Giáo sư Nga Kolotov mổ xẻ kế hoạch bành trướng xuống phía Nam của Trung Quốc
Theo ông Kolotov, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam chỉ là bước đầu trong âm mưu này.
Trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 trên vùng biển thuộc thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sử dụng nhiều tàu, thuyền, cả tàu quân sự gây hấn với lực lượng chấp pháp của Việt Nam, tấn công ngư dân Việt Nam… qua điện thoại phóng viên Đài TNVN thường trú tại LB Nga có cuộc phỏng vấn Giáo sư Vladimir Kolotov, nhà Việt Nam học, Trưởng bộ môn lịch sử các nước Viễn Đông, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc Khoa Phương Đông – Đại học Tổng hợp Quốc gia St. Petersburg.
ÔngKolotov (trái) trong một buổi tiếp các đại biểu Việt Nam tới thămViện Hồ Chí Minh thuộc Khoa Phương Đông – Đại học Tổng hợp Quốc gia St. Petersburg
PV: Thưa ông, là một nhà Việt Nam học và ông cũng có nhiều công trình nghiên cứu về các vùng biển đảo của Việt Nam nói riêng, khu vực nói chung, ông theo dõi và đánh giá thế nào về sự việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 trên vùng biển thuộc thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?
Ông Kolotov: Tôi nghĩ đây là chiến lược dài hạn của Trung Quốc, nó nằm trong chiến lược kiểm soát Hoàng Sa, Trường Sa và cả Biển Đông. Đây chỉ là một trong những bước thực hiện việc kiểm soát toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc. Tôi có thể nói như thế này: Thứ nhất, đây là việc phá hoại luật pháp Quốc tế mà chúng ta từng biết, nó từng bắt đầu bằng việc xây dựng thế giới đơn cực từ cuộc chiến tranh thuộc địa kiểu mới ở Nam Tư, Afghanistan, Iraq, Syria, ở Libya…
Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của mình và hướng bành trướng chiến lược chính mà Trung Quốc muốn mở rộng là xuống phía Nam. Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược rất quan trọng, nếu Trung Quốc không kiểm soát được Việt Nam thì rất khó kiểm soát được toàn bộ vùng Đông Nam Á và các nước ASEAN. Chính vì thế, có thể nói Việt Nam là nạn nhân đầu tiên trên con đường bành trướng chiến lược của Trung Quốc.
Trên bản đồ của Lầu Năm góc xuất bản ở Mỹ về kế hoạch chiến lược của Trung Quốc cho thấy là Trung Quốc sẽ kiểm soát Đông Nam Á trước và Đông Bắc Á sau. Có hai giai đoạn , giai đoạn đầu tiên là thực hiện tuyên bố “đường chín đoạn” mà Việt Nam gọi là “đường lưỡi bò”. Giai đoạn thứ hai sẽ là kiểm soát cả vùng Đông Nam Á, cả Philippines đến đảo Guam trên Thái Bình Dương.
Vấn đề là các nước có chấp nhận điều đó hay không? Theo ghi nhận, ở Việt Nam cũng như các nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đều không chấp nhận luật chơi như thế. Và tôi nghĩ đó là điều có ảnh hưởng đến bản thân Trung Quốc. Bởi vì trong hoàn cảnh phức tạp và nguy hiểm như thế thì các nước nhỏ trong khu vực coi đó là việc đe dọa an ninh của họ và họ sẽ dùng cách liên minh lại và xử dụng đối tác xa để chống lại đối tác gần.
Trong tình huống này họ sẽ tìm cách liên kết với Mỹ để chống lại Trung Quốc. Và như thế, ở những vùng mà Mỹ muốn kiểm soát thì ảnh hưởng của Mỹ sẽ tăng lên. Đây sẽ là yếu tố làm tăng thêm tình hình căng thẳng ở Đông Nam Á, điều đó sẽ cực kỳ phức tạp với cả các nước ASEAN và Trung Quốc.
PV:Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để buộc Trung Quốc chấm dứt hành động này và rút giàn khoan cũng như các tàu quân sự khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam?
Ông Kolotov: Theo tôi thì trước hết Việt Nam phải tổ chức các cuộc đàm phán nội bộ. Hai quốc gia gần gũi nhau, cùng khối XHCN lại xung đột với nhau thì cả hai sẽ bị suy yếu, sẽ mất sức trong cuộc đấu tranh chống lại nhau và như vậy, các phần tử phản động, các thế lực thù địch sẽ càng ngày càng mạnh lên và sẽ là mối đe dọa đối với chế độ chính trị. Mà đe dọa chính trị thì cũng sẽ đe dọa kinh tế. Đây là vấn đề rất lớn, đe dọa trung hạn và dài hạn cho chế độ ở cả Trung Quốc và Việt Nam. Điều đó sẽ còn nguy hiểm hơn là việc đặt giàn khoan và đường lưỡi bò.
Video đang HOT
Chính vì vậy, hai bên phải ngồi lại với nhau để tìm cách vượt qua bất đồng, đối thoại với nhau để tìm ra tương lai. Trong lịch sử, Trung Quốc và Việt Nam có nhiều giai đoạn phức tạp, có những tiêu cực, nhưng cũng có lúc Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam. Ví dụ, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên công nhận chủ quyền của Việt Nam vào năm vào ngày 27/1/1950 và đã giúp đỡ Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Tôi nghĩ rằng, Trung Quốc và Việt Nam cần dựa vào những kinh nghiệm tốt trong lịch sử để vượt qua những thử thách như bây giờ. Các nhà chiến lược có ảnh hưởng sẽ quyết định là bây giờ phải làm cái gì và tiến hành như thế nào để bảo đảm an ninh trong khu vực và sự an toàn chế độ của mỗi quốc gia.
PV:Mới đây, trả lời phỏng vấn của phóng viên hãng tin AP của Mỹ và Reuters của Anh, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng có thẳng thắn tuyên bố là “Việt Nam sẽ không đánh đổi độc lập, chủ quyền lấy hòa bình, hữu nghị viển vông”. Ông có ý kiến gì về tuyên bố này?
Ông Kolotov: Tôi nghĩ, câu trả lời này là hoàn toàn nằm trong truyền thống của dân tộc Việt Nam. Tôi không thể tưởng tượng được một nhà chính trị nào ở Việt Nam có thể đồng ý với đòi hỏi của Trung Quốc ở Biển Đông. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau chiến thắng Điện Biên Phủ cũng có câu nói rằng “Các ông thua vì các ông không hiểu lịch sử Việt Nam”. Rồi trước đây nữa, ở thế kỷ 13 Trần Hưng Đạo đã nói: “Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc”.
Độc lập, chủ quyền, tự do Việt Nam đã phải trả giá rất đắt nên đây không thể là cái để đầu cơ. Việt Nam vốn nổi tiếng là một quốc gia sẵn sàng chiến đấu đến cùng trước bất cứ quốc gia nào dám xâm lược Việt Nam. Đấy là bài học lịch sử, tất cả các quốc gia xâm lược Việt Nam từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 20 đều bị thua. Đó là bài học lớn mà bất cứ kẻ xâm lược nào cũng phải học trước khi thực hiện bất cứ hành động nào ngoài phạm vi luật pháp quốc tế. Đó chính là uy tín mà Việt Nam đã dành được trong mấy nghìn năm lịch sử của mình. Và thế kỷ 20 cũng chứng tỏ điều đó rất rõ ràng.
PV: Liên quan đến bài báo của nhà báo Nga đăng trên trang mạng của hãng thông tấn Nga Ria Novosti gây bất bình trong dư luận Việt Nam trong những ngày qua. Ông có nhận xét gì về vấn đề này?
Ông Kolotov: Tôi có đọc bài báo này và hôm nay, trong giờ học về lịch sử Việt Nam ở trường Đại học, tôi cho sinh viên của tôi đọc bài này để sinh viên phân tích và nói điều nào đúng, điều nào sai thì sinh viên đã tìm được một số điều sai lầm trong bài này. Trong đó có một số điều mà tôi làm về lịch sử Việt Nam tôi biết. Chính vì thế bài báo này gây phản ứng ở Việt Nam.
Rất tiếc Ria Novosti – một Hãng thông tấn rất nổi tiếng và có uy tín ở nước Nga thỉnh thoảng lại có những bài, những thông tin sai như vậy. Nhưng mà theo tôi đây chỉ là ý kiến riêng của ông Kosyrev thôi chứ không phải là quan điểm chính thức của nước Nga. Ông này cũng là một nhà Đông Phương học nhưng ông là chuyên gia về lịch sử Trung Quốc và chắc ông đã sử dụng tài liệu Trung Quốc không tin cậy, chính vì thế có một số thông tin sai về lịch sử Việt Nam./.
PV: Xin trân trọng cám ơn ông!
Theo Điệp Anh
VOV – Moscow
Nhà báo Trần Đăng Tuấn gửi thư ngỏ Tổng Giám đốc Hãng tin Nga
"Sau khi nội dung bài báo được dịch ra tiếng Việt, tôi thấy khó khăn khi nhìn vào ánh mắt đồng bào tôi, bởi lẽ tôi đọc trong mắt họ câu hỏi lớn: Tại sao?", nhà báo Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam viết trong thư ngỏ gửi Ngài Tổng Giám đốc RIA.
Nhà báo Trần Đăng Tuấn gửi lá thư ngỏ này sau khi Hãng tin nước Nga ngày nay có đăng một bài viết với những lời lẽ sai lệch, xúc phạm đến thế về lịch sử của Việt Nam.
Cụ thể, trong một bài báo được cập nhật lên trang web của Hãng tin Nước Nga ngày nay, tác giả Kosyrev, bình luận viện chính trị của hãng này khẳng định một cách đầy võ đoán, Việt Nam và Philippines đóng vai trò giữa Trung Quốc với Mỹ và phương Tây tương tự như Ukraine đã làm đối với Nga. Tiếp đó, bài báo thể hiện sai lệch vị trí, khoảng cách Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép, đồng thời đưa ra những phân tích chủ quan, xuyên tạc lịch sử Việt Nam...
Báo Dân trí xin đăng nội dung bức thư ngỏ của Nhà báo Trần Đăng Tuấn:
Thư ngỏ gửi Ngài Tổng Giám đốc RIA
(Nước Nga ngày nay)
Thưa ngài
Lý do tôi viết bức thư ngỏ này gửi đến ông là bài viết "Những thỏa thuận giữa Moskva và Bắc Kinh tốt hơn mọi tuyên cáo" của tác giả Dmitry Kosylev đăng trên trang điện tử http://ria.ru ngày 19.5.2014
Mỗi dòng, mỗi chữ liên quan đến Việt Nam có trong bài báo của Kosylev đều khiến độc giả Việt Nam bị tổn thương sâu sắc - đặc biệt là với những ai gần gũi với gắn bó với nước Nga - trong đó có tôi (Căn cứ vào những thông tin về tác giả, thì tôi và Kosylev hầu như cùng thế hệ, cùng học tập tại MGU, và từ nơi tôi học -Khoa Báo chí, chỉ cách vài bước chân là Viện ISSA nơi ông Kosylev từng học).
Sau khi nội dung bài báo được dịch ra tiếng Việt, tôi thấy khó khăn khi nhìn vào ánh mắt đồng bào tôi, bởi lẽ tôi đọc trong mắt họ câu hỏi lớn: Tại sao?
Vâng- Tại sao trên trang của cơ quan truyền thông lớn bậc nhất của nước Nga lại có những lời lẽ sai lệch , xúc phạm đến thế về lịch sử của Việt Nam.
Tại sao lại có sự so sánh khiên cưỡng, thiên kiến đến thế khi nhìn nhận sự việc diễn ra với Việt Nam trong tình hình hiện nay.
Tại sao vào lúc người Việt Nam chúng tôi cần những người hoà giải để tránh những tai hoạ có thể đo bằng xương máu, lại nghe thấy những lời lẽ thiếu thiện chí như thế, và xét về tác động chính trị (nếu có) là nguy hiểm. Tiện thể, những lời thiếu thiện chí về Việt Nam xưa nay cũng đã vang lên, nhưng hầu như người ta chưa nghe thấy nó vang lên bằng tiếng Nga.
Xét đến cùng, ai cũng cần có bạn bè, nhưng tại sao phải minh chứng cái cần thiết của một tình bạn mới bằng cách phủ nhận tình bạn cũ? Đó là điều xa lạ với tính cách của cả người Nga và người Việt.
Người ta có thể sững sờ vì qua bài viết thấy tác giả hoàn toàn thiếu kiến thức về Việt Nam, hoàn toàn không hiểu bản chất sự việc đang diễn ra , hoàn toàn không biết nguyện vọng của người Việt Nam muốn gìn giữ hoà bình.
Có thể ngài- , sẽ giải thích rằng bài báo chỉ là quan điểm cá nhân của tác giả. Lời giải thích đó tất nhiên là hợp lý.
Nhưng tình cảm giữa người dân, giữa hai dân tộc chúng ta quá lớn và quý báu, nên chúng ta-những người làm báo- không nên coi nhẹ những gì có thể phủ bóng đen lên những tình cảm đó.
Vì vậy, viết thư này, tôi muốn ông chuyển đến ngài Kosylep lời mời hãy cùng chúng tôi có cuộc thảo luận công khai, thẳng thắn, rõ ràng và bình tĩnh về những luận điểm liên quan đến VN có trong bài viết nói trên của ông ấy. Thảo luận đó có thể ở hình thức thuận tiên, rộng rãi trong khuôn khổ các khả năng to lớn của phương tiện thông tin đại chúng hiện nay. RIA và VTC News có thể giúp tổ chức cuộc thảo luận này, để đông đảo người đọc Nga và Việt Nam chứng kiến.
Ở Việt Nam có đủ người thông thạo tiếng Nga để các ý kiến được chuyển tải đến người đọc Nga và Việt Nam một cách thuận tiện nhất.
Xin gửi tới ông lời chào trân trọng.
Trần Đăng Tuấn
Tốt nghiệp Ngành Truyền hình Khoa Báo chí-MGU khoá 1976-1981
Thành viên IATR (Viện Phát Thanh Truyền Hình Quốc tế - Liên Bang Nga)
Theo Dantri
Về nơi Bác viết "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" Nằm trong ngôi làng cổ ven bờ sông Nhuệ (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội), Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày này đón nhiều đoàn khách tới tưởng niệm, báo công với Bác. Chính tại căn nhà này, ngày 18 - 19/12/1946, Người đã chủ trì Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng mở rộng,...