Giao trẻ lớp 2 cho CA: Công khai xin lỗi
Thông tin em T. ( học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM) do bị cô giáo nghi ngờ lấy trộm của cô hơn 1 triệu đồng nên bị giải về công an xã lấy cung làm dư luận bất bình.
Đáng nói là không chỉ có T. mà còn có cả anh của T. đang học tiểu học cũng bị giữ ở xã suốt buổi trưa để công an xã điều tra. Đến chiều hai em mới được thả ra sau khi cô giáo nhận ra tiền vẫn còn trong giỏ của mình.
Sáng 25/12, PV đã tìm đến căn chòi mà hai anh em T. cùng bà ngoại đang ở tại tổ 6, ấp Trung Hiệp Thạnh (xã Trung Lập Thượng, TPHCM). Khi thấy người lạ đến, anh em T. cứ né ra phía sau căn chòi ngồi. T. không nói gì nhiều, chỉ cúi đầu trả lời “không” hoặc “sợ”… Còn anh của T. thì nói: “Công an hỏi cháu có nhận tiền từ T. đưa không, nếu có thì trả lại nhưng cháu không biết gì cả”. Lúc em nói “công an hăm đánh cháu”, lúc bảo “không có dọa đánh”. Bà ngoại hai em kể: “Ba má hai đứa đã bỏ nhau, giờ ai cũng có gia đình riêng. Trước giờ hai đứa sống với tôi. Hôm nào khỏe tôi đan liếp kiếm ít chục ngàn lo bữa ăn cho ba bà cháu… Chuyện xảy ra cũng đã lâu (hôm 26/11) nhưng nay tôi vẫn thấy không vui. Tại sao họ không đợi tôi về rồi hãy hỏi han để hai cháu đỡ tủi thân?”.
Trường tiểu học Trung Lập Thượng – nơi xảy ra sự việc
Theo luật định, đối với con chưa thành niên thì cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật. Tại sao công an xã lại “tra khảo” hai trẻ khi không có cha, mẹ trẻ? Trường hợp cha, mẹ T. không sống tại địa phương, vì sao công an xã không mời bà ngoại là người đang trực tiếp nuôi dưỡng hai cháu đến làm việc?
Chúng tôi đã tìm đến công an xã để làm rõ vụ việc nhưng “lãnh đạo đều đi họp”.
Video đang HOT
Bà Lê Thị Phương Hồ, Bí thư xã Trung Lập Thượng, chỉ cho biết: “Khi nghe tin cô giáo đã tìm được tiền, chúng tôi tổ chức ngay cuộc họp với ban giám hiệu nhà trường, cô giáo, lãnh đạo công an xã. Tất cả những người này đều phải làm bản tường trình và chúng tôi đã tiến hành kiểm điểm rút kinh nghiệm. Chúng tôi đã yêu cầu cô giáo phải trực tiếp đến nhà của cháu T. để xin lỗi và cô giáo đã thực hiện. Đại diện lãnh đạo xã cũng có đến xin lỗi T. và gia đình”.
Bà Hồ giải thích thêm: “Sự thực thì không có việc công an xã đã lấy cung, áp giải anh em cháu T. từ trường học về trụ sở công an xã. Trước đây, cháu T. đã có vài lần lục túi xách người khác để lấy trộm tiền. Những lúc như vậy, một công an viên ở gần nhà T. đã lựa lời khuyên cháu. Và cháu đã nghe lời đi đến chỗ giấu tiền lấy trả lại cho người bị mất. Lần cô giáo nói mất tiền, có học sinh đã chỉ cháu T. lấy và bản thân cháu T. cũng thừa nhận mình đã lấy. Do vậy, công an viên trên đã đưa cháu về trụ sở để thuyết phục. Vì công an xã suy luận chủ quan và có những hành động vội vàng nên mới để xảy ra việc không hay như trên”.
Sẽ xin lỗi trước giáo viên và học sinh
Theo bà Lê Thị Phương Hồ: “Trước đây bà P.T.T. (bà ngoại em T.) cũng có nhà đàng hoàng ở gần căn chòi hiện tại, khi đó bà ở chung với hai anh em T. và con trai út. Tuy nhiên, cách đây hơn hai năm, do gia đình không hòa thuận, bà T. đã tách ra ở riêng.
Căn chòi của ba bà cháu trống trước trống sau (Ảnh: Thành Nhân – Pháp luật TPHCM)
Từ đó hộ của bà P.T.T. là hộ nghèo của xã. Hằng năm đến ngày khai giảng, xã đều tặng tập cho hai anh em T. đi học. Cuối năm học 2011-2012, Th. – anh trai của T., cũng được xã trao học bổng khuyến học (500.000 đồng). Ngoài ra dịp lễ, tết xã đều tặng quà cho hộ gia đình bà T.”. Bà Hồ còn cho biết thêm: “Chúng tôi đang cố gắng vận động để xây dựng nhà tình thương cho hộ gia đình này. Cái khó khăn của xã là hiện tại còn đến 19 hộ gia đình đặc biệt khó khăn, tức là còn khó khăn hơn cả hộ gia đình bà P.T.T.”.
Qua câu chuyện, bà Lê Thị Phương Hồ nói rằng chính quyền xã rất quan tâm đến anh em T.: “T. học chậm, mặc dù năm nay đã lên lớp 2 nhưng vẫn chưa đọc rành chữ. Dù vậy em viết chữ rất đẹp và có thể làm toán được. Chúng tôi đang tìm một ngôi trường nào đó phù hợp hơn với điều kiện hiện tại của T.. Cụ thể là T. đang cần sự hỗ trợ đặc biệt của giáo viên để phát triển ngôn ngữ tiếng nói. Nếu tìm được môi trường học tập thích hợp, chúng tôi sẽ vận động mạnh thường quân để hỗ trợ về kinh phí cho em đi học vì năm nay em đã 11 tuổi”.
Trao đổi với PV, ông Lê Hùng Sen – trưởng Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi, thông tin: “Phòng đã chỉ đạo nhà trường phải tổ chức xin lỗi học sinh trước toàn thể giáo viên, học sinh của trường (như ý kiến của các chuyên gia tâm lý và nhà quản lý giáo dục đã đề cập, chúng tôi thấy phù hợp nên làm theo). Riêng cô giáo Th. thì phải làm kiểm điểm và sẽ bị phê bình trước hội đồng sư phạm nhà trường, chứ làm như sự việc vừa rồi thấy xấu hổ quá”.
Trong khi đó bà Ngô Thị Mai – hiệu trưởng Trường tiểu học Trung Lập Thượng, khẳng định: “Nhà trường sẽ tập hợp tất cả học sinh và giáo viên vào sáng thứ năm tuần này (ngày 27/12) để xin lỗi hai anh em T.. Chúng tôi sẽ trình bày sự việc một cách rõ ràng để toàn trường được biết. Bên cạnh đó, trường cũng sẽ phát động phong trào giúp bạn trong học sinh để giúp đỡ anh em T.”.
Họ đã nói
Đối với trẻ em, việc lấy lời khai cần có cha, mẹ hoặc người giám hộ để chứng kiến, tránh làm cho trẻ lo sợ. Trong vụ việc này, khi các thông tin còn chưa rõ ràng mà nhà trường đã vội báo cho công an đến rồi đưa cháu về trụ sở mà gia đình không hề hay biết. Cả nhà trường lẫn công an đều đã làm sai.
Sau vụ bé Trâm ở Đồng Tháp bị công an hỏi cung (do nghi trộm chưa tới 50.000 đồng) và sau đó bị hoảng loạn, không đi học được, mong là các cơ quan liên quan nên lấy đó làm bài học để hạn chế gây ra hậu quả không hay tiếp theo cho các trẻ.
Theo 24h
Nghi trộm tiền, giao HS lớp 2 cho CA
Chuyện đau lòng đã xảy ra tại một trường tiểu học ở TP.HCM: cô giáo nghi ngờ một học sinh lớp 2 lấy của mình hơn 1 triệu đồng. Nhà trường đã mời công an xã đến trường hỏi cung và sau đó đưa em học sinh này về trụ sở.
Đến chiều em học sinh này mới được thả sau khi cô giáo phát hiện tiền vẫn còn trong giỏ của mình!
Theo lời bà Ngô Thị Mai - hiệu trưởng Trường tiểu học Trung Lập Thượng, Củ Chi, TP.HCM, sự việc có thể tóm tắt như sau: Sau giờ sinh hoạt dưới cờ vào buổi sáng 26/11, cô Th. - giáo viên khối lớp 2 Trường tiểu học Trung Lập Thượng - phát hiện số tiền hơn 1 triệu đồng đã không còn trong giỏ của mình. Một học sinh trong lớp mách: "Hồi nãy con thấy bạn T. (học sinh lớp 2/3) lục giỏ của cô". Thế là cô Th. chạy sang lớp 2/3. Mới đầu cô Th. và giáo viên chủ nhiệm lớp 2/3 tra hỏi nhưng T. không nhận.
"Chỉ để dọa" (?)
Tiếp theo, cô Th. đã dẫn học sinh này xuống sảnh (phía trước văn phòng trường, đối diện với cổng chính của trường), tại đây có thêm thầy tổng phụ trách Đội và một giáo viên khác xúm lại cùng hỏi T. về việc lấy tiền. Lúc này cô bé gật đầu xác nhận và khai giấu ở nhà vệ sinh trên lầu 2. Nhóm giáo viên cùng bé T. lên lầu 2: không thấy gì cả. Lại tra hỏi. Bé T. nói giấu ở đám cỏ sau hè. Tìm nát đám cỏ vẫn không thấy gì. Bà Mai kể: "Bữa đó tôi hỏi "con có lấy không, có thì trả cô đi con". Mọi người kiếm đổ mồ hôi hột mà không thấy.
Lúc đó, có giáo viên lên báo với tôi cách đó khoảng một tuần, T. quá giang xe của bà bán vé số và móc của bà ấy 1,2 triệu đồng, sự vụ này công an có vào cuộc và sau đó tiền đã trả lại cho người bị mất. Tôi nghĩ sự việc này lớn quá rồi, tưởng 5.000, 10.000 đồng thì rầy thôi chứ đây là sự việc lớn, để như vậy đâu có được. Thế nên khi thầy Đ. - tổng phụ trách Đội kiêm công tác tư vấn học đường - đề nghị báo công an, tôi "ừ" và nghĩ "ừ" là để dọa học sinh mà thôi" - bà Mai cho biết.
Trường tiểu học Trung Lập Thượng - nơi xảy ra sự việc
Người giám hộ ở đâu?
Khi hai công an xã Trung Lập Thượng đến trường và tiến hành hỏi cung, T. khai gửi tiền cho một người bạn đang học lớp 4. Nhóm người này kéo lên phòng học của lớp 4 nhưng không có học sinh nào nhận đã cầm tiền của T.. T. lại khai để ở nhà vệ sinh, đám cỏ, sọt rác... Lúc này mặc dù đang trong giờ học nhưng Th. - anh trai của T., hiện học lớp 5 cùng trường - cũng được gọi xuống để động viên em gái trả lại tiền nhưng vẫn không có kết quả.
Cuối cùng, T. bị giải về trụ sở công an xã. Theo lời ông Phạm Thanh Tâm - phó trưởng Công an xã Trung Lập Thượng, người trực tiếp thẩm vấn T.: "T. khai có lấy 1,9 triệu đồng của cô giáo, cột vào tờ giấy và bỏ ở hàng rào nhà trường. Tôi cho người chở bé T. về lại trường nhưng tìm ở hàng rào rất lâu không thấy gì. Rồi T. lại nói đưa cho mẹ hết rồi. Qua xác minh được biết mẹ T. không sinh sống tại địa phương. Sau đó, công an xã đành đưa T. cùng anh trai mình về trụ sở". Hai học sinh tiểu học bị giữ ở xã suốt buổi trưa để phục vụ việc điều tra của công an.
Cũng theo lời ông Phạm Thanh Tâm: "Đến hơn 13h cùng ngày, khi nhà trường gọi điện lên báo rằng tiền vẫn còn nguyên trong giỏ của cô giáo thì chúng tôi cho hai cháu về nhà". Tại sao công an xã bắt học sinh về trụ sở mà không có người giám hộ?
Ông Tâm lý giải: "Tình cờ bữa đó có một nữ trinh sát trên huyện xuống đây làm việc nên chúng tôi nhờ làm giám hộ luôn". Nhưng nữ trinh sát ấy không phải người giám hộ hợp pháp? Ông Tâm thừa nhận: "Đúng ra người giám hộ phải là người thân của bé nhưng chúng tôi không liên lạc được. Bà ngoại bé thì đi chặt trúc thuê, không có nhà. Ở trường thì đang là giờ dạy, giáo viên không đi được(?)" (Trường Trung Lập Thượng dạy hai buổi nên 10h30 đã kết thúc giờ học buổi sáng - PV).
Bà Mai nói: "Khi công an lên làm việc thì tôi họp giao ban lãnh đạo, để thầy Đ. tiếp. Công an chở học sinh về xã hồi nào tôi cũng không biết. Khi biết, tôi có đề nghị thầy Đ. đi theo" (thầy Đ. kể với chúng tôi: "Tôi có đến công an xã nhưng ngồi ở ngoài chứ không vào trong" (?); ông Phạm Thanh Tâm thì khẳng định: "Khi đưa học sinh về xã, công an có xin phép giáo viên và ban giám hiệu nhà trường" - PV). Bà Mai tỏ ra buồn rầu: "Nói thật là sau chuyện này tôi day dứt lắm. 30 năm trong nghề tôi chưa bao giờ nói nặng học sinh. Tôi đã rút kinh nghiệm đối với giáo viên trong cuộc họp hội đồng sư phạm đợt vừa rồi".
Hoàn cảnh đáng thương
Trao đổi với chúng tôi, bà Mai cho biết thêm: "Hoàn cảnh em T. rất đáng thương, ba mẹ ly hôn, hai anh em T. phải ở với bà ngoại đã hơn 60 tuổi. Gia cảnh của em rất khó khăn. T. sinh năm 2001 mà năm nay mới học lớp 2, sức học cũng chậm lắm".
T. là một cô bé rất ít nói. Đôi mắt luôn mở to nhưng thường xuyên nhìn xuống. Hầu hết các câu hỏi của chúng tôi đều do anh trai T. và bà ngoại T. trả lời thay. Thỉnh thoảng T. mới gật đầu hoặc lắc đầu kèm theo câu trả lời rất nhỏ: "Dạ, có" hoặc "Dạ, không". Khi chúng tôi hỏi: "Ở trường, hai bạn thích thầy cô nào nhất?", cả hai anh em T. đều cúi đầu lặng im.
... Buổi trưa một ngày giữa tháng 12, hai anh em T. về nhà. Căn nhà của ba bà cháu T. trống trước trống sau, không có gì đáng giá ngoài chiếc xe đạp đã cũ mà theo bà P.T.T. - bà ngoại của T.: "Bị hư lâu rồi mà không có tiền sửa nên hai anh em nó đi xe buýt (miễn phí - PV) đi học. Ba mẹ nó ly dị rồi bỏ hai đứa cho tôi từ hồi con T. mới hơn 1 tuổi. Hằng ngày tôi đan liếp cũng được vài chục ngàn đồng đắp đổi cơm, cháo cho ba bà cháu. Bữa hai anh em nó bị đưa lên trụ sở công an từ sáng đến chiều, tôi đi mua trúc nên không biết. Buổi chiều về nhà thì... hai đứa đã được cho về rồi"
Theo tuổi trẻ
"Gia đình Luyện chịu liên đới trong việc bồi thường cho cháu Bích" "Do Luyện chưa đủ tuổi vị thành niên nên gia đình liên đới trách nhiệm trong việc bồi thường những tổn thất cho cháu Bích đến đủ 18 tuổi". Đó là khẳng định của Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc công ty Luật Fanci (Bắc Giang) xung quanh trách nhiệm bồi thường của sát thủ Lê Văn Luyện đối với cháu Bích,...