“Giật hụi” hàng chục tỷ đồng vẫn… sống ung dung
Hàng chục người dân tại thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dâu (Tây Ninh), đang khốn khổ vì chủ tiệm vàng Kim Kiều tuyên bố vỡ nợ rồi quỵt hàng chục tỷ đồng của bà con, nhưng vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật.
Lừa xuyên quốc gia?
Theo đơn tố cáo, năm 2008, Tạ Thị Keo (SN 1974 – chủ tiệm vàng Kim Kiều, Thị trấn Gò Dầu) rủ nhiều người tham gia các dây hụi do bà làm chủ. Cuối năm 2009, các hụi viên đến nhà bà Keo hốt hụi thì bà lánh mặt không gặp. Ngày 22/11/2009, bà Keo quay về gặp các hụi viên tuyên bố vỡ nợ, đồng thời hứa sẽ bán nhà, đất để trả nợ. Nhưng lời hứa của bà Keo đến nay vẫn chỉ là… cho vui.
Tiệm vàng Kim Kiều của Tạ Thị Keo đã ngưng hoạt động
Bà Trần Thị Sữa (Gò Dầu) cho biết: “Năm 2008, 2009 bà Keo tổ chức chơi hụi do bà làm chủ rồi mời nhiều người tham gia. Bà Sữa chơi 4 dây, đến tháng 10/2009 bà Keo xác nhận nợ bà Sữa tổng số tiền hụi gần một tỷ đồng, không có tiền trả, bà Keo cùng chồng làm biên nhận giao cho bà Sữa căn nhà tại thị trấn Gò Dầu trị giá 2,5 tỷ đồng, bà Sữa trả thêm cho bà Keo 1,5 tỷ đồng để nhận nhà xóa nợ cho bà Keo. Thế nhưng, đến ngày giao nhà thì bà Keo thay đổi không bán nữa”.
Bà Nguyễn Thị Hía (Gò Dầu) tố cáo: “Bà Keo rủ tôi chơi hụi, tổng số tiền tôi giao cho bà ta là 260 triệu đồng, tôi vay ngân hàng cho bà Keo mượn 450 triệu đồng, tổng cộng là 710 triệu, đến hẹn trả nợ thì bà Keo… bỏ trốn. Ngày 22/11/2009, bà ta quay về tuyên bố vỡ nợ”. Nạn nhân quốc tịch Cam Pu Chia – Sóc Lỗi bức xúc: “Bà Keo rủ tôi tham gia chơi hụi rồi “quỵt” 750 triệu đồng của tôi”.
Sau khi bỏ trốn, bà Keo quay về tuyên bố vỡ nợ rồi thong dong đi du lịch, bỏ mặc các nạn nhân khốn khổ trả nợ những người đã góp tiền cho mình để đưa cho bà Keo.
Mỏi mòn chờ xét xử
Video đang HOT
Khi tiệm vàng Kim Kiều đóng cửa ngưng kinh doanh, hàng chục người dân nhốn nháo đi tìm bà Keo đòi nợ và tố cáo sự việc với Công an huyện Gò Dầu. Sau khi xác minh, công an huyện kết luận: “Từ năm 2007 đến tháng 11/2009, thông qua hình thức vay mượn và làm chủ hụi, bà Keo đã chiếm đoạt tài sản của 14 người, tổng số tiền chiếm đoạt là 7 tỷ đồng, 320.000 USD, và 12,8 lượng vàng …”.
Công an huyện Gò Dầu đã khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với Tạ Thị Keo về tội: Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo Khoản 4 Điều 140 Bộ luật Hình sự. Ngày 12/5/2010, bắt tạm giam bị can Tạ Thị Keo, đến ngày 17/5/2010 công an huyện đã chuyển hồ sơ và bị can đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tây Ninh điều tra theo thẩm quyền.
Bằng thủ đoạn tinh vi có chủ ý lừa đảo, bà Tạ Thị Keo đã chiếm đoạt của tôi hơn 600 triệu và hàng chục tỷ đồng của nhiều người; Bị tạm giam 4 tháng được cho về để khắc phục hậu quả thì bà Keo đã tổ chức ăn nhậu, ca hát trước lỗi đau của các nạn nhân và không hề tính chuyện trả nợ. (Bà Cao Hồng Hiệp, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh nói)
Tuy nhiên, bà Keo bị tạm giam chẳng bao lâu thì được cho về. Các nạn nhân hỏi thì công an tỉnh trả lời “Cho bà Keo về để khắc phục hậu quả”.
Khắc phục hậu quả chẳng thấy, bà con chỉ thấy bà Keo tụ tập ăn nhậu, ca hát, khiến nhiều người bức xúc: Vì sao bà Keo được thả về?. Việc cho về có mục đích là khắc phục hậu quả hay còn lý do nào khác?.
Đến Công an tỉnh Tây Ninh tìm hiểu sự việc, chúng tôi được biết: Hồ sơ vụ án đã chuyển sang Viện Kiểm sát để nghiên cứu.
Các nạn nhân của vụ chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng này đang mỏi mòn chờ kết luận chính thức của cơ quan tố tụng. Bà con cho biết thêm, tài sản của bà Keo vẫn còn, không giải quyết dứt điểm sẽ tạo điều kiện cho bị can tẩu tán tài sản.
Dấu hiệu của Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:
- Vay, mượn, thuê tài sản (TS) của người khác hoặc nhận được TS của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt TS đó;
- Vay, mượn, thuê TS của người khác hoặc nhận được TS của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng TS đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại TS…
- Bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Nếu chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên…
Theo Pháp Luật VN
CHỢ ĐẦU MỐI NÔNG SẢN THỦ ĐỨC, TP.HCM: Tiểu thương bị giật hụi bạc tỉ
Chu hui từng là người làm thuê rồi vươn lên làm chủ hụi, khi tạo được lòng tin nhiều người thì ôm tiên bỏ trốn.
Những ngày gần đây, hàng chục tiểu thương tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (TP.HCM) luôn chực chờ, vây kín căn nhà không số trên đường số 12 (phường Tam Bình, quận Thủ Đức) của vợ chồng bà Trần Thị Ngọc Lệ (tự Dung hụi, 40 tuổi) - một chủ hụi tại chợ. Trước đó, một số hụi viên đến phiên hốt hụi nhưng không được nhận tiền bởi vợ chồng bà Lệ đã bỏ trốn.
Chủ hụi từng giật hụi
Ngày 7-4, phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM đến chợ nông sản Thủ Đức, hỏi qua người nào cũng biết vừa xảy ra vụ vỡ hụi lớn trong vài tuần tại đây. Tiểu thương cho biết bà Lệ có kiốt số 22 trong chợ, kiốt này bà mua lại với giá hơn 500 triệu đồng. Bà Lệ kinh doanh bia, nước giải khát và tổ chức nhiều dây hụi.
Sau khi xảy ra vụ bể hụi, các nạn nhân mới biết bà Lệ từng giật hụi ở nơi khác rồi dạt về chợ đầu mối. Những người buôn bán cạnh kiốt bà Lệ cho biết bà đã chuẩn bị giật hụi ngay từ lúc sang nhượng kiốt cho người khác với giá trên 600 triệu đồng. Ngay cả người cháu bà Lệ tên Bột, chuyên thu hụi giùm cho bà ta, cũng biến mất.
Được biết bà Lệ trước đây làm thuê cho các chủ vựa rau cải tại chợ Cầu Muối (phường Cầu Ông lãnh, quận 1). Khi chợ di dời về Thủ Đức, bà về theo, lợi dụng uy tín của mợ chồng là bà Sáu Tý, một chủ hụi lâu năm tại chợ, bà Lệ đứng ra mở dây hụi và làm chủ. Thấy bà Lệ có kiốt, nhà cửa đàng hoàng nên nhiều tiểu thương tin tưởng tham gia chơi hụi để rồi mất trắng.
Công an phường Tam Bình cho biết vợ chồng bà Lệ rời khỏi địa phương từ ngày 3-4, công an phường hai lần gửi thư mời bà Lệ không đến, vụ việc sẽ được chuyển sang cơ quan điều tra công an quận.
Nhiều tiểu thương tại chợ đầu mối là nạn nhân của bà Dung hụi. Ảnh: VÕ BÁ
Kiốt của bà Lệ nay đã bán cho người khác.
Trăng tay
Chị NTH, chủ kiốt tại khu A, úp mặt vào tay, nói như mếu: "Tôi bị bà Lệ giật gần 100 triệu đồng". Bà TTC, một trong những nạn nhân, kể: "Tôi già rồi, ban đêm làm công cho chủ vựa, ban ngày tranh thủ lột thêm củ hành kiếm chút tiền. Cứ nghĩ chơi hụi coi như "bỏ ống heo" phòng thân, ai ngờ!".
Tương tự, vợ chồng chị H. từ Tiền Giang xin vào làm công cho các chủ vựa tại chợ. Hai người làm quần quật nửa đêm đến sáng hôm sau để kiếm tiền chơi hụi. "Chúng tôi chờ đợi ngày hốt hụi, có tiền chuộc lại mảnh đất đang cầm cố. Giờ bị bà Lệ giật mất 50 triệu đồng, trắng tay rồi anh ơi!".
Ban quản lý và bảo vệ chợ đầu mối cho biết việc vỡ hụi mới nắm tin sau khi bà Lệ bỏ trốn. "Nếu nhà báo cần gì cứ hỏi công an, chứ hoạt động hụi hè ngoài tầm kiểm soát của chợ".
Được biết tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức từng đã xảy ra nhiều vụ bể hụi khiến tiểu thương bị mất hàng chục tỉ đồng. Mới đây vào tháng 2-2011, bà Phương (bán cơm tại khu A) đã giật hụi của gần 100 tiểu thương với số tiền hơn chục tỉ đồng. Vụ này gây xôn xao chợ một vài tháng rồi rơi vào im lặng vì bà Phương đã "một đi không trở lại". Chị MT, bán quán ăn trong chợ, cho biết trong dây hụi của chị có 22 người đều bị giật, mà bà Phương có hàng chục dây hụi như thế.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch UBND phường Tam Bình, cho biết: "Cán bộ tư pháp phường đã tiếp nhận nhiều đơn tố cáo hành vi chiếm đoạt tài sản của bà Lệ với số tiền hàng trăm triệu đồng. Có thể số nạn nhân trong vụ bể hụi này còn nhiều và lên đến hàng chục tỉ đồng. Do một số bị hại là người trú ở các tỉnh miền Tây, chỉ có mặt họp chợ vào chiều tối rồi sáng sớm lại phải quay về nên chưa kịp trình báo".
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thành Nghiệm, Trưởng Công an quận Thủ Đức, cho biết Công an phường Tam Bình chưa báo vụ vỡ hụi nghiêm trọng trên để quận có hướng xử lý.
Theo Pháp Luật TP