Giáo viên bức xúc với so sánh viên chức làm 8 tiếng/ngày!
Nếu tất cả giáo viên cùng vào trường làm việc hành chính 8 tiếng/ngày thì họ ngồi ở đâu để làm việc, nhất là những trường loại I ở khu vực đô thị?
Ngày 14/1/2021, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết Rất nhiều giáo viên phổ thông làm việc không đủ 8 giờ/ngày tại trường của tác giả Nhật Khoa, bài viết này đã nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả.
Đặc biệt, ngay sau khi bài viết được đăng tải thì đã có rất nhiều phản hồi từ bạn đọc và phần lớn các phản hồi không đồng tình với quan điểm đã nêu trong bài viết của tác giả Nhật Khoa.
Chúng tôi cho rằng vấn đề mà tác giả Nhật Khoa nêu trong bài viết cũng có những cái lý riêng nhưng có lẽ nó sẽ không phù hợp với đặc điểm, tình hình công việc của các trường học phổ thông ở nước ta hiện nay.
Ngoài giờ lên lớp thì giáo viên còn phải làm rất nhiều công việc trường lớp lúc ở nhà – (Ảnh minh họa: baonghean.vn).
Phần lớn giáo viên đang làm việc hơn 40 tiếng/ tuần
Hiện nay, giáo viên phổ thông đang thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, công tác theo quy định của nhà nước. Đó là dạy theo số tiết quy định của từng cấp học (tác giả Nhật Khoa đã trích dẫn) và thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của thủ trưởng đơn vị.
Vì thế, nếu giáo viên dạy thiếu tiết thì Hiệu trưởng nhà trường có thể phân công thực hiện một số nhiệm vụ khác cho đủ số tiết quy định và điều này các nhà trường đã và đang thực hiện.
Nếu giáo viên dạy thừa tiết theo quy định thì giáo viên sẽ được hưởng tiền thừa giờ. Tuy nhiên, chuyện giáo viên được tính tiền thừa giờ những năm gần đây rất hiếm vì thực hiện khoán kinh phí cho từng đơn vị nên Ban giám hiệu nhà trường luôn tính toán đúng định biên để không phát sinh thừa giờ trong năm học.
Việc phân công nhiệm vụ của các trường học hiện nay cũng đang được Phòng, Sở Giáo dục (tùy cấp quản lý) phê duyệt rất kĩ. Đầu năm học, khi Ban giám hiệu phân công nhiệm vụ cán bộ, giáo viên, nhân viên thì các kế hoạch này đều phải thông qua cấp quản lý trực tiếp.
Vì thế, nếu tính như tác giả Nhật Khoa thì giáo viên dạy tiểu học 23 tiết (35 phút/ tiết) và giáo viên trung học cơ sở 19 tiết và trung học phổ thông là 17 tiết (mỗi tiết/ 45 phút) thì rõ ràng mỗi tuần chưa đủ 5 ngày và mỗi ngày có 8 tiếng ở trường như những công chức, viên chức làm việc hành chính.
Nhưng, thử hỏi có giáo viên nào ngoài việc dạy số tiết theo quy định mà về nhà không phải làm việc trường, việc lớp hay không?
Khi đã lên lớp thì không thể lơ là được mà thường là giáo viên phải “cháy” hết mình trước học trò. Thời gian làm việc trên lớp thường liên tục, căng thẳng với rất nhiều “vai” khác nhau. Mỗi lớp có sĩ số 45, thậm chí là trên 50 học trò nên bao giờ giáo viên cũng phải nói to hết cỡ…
Buổi tối, ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ thì giáo viên vẫn tất bật với giáo án, chấm bài, kế hoạch, bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn, vận động học sinh, tham gia hoạt động ngoại khóa cùng học sinh…
Thậm chí, theo luật Lao động thì công chức, viên chức được nghỉ các ngày Lễ như: ngày Tết dương lịch; giỗ Tổ; ngày 30/4; 1/5; ngày 2/9…theo quy định. Thế nhưng, giáo viên chưa bao giờ được “nghỉ không” các ngày này. Cứ nghỉ là thầy và trò phải dạy và học bù.
Đành rằng là có tình trạng giáo viên dạy thêm, làm thêm, bán hàng online như tác giả Nhật Khoa nói nhưng đó là khi họ đã hoàn thành nhiệm vụ của mình ở trường, chứ ai dám bỏ việc đứng lớp để đi làm thêm?
Nếu tất cả giáo viên cùng làm việc 8 tiếng ở trường
Tác giả Nhật Khoa lại đặt vấn đề: ” Để chấm dứt việc giáo viên không làm hết hoặc thực hiện công việc chậm trễ hạn chế giáo viên vi phạm về thời gian, giáo viên dạy thêm giờ hành chính,… thì việc quy định mỗi giáo viên làm việc giờ hành chính là một vấn đề tất yếu.
Nếu giáo viên cùng vào trường làm việc 8 giờ/ngày theo giờ hành chính thì đa số mọi công việc trên được giáo viên thực hiện tốt, giáo viên sẽ được tham gia hoạt động tập thể nhiều hơn, sinh hoạt chuyên môn nhiều hơn, các hoạt động trải nghiệm nhiều hơn, công việc chấm, trả bài cho học sinh,…sẽ được đảm bảo.
Video đang HOT
Khi đó đương nhiên tinh thần đoàn kết trong trường sẽ tăng lên, giáo viên làm việc hiệu quả hơn, học sinh chắc chắn sẽ học tốt hơn, thương yêu thầy cô hơn, bạo lực học đường cũng từ từ biến mất.
Tôi cho rằng giáo viên làm việc giờ hành chính tại trường chính là điều mà phụ huynh mong muốn và được một số giáo viên mong muốn để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.
Giáo viên làm việc giờ hành chính tại trường thì đa số mọi công việc của giáo viên được giải quyết, hạn chế tình trạng giáo viên dạy thêm, học sinh cũng hạn chế học thêm mà thay vào đó là tham gia các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa, thể dục thể thao, tự học,…dưới sự hướng dẫn của giáo viên “.
Riêng, cá nhân tôi không cho là như vậy bởi các lý do như sau:
Thứ nhất : nếu trong trường mà có giáo viên ” không làm hết hoặc thực hiện công việc chậm trễ ” thì thử hỏi giáo viên đó có tồn tại trong môi trường giáo dục được hay không?
Chẳng hạn, chỉ cần khi kiểm tra học kỳ, nếu giáo viên vào điểm trễ thì cả trường phải đợi để tổng kết vì phần mềm điểm không tổng kết được cho học trò.
Nếu có giáo viên như vậy mà tổ chuyên môn và Ban giám hiệu nhà trường để yên cho hay sao? Vậy, sinh ra Ban giám hiệu, tổ chuyên môn để làm gì?
Thứ hai : sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường, tổ chuyên môn cũng phải có kế hoạch chứ đâu phải ngày nào cũng vào sinh hoạt chuyên môn hay sao?
Làm gì có chuyện giáo viên làm việc 8 tiếng ở trường thì ” sẽ được tham gia hoạt động tập thể nhiều hơn, sinh hoạt chuyên môn nhiều hơn, các hoạt động trải nghiệm nhiều hơn.. ” như tác giả Nhật Khoa nêu ý kiến?
Thứ ba : tác giả Nhật Khoa cho rằng nếu giáo viên làm việc 8 tiếng ở trường thì ” bạo lực học đường cũng từ từ biến mất ” là chưa thực sự có cái nhìn khách quan về tình trạng bạo lực học đường hiện nay.
Bởi, cho dù làm việc hành chính 8 tiếng/ ngày thì đến giờ giáo viên vào, hết giờ giáo viên về. Giờ hành chính thì các lớp đều vào học, trong lớp có giáo viên bộ môn, bên ngoài có bộ phận ngoài giờ, bảo vệ nhà trường.
Chẳng lẽ, giáo viên làm việc hành chính thì họ đứng ngoài sân để canh học trò nhằm hạn chế bạo lực học đường hay sao? Trong trường học các nhiệm vụ thường được phân công rất cụ thể cho từng vị trí việc làm.
Thứ tư : nếu tất cả giáo viên cùng vào trường làm việc hành chính thì họ ngồi ở đâu để làm việc, nhất là những trường loại I ở khu vực đô thị?
Trong trường học hiện nay làm gì có phòng riêng để giáo viên cả trường vào làm việc hành chính? Nhiều trường học ở thành phố bây giờ đến phòng hiệu trưởng, phó hiệu trưởng còn chưa có.
Thậm chí có những trường học hiện nay, tất cả ban giám hiệu, nhân viên nhà trường cùng ngồi làm việc chung ở 1 một phòng học (bố trí thành phòng chức năng) thì giáo viên lấy đâu ra phòng để ngồi làm việc như soạn giáo án, chấm bài, nhập điểm…?
Mỗi trường thường có một phòng giáo viên nhưng thông thường đây là 1 phòng học để giáo viên ngồi chờ, nghỉ ngơi khi hết tiết hoặc chưa đến tiết. Và, phòng này cũng được bố trí để các tổ chuyên môn họp chuyên môn hàng tuần theo ngày bộ môn.
Vậy, chẳng lẽ giáo viên kê một cái bàn ngoài sân trường để soạn giáo án, làm kế hoạch hay kê gối lên để…chấm bài?
Thực ra, còn nhiều vấn đề nữa mà trong phạm vi một bài báo chúng tôi không thể nói hết ý. Song, vấn đề mà tác giả Nhật Khoa nêu trong bài viết Rất nhiều giáo viên phổ thông làm việc không đủ 8 giờ/ngày tại trường có lẽ nó không hoặc chưa phù hợp với thực tế giáo dục nước ta hiện nay.
Những điều không hoặc chưa phù hợp đó thì tác giả có thể đọc thêm các phản hồi của bạn đọc dưới bài viết Rất nhiều giáo viên phổ thông làm việc không đủ 8 giờ/ngày tại trường của mình!
Tài liệu tham khảo:
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/rat-nhieu-giao-vien-pho-thong-lam-viec-khong-du-8-gio-ngay-tai-truong-post214383.gd
Rất nhiều giáo viên phổ thông làm việc không đủ 8 giờ/ngày tại trường
Mọi cán bộ, công chức viên chức có thể làm thêm nhưng hầu hết đều phải làm ngoài giờ, còn việc giáo viên làm thêm giờ hành chính để thu tiền là vấn đề đáng bàn.
Thời gian làm việc của giáo viên theo tiết dạy hay theo giờ hành chính như các cán bộ, công viên chức khác là một vấn đề gây nhiều ý kiến trái chiều hiện nay.
Thực trạng nhiều giáo viên ở các trường phổ thông lấy giờ hành chính để dạy thêm, bán hàng, hay làm các việc khác,... dẫn đến không còn thời gian để thực hiện các nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục khác gây nhiều ý kiến trái chiều và bức xúc trong dư luận.
Mọi cán bộ, công chức viên chức khác có thể làm thêm nhưng hầu hết đều phải làm ngoài giờ, còn việc giáo viên làm thêm giờ hành chính để thu tiền, hưởng lợi là vấn đề đáng bàn.
Thời gian làm việc của giáo viên phổ thông tại trường
Tại các trường phổ thông, đa số giáo viên giảng dạy theo tiết quy định mỗi tuần như giáo viên tiểu học đến giáo viên trung học phổ thông từ 15 tiết/tuần đến 23 tiết/tuần.
Cụ thể, tại Điều 6 văn bản hợp nhất Số: 03/VBHN-BGDĐT hợp nhất Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT và Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT quy định về định mức tiết dạy của giáo viên như sau:
" Điều 6. Định mức tiết dạy
Định mức tiết dạy là số tiết lý thuyết hoặc thực hành của mỗi giáo viên phải giảng dạy trong một tuần, cụ thể như sau:
1. Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết;
2. Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú là 17 tiết ở cấp trung học cơ sở, 15 tiết ở cấp trung học phổ thông;
Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú là 21 tiết ở cấp tiểu học, 17 tiết ở cấp trung học cơ sở;
Định mức tiết dạy của giáo viên trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật là 21 tiết đối với giáo viên ở cấp tiểu học, 17 tiết đối với giáo viên ở cấp trung học cơ sở.[...]"
Có nên bắt buộc giáo viên phổ thông làm việc 8 giờ ngày tại trường? (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa: Lã Tiến)
Về nhiệm vụ của giáo viên thì giảng dạy và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của luật Giáo dục, Luật Viên chức và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Về thời gian làm việc tại trường hiện nay quy định tại các văn bản chưa được rõ, đa số giáo viên chỉ dạy đủ số tiết quy định trên và thực hiện các công việc khác theo phân công.
Hiện nay chỉ có hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và các nhân viên làm việc theo giờ hành chính 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần, các giáo viên còn lại đa số đều chỉ thực hiện công việc theo số tiết quy định.
Ví dụ một giáo viên dạy trung học phổ thông mỗi tuần quy định 17 tiết thì chỉ cần dạy 4-5 buổi mỗi tuần, có giáo viên nếu phân công dạy ngày chỉ khoảng 2-3 ngày/tuần.
Thời gian dạy trên lớp không nhiều nhưng nhiều giáo viên cho rằng không có thời gian nghiên cứu khoa học, soạn giáo án, kế hoạch, bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ, tin học, không có đủ thời gian chấm bài, không có thời gian tham gia các hoạt động phong trào, trải nghiệm và hướng dẫn học sinh trải nghiệm, sinh hoạt chuyên môn, hội họp, chuyên đề,...
Thực tế có nhiều giáo viên sau khi dạy hết tiết định mức theo quy định, phân công hầu như dành thời gian còn lại làm các việc khác như dạy thêm, bán hàng, công việc cá nhân, gia đình,...nên nhiệm vụ bị chậm trễ, không hiệu quả.
Khi nhà trường càn tham gia hoạt động, phong trào,... do giáo viên đã nghỉ ở nhà nên việc điều động, phân công giáo viên giải quyết công việc vô cùng khó khăn.
Tăng lương và làm việc 8 giờ/ngày tại trường là tất yếu
Theo quy định hiện nay, giáo viên mặc dù giảng dạy theo các tiết định mức quy định tuy nhiên thời gian còn lại đáng lý giáo viên phải thực hiện các công việc khác theo quy định, tuy nhiên nhiều giáo viên lấy giờ hành chính để dạy thêm, để bán hàng, thậm chí thực hiện các việc vi phạm pháp luật,... gây bức xúc trong nhân dân.
Nhiều giáo viên cho rằng không có thời gian nghiên cứu khoa học, soạn giáo án, kế hoạch, bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ, tin học, không có đủ thời gian chấm bài, không có thời gian tham gia các hoạt động phong trào, trải nghiệm và hướng dẫn học sinh trải nghiệm, sinh hoạt chuyên môn, hội họp, chuyên đề,...
Thực tế do giáo viên lấy giờ hành chính thực hiện các công việc khác dẫn đến hết quỹ thời gian, nên các nhiệm vụ thực hiện chậm trễ, không đồng bộ, không hiệu quả, khó kiểm tra giám sát của tổ trưởng chuyên môn, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng,...
Để chấm dứt việc giáo viên không làm hết hoặc thực hiện công việc chậm trễ hạn chế giáo viên vi phạm về thời gian, giáo viên dạy thêm giờ hành chính,... thì việc quy định mỗi giáo viên làm việc giờ hành chính là một vấn đề tất yếu.
Nếu giáo viên cùng vào trường làm việc 8 giờ/ngày theo giờ hành chính thì đa số mọi công việc trên được giáo viên thực hiện tốt, giáo viên sẽ được tham gia hoạt động tập thể nhiều hơn, sinh hoat chuyên môn nhiều hơn, các hoạt động trải nghiệm nhiều hơn, công việc chấm, trả bài cho học sinh,...sẽ được đảm bảo.
Khi đó đương nhiên tinh thần đoàn kết trong trường sẽ tăng lên, giáo viên làm việc hiệu quả hơn, học sinh chắc chắn sẽ học tốt hơn, thương yêu thầy cô hơn, bạo lực học đường cũng từ từ biến mất.
Tôi cho rằng giáo viên làm việc giờ hành chính tại trường chính là điều mà phụ huynh mong muốn và được một số giáo viên mong muốn để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Giáo viên làm việc giờ hành chính tại trường thì đa số mọi công việc của giáo viên được giải quyết, hạn chế tình trạng giáo viên dạy thêm, học sinh cũng hạn chế học thêm mà thay vào đó là tham gia các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa, thể dục thể thao, tự học,... dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Giáo viên cũng như mọi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác đều phải bình đẳng trước pháp luật, mọi người đều được thụ hưởng chính sách lương, phụ cấp, thưởng,...theo quy định của pháp luật và mọi người phải làm việc giờ hành chính, phải toàn tâm toàn ý, có trách nhiệm với công việc.
Mọi việc được giải quyết tại trường, khi thực hiện công việc tại trường sẽ có giáo viên khác thảo luận, trao đổi nên chất lượng dạy và học của giáo viên và học sinh sẽ nâng lên.
Bên cạnh đó, việc tăng lương giáo việc làm cấp thiết, hiện nay lương giáo viên còn thấp nên việc yêu cầu giáo viên thực hiện 8 giờ/ngày sẽ chưa phù hợp.
Do đó, tăng lương và giáo viên làm việc 8 giờ/ngày theo giờ hành chính là 2 mệnh đề song song, thực hiện đồng bộ.
Hiện nay, lương giáo viên trả theo kiểu cào bằng, giáo viên lớn tuổi lương cao, giáo viên trẻ thấp, không theo hiệu quả công việc,...
Mong các cấp lãnh đạo nghiên cứu trả lương theo hiệu quả công việc, giáo viên nào dành nhiều thời gian, tâm huyết và hiệu quả hơn thì được trả lương cao hơn có như vậy mới thúc đẩy mọi giáo viên cố gắng làm việc để chất lượng tốt hơn.
Việc quy định giáo viên làm việc tại trường giờ hành chính tại trường nhằm giải quyết nhiệm vụ của giáo viên và các nhiệm vụ khác tại trường là một trong những cách để giải quyết những mâu thuẫn, bức xúc hiện nay cũng là cách để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.
Việc thay đổi trên, nhất là đối với giáo viên tôi cho rằng sẽ khó tuy nhiên vì lợi ích của giáo dục, lợi ích của học sinh việc thay đổi thời gian làm việc của giáo viên nên được nghiên cứu thông qua hiệu quả ngay từ bây giờ để đảm bảo học sinh, giáo viên là người thụ hưởng những điều tốt đẹp mà giáo dục mang lại.
Thực trạng dạy thêm, học thêm trái phép, tràn lan hay bạo lực học đường sẽ giảm bớt đáng kể khi giáo viên làm việc 8 giờ/ngày theo giờ hành chính và học sinh được học 2 buổi/ngày.
Do đó, theo quan điểm cá nhân người viết cho rằng phải tiến tới việc giáo viên giảng dạy, thực hiện nhiệm vụ tại trường trong giờ hành chính, nên việc quy định giáo viên đi theo giờ hành chính là cần thiết.
Thông qua bài viết, rất mong nhận được nhiều ý kiến quan tâm, trao đổi, đóng góp của quí bạn đọc trong cả nước về vấn đề quy định giáo viên làm việc 8 giờ/ngày trong giờ hành chính tại cơ quan để cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu và có giải pháp phù hợp trong thời gian tới.
Nhiều giáo viên phải thi tuyển lại viên chức trước 31/12/2020 Nhiều giáo viên (có người công tác 10 - 20 năm) lo ngại có thể bị thu hồi quyết định tuyển dụng hoặc phải thi tuyển dụng lại mà không đạt sẽ như thế nào? Hiện nay, giáo viên trong cả nước đang rất lo lắng vì sau khi có công văn của Bộ Nội vụ về rà soát, xử lý các trường...