Giặt đồ bằng… nước mặn
Cách trung tâm hành chính H.Tân Trụ (Long An) gần 20 km là xã Nhựt Ninh – nơi người dân đang khát nước ngọt nhất của tỉnh này.
Huyện đoàn Tân Trụ phối hợp Ban Chỉ huy quân sự huyện vận chuyển xe bồn chở nước ngọt đến tiếp miễn phí cho bà con
Ghé vào nhà bà Lữ Thị Bạch Loan, ngụ tại 156 ấp Nhựt Long (xã Nhựt Ninh), lúc này cũng đã hơn 12 giờ trưa, ngoài trời nắng gắt như đổ lửa. Xung quanh nhà bà Loan có rất nhiều thùng dùng để đựng nước, nhưng tôi mở nắp đậy thì chẳng có giọt nào.
Thường thì mọi người tắm nước mặn, sau đó tráng lại một gáo nước ngọt cho đỡ rít người thôi. Giặt đồ cũng bằng nước mặn, rồi xả lại nước ngọt nhưng nước xả đồ thì tôi cũng giữ lại trong thùng nhựa để qua ngày lắng lấy phần trên tận dụng dùng tiếp lần nữa
Bà LỮ THỊ BẠCH LOAN (ngụ tại ấp Nhựt Long, xã Nhựt Ninh, H.Tân Trụ, Long An)
Do những ngày gần đây các phuy trữ nước đã gần như cạn kiệt nên bà Loan cho biết: “Hiện tại nước ngọt chỉ ưu tiên dùng nấu ăn và nấu nước sôi để nguội dành uống. Còn tắm giặt thì chúng tôi không dám xài, có chăng cũng nhín nhút. Thường thì mọi người tắm nước mặn, sau đó tráng lại một gáo nước ngọt cho đỡ rít người thôi. Giặt đồ cũng bằng nước mặn, rồi xả lại nước ngọt nhưng nước xả đồ thì tôi cũng giữ lại trong thùng nhựa để qua ngày lắng lấy phần trên tận dụng dùng tiếp lần nữa”.
Tôi có mặt tại nhà ông Trần Văn Út (Út lùn), ngụ tại 3A ấp Nhựt Long, cách đó hơn 300 m còn bi đát hơn. Ngoài hơn chục cái lu (mái), tôi đếm nhà ông Út có thêm 7 thùng phuy nhựa loại 200 lít dùng để trữ nước ngọt cho gia đình nhưng hiện tại thì tình trạng “lu cạn, phuy khô”.
Video đang HOT
“Hiện tại nhà tui chỉ còn được 200 lít nước dự trữ để nấu ăn. Tuy nhiên, cho dù có xài tiết kiệm lắm cũng chỉ được vài ngày nữa thôi cũng cạn, lúc đó chắc phải xách xe máy chạy đi vài cây số chở nước về dùng cầm cự”, ông Út nói.
Cảnh đồng ruộng nứt nẻ, cây cối vàng úa – Ảnh: Lê Thanh
Ông Út chia sẻ: “Hôm giờ mỗi ngày tui tắm nước mặn rồi lấy một ca nước ngọt xối tráng qua cho người đỡ rít. Có hôm không dám dùng một ca nước ngọt để tráng mà chỉ nhúng khăn ướt lau mình lại thôi. Thậm chí, nấu canh phải lường từng chén nước cho vừa đủ ăn chứ không dám dùng thoải mái như mọi khi. Còn nấu cơm thì chỉ vo gạo có một nước. Nhiều hôm tui rửa chén lỡ xối nước nặng tay, bà xã tui nghe được bả rầy ông làm gì mà xối nước dữ vậy”.
Nhà của ông Nguyễn Văn Nên, ngụ tại số 5, đường Đê bao sông Vàm Cỏ Tây (ấp Nhựt Long). Chỉ tay vào 3 thùng phuy nhựa không có lấy một giọt nước, ông Nên than: “Hôm trước nghe nói chính quyền sẽ cho xe chở nước đến đây để tiếp nước ngọt cho người dân nên bà xã hối tui đi mua 3 cái thùng phuy này hết hơn 1 triệu đồng. Họ giao 3 thùng phuy này được hơn một tuần rồi nhưng ngày nào tui với bả cũng ngóng mòn mỏi luôn mà có thấy xe chở nước nào đến nữa đâu”.
Anh Trần Hữu Đên, Phó bí thư Huyện đoàn Tân Trụ (tỉnh Long An), cho biết: “Huyện đoàn Tân Trụ đã phối hợp Ban Chỉ huy quân sự huyện vận chuyển hàng chục lượt xe bồn chở nước ngọt đến cung cấp miễn phí cho người dân. Chúng tôi cũng đã vận động 1.000 thùng nước đóng chai và 1.000 bình nước uống cùng 2 máy lọc nước mặn thành nước ngọt với tổng trị giá 900 triệu đồng để giúp người dân.
Đang ẵm đứa cháu ngoại 21 tháng tuổi trên tay, bà Bùi Thị Kim Bắc, vợ của ông Nên, đi từ nhà bếp lên, buột miệng: “Nhà có con nhỏ mà nước nôi không có, khổ quá chú ơi. Ba mẹ cháu ở H.Thủ Thừa, do bận đi làm công nhân nên gửi con về cho tui giữ giùm. Mà chú biết rồi đó, người lớn không có nước mình còn ráng cầm cự chịu được chứ con nít thì khổ lắm. Tui ráng ở đây chờ vài ngày nữa, nếu không có xe tiếp nước đến giúp bà con chắc tui phải ẵm cháu ngoại “di tản” lên nhà con gái ở thôi”.
Ông Nguyễn Văn Gô (Năm Gô), thành viên Ban Điều hành nước sinh hoạt của xã Nhựt Ninh, cho biết: “Toàn xã có gần 1.000 hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt để dùng. Nhưng hiện nay hơn 250 hộ dân tại ấp Nhựt Long thiếu nước sinh hoạt trầm trọng nhất, có hộ gia đình hằng ngày phải đi xin từng lít nước để nấu ăn”.
Lê Thanh
Không để người dân thiếu nước ngọt!
5 tỉnh khu vực ĐBSCL đã phải công bố tình huống khẩn cấp về xâm nhập mặn
Chiều 8-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến tỉnh Bến Tre chỉ đạo công tác chống hạn, mặn đối với các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL.
Công bố tình huống khẩn cấp
Thủ tướng cho biết dự báo năm nay tình hình diễn biến gay gắt hơn năm 2016. Tháng 9-2019, Thủ tướng đã chủ trì hội nghị triển khai các giải pháp phòng chống hạn, mặn; đến nay, đã hạn chế tối đa thiệt hại nhờ chỉ đạo cấy sớm vụ đông xuân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là cây lúa ở vùng có khả năng nhiễm mặn. Diện tích lúa bị thiệt hại khoảng 39.000 ha, chỉ bằng 9,6% so với năm 2016 (có trên 405.000 ha lúa bị thiệt hại).
Tỉnh Cà Mau vừa công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2 tại vùng ngọt hóa thuộc địa bàn 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời tiếp tục thực hiện các giải pháp ứng phó với hạn hán; xác định và khoanh vùng những khu vực bị ảnh hưởng do hạn hán. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực triển khai ngay kịch bản ứng phó với rủi ro thiên tai do hạn hán cấp độ 2. Đồng thời, kiểm tra, gia cố, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngăn mặn bảo vệ sản xuất trong vùng thiên tai. Nếu chưa thể khắc phục ngay thì triển khai các công trình tạm để xử lý nhằm giảm thiểu nguy cơ bị thiệt hại.
Nước mặn đang gây nhiều thiệt hại cho nông dân ven biển ở ĐBSCL Ảnh: THỐT NỐT
Tương tự, tỉnh Long An cũng công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn với tình trạng thiên tai thuộc cấp độ 2. Theo đó, từ giữa tháng 11-2019, hệ thống sông Vàm Cỏ đã bắt đầu xuất hiện độ mặn, sớm hơn một tháng so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, độ mặn 1 g/l đã tiến sâu gần 90 km trên sông Vàm Cỏ Đông và hơn 100 km trên sông Vàm Cỏ Tây. Dự báo, xâm nhập mặn có khả năng khiến hơn 2.500 ha lúa bị thiệt hại trên 70%, gần 550 ha thanh long giảm năng suất trên 40% do không có nước tưới tiêu. Tỉnh Kiên Giang và tỉnh Tiền Giang cũng đã công bố tình huống hạn hán, xâm nhập mặn với cấp độ 1 rủi ro thiên tai. Tại Kiên Giang, hiện có hơn 1.500 ha lúa bị hạn mặn gây thiệt hại, nâng tổng diện tích lúa đông xuân 2019-2020 bị thiệt hại do hạn mặn trong toàn tỉnh lên trên 2.000 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện U Minh Thượng, Hòn Đất và Kiên Lương.
Đối với tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn bao phủ toàn bộ phạm vi của địa phương, trong các kỳ triều cường, hầu như không có nguồn nước ngọt cung cấp cho sản xuất và dân sinh. Bộ NN-PTNT cho biết trong tháng 3, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục tăng cao, đặc biệt đợt từ ngày 7 đến 15-3 ở cửa các sông Cửu Long. Cụ thể tại các cửa sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây), phạm vi ảnh hưởng sâu nhất từ 100-110 km; sông Cửa Tiểu và Cửa Đại, phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 60 km; sông Hàm Luông khoảng 78 km; sông Hậu khoảng 70 km... Hiện, có khoảng 95.600 hộ dân đang gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn, mặn về nước sinh hoạt (tổng số hộ dân bị gặp khó khăn năm 2015-2016 là 210.000 hộ).
Làm sớm những công trình cấp bách
Theo Bộ NN-PTNT, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh từ tháng 12-2019 và liên tục tăng cao cho đến nay, hiện đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ở ĐBSCL.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu tập trung các giải pháp trước mắt và lâu dài để phòng chống hạn, mặn. Trước hết là các biện pháp giải quyết cấp bách việc thiếu nước sinh hoạt, không thể chậm hơn. "Hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế - xã hội ở khu vực, đặc biệt là tại 5 tỉnh đã phải công bố tình huống khẩn cấp về xâm nhập mặn như Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau và Kiên Giang" - Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu đề xuất giải pháp công trình và phi công trình trên tinh thần Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL ứng phó biến đổi khí hậu và trong giai đoạn 2021-2025, có công trình cấp bách nào cần làm sớm. Không chỉ đề xuất giải pháp mà cần liên hệ trách nhiệm.
MINH SƠN - QUANG TRƯỜNG - VÂN DU
Theo Nguoilaodong
Xưởng phế liệu bị thiêu rụi trong đêm ở Long An Vụ hỏa hoạn tại xưởng phế liệu ở huyện Tân Trụ (Long An) khiến hai xe tải và nhiều tài sản bị thiêu rụi. 22h30 ngày 7/3, lửa bùng phát tại xưởng phế liệu trong khu đất ở ấp Bình Tây, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ (Long An). Bên trong xưởng có nhiều vật dụng dễ cháy nên lửa bùng phát dữ...