Giáp Tết lại lo ATM hết tiền
Vào dịp Tết, không ít cây ATM bỗng dưng hết tiền hoặc gặp trục trặc do đây chính là thời điểm bắt đầu chi trả lương, thưởng cao điểm nhất của năm, nhu cầu rút tiền mặt của người dân tăng cao.
Khách hàng rút tiền tiền tại ATM Techcombank. Ảnh: Hải Linh
ATM nghẽn, giao dịch online quá tải
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống ATM, bảo đảm mạng lưới ATM hoạt động an toàn và thông suốt; có biện pháp phù hợp giảm tải cho ATM tại các địa bàn thường xảy ra hiện tượng ATM quá tải…
Tuy nhiên, theo phản ánh của chị Nguyễn Kim Thanh (tại phố Trường Chinh, Đống Đa) tại cây ATM của Vietinbank khu vực Lê Trọng Tấn, ngày 6/1, cần tiền đi rút nhưng cây ATM báo lỗi. Một số người dân cho biết, cây ATM này bị trục trặc từ một tuần trước đó nhưng đến thời điểm chị Thanh đăng nhập, máy vẫn chưa được khắc phục. Cũng của ngân hàng này, cây ATM tại khu vực Lương Đình Của, gần trường THCS Đống Đa cũng xảy ra sự cố và phải ngừng hoạt động để bảo trì. Ngay tại Vincom Bà Triệu có vài cây ATM sát nhau nhưng có đến 2 máy được thông báo “do sự cố tạm ngừng hoạt động”.
Những ngày này, nhu cầu rút tiền tại các máy ATM và giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng tăng vọt. Bên cạnh ATM nghẽn, giao dịch online cũng có dấu hiệu bị quá tải tại nhiều ngân hàng khi tiền được chuyển với tốc độ “rùa bò”. Truy cập vào trang web của ngân hàng để chuyển khoản liên tục bị lỗi kết nối. “Lúc vào được, gõ lệnh chuyển khoản thì chờ mãi không thấy hệ thống trả về mã số OTP để hoàn tất. Cuối cùng giao dịch lại bất thành” – chị Trần Thị Nga ở phố Lĩnh Nam chia sẻ.
Trước đó, khách hàng của một ngân hàng lớn cũng bị một phen đứng ngồi không yên khi toàn bộ hệ thống internet banking và mobile banking của nhà băng này bất ngờ dừng hoạt động vào tối ngày 5/1.
Video đang HOT
Bảo đảm chất lượng, an toàn hoạt động thanh toán
Một số ngân hàng cho biết, để đáp ứng nhu cầu rút tiền chi tiêu, mua sắm cuối năm đang vào cao điểm, ngân hàng cũng đẩy mạnh tiếp tiền và tăng số lượng tiền đưa vào máy ATM. Tuy nhiên, do nhu cầu rút tiền quá lớn tại một số máy ATM, thậm chí giao dịch xuyên đêm nên dù ngân hàng đã tiếp tiền vào cuối ngày nhưng đến sáng hôm sau lại hết sạch tiền. Lãnh đạo một ngân hàng có lượng thẻ ATM phát hành lớn tại Hà Nội cho biết ngân hàng nào cũng cấp tập tiếp quỹ, phòng chống nghẽn ATM dịp Tết, nhưng nhu cầu tăng đột biến thì rất khó tránh rủi ro, tắc nghẽn tạm thời. Chưa kể, một số ngân hàng chỉ phát hành thẻ nhưng không đầu tư hệ thống máy ATM khiến chủ thẻ dồn sang các ngân hàng có máy ATM cũng gây nên tình trạng quá tải. Hiện các ngân hàng cũng đang triển khai nhiều phương án chống nghẽn.
Nhiều ngân hàng cho biết, nếu bị lỗi giao dịch, khách hàng nên thường xuyên kiểm tra lại tài khoản để biết có bị trừ tiền bất thường hay không. Với giao dịch điện tử, không nên giao dịch online và cuối tuần, đặc biệt là khác hệ thống và qua các giao dịch trung gian vì thời điểm này, hệ thống giao dịch của một số ngân hàng không làm việc, lệnh giao dịch sẽ chờ đến ngày thứ 2 mới thực hiện.
Trước đó, một số các ngân hàng thương mại cũng đã gửi email đến từng khách hàng cảnh báo việc giao dịch online trong dịp Tết. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng dán niêm yết các bảng hiệu ở nơi dễ nhận diện cho khách hàng đến giao dịch tiền mặt tại quầy cảnh giác với các thủ đoạn và hành vi lừa đảo. Đặc biệt, người dân không nên rút tiền hộ người khác ở các cây ATM, không nên đổi tiền trong cabin ATM nếu có đối tượng nghi vấn đề nghị những giao dịch tiền mặt bất thường.
NHNN đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại sát sao trong việc kiểm tra chất lượng dịch vụ ATM, bảo đảm hoạt động thông suốt và cung ứng đầy đủ nhu cầu của người dân trong dịp Tết. “Đối với những ngân hàng mà thời gian qua không có đầu tư nhiều cho các máy ATM, sử dụng máy đời cũ, những máy đó hay có sự cố NHNN yêu cầu phải có cán bộ kỹ thuật trực tiếp và bảo đảm nếu có sự cố thì không để thời gian quá dài”. Ngoài ra, NHNN khuyến cáo người dân cẩn thận khi giao dịch thẻ, online trong thời điểm này, tuyệt đối không được để lộ mật khẩu và thông tin cá nhân trong giao dịch với ngân hàng cho người khác.
Theo Kinhtedothi.vn
Thanh toán không tiền mặt
Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt cao nhất thế giới. Tiền mặt giữ vai trò chủ đạo trong hơn 90% giao dịch. Mục tiêu Chính phủ đặt ra, đến năm 2020, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt chiếm trên 30% tổng phương tiện thanh toán dường như khó đạt được.
Rào cản lớn nhất của việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là thói quen của người tiêu dùng. Ảnh: Minh họa
Trong bối cảnh nền kinh tế liên tục tăng trưởng cao nhưng phương tiện thanh toán số lại chậm, phản ánh một sự phát triển chưa đồng bộ đến khó hiểu.
Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), trong 5 năm gần đây, lĩnh vực thương mại điện tử tăng trưởng với tốc độ 25-30% mỗi năm, riêng năm 2019, tổng giá trị giao dịch đạt trên 10 tỷ USD. Cơ sở hạ tầng dịch vụ thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ, gia tăng đáng kể số lượng khách hàng, với nhiều dịch vụ hiện đại như ví điện tử, internet banking, mobile banking...
Đến cuối tháng 9-2019, cả nước lưu hành 96,4 triệu thẻ chip thanh toán điện tử thuộc 36 tổ chức phát hành. Giá trị giao dịch qua POS (máy chấp nhận thanh toán bằng thẻ) tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2018. Thậm chí, các giao dịch qua Internet, di động tăng tới 238% về giá trị.
Tuy nhiên, có một thực tế là khách hàng hiện vẫn chưa mặn mà với phương thức thanh toán điện tử.
Trước nghịch lý trên, nhiều chuyên gia chỉ ra rào cản lớn nhất của việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là thói quen của người tiêu dùng. Hiện, người dân chưa thấy lợi ích của việc không dùng tiền mặt để họ lựa chọn các phương thức thanh toán điện tử. Thậm chí, không ít người còn thấy bất tiện và bất an khi tiến hành các giao dịch điện tử.
Đơn cử, bảo hiểm xã hội - một lĩnh vực tưởng chừng dễ dàng thực hiện thanh toán, chi trả các chương trình an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Nhưng đến hết năm 2019, số người nhận qua tài khoản cá nhân mới đạt 28,47%.
Nhiều ngân hàng lý giải cho sự chậm trễ vì hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng, thiếu sự liên thông giữa các ngân hàng và cơ quan quản lý về cơ chế chia sẻ dữ liệu thông tin khách hàng nhằm tạo ra một cơ chế thanh toán thông suốt.
Rõ ràng, muốn thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt thì phải có tài khoản ngân hàng. Thế nhưng, thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, chỉ có khoảng 30% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng, trong khi đó, 70% dân số tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.
Đây là bài toán khó cho cả ngân hàng và công nghệ tài chính (Fintech) trong việc thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Do đó, để đẩy nhanh lộ trình phi tiền mặt hóa các giao dịch, nếu chỉ tuyên truyền, thay đổi nhận thức người dân thì chưa đủ.
Tiềm năng mở rộng hệ sinh thái thanh toán điện tử của Việt Nam rất lớn, đem lại lợi ích thiết thực và trải nghiệm vượt trội cho người dân sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt phải diễn ra từ hai phía, ngân hàng phát hành thẻ và nơi cửa hàng bán lẻ, phương tiện thanh toán công cộng, nơi chấp nhận thẻ thì hệ sinh thái thanh toán điện tử mới hoàn chỉnh.
Do vậy, cần có sự quyết liệt từ quản lý Nhà nước. Trước hết, Chính phủ sớm xây dựng các hành lang pháp lý về thanh toán không tiền mặt, buộc các ngân hàng, doanh nghiệp và người dân thực hiện. Cùng với đó là các định hướng chiến lược để ngân hàng, các công ty Fintech có thể tham gia và cùng đưa ra giải pháp thúc đẩy chi tiêu không tiền mặt.
Có như vậy, chúng ta mới hoàn thành: Phấn đấu đến cuối 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%; và đến cuối năm 2025 ở mức dưới 8%.
Thanh Thảo
Theo Bienphong.com.vn
Gửi tiết kiệm online: "Mốt", nhưng có an toàn? Tại Việt Nam, ngân hàng điện tử đang phát triển mạnh mẽ với nhiều sản phẩm được các tung ra thị trường, trong đó có sản phẩm tiết kiệm trực tuyến (online). Thay vì phải đến quầy giao dịch, khách hàng có thể thực hiện các thao tác từ mở sổ tiết kiệm, kiểm tra thông tin lãi suất, gửi tiền, tất toán,......