Giáo viên mòn mỏi đợi… lương
‘Chúng tôi rất sốt ruột, bây giờ đã là cuối tháng 2 nhưng chưa nghe nhà trường thông báo gì về việc trả lương’ – cô M.T., giáo viên mầm non ở huyện Bình Chánh, TP.HCM, rầu rĩ nói.
Thầy Hà Minh Sơn (Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM) ôn tập trực tuyến môn toán cho học sinh. Ở bậc phổ thông, nhiều giáo viên vẫn giảng dạy nên trường vẫn trả lương – Ảnh: N.HÙNG
Cô M.T. cũng như trường của cô không phải là trường hợp cá biệt, khi đa số trường tư thục đều đang như ngồi trên lửa vì nguồn thu không có nhưng vẫn phải chi hằng ngày.
“Không biết phải tính thế nào”
Bà Phạm Thị Nguyên Ly, chủ một lớp mẫu giáo tư thục ở huyện Bình Chánh, thông tin: “Tôi chưa có quyết định về lương giáo viên vì còn chờ thành phố quyết định có nghỉ thêm tháng 3 nữa không.
Với tháng 2, tôi dự kiến trả lương giáo viên theo mức căn bản; tiền thi đua và chuyên cần sẽ không có vì các cô không đi làm. Nhưng nếu nghỉ hết tháng 3 nữa thì chắc chắn phải tính lại bởi chúng tôi không có nguồn thu. Nếu không thể trả theo mức lương căn bản, tôi sẽ có khoản hỗ trợ tiền thuê nhà và tiền ăn cho giáo viên”.
Tương tự, chị Lê Thị Thúy, quản trị văn phòng hệ thống Trường mầm non tư thục Mặt Trời Bé Con (Q.7, TP.HCM), cho biết nhà trường cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì học sinh nghỉ học thì không thể thu phí.
Chị Thúy kể cả hai cơ sở của nhà trường có khoảng 100 giáo viên, nhân viên, nếu nghỉ hết tháng 2 thì nhà trường còn trả lương, nhưng nếu nghỉ thêm tháng 3 thật sự không biết phải tính thế nào.
Nhà trường cũng đang dự tính có thể sẽ trả lương cho giáo viên, nhân viên một khoản đủ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (mỗi người 4,5 – 5 triệu đồng). Như vậy, mỗi tháng nhà trường phải chi hơn 1 tỉ đồng tiền lương và tiền thuê mặt bằng. Đây là gánh nặng đối với chủ trường.
Video đang HOT
“Chúng tôi cũng đang kiến nghị phía bảo hiểm thất nghiệp có chi trả phần nào cho giáo viên, nhân viên trong thời gian nghỉ làm vì dịch bệnh hay không. Ngoài ra, nhà trường cũng đề xuất đến Phòng GD-ĐT quận tham mưu UBND quận có hình thức nào hỗ trợ nhà trường cũng như các trường tư thục khác trên địa bàn quận hay không. Vì thực sự nếu nghỉ nhiều như vậy, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn.
Trong group của hơn 300 trường mầm non tư thục đã có những anh chị lên tiếng nếu nghỉ thêm một tháng nữa thì họ phải giải thể trường, chứ lấy đâu ra nguồn phí để trả lương giáo viên và trả tiền thuê mặt bằng” – chị Thúy cho hay.
Lách luật… dạy kèm
“Nhà trường đã thông báo giáo viên chúng tôi chỉ được hưởng lương cơ bản trong tháng 2-2020. Mà lương cơ bản chỉ có vài triệu đồng, tôi phải dạy kèm cho học sinh để kiếm thêm thu nhập” – cô T., giáo viên môn toán lớp 6 ở một quận vùng ven TP.HCM, bày tỏ.
Cô T. tâm sự: “Ngày thường, tôi có dạy kèm cho một nhóm học sinh. Nhưng thực hiện quy định của TP, nhóm này cũng phải nghỉ học để tránh dịch bệnh. Hai phụ huynh trong nhóm đó đã gợi ý với tôi để tôi dạy kèm cho 2 học sinh vì bé học hơi yếu, phụ huynh sợ nghỉ học lâu quá con em mình sẽ quên hết kiến thức. Tôi đồng ý ngay vì đó cũng là một cách để có thu nhập chính đáng mà không phạm luật”.
Và trên thực tế, cách này đã được nhiều phụ huynh áp dụng: “Con nghỉ học mà bố mẹ đều phải đi làm từ sáng đến tối mịt. Không biết gửi con cho ai, tôi cầu cứu cô giáo chủ nhiệm. Cô bảo: “Chở bé qua nhà cô giữ cho, gia đình cô ăn uống như thế nào thì bé ăn thế đó. Mỗi ngày cô sẽ cho bài và hỗ trợ bé làm bài tập, ôn bài”. Mình rất yên tâm” – chị Thu Huệ, phụ huynh ở quận 5, TP.HCM, kể.
Tuy vậy, nhiều giáo viên kể họ không thể đáp ứng hết nhu cầu của phụ huynh, một phần vì luật không cho phép, một phần vì sợ nhận nhiều học sinh quá khó kiểm soát, phòng tránh bệnh.
“Tôi cũng muốn có thêm thu nhập vì biết trước rằng lương của mình sẽ chỉ còn vài triệu đồng theo mức căn bản. Nhưng nếu nhận quá 3 bé thì sẽ thành nhóm trẻ gia đình không phép. Vậy nên tôi chỉ nhận 2 học sinh của phụ huynh trong lớp chính khóa của mình” – cô H.T., giáo viên mầm non ở quận Thủ Đức, TP.HCM, chia sẻ.
Ở khối phổ thông, tình hình có vẻ sáng sủa hơn. Đa số các trường phổ thông tư thục cho biết sẽ trả lương giáo viên đầy đủ, như ở Trường tiểu học, THCS, THPT Vinschool (TP.HCM).
“Mặc dù học sinh nghỉ học nhưng các thầy cô Trường Vinschool rất bận rộn, nhiều người làm cả ngày thứ bảy và chủ nhật với việc học tập, thảo luận, soạn giáo án… để dạy trực tuyến. Thế nên nhà trường vẫn trả lương cho giáo viên như ngày thường” – TS Lê Thị Ngọc Điệp, hiệu trưởng Trường tiểu học, THCS, THPT Vinschool (TP.HCM), nói.
Nhà trường và giáo viên cùng chia sẻ
“Đối với trường tư thục, học sinh không đi học tức là nhà trường không có nguồn thu. Khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Nhưng không thể vì lý do đó mà cắt lương của giáo viên. Họ đã làm với mình bao nhiêu năm, cùng mình tạo niềm tin nơi phụ huynh, đưa thương hiệu của trường lên cao, đồng thời mang lại lợi nhuận đáng kể cho chủ trường. Nay mới chỉ thất thu 1 tháng, nếu cắt lương hay cho giáo viên nghỉ việc thì còn tình nghĩa gì nữa. Trường chúng tôi kêu gọi giáo viên chia sẻ khó khăn với nhà trường, các cô sẽ hưởng mức lương căn bản: 4,5 – 5 triệu đồng/tháng trong thời gian học sinh không đi học”.
Hiệu trưởng một trường mầm non tư thục ở TP.HCM
Theo tuoitre
Giáo viên trường tư có lĩnh lương khi học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19?
Những ảnh hưởng do học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19 còn là vấn đề thu nhập của giáo viên, đặc biệt là giáo viên ở các trường ngoài công lập.
Một giáo viên trường tư tại Hà Nội dạy học trong những ngày đầu mùa dịch Covid-19, khi học sinh còn đến lớp - Ảnh: Tuyết Mai
Giáo viên có được trả lương hay không trong thời gian này rất khác nhau, phụ thuộc vào "nội lực" và quan điểm của mỗi trường.
Trường trả nguyên lương, trường không
Nhiều giáo viên (GV) Trường phổ thông liên cấp Marie Curie (Hà Nội) cho biết trong tháng 2 toàn bộ cán bộ, GV, nhân viên của trường vẫn được hưởng nguyên lương và được nhận sớm hơn mọi tháng trước. "Điều này khiến chúng tôi rất cảm động trong khi biết rằng đồng nghiệp của mình ở một số trường tư không được nhận lương", cô Lệ Anh, GV cấp THPT của trường, nói.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường phổ thông liên cấp Marie Curie, giải thích: "Tháng 2 là sau tết, các thầy cô chắc cũng phải chi tiêu nhiều, nên tôi yêu cầu bộ phận tài vụ tháng này chuyển lương sớm hơn để các thầy cô yên tâm. Giữ cho cuộc sống của mỗi cá nhân, mỗi tập thể không bị ảnh hưởng đã là cách để chúng ta góp phần "chiến thắng" dịch bệnh".
Thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cũng chia sẻ: "Học sinh (HS) nghỉ học cả tháng 2 thì nhà trường vẫn trả đủ lương 12 tháng cho cán bộ, GV. Chúng tôi tạm "vay" của phụ huynh HS học phí của tháng 2 để trả lương cho GV và dạy bù vào tháng 6 mà không thu thêm khoản phí nào nữa".
Tương tự, cô Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch hội đồng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), khẳng định GV của trường vẫn nhận nguyên lương. "Tôi cho rằng, việc HS không đến trường là do thiên tai, do yếu tố khách quan mang lại. Không thể đi rút lương của GV khiến cuộc sống của họ thêm khó khăn. Tôi là nhà giáo, tôi không thể làm như thế. GV vẫn phải làm việc, vẫn chuẩn bị bài cho HS, vẫn nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa mới, cùng các em ôn tập qua internet...", cô Hiền nói.
Trong khi đó, GV Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) tỏ ra khá tâm tư khi cho biết nhà trường sẽ không trả lương khi HS nghỉ phòng dịch. "Nghỉ tết nhà trường không trả lương cho GV nên chúng tôi cũng không hy vọng gì", một GV trường này nói.
Chấm dứt hợp đồng 1/3 nhân sự
Chủ Trường mầm mon Đôrêmi (TX.Dĩ An, Bình Dương) buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động với 1/3 GV và các nhân viên khác của trường vì không thể "kham" nổi cả bộ máy, khi không có nguồn thu từ học sinh trong thời gian trường đóng cửa phòng dịch Covid-19.
Bà Lê Thị Bé Tuyết, chủ trường, đã viết một bức tâm thư rất dài gửi tới GV của trường về việc này. Trước đó, để đưa ra quyết định, bà Tuyết cũng đã tham khảo cách giải quyết khó khăn của những trường khác. Nhưng thay vì im lặng, chọn cách không trả lương cho nhân viên trong thời điểm này, bà đã thanh toán đủ lương tháng 1 vào ngày 5.2.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, bà Tuyết cho biết: "Quỹ lương riêng trường là 350 triệu đồng/tháng. Thời gian chờ việc (khi học sinh nghỉ học) lương sẽ được trả theo thỏa thuận nhưng không được dưới mức lương tối thiểu vùng (là 4,42 triệu đồng) cùng chi phí bảo hiểm trường vẫn phải chi khoảng 240 triệu đồng/tháng cho hơn 40 nhân sự". Tuy nhiên, do không biết trường bao giờ có thể trở lại hoạt động nên bà Tuyết quyết định cắt giảm nhân sự.
"Mọi người cho rằng mình ác, nhưng thâm tâm là đang bảo vệ người lao động của mình, vì trước khi cho nghỉ mình đã thông báo cho nhân viên trước 30 ngày, nếu thời gian tới họ chưa xin được việc thì họ vẫn có thể nhận được bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc. Nếu trường hoạt động trở lại, mình sẵn sàng chào đón mọi người quay trở lại", cô Tuyết nói.
Còn bà Nguyễn Thị Sơn, Chủ tịch HĐQT Trường THCS-THPT Duy Tân (Q.10, TP.HCM), cho biết để giải quyết khó khăn khi không có nguồn thu, trường đã họp với toàn bộ GV và 80% GV của trường đã đồng ý nghỉ việc không lương trong thời gian này. Tương tự, một trường mầm non tư thục ở Q.Tân Bình (TP.HCM) cũng quyết định cắt giảm hơn 10 nhân sự trong đợt này vì không có nguồn thu khi học sinh nghỉ học.
Nguyễn Loan
Theo Thanh niên
Quyền Cục trưởng QLTT Hải Dương báo cáo gì việc bị tố nhận tiền chạy việc? Quyền Cục trưởng QLTT Hải Dương Nguyễn Thanh Hải báo cáo đoàn công tác của Tổng cục QLTT nội dung tố cáo về sai phạm trong công tác cán bộ. Quyền Cục trưởng Cục QLTT Hải Dương luôn khẳng định mình không nhận tiền "lót tay" của người lao động Nguồn tin riêng của PV Báo Giao thông cho biết, trong ngày 14/2,...