Giáo viên phổ thông thành phố Hồ Chí Minh mỏi mòn chờ thăng hạng!
Đã hơn nửa năm nộp hồ sơ nhưng giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa được thăng hạng.
Ngày 15/5/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản số 1391/GDĐT-TC thông báo về việc lập danh sách và hồ sơ viên chức có đủ các tiêu chuẩn và điều kiện dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp năm 2020. [1]
Nội dung văn bản cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận công văn số 1730/SNV-CCVC ngày 8/5/2020 của Sở Nội vụ về việc lập danh sách và hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện dự thi nâng ngạch; thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp năm 2020.
Mỏi mòn chờ đợi…
Nhận được thông tin, nhiều giáo viên bậc trung học phổ thông các trường công lập ở Thành phố Hồ Chí Minh rất phấn khởi và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu để chuẩn bị dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Đến thượng tuần tháng 6/2020, giáo viên nhận được thông báo từ Sở Giáo dục và Đào tạo “Danh sách viên chức có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp chuyên viên và tương đương, chuyên viên chính và tương đương năm 2020″. [2]
(Ảnh minh họa: Lã Tiến)
Thông báo này cho biết, có 573 giáo viên đảm bảo yêu cầu về hồ sơ theo quy định – nghĩa là đủ điều kiện được dự thi hoặc xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đợt xét hồ sơ tháng 5/2020 có khoảng 50% giáo viên không đạt yêu cầu do chưa đủ số năm công tác ở đơn vị sự nghiệp công lập, hoặc chứng chỉ tin học, ngoại ngữ không đúng theo quy định.
Đơn vị nào nhiều thì khoảng trên dưới 10 giáo viên, đơn vị ít hơn chỉ khoảng 3-4 giáo viên đủ các tiêu chuẩn, điều kiện cho việc thăng hạng – tính quy mô khoảng 100 giáo viên/trường.
Video đang HOT
Cũng theo danh sách công khai, rất nhiều giáo viên tham gia thăng hạng có học vị Thạc sĩ; bằng trung cấp (kể cả cao cấp) chính trị; chứng chỉ quản lí Nhà nước (chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng 2); chứng chỉ tin học, ngoại ngữ (chứng chỉ B1) và đa số giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ qua các năm 2017, 2018, 2019.
Như vậy, số giáo viên này đã rất cố gắng khi bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để bổ túc các loại văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của ngạch dự thi những mong được thăng hạng, đồng nghĩa với việc được tăng hệ số lương.
Chẳng hạn như, giáo viên có học vị Thạc sĩ phải mất 2 năm theo học tập trung hệ chính quy; giáo viên có bằng trung cấp chính trị phải học 1,5 năm – không được vắng quá 20% thời gian lên lớp; giáo viên mất 3 tháng mới lấy được chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng 2 với chi phí khoảng 3 triệu đồng…
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn mòn mỏi chờ đợi tin tức và đoán già đoán non không biết phải thi hay xét thăng hạng – bởi Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh không hề có một dòng thông báo nào.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo nhưng việc thăng hạng vẫn còn chậm trễ
Ngày 12/2/2020, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành về việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập năm 2020.
Theo đó, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục lưu ý các bộ ngành, địa phương hoàn thành việc xây dựng và ban hành kế hoạch thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập năm 2020 trước ngày 31/3/2020; hoàn thành việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập năm 2020 trước ngày 31/12/2020. [3]
Như thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo cụ thể, rõ ràng về việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, nhưng các địa phương làm không đồng bộ, thậm chí chậm trễ, dẫn đến nhiều thiệt thòi về quyền lợi chính đáng cho giáo viên.
Chẳng hạn như, ngày 14/9/2020, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4077/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II đối với giáo viên trung học phổ thông làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập thuộc thành phố Hà Nội năm 2020.
Viên chức trúng tuyển kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II đối với giáo viên trung học phổ thông được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II và hưởng lương ở hạng chức danh nghề nghiệp mới kể từ ngày 01/10/2020. [4]
Theo tìm hiểu của chúng tôi, lí giải cho việc các cơ quan có thẩm quyền chậm tổ chức thi hoặc xét thăng hạng cho giáo viên trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh thì có nhiều luồng thông tin khác nhau.
Hiệu trưởng ở đơn vị tôi hiện đang công tác nói rằng, do nhiều hiệu trưởng ở Thành phố Hồ Chí Minh chưa xây dựng được vị trí việc làm cho giáo viên nên việc thăng hạng có chậm trễ.
Một hiệu trưởng khác lí giải, các cơ sở giáo dục khi có nhu cầu về vị trí việc làm của các chức danh nghề nghiệp thuộc hạng đăng kí dự thi thì sẽ được cấp quyền cử giáo viên đi thi.
“Hiện nay có tình trạng, nhiều trường cứ cho giáo viên thoải mái đăng kí dự thi thăng hạng nhưng khi họ thi đậu/được xét thăng hạng thì lúng túng trong việc bố trí việc làm vì không được quy hoạch trước đó, có thể là lí do chậm trễ thăng hạng”, vị hiệu trưởng này nói thêm.
Trong khi đó, nhiều giáo viên cho rằng, sắp tới Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học nên có thể Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh tạm dừng thăng hạng chức danh nghề nghiệp để chờ chỉ đạo.
Qua bài viết này, chúng tôi kính mong Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản thông báo cho giáo viên được rõ về việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp năm 2020 sẽ được tiến hành vào thời điểm nào để giáo viên yên tâm công tác.
Tài liệu tham khảo:
[1]//f1.hcm.edu.vn/data/hcmedu/phongtccb/attachments/2020_5/1391_155202014.pdf?fbclid=IwAR1WWOHCx-qRBTONEQW3dlqoE0_CZfcTSHtUdES0tmuVpCWjCEW6Dm3aVk0
[2] //drive.google.com/file/d/15bjbnEg2rEg3uwGstYl1cS-bhpqVF1Ys/view?zarsrc=30
[3] //hcmcpv.org.vn/tin-tuc/truoc-31-12-2020-phai-hoan-thanh-to-chuc-thang-hang-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien-nam-2020-1491862247
[4] //sonoivu.hanoi.gov.vn/nang-ngach/-/view_content/3890177-cong-nhan-ket-qua-thi-thang-hang-cdnn-tu-hang-iii-len-hang-ii-doi-voi-giao-vien-thpt-lam-viec-tai-cac-co-so-giao-duc-cong-lap-thuoc-thanh-pho-nam-2020.html
Dạy thêm vì lương giáo viên chưa đủ sống: Công việc 'cực và bèo lắm'!
Chia sẻ về thu nhập và công việc của mình, cô Quỳnh Anh, giáo viên tiếng Anh của một trường tiểu học Q.Bình Tân (TP.HCM) bắt đầu bằng một tiếng thở dài vì công việc 'cực và bèo lắm'.
Dù công việc vất vả nhưng mức thu nhập của giáo viên tiểu học hiện không cao, nhiều người còn không đủ trang trải cuộc sống - ẢNH: NGUYỄN LOAN
Được biên chế chính thức và có thâm niên làm việc hơn 7 năm, dạy ngày 2 buổi và làm tất tần tật các công việc khác nhưng tổng thu nhập của cô Quỳnh Anh, giáo viên (GV) tiếng Anh của một trường tiểu học Q.Bình Tân (TP.HCM) chỉ được khoảng 8 triệu đồng/tháng, còn lương giáo viên mới vào nghề chỉ hơn 3 triệu đồng.
Chia sẻ về thu nhập và công việc của mình, cô Quỳnh Anh bắt đầu bằng một tiếng thở dài vì công việc "cực và bèo lắm". Tốt nghiệp đại học chuyên ngành sư phạm, Quỳnh Anh được nhận vào dạy môn tiếng Anh ở trường tiểu học, được làm việc theo đúng ước mơ của mình. Nhưng sau nhiều năm đi dạy, Quỳnh Anh kết luận "thực tế không như mơ".
Theo Quỳnh Anh, hiện thu nhập của GV phụ thuộc vào rất nhiều nguồn thu, nên mỗi người mỗi trường có thu nhập khác nhau, còn tùy thuộc vào việc là GV chủ nhiệm hay bộ môn; dạy một buổi hay 2 buổi/ngày; GV các bộ môn khác nhau cũng có thu nhập khác nhau. Thường môn tiếng Anh sẽ cao hơn một số môn khác như thể dục, âm nhạc, mỹ thuật...
"Nếu GV chỉ dạy đủ 23 tiết theo quy định của bậc tiểu học thì không có thêm tiền gì khác. Ngoài số tiết theo quy định thì GV có thể hưởng thêm tiền phụ trội nhưng cũng tính dựa trên thâm niên, nên những người mới vào nghề sẽ thiệt thòi và không được bao nhiêu", cô Quỳnh Anh nói.
Cô Quỳnh Anh là GV bộ môn tiếng Anh, vào biên chế được hơn 7 năm đang nhận lương bậc 2 với mức lương cứng là 4,9 triệu đồng tháng, cộng với các khoản thu từ dạy bán trú, tiết phụ trội... nhưng tổng cộng tất cả các khoản thu nhập mỗi tháng của cô chỉ khoảng 8 triệu đồng.
Tương tự, là GV ở một trường công lập Q.Gò Vấp, TP.HCM, cô Thái Hoa chia sẻ: "Nếu nghĩ công việc của GV chỉ là những tiết dạy trên lớp và tối về soạn bài, chấm bài thì sai hoàn toàn. Giờ GV phải làm việc cực hơn vì nhiều hồ sơ, việc chấm bài đánh giá nhận xét, sổ sách cũng cồng kềnh. Chúng tôi còn phải lên tiết dự giờ, giáo án hằng tuần phải gửi đi, nhận xét sách vở học sinh, nhận xét trên cổng thông tin, biên bản họp các kiểu...", nữ GV này kể.
Nói về thu nhập của mình, cô Thái Hoa cho biết thu nhập phụ thuộc rất nhiều khoản như lương ngân sách, lương bán trú, phụ trội, phụ cấp chức vụ, thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 của TP.HCM... Nếu GV mới ra trường lương cứng chỉ được khoảng 3 triệu đồng/tháng, những GV khác tùy vào thâm niên, bằng cấp nhưng không nhiều người quá nổi 10 triệu đồng.
Chia sẻ về vấn đề dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học, bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà sáng lập một trường tiểu học tư, cho rằng vấn đề thu nhập của GV cũng là một trong những lý do dẫn đến tình trạng này.
Theo bà Uyên Phương, hiện thu nhập của GV các trường tư thục lớn hoặc các trường có yếu tố quốc tế thường rất cao. "Việc một GV ở trường tư thục nhận lương từ 20 triệu đồng/tháng là chuyện bình thường", bà Uyên Phương nói.
Trường tiểu học dừng hoạt động vì sạt lở Trước nguy cơ trường sụp đổ, mất an toàn cho giáo viên, học sinh, trường Tiểu học Nhi Sơn, huyện Mường Lát phải dừng hoạt động. Ngày 11/9, thầy Tào Văn Sinh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nhi Sơn, cho biết từ đầu năm học 2020-2021, nhà trường buộc phải mượn tạm một số phòng học tại trường THCS Nhi Sơn để sơ...