Giao tranh tại Sudan: Các bên bắt đầu đàm phán tại Saudi Arabia
Ngày 6/5, Mỹ và Saudi Arabia ra thông cáo chung cho biết các bên trong giao tranh tại Sudan đã bắt đầu đàm phán nhằm đảm bảo một thỏa thuận ngừng bắn sau 3 tuần giao tranh ác liệt làm hàng trăm người thiệt mạng và đẩy quốc gia châu Phi này đến bên bờ sụp đổ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải) và Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan trong cuộc họp báo chung trước cuộc gặp tại Washington, DC, ngày 14/10/2021. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trước đó cùng ngày, người đứng đầu Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF), chỉ huy Mohamed Hamdan Dagalo đã xác nhận nhóm này sẽ tham gia đàm phán với Các Lực lượng Vũ trang Sudan. Trên mạng Twitter, ông Dagalo hoan nghênh sáng kiến thiết lập một lệnh ngừng bắn vững chắc và mở các hành lang nhân đạo. Ông Dagalo hy vọng đàm phán sẽ “đạt các mục tiêu đề ra” về hành lang an toàn cho người dân.
Video đang HOT
Thông cáo chung cho biết cuộc đàm phán đầu tiên giữa quân đội Sudan và RSF kể từ khi bùng phát giao tranh ngày 15/4 đã diễn ra tại thành phố duyên hải Jeddah của Saudi Arabia bên bờ Biển Đỏ.
Cuộc đàm phán là một phần trong sáng kiến ngoại giao mà vương quốc Saudi Arabia và Mỹ đề xuất nhằm chấm dứt giao tranh tại thủ đô Khartoum của Sudan cũng như nhiều khu vực đô thị khác,vốn đã đẩy hàng trăm nghìn người vào cảnh mất nhà cửa.
Thông cáo chung kêu gọi hai bên giao tranh “tích cực cam kết đàm phán hướng đến một thỏa thuận ngừng bắn và chấm dứt xung đột”, tuy nhiên không đề xuất một thời gian biểu cho các cuộc đàm phán.
Khói bao trùm bầu trời thủ đô Khartoum khi xung đột nổ ra giữa quân đội Sudan và Lực lượng bán quân sự RSF ngày 3/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Các quan chức từ quân đội Sudan và RSF cho biết đàm phán sẽ bàn về việc mở các hành lang nhân đạo tại Khartoum và thành phố Omdurman lân cận, trung tâm chiến sự. Hai bên cũng sẽ thảo luận việc bảo vệ cơ sở hạ tầng dân sinh, như các trung tâm y tế vốn đã quá tải và trong tình trạng thiếu nhân sự cũng như trang thiết bị y tế. Một quan chức SRF cho biết sẽ thảo luận một cơ chế giám sát ngừng bắn.
Theo Bộ Y tế Sudan, tính đến ngày 1/5, ít nhất 550 người đã thiệt mạng và hơn 4.900 người bị thương. Theo nghiệp đoàn Bác sĩ Sudan, có 473 dân thường trong số người thiệt mạng và hơn 2.450 dân thường trong số người bị thương. Giao tranh đã nhấn chìm Sudan trong hỗn loạn và khiến các nước phải sơ tán nhà ngoại giao và công dân nước mình. Hàng trăm nghìn người Sudan đã phải đi sơ tán trong nước và ra nước ngoài. Liên hợp quốc ước tính số người phải sơ tán sang các nước láng giềng sẽ lên tới 860.000 người và các cơ quan nhân đạo sẽ cần 445 triệu USD để hỗ trợ những người này.
Saudi Arabia và LHQ thảo luận biện pháp ngăn leo thang xung đột tại Sudan
Ngày 4/5, Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan đã có cuộc điện đàm với Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres để thảo luận về những nỗ lực nhằm ngăn chặn leo thang quân sự tại Sudan.
Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông và Bắc Phi, trong cuộc điện đàm, Hoàng tử Faisal nhấn mạnh quyết tâm của Saudi Arabia tiếp tục triển khai chiến dịch sơ tán công dân khỏi Sudan. Kể từ khi giao tranh quân sự bùng phát tại Sudan, Saudi Arabia đã sơ tán 7.839 người, bao gồm 247 công dân nước này và 7.592 người nước ngoài đến từ 110 quốc gia.
Về phần mình, Tổng thư ký Guterres đánh giá cao vai trò của Saudi Arabia trong chiến dịch sơ tán công dân các nước khỏi Sudan, cũng như những nỗ lực ngoại giao nhằm tìm giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng tại Sudan.
Hoàng tử Faisal và ông Guterres cũng thảo luận về những biện pháp ngăn chặn leo thang quân sự giữa Các Lực lượng Vũ trang Sudan và nhóm bán quân sự Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) tại Sudan, kêu gọi hai bên tôn trọng thỏa thuận đình chiến, bảo vệ thường dân và công dân nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Sudan.
Giới chức Sudan xác nhận xung đột vũ trang từ ngày 15/4 giữa Các Lực lượng Vũ trang Sudan và RSF đã cướp đi sinh mạng của hơn 550 người, làm hơn 4.900 người khác bị thương và khiến ít nhất 334.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (UNOCHA), kể từ ngày 21/4 - 3/5 vừa qua, hơn 11.000 người đã vượt biên sang Ethiopia do xung đột đang diễn ra tại Sudan. Những người vượt biên qua thị trấn biên giới Metema ở khu Tây Gondar của vùng Amhara, miền Bắc Ethiopia.
Giới chức Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ngày 4/5 cảnh báo về nạn cướp bóc đang diễn ra tràn lan tại Sudan. WFP ước tính gần 17.000 tấn thực phẩm tổng trị giá từ 13 triệu - 14 triệu USD dự kiến dành cho những người cần viện trợ tại Sudan đã bị cướp kể từ khi giao tranh nổ ra vào tháng 4 vừa qua. Trước tình hình trên, WFP cũng như các cơ quan viện trợ kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương hỗ trợ nhân đạo cho Sudan thông qua các tổ chức này.
Ký ức ác mộng giao tranh qua lời kể của những người được sơ tán khỏi Sudan Khi giao tranh buộc nhiều người phải tháo chạy khỏi Khartoum, thành phố Port Sudan trở thành một trung tâm giải cứu then chốt. Người dân sơ tán khỏi Sudan tới cửa khẩu biên giới Rafah ở phía nam Dải Gaza, ngày 28/4/2023. Ảnh: THX/TTXVN Trong đêm tối, cơn ác mộng gần như đã khép lại đối với những người may mắn đến...