Giao thông nhiều nơi quá tải
Mặc dù chưa hết thời gian nghỉ Tết Kỷ Hợi 2019, nhưng theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, xe khách chạy trên nhiều tuyến đường từ các tỉnh miền Trung về TPHCM đã chật cứng hành khách.
Song song đó, trên nhiều tuyến đường đến các điểm du lịch tâm linh như chùa Bà Chúa Xứ (An Giang), chùa núi Bà Đen (Tây Ninh), chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương)… đã xảy ra tình trạng quá tải giao thông và người tham quan.
“Hôm nay đã hết vé” là câu trả lời của nhiều hãng xe có thương hiệu như Phương Trang, Thành Bưởi, Hoàng Anh chạy từ Ninh Thuận, Cúc Tùng tuyến từ Khánh Hòa hay Tuấn Nga từ Kiên Giang về TPHCM…
Trước tình trạng “cháy vé”, nhiều người đành ra quốc lộ 1A để đón xe khách dọc đường dù biết rằng sẽ phải chịu cảnh nhồi nhét. Vòng xoay Suối Cát (TP Phan Thiết, Bình Thuận) là địa điểm quen thuộc của người dân nơi đây khi cần đứng đón xe khách để đi TPHCM. Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP tại địa điểm trên vào trưa mùng 4 và mùng 5 Tết, có rất nhiều người lỉnh kỉnh hành lý đang chờ đón xe khách. Quan sát hơn 1 giờ, nhưng vẫn không thấy lực lượng CSGT, Thanh tra Sở GTVT tuần tra qua khu vực này.
Nhiều xe khách chạy tuyến Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên… đi TPHCM qua đây nhưng không dừng. Thấy nhiều người đứng chờ, phụ xe đứng trong xe lắc tay ra hiệu không nhận khách rồi chạy. Đứng nhìn từ ngoài vào trong xe, thấy không còn ghế trống và có nhiều người ngồi chen chúc nhau ngay giữa khoảng trống giữa xe. Một tài xế xe ôm ở đây cho biết, muốn đón được xe, phải lựa xe khách chạy từ Khánh Hòa, Ninh Thuận hoặc Bình Thuận vào vì hầu hết xe này mới xuất phát (gần Bình Thuận) nên xe còn trống chỗ. Quả thật, nhiều người đứng đây vẫy những xe khách mang biển kiểm soát của các tỉnh trên như Phương Nam, Tâm Hạnh, (Khánh Hòa); Liên Hưng, Quê Hương, Tuấn Tú, Hoàng Anh (Ninh Thuận); Hạnh Café, Cao Lâm (Bình Thuận)… đều được các xe này dừng lại đón. Thế nhưng, bước lên xe, nhiều hành khách đã phải đi xuống vì trên xe cũng đã chật cứng người ngồi. Nếu đi, họ chỉ có thể ngồi với tư thế co chân mà giá vé cũng không rẻ, từ 200.000 – 250.000 đồng/người.
Hành khách chen chúc trên chuyến xe từ Ninh Thuận về lại TPHCM Ảnh: THANH HẢI
Phóng viên Báo SGGP đã lên được xe 85B-003.97 của hãng xe Hoàng Anh. Tài xế của xe này báo giá là 250.000 đồng/vé/người. Quan sát thấy xe đã rất đông người, không còn chỗ trống để nằm mà chỉ có thể ngồi co chân lại, chúng tôi trả giá 200.000 đồng/vé. Chẳng cò kè, tài xế buông lời, nếu không đồng ý giá, xe sẽ dừng lại ngã tư phía trước để cho khách xuống. Không còn cách nào khác, phóng viên đành chấp nhận mức giá cao gấp đôi so với ngày thường này. Đếm số người phải ngồi ở lối đi, có tới 10 người.
Tuy nhiên, chiếc xe khách vẫn tiếp tục đón thêm khách đứng dọc quốc lộ 1A, hướng về TPHCM. Đến trạm dừng chân, chúng tôi thấy trên phù hiệu xe Hoàng Anh là xe chạy tuyến cố định: Bến xe miền Đông – Bến xe Phan Rang. Vậy mà, đến TPHCM, xe khách liên tục trả khách dọc đường; thậm chí xe khách không vào bến trả khách mà đậu trước cổng Bến xe miền Đông trên đường Đinh Bộ Lĩnh để trả khách. Điểm trả khách cuối cùng của xe Hoàng Anh là đường Cao Thắng nối dài (quận 10). Hết khách, xe chạy vào bãi xe gần đó mà không vào Bến xe miền Đông. Ghi nhận tại chỗ cho thấy, xe Tân Hoàng Anh (Ninh Thuận) cũng đang trả khách.
Nhiều người đi chùa, giao thông ùn ứ
Không chỉ đường vào TPHCM mà những tỉnh có chùa như Tây Ninh, An Giang, Bình Dương… đều quá tải trên nhiều tuyến đường do người đi viếng chùa đầu năm. Nhiều người đặt vé của hãng xe Huệ Nghĩa, Hùng Cường, Phương Trang từ TPHCM đi An Giang cho biết, từ đây tới mùng 10 Tết đã hết vé. Vừa mới chở khách đi chùa núi Bà Đen (Tây Ninh) vào tối mùng 4 Tết, tài xế Đỗ Văn Hoàng (quận Tân Bình) cho hay: “Đường lên chùa rất rộng không xảy ra tình trạng ùn tắc nhưng dòng người xếp hàng dài để mua vé đi cáp treo lên chùa đông nghẹt”.
Video đang HOT
Tại phà Vàm Cống (nối tỉnh Đồng Tháp – An Giang), vào khoảng 22 giờ đã xảy ra tình trạng kẹt ô tô khi cả hai bên đường dòng xe nối đuôi nhau kéo dài. Tại nhiều phà nhỏ ở Châu Đốc (An Giang) như Tân Châu và Châu Giang cũng ùn ứ giao thông. Ở cổng vào chùa Bà Chúa Xứ đã xảy ra tình trạng ùn tắc, ô tô xếp hàng nối đuôi nhau.
Ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó Tổng Giám đốc Bến xe miền Đông, cho biết, xe bến nhưng không vào bến mà cố tình chạy đón khách dọc đường để trốn thuế, khi phát hiện bến xe sẽ thông báo cho đơn vị quản lý cấp phù hiệp để tước phù hiệu; đồng thời sẽ ngưng, từ chối tiếp nhận vì đã sai hợp đồng với bến. Dịp Tết Kỷ Hợi 2019, Thanh tra Sở GTVT TPHCM đã xử lý hơn 200 trường hợp xe khách đón trả khách, chạy sai tuyến so với quy định.
Trên tuyến quốc lộ 1A đoạn tránh phía Đông TP Thanh Hóa, một số nhà xe đã lợi dụng các quán ăn, quán bán hàng bên đường để làm điểm đậu đón khách, đông nhất là tại siêu thị BigC và cầu Nguyệt Viên. Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện xe khách 15B-037.26 chở quá số người quy định với 54 người, trong khi xe chỉ được phép chở 38 người. Một trường hợp khác là xe khách 18B-001.25 chạy tuyến Nam Định – Nghệ An nhồi nhét tới 62 người, dù chỉ được phép chở 40 người.
Tại bến xe Huế, các đơn vị, doanh nghiệp vận tải chạy tuyến Huế đi các tỉnh phía Nam và khu vực Tây Nguyên niêm yết giá vé phụ thu dịp tết tăng 20%-40%, một số nhà xe tăng 60% so với ngày thường.
VĂN THẮNG -DUY CƯỜNG
Ngày 9-2, nhiều tuyến đường cửa ngõ Hà Nội và các khu du lịch như chùa Hương (Hà Nội), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Sa Pa (Lào Cai), chùa Ba Vàng (Quảng Ninh)… tiếp tục bị ùn tắc kéo dài, do người dân đi lễ, đi du xuân, đi chúc tết. Bên cạnh đó, tình hình phương tiện dừng đậu không đúng nơi quy định như trên vỉa hè, lấn chiếm lòng đường cũng xảy ra ở nhiều thành phố lớn gây mất trật tự ATGT. Cùng ngày, hàng chục người dân đã phản ánh đến đường dây nóng của Ủy ban ATGT quốc gia về việc nhiều nhà xe chở quá số người quy định, tăng giá vé, bán vé nhưng không giữ chỗ cho hành khách. Có trường hợp hành khách bị nhà xe đuổi khỏi xe giữa đêm do phản đối chở quá tải. Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ và xử lý một số ô tô khách chạy tuyến Nam Định – Vinh, Hà Nội – Thanh Hóa nhồi nhét vượt quy định 18-20 người trên xe.
BÍCH QUYÊN
THANH HẢI – QUÝ NGỌC
Theo SGGP
Đêm giao thừa "đặc biệt" ở Trường Sa
Đêm giao thừa, thị trấn Trường Sa trở nên rộn ràng, một không khí chộn rộn, ấm áp, sum vầy bao trùm lên toàn bộ thị trấn, tiếng nói cười râm ran hòa trong lời ca tiếng hát.
Đêm giao thừa trên đảo Trường Sa Lớn, toàn đảo tập trung về hội trường để giao lưu văn nghệ, hái hoa dân chủ. Cây hoa dân chủ được làm từ gốc cây phong ba, được trang hoàng bằng những nụ hoa mai vàng và câu đối đỏ, những nhành đào đỏ thắm tượng chưng cho mỗi vùng miền của Tổ quốc. Từng chiến sĩ được mời lên bốc thăm để trả lời những câu hỏi gắn với mùa xuân, những điệu ví, câu hò được cất lên trong tiếng cổ vũ trong bầu không khí rộn ràng của ngày Tết.
Anh lính trẻ vừa tròn tuổi đôi mươi Dương Quốc Thịnh, quê ở Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) lần đầu tiên ăn Tết trên đảo cầm trên tay bông hoa dân chủ bày tỏ: "Ngày đầu ra đảo em rất nhớ nhà, nhất là lúc cùng đồng đội gói bánh chưng những ngày giáp Tết. Đặc biệt, đêm 30 Tết đón giao thừa, nghe Chủ tịch nước chúc Tết trên ti vi chúng em ai cũng sụt sùi. Nhưng với tình yêu thương đùm bọc của đồng đội, sự động viên của các cán bộ khiến nỗi nhớ đó nhanh chóng vơi đi, chỉ có tình đồng chí, đồng đội, tình yêu biển đảo mới có thể vượt qua".
Thiếu tá Phạm Văn Tâm - Chính trị viên Cụm chiến đấu số 1 đảo Trường Sa cho hay, ngoài việc tổ chức Tết đêm giao thừa, trong dịp Tết Nguyên đán tại Trường Sa còn tổ chức nhiều chương trình, trò chơi dân gian, hoạt động thể thao như kéo co, bóng chuyền, bóng đá để mỗi chiến sĩ cảm thấy như đang ăn Tết ở nhà; cảm thấy những cán bộ, chiến sĩ như những người thân trong gia đình.
Trong không khí Tết rộn ràng, chia sẻ những khó khăn mà cán bộ, chiến sỹ trên đảo Trường Sa gặp phải, Trung tá Trần Văn Quyển, Chỉ huy đảo Trường Sa bày tỏ: "Tết đến, Xuân về, mỗi người đều có một gia đình, một hậu phương vững chắc, đều có những tâm tư, tình cảm riêng. Nhưng dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa cũng lạc quan, yêu đời và luôn mang trong mình một niềm tin sắt đá, chắc tay súng bảo vệ bình yên chủ quyền cho biển đảo Tổ quốc, để mùa xuân thanh bình, ấm no hạnh phúc về với mọi nhà".
Để chuẩn bị cho đêm giao thừa, cán bộ chiến sĩ trên các đảo lớn, đảo nhỏ của quần đảo Trường Sa trang trí phòng đón tết.
Phòng làm việc hàng ngày được các chiến sĩ trang trí tràn đầy không khí tết.
Thiếu tá Phạm Văn Tâm - Chính trị viên cụm chiến đấu số 1 (thị trấn Trường Sa) đang bày biện mâm ngũ quả.
Theo Thiếu tá Phạm Văn Tâm để chuẩn bị đêm giao thừa đón năm mới tiễn năm cũ cán bộ chiến sĩ cùng nhau trang trí phòng xuân, cùng gói bánh chưng... không khí thân mật gia trong gia đình.
Những quả xanh được sơn "chín"...
Đêm giao thừa trên đảo Trường Sa Lớn, quân và dân trên đảo tập trung về hội trường để giao lưu văn nghệ, hái hoa dân chủ.
Tiết mục văn nghệ của các em nhỏ trên đảo Trường Sa.
Tiết mục văn nghệ của cán bộ chiến sĩ.
Không khí vui tươi, phấn khởi lan tỏa toàn đảo.
Tiết mục hái hoa dân chủ chuẩn bị đón giao thừa. Cây hoa dân chủ được làm từ gốc cây phong ba, được trang hoàng bằng những nụ hoa mai vàng và câu đối đỏ, những nhành đào đỏ thắm tượng chưng cho mỗi vùng miền của Tổ quốc.
Theo Danviet
Cứu tàu hàng bị nạn trên vùng biển Ninh Thuận Ngày 3-2, Bộ Chỉ huy BĐBP Ninh Thuận cho biết, đơn vị đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng cứu nạn tàu hàng nước ngoài bị cháy trên vùng biển của tỉnh. Các lực lượng tham gia khắc phục sự cố. Ảnh: Lĩnh Kiên Vào lúc 15 giờ, ngày 1-2, Bộ Chỉ huy BĐBP Ninh Thuận tiếp nhận thông...