợ cho người đến tận cửa phòng thi đòi nợ. Thậm chí, sau khi kỳ thi kết thúc, trong khi các sinh viên khác được về quê thì T. bị chủ hiệu cầm đồ giam lỏng lại, buộc gia đình phải lên trả nợ để đưa con trai về.
P, một sinh viên mới tốt nghiệp hệ cao đẳng khoa báo chí trường CĐPTTH 1 được hơn 1 năm kể lại, cậu cũng là một nạn nhân của nạn cho vay nặng lãi. Trong năm học cuối, cậu có cắm thẻ ở quán T. A và mỗi ngày chịu vài chục ngàn tiền lãi. Bí quá, cậu đánh liều bằng cách mượn thẻ người bạn học cùng cắm lấy 10 triệu ghi lô đề nhưng không trúng. Đến khi thi tốt nghiệp, cậu đã mang một món nợ lên tới 45 triệu. Chủ nợ báo về gia đình, bố cậu phải mang tiền xuống trả nên cậu không dám về nhà gặp mọi người trong gia đình. Nhiều trường hợp khác cũng rơi vào cảnh tương tự như Nguyễn Văn M (quê Phú Thọ), Nguyễn Văn T (quê Bắc Giang), Nguyễn Thế C (quê Bắc Giang) sau khi tốt nghiệp đều bị chủ nợ giữ lại gần nửa tháng và chỉ được thoát thân khi gia đình mang tiền đến trả.
Cùng chung cảnh nợ nần do cắm thẻ nhưng số tiền mà Nguyễn Công H., sinh viên khóa 4, quê ở huyện Lục Nam (Bắc Giang) lại lớn hơn rất nhiều. Ngay từ khi là sinh viên năm 1, H. đã dính vào chuyện cắm thẻ. Năm đầu tiên, bố H. phải xuống trả gần 50 triệu tiền H. nợ các chủ nợ. Tuy nhiên, chính việc gia đình xuống trả nợ lại khiến các chủ nợ ưu ái H. hơn. Trong năm học 2008 – 2009, số tiền H. vay từ các chủ nợ lên tới cả trăm triệu. Thậm chí H. còn mang cả thẻ sinh viên của bạn gái và nhiều người bạn khác đi để cắm. Trước khi năm học kết thúc, H. còn kịp lừa thêm 2 xe máy, 1 máy tính, 1 máy ảnh, 1 máy tính xách tay của 3 người bạn cùng quê để cắm. Không có khả năng trả nợ, H. đã bỏ trốn.
Phóng viên đã liên lạc với Ban giám hiệu nhà trường để xác minh sự việc. Trả lời câu hỏi: “Trường có nắm được thực trạng sinh viên cắm thẻ, cầm đồ và phải chịu mức lãi suất cắt cổ hay không?”, ông Lê Trung Sơn, Hiệu phó Trường Cao Đẳng phát thanh Truyền hình 1 cho biết: “Chúng tôi có nghe nói và sẽ tiến hành kiểm tra cụ thể trong thời gian tới đây”.
Theo ĐS&PL
Sinh viên 'đú' có khi nào qua cơn mê?
Cá độ bóng đá, hy vọng "làm giàu không khó" của nhiều sinh viên trong cơn mông muội. (Ảnh minh hoạ)
Thủ tục cho sinh viên vay nặng lãi hết sức đơn giản: chỉ cần được người quen giới thiệu, đưa chứng minh nhân dân hoặc thẻ sinh viên ra cầm cố và ký vào tờ giấy vay nợ viết tay là được "rót" tiền. Nhiều sinh viên vì vay tiền quá dễ, sẵn sàng ném vào các cuộc "đỏ đen" nên sớm trở thành con nợ...
Có trường học là có cho vay nặng lãi
Xung quanh các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội đều có các hiệu cầm đồ, cho vay nặng lãi. Sinh viên tên Long, học tại ĐH Kinh doanh công nghệ Hà Nội, kể: "Vì cần hai triệu trả tiền bắt bóng, em nhờ anh bạn giới thiệu với một phụ nữ tên Trang tại ngõ Hòa Bình 7, Minh Khai, để vay tiền. Thủ tục hết sức đơn giản, ký vào giấy viết tay, đặt thẻ sinh viên là nhận tiền. Thời gian vay là 10 ngày và chủ cắt luôn phí 20.000 đồng/ngày. Đấy là quen, nếu không chắc chắn mình phải có đồ thế chấp".
Tương tự, tại khu vực ký túc xá Mễ Trì (Lương Thế Vinh, Thanh Xuân, Hà Nội) có các ông chủ tên T. và Đ. đứng ra cho sinh viên vay tiền lãi cao. Những sinh viên mắc phải hai chủ này chủ yếu là những người ham lô đề, cờ bạc và rượu chè. T. sẵn sàng đứng ra nhận ghi lô đề cho sinh viên khi được gọi điện báo. Nếu trúng T. sẽ cắt luôn phần lãi 10 - 15% ngày, còn không số tiền đó sẽ được ghi vào giấy nợ với khoản thế chấp là xe máy của T.
Sinh viên G., Khoa Văn, ĐH KHXH-NV cho hay: "Vay có 5 triệu, nhưng lãi mẹ đẻ lãi con, đến khi ra trường mình vẫn còn chưa trả hết nên họ về tận nhà để đòi". Một sinh viên tên V.T., khoa Ngôn Ngữ, được bạn giới thiệu đến vay 4 triệu đồng, vì không có tiền để thanh toán nên sau 3 tháng số nợ đã lên đến hơn 20 triệu đồng.
Thủ tục cho vay dễ dàng,khiến nhiều SV sập bẫy vay nợ lãi nặng của các hiệu cầm đồ. (Ảnh minh hoạ)
Tại khu vực gần ĐH Công nghiệp Hà Nội, các cửa hiệu cầm đồ mọc lên nhan nhản. Ông Phạm Văn Lợi, thôn Nguyên Xá (Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội), chủ một cửa hiệu cầm đồ cho biết: "Sinh viên cầm cố thẻ, bằng tốt nghiệp... vay tiền có tới cả ngàn người. Không trả tụi tôi lên đến tận trường săn đòi".
Trốn học, lừa cha mẹ
Bị chậm một năm do bỏ học và không đáp ứng đủ số trình học, sinh viên Đ.V.Doanh (ĐH Mỏ - Địa chất) chua chát: "Ngoài em ra có vài anh em chơi với nhau trong trường cũng mắc phải nạn vay nặng lãi. Vay thì dễ, trả thì khó, nợ nhiều quá chẳng có tâm trí đâu mà học, muốn gỡ lại nhưng càng gỡ càng chết". Cũng là nạn nhân của vấn nạn này, sinh viên N.V.C, SV năm thứ 2, ĐH GTVT vừa phải bỏ học. Hai tháng trước, C. đã cắm thẻ SV vay 13 triệu đồng cùng với tiền ghi lô đề nợ tổng lên đến 51 triệu. Do không có tiền trả nên chủ đã ép phải ghi giấy nợ số tiền 82 triệu đồng (gồm cả lãi và gốc).
Những ngày lân la các tiệm cầm đồ quanh các trường đại học, người viết còn chứng kiến cảnh một người mẹ lên trả tiền 13 triệu đồng con mình học ở trường ĐH KHTN. Chân đất, đầu đội nón mê, bọc tiền gói vào cái áo mưa, bà thều thào nói với chủ hiệu tên Tấn: "Bán trâu, tivi và thóc... nhưng vẫn còn thiếu hai triệu, anh cho cháu xin". Chấp nhận giảm cho bà hai triệu, nhưng bà mẹ vừa rời cửa hiệu, Tấn cho biết: "Cả gốc và lãi nó chỉ nợ có 7 triệu thôi, nó báo tăng để để lấy tiền tiêu tiếp...".
Cảnh báo SV việc vay nợ bên ngoài với lãi suất cao "Chúng tôi chưa thấy khoa nào báo cáo về chuyện chủ cửa hàng cầm đồ gửi giấy sinh viên vay nợ về khoa. Các em vay với số tiền lớn không có khả năng trả nợ, đó là việc cá nhân, là quan hệ với xã hội. Nhà trường không căn cứ vào việc sinh viên vay nợ để buộc thôi học hay cấm thi. Tôi cho rằng, việc các em đến hàng cầm đồ vay tiền không phải dùng cho việc học hành mà chỉ để tiêu xài. Hằng năm, vào đầu năm học mới, trường đều tổ chức khóa học về chính trị, phổ biến quy định về sinh viên nghèo được vay vốn ưu đãi học tập và lưu ý và cảnh báo các em việc vay nợ bên ngoài với lãi suất cao".
Theo báo Đất Việt