Giáo viên hợp đồng Hà Nội ngậm ngùi nhận “lì xì” sớm
Nhiều giáo viên hợp đồng Hà Nội bị cắt hợp đồng cận kề Tết Nguyên đán. Điều này khiến cho cuộc sống của họ càng thêm chật vật, khó khăn.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, cô N.T.H, giáo viên dạy Toán (huyện Phúc Thọ) không cầm nổi nước mắt khi bị cắt hợp đồng. Hơn 10 năm công tác trong ngành, đạt nhiều thành tích. Năm nay, cô H. được “lì xì” to với thông báo cắt hợp đồng.
Lương thấp, không phụ cấp, những giáo viên như cô H. được nhà trường thuê lại thỉnh giảng với mức công 50.000 đồng/ tiết. Thậm chí giáo viên phải tự bỏ tiền túi ra để đóng bảo hiểm.
Tết này là một mùa Tết khó khăn với cô H.
Không chỉ khó khăn về mặt kinh tế, những giáo viên này còn cảm thấy rất tủi thân khi bị nghề “chối bỏ” càng thêm dằn vặt.
Tâm sự này được một giáo viên hợp đồng dạy Toán tại huyện Phúc Thọ chuyển lời thông qua một bài thơ – ai đọc cũng thấy ngậm ngùi:
“Mẹ đừng buồn khi con không còn là cô giáo; Biết đâu rằng hạnh phúc đợi phía sau; Mẹ tiếc cho con nhiều năm đằng trên bục giảng; Nhưng có sá gì với các bạn của con; 18 năm, có người lâu hơn thế; Chắc cũng phải về tay trắng như con; Mẹ tiếc cho con, ai tiếc thanh xuân họ?…”.
Cô giáo N.T.H tâm sự: “Khi Thành phố có chỉ đạo công khai danh sách giáo viên hợp đồng được xét đặc cách chúng tôi cảm thấy rất vui.
Nhưng đến thời điểm này đặc cách thì không được đặc cách mà chúng tôi còn bị cắt hợp đồng. Thời điểm Tết Nguyên đán đang sắp đến, cuộc sống vốn vất vả, khó khăn lại càng chật vật hơn.
Tôi không biết sắp tới có được đặc cách không. Tuy nhiên với các làm của các Quận, huyện, thị xã khiến chúng tôi thật sự tủi thân khi dịp Tết Nguyên đán sắp đến”.
Nhiều giáo viên hợp đồng từng kỳ vọng sẽ được đặc cách trước Tết Nguyên đán (Ảnh:V.N)
Thầy giáo Nguyễn Viết Tiến ( thị xã Sơn Tây) đã từng kỳ vọng thành phố Hà Nội sẽ giải quyết vấn đề đặc cách cho giáo viên hợp đồng trước dịp Tết Nguyên đán.
Nhưng đến thời điểm này sự kỳ vọng đó đã chuyển sang nỗi thất vọng. Nguyên nhân là chưa thấy chỉ đạo xét đặc cách, nhiều huyện đã đồng loạt cắt hợp đồng của giáo viên.
Thầy Tiến chia sẻ: “Sau khi có văn bản hỏa tốc của Sở Nội vụ thành phố Hà Nội yêu cầu các Quận, huyện, thị xã phải công khai danh sách giáo viên hợp đồng đủ điều kiện đặc cách chúng tôi cảm thấy rất vui mừng.
Đặc biệt với động thái này chúng tôi còn nghĩ rằng việc đặc cách sẽ được thực hiện trước Tết Nguyên đán như một món quà mừng xuân dành cho giáo viên.
Thế nhưng đến thời điểm này chúng tôi rất buồn. Thứ nhất việc đặc cách vẫn giậm chất tại chỗ mặc dù đã có chủ trương từ trên xuống. Thứ hai nhiều đồng nghiệp tại các trường, các huyện khác đã bị cắt hợp đồng.
Những giáo viên này cuộc sống đã vất vả lại còn bị cắt hợp đồng lại càng khó khăn hơn. Tôi cho rằng đây không phải là một quyết định nhân văn và sáng suốt”.
Mong chờ quyết định xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng của thành phố Hà Nội (Ảnh:V.N)
Tại huyện Phúc Thọ, thầy Nguyễn Văn Thắng thông tin: Nhiều trường đồng loạt cắt hợp đồng của giáo viên. Điều này đẩy cuộc sống của các thầy cô vào tình trạng khó khăn, vất vả.
Bên cạnh đó cũng theo giáo viên này: Huyện Phúc Thọ không có thông báo chấm dứt hợp đồng cho giáo viên bằng văn bản.
Thầy Nguyễn Văn Thắng thắc mắc: “Việc huyện chưa có quyết định chấm dứt hợp đồng mà đã cho giáo viên nghỉ có phải là sai luật hay không?
Chúng tôi cũng cảm thấy rất thất vọng vì bị cắt hợp đồng ngay dịp Tết. Đây đúng là món quà lì xì cay đắng dành cho các giáo viên”.
Tình trạng giáo viên bị cắt hợp đồng trước Tết Nguyên đán không chỉ diễn ra tại huyện Phúc Thọ mà còn xảy ra ở nhiều Quận, huyện, thị xã khác.
Video đang HOT
Cô giáo Nguyễn Như Quỳnh, giáo viên hợp đồng huyện Chương Mỹ (Hà Nội) bày tỏ:
“Tôi cũng vừa được nhận thông báo sẽ bị cắt hợp đồng từ ngày 15/1/2020. Việc này không được báo trước mà đùng một cái thông báo trước hội đồng trường. Tôi thực sự bị sốc.
Mặc dù tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần sẽ bị cắt hợp đồng. Nhưng cảm thấy vẫn rất buồn vì chỉ còn hơn 1 tuần nữa là Tết. Tết này giáo viên hợp đồng chúng tôi sẽ sống như thế nào?”.
Trước mắt việc bị cắt hợp đồng trước Tết sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của giáo viên. Ngoài ra câu chuyện này cũng đặt ra bài toán: Thành phố Hà Nội sẽ thực hiện xét đặc cách như thế nào đối với giáo viên bị cắt hợp đồng.
Bởi cách đây khoảng 1 tháng, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội đã có công văn số 3037/SNV-XDCQ: Về việc thống kê số lượng biên chế giáo viên và tổng hợp danh sách giáo viên hợp đồng lao động.
Nhiều giáo viên hợp đồng đủ điều kiện nhưng không được đặc cách vì thiếu chỉ tiêu (Ảnh:V.N)
Trong công văn này nói rõ: Điều kiện xét đặc cách được áp dụng cho các giáo viên đang có hợp đồng tại các trường công lập. Với điều kiện này gây khó khăn rất lớn cho giáo viên đã bị cắt hợp đồng.
Tuy nhiên sau khi dư luận phản ứng, Sở Nội vụ đã có văn bản đưa ra những điều kiện đặc cách cho giáo viên theo công văn 5378 của Bộ Nội vụ.
Sau đó Sở Nội vụ cũng có công văn hỏa tốc yêu cầu các Quận, huyện, thị xã lập danh sách công khai giáo viên hợp đồng đủ điều kiện đặc cách.
Với những bước đi “đầy bất ngờ” như vậy giáo viên hợp đồng bày tỏ lo lắng: Liệu một lần nữa tiêu chuẩn giáo viên phải đang hợp đồng trong các trường công lập lại được đưa ra để làm khó giáo viên?
Bên cạnh đó việc đặc cách cho giáo viên rất khó có thể xảy ra trước Tết Nguyên đán.
Sau dịp nghỉ Tết, giáo viên cũng mong muốn thành phố Hà Nội sớm có câu trả lời cho họ. Còn cái Tết này đối với giáo viên hợp đồng như cô H. chắc chắn sẽ bớt vui rồi.
Vũ Ninh
Theo giaoduc.net
Giáo viên hợp đồng bồng con lên Hà Nội níu kéo chút hy vọng mong manh
6 giờ sáng, chị N.T.T dắt díu đứa con gái nhỏ (4 tuổi) lên chuyến xe cùng các giáo viên hợp đồng về Thủ đô nhằm níu kéo một chút hi vọng mong manh.
Níu kéo hy vọng mong manh
12 giờ trưa, ngày 9/10/2019, gần 100 giáo viên hợp đồng có mặt tại trụ sở tiếp công dân thành phố Hà Nội.
Những giáo viên bị mất việc sau hàng chục năm giảng dạy đang cố gắng níu kéo một chút hi vọng kéo họ ra khỏi "vũng lầy" trong suốt 6 tháng qua.
Thế nhưng, giáo viên càng vùng vẫy càng bị chôn chân, lún sâu hơn.Trong "vũng lầy" đó dù nhiều lần đã có đơn thư gửi các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, nhiều lần lên thành phố Hà Nội.
Hai mẹ con chị N.T.T, giáo viên hợp đồng Ba Vì, dắt díu nhau theo đoàn xe xuống Thủ đô.
Gần 10 năm công tác trong ngành giáo dục, cô T. vui vẻ khi nói về nghề: "Tôi dạy ở trường nhiều lần còn đứng Nhất trong hội thi giảng dạy".
Thế nhưng khi nhắc đến vế sau, cô T. buồn hẳn: "Vậy mà mình vẫn bị cắt hợp đồng. Bây giờ không có việc làm, phải ở nhà chăm con".
Đứa bé vẫn hồn nhiên cười đùa, đối với em đây chỉ đơn thuần là một chuyến đi chơi xuống Thủ đô.
Nhưng đối với chị T. - mẹ em cùng nhiều giáo viên hợp đồng tại các huyện đây thực sự là một việc "cực chẳng đã".
Nói về cuộc sống khó khăn sau khi bị cắt hợp đồng, chị T. tâm sự: "Trước kia đi dạy, cách nhà 18-20km, lương 1.3 triệu đồng/ tháng. Nói thật không đủ cả tiền xăng, tiền lương đúng chỉ đủ tiền mua bỉm cho con.
Nhưng bây giờ mất việc rồi phải ở nhà trông con. Trước đây cũng cho cháu đi học nhưng bây giờ mẹ ở nhà trông con luôn, tiết kiệm mỗi tháng mấy trăm nghìn tiền đi lớp".
Hai mẹ con chị T. có mặt tại Hà Nội để kêu cứu (Ảnh:V.N)
Những lời tâm sự thật lòng của cô T. khiến những người làm báo giáo dục như chúng tôi không khỏi xót xa.
Trước đây khó ai có thể nghĩ được rằng: Cuộc sống của giáo viên tại Hà Nội lại éo le và khổ sở như vậy.
Năm học này, cô T. không còn được đến trường khai giảng, ra đường bà con ai cũng hỏi: Sao hôm nay (5/9) không đến trường. Nhiều người hiểu chuyện họ lảng đi: À chị hiểu rồi.
Mất việc, nhiều giáo viên hợp đồng phải làm thuê, làm mướn hoặc ở nhà. Từng này tuổi, thầy Tăng, giáo viên hợp đồng Ba Vì phải đi làm nghề thợ hàn, lắp đặt điều hòa... để có thêm thu nhập.
Cô T. ở nhà trông con, ai thuê gì thì làm lấy, nhiều khi người ta trả công vài chục nghìn cũng quý. Có cô Thủy phải ở nhờ nhà người khác, cô H. đi làm giúp việc.
Trong chuyến đi của những giáo viên hợp đồng, cô L.T.V.T, chửa "vượt mặt" (tháng thứ 8) cũng vác bụng bầu lên Thủ đô. Cô T. lo lắng cho đứa con ra đời, bao nhiêu khoản phải chi tiêu còn mẹ thì thất nghiệp.
Ngồi trước trụ sở tiếp công dân thành phố Hà Nội là những gương mặt hốc hác và mệt mỏi.
Gần 6 tháng từ thời điểm giáo viên hợp đồng Sóc Sơn kêu cứu, đã có rất nhiều công văn, phát biểu của các lãnh đạo hứa sẽ giải quyết và có chế độ ưu tiên dành cho giáo viên hợp đồng tại Hà Nội.
Thế nhưng, đến nay, hy vọng về một chính sách nhân văn gần như tắt ngấm khi đại diện Sở Nội vụ thành phố Hà Nội trả lời thẳng thừng: Gần 3000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội không một ai có đủ điều kiện để xét đặc cách.
Giáo viên hợp đồng trong tình cảnh hiện tại như những con thiêu thân, dù chỉ thấy một đốm lửa, một tia ánh sáng nhỏ nhoi cũng bấu víu lấy chút hi vọng.
Cô V.T. bụng bầu 8 tháng cũng lên Hà Nội kiến nghị (Ảnh:V.N)
Cô Thủy cũng tâm sự thật: "Gấn 6 tháng nay chúng tôi không có tâm trí nào mà làm việc mà lo cho gia đình. Công tác gần 20 năm, lương thấp đến nay bị mất việc coi như trắng tay.
Ngay cả trong giấc mơ cũng có lần tôi mơ thấy mình được tiếp tục đi dạy. Khi tỉnh lại mới biết hiện thực nó quá phũ phàng".
Trong ngày 9/10/2019, gần 100 giáo viên hợp đồng các huyện đến Bộ Nội vụ, trụ sở tiếp công dân thành phố Hà Nội nhằm níu kéo một chút hy vọng.
Thầy Phùng Đức Tăng, giáo viên hợp đồng huyện Ba Vì nói: "Chúng tôi mong sẽ có một cơ chế tháo gỡ những điều kiện xét đặc cách trong Nghị định 161.
Vì hiện nay tại Hà Nội không có một trường công nào tự chủ tài chính. Và nếu Hà Nội không giáo viên nào được xét đặc cách thì tôi tin cả nước không có ai có đủ điều kiện. Vì sao từ chính sách đến thực tiễn lại cách xa đến vậy?".
"Khó" như thành phố Hà Nội
Bộ Nội vụ đã có công văn chỉ đạo cho các địa phương chủ động trong việc tuyển dụng viên chức giáo dục.
Mặc dù thành phố Hà Nội là Thủ đô, được cả nước nhìn vào nhưng có thể nói đến thời điểm này rất khó có cơ hội cho giáo viên hợp đồng.
Gần 3000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội không một ai có đủ điều kiện để xét đặc cách.Bởi đại diện Sở Nội vụ thành phố Hà Nội đã nhiều lần khẳng định:
Đồng nghĩa giáo viên hợp đồng cũng không được hưởng bất kỳ ưu tiên nào, nếu không tham gia thi coi như sẽ bị mất việc.
Trong khi đó đến nay, thành phố Hà Nội cũng đã rục rịch chuẩn bị tổ chức kỳ thi viên chức trong thời gian từ tháng 10 - tháng 12.
Đối với các Quận, huyện không tổ chức xét tuyển, số giáo viên hợp đồng buộc phải lựa chọn: thi không đỗ mất việc, nghỉ cũng mất việc.
Điều này có trái với phát biểu của Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung. Cụ thể, trong phiên giải trình tại kỳ họp thứ 9 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội chiều 9/7/2019.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung có nói: "Điều kiện được xét tuyển là các giáo viên này có hợp đồng và đóng bảo hiểm trong suốt thời gian qua.
Thứ hai là kiểm tra sức khoẻ, và trình độ năng lực phải phù hợp với điều kiện mô tả vị trí việc làm.
Cụ thể là giáo viên dạy môn gì, khoa gì phải phù hợp với môn đó, khoa đó của trường định tuyển dụng.
Trên cơ sở đó, chúng tôi giao cho các quận, huyện thành lập hội đồng để xét tuyển.
Thành phố dự kiến chỉ xét tuyển đối với giáo viên có hợp đồng trên 5 năm, số còn lại phải thi tuyển. Sau khi xét tuyển hết mới thi tuyển số còn lại".
Một số giáo viên hợp đồng tại huyện Ba Vì (Ảnh:V.N)
Tuy nhiên, theo thông báo số: 2239 - Lịch tổ chức thi tuyển, xét tuyển viên chức các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Ủy ban Nhân dân Quận, huyện, thị xã năm 2019: Ngày thi tuyển viên chức sẽ diễn ra từ 15/10/2019 đến ngày 17/11/2019 (vòng 1 vòng 2). Ngày xét tuyển từ 17/11/2019 đến 30/11/2019.
Như vậy không đúng theo tiêu chí: Xét tuyển hết số giáo viên hợp đồng rồi mới thi tuyển.
Đối chiếu với một số địa phương như Quảng Nam. Địa phương này đã ban hành quyết định số 3166 về việc thành lập Hội đồng xét tuyển viên chức ngành giáo dục.
Tại tỉnh Hải Dương, hơn 3800 giáo viên hợp đồng, nhân viên hợp đồng phấn khởi khi tỉnh cho phép các trường kéo dài hợp đồng đến khi tổ chức tuyển dụng xong.
Như vậy có thể thấy mỗi địa phương sẽ có một cách làm khác nhau. Về cơ bản Hà Nội đã không thực hiện được 2 cam kết:
Thứ nhất: Giải quyết xong vấn đề giáo viên hợp đồng trước thềm năm học mới
Thứ hai: Xét tuyển hết số giáo viên hợp đồng rồi mới tổ chức thi tuyển viên chức.
Bên cạnh đó mặc dù nhiều lần đã có chỉ đạo từ Trung ương nhưng tại huyện Mỹ Đức, giáo viên hợp đồng vẫn đang hưởng lương 1.2 triệu đồng và không được đóng bảo hiểm xã hội.
Sự mệt mỏi lộ rõ của giáo viên hợp đồng lên Hà Nội (Ảnh:V.N)
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã từng phân tích: Vướng mắc về điều kiện xét đặc cách cho số giáo viên hợp đồng tại Hà Nội nằm ở điều kiện - giáo viên làm việc trong các trường công lập tự chủ tài chính.
Nhưng thực tế lại không có giáo viên hợp đồng nào đủ điều kiện (như trả lời của đại diện Sở Nội vụ). Điều này đặt ra vấn đề: Khi chính sách xa rời và không phù hợp với thực tiễn.
Trong thời gian này, những giáo viên như cô T. vẫn hy vọng một chính sách nhân văn, hợp lý, hợp tình dành cho họ.
Liệu họ có thể lách qua khe cửa ngày càng hẹp? Điều này rất cần các chính sách nhân văn, ưu tiên đến từ Thành phố.
Vũ Ninh
Theo giaoduc.net
Giáo viên hợp đồng Hà Nội: Mong "lì xì" trước Tết Dù tất cả các quận, huyện, thị xã đã công bố danh sách các giáo viên đủ điều kiện được xét tuyển đặc biệt, nhưng gần 3.000 giáo viên hợp đồng (GVHĐ) tại Hà Nội vẫn... đứng ngồi không yên vì TP chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, chỉ tiêu cụ thể đến từng quận, huyện, thị xã và các trường....