Giao lộ ‘ma ám’?
Những người già trong thôn kể lại: hàng chục năm về trước, một người đàn ông vì ngủ quên trên đường sắt bị tàu hỏa cán không toàn thây nên thường xuyên “ hiện hồn” về “rủ” những người đi đường theo cùng.
Điểm giao nhau giữa đường liên xã và đường sắt tại thôn Phú Sơn (xã Các Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) là một “điểm đen” về tai nạn giao thông: chỉ vài năm gần đây đã có hàng chục người khi băng qua đường sắt đã bỏ mạng vì tàu hỏa húc phải. Cùng với lời phán của một ông thầy bói trong làng: “Giao lộ đã bị ma ám”, những lời đồn này đã gây hoang mang cho người dân, xáo động cả một vùng quê yên tĩnh.
Lời đồn giao lộ “ma ám”
Trong câu chuyện giữa những người dân ở thôn Phú Sơn trò chuyện với nhau hàng ngày, đề tài được nhắc đến nhiều nhất, tranh cãi nhiều nhất là chuyện những vụ tai nạn “tự mình đâm đầu vào tàu hỏa”.
Người dân kể lại, rạng sáng ngày 26/6/2010, một người dân ở xã bên đi chợ sớm, khi đến đoạn đường trên thì gặp tàu hỏa sắp băng tới. Dù nhóm người trong xã cùng đi đã nghe thấy tiếng còi tàu từ xa nên đứng lại trước đường ray nhường đường cho tàu nhưng người đàn ông này vẫn cố tình băng qua, còn cười và ngoảnh đầu lại nói to: “Các bác đừng có đùa. Em có nghe, có thấy gì đâu”. Khi đến giữa đường ray thì chiếc xe của ông chết máy. Chưa kịp lao ra khỏi xe thì đoàn tàu đã lao tới, húc ông bắn xuống ruộng cách đó hàng chục mét. Nạn nhân chết trên đường đưa tới bệnh viện cấp cứu, chiếc xe máy trở thành đống sắt vụn.
Cái chết của một người dân ở thôn bên vài năm trước đây cũng là một tai nạn được người dân trong thôn bàn tán nhiều. Gia đình của nạn nhân kể lại, khác với ngày thường, bỗng dưng sáng hôm đó ông dậy tắm rửa từ sớm, ăn mặc tươm tất rồi dắt xe nói đi chợ mua đồ ăn. Đến gần đường sắt, ông vù ga phóng vượt lên bỏ mặc những người phía sau kêu la cảnh báo: “Tàu đến”. Thế rồi chỉ nghe đánh “rầm” một cái, nạn nhân bị đoàn tàu húc bắn lên trời, mắc vào dây điện và văng xuống ruộng. Khi người làng chạy đến vớt ông lên thì ông còn rất tỉnh táo. Có người hỏi: “ Sao ông không dừng lại theo lời chúng tôi?” thì người đàn ông trả lời: “Tôi thấy ai đó vẫy, gọi tôi đi nhanh qua…”. Nạn nhân được đoàn tàu chở luôn ra thành phố Thanh Hóa cấp cứu nhưng đã tử nạn trên đường đi. Sau tai nạn này, người trong vùng càng thêm sợ hãi, tin đồn có “ma” càng lan xa hơn.
Thực hư về “ ma bắt người” ở giao lộ như thế nào thì chưa rõ, nhưng hậu quả của những đồn đại này thì trước tiên những gia đình sống gần khu vực đó phải gánh chịu. Anh Phạm Văn Bốn, người sống gần đường tàu nhất cho biết: “Tôi và vợ con tôi đều đóng kín cửa mỗi khi đêm xuống. Có khi nghe tiếng động ngoài đường ray cũng không dám ra”. Thế là hàng đêm, những gia đình quanh đường ray ấy nuôi được con gà, con lợn bị bắt trộm liên tục mà không ai dám ra ngoài đuổi bắt. Còn cánh trẻ con trong thôn, cứ đứa nào khóc, nghe người lớn hù doạ là im thin thít. Lợi lộc nhất là mấy thầy bói trong vùng tung tin người này, người kia đi qua đoạn đường ấy vào giờ xấu, giờ trùng bắt… nếu không mời thầy giải hạn e rằng khó thoát. Người trong vùng nghe tin thì sợ hãi, bán thóc gạo sắm mâm xôi con gà, bỏ phong bì vài trăm nghìn nhờ thầy “giải hạn” mà lòng vẫn chưa yên.
Lý giải của những người thoát chết
Để tìm hiểu sự thật, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ những nhân chứng thoát chết trong những vụ tai nạn ở giao lộ trên.
Ông Đậu Văn Thức, 59 tuổi, thôn trưởng thôn Lạn, một người từng thoát chết tại “điểm đen” giao thông này kể lại: Buổi sáng hôm ấy ông đi họp trên xã và lấy tiền chính sách, tiền lương cho bà con trong thôn. Khi về đến khu vực này, do đã có chút hơi men trong người nên cứ thế đi không quan sát. Lúc đến giữa đường ray mới phát hiện tàu đang đến, ông luống cuống chẳng biết làm gì nên bị đoàn tàu húc văng xuống ruộng, mặt úp xuống bùn. Ông thoát chết nhưng bị gãy 9 xương sườn, gãy chân… mất sức lao động với tỉ lệ 71%. Ông Thức khẳng định: “Do có hơi men, tầm nhìn ở đoạn đường này lại bị che khuất bởi cây cối nên dễ gặp tai nạn chứ làm gì có ma”.
Video đang HOT
Lý giải cho việc nhiều xe máy, công nông khi đi đến giữa đường sắt thường chết máy, anh Phạm Văn Thêu, ngụ thôn Lạn, người lái công nông từng bị tàu húc văng xuống bụi dứa cho biết: “Đường giao nhau với đường sắt là một đoạn khá dốc, xe của những người đi chợ, hoặc xe công nông lại thường là những chiếc xe “nát” nên khi leo dốc có thể bị chết máy là chuyện thường. Chiếc xe công nông tôi điều khiển cũng vậy, do chở nặng, máy yếu, phải dồn ga nên sặc xăng và kẹt lại ở đường sắt. Không may gặp ngay lúc tàu chạy tới nên tai nạn khiến tôi văng vào bụi dứa”.
Chiếc công nông bị biến thành đống sắt vụn sau một vụ tai nạn tại “giao lộ ma ám”
Anh Lường Văn Lý, ngụ thôn Phú Sơn, là người thoát chết trong vụ tai nạn ngày 15/10 vừa qua cũng có chung nhận định này. Anh kể lại: “Hôm đó tôi cùng một người hàng xóm đi chợ sớm. Trên đường đi, 2 người trò chuyện, trêu đùa nhau cho đỡ buồn ngủ. Khi lên đến đỉnh dốc thì do xe chở nặng nên chết máy. Thấy tàu đến, tôi bỏ xe lại đó rồi nhảy ra lề đường thoát chết”. Anh Lý bình an vô sự, chiếc xe máy của anh bị cản tàu hất ra lề đường nhưng may mắn cũng chỉ bị vỡ phần yếm. Anh giải thích: “Chẳng qua là do đường chắn không đèn báo, không barie nên người đi đường sơ ý không biết tàu đến chứ bản thân tôi chẳng thấy con ma nào cả”.
Cột biển báo đã bị mờ
Anh Lê Văn Tòng, 43 tuổi, nhà sát với đường sắt, là người đã chứng kiến hầu hết các vụ tai nạn tại đây nói: “Đến tôi là người cảnh giác cao độ nhưng nhiều lúc qua đường sắt cũng bị giật mình vì các đoàn tàu thường đến bất ngờ. Cột biển báo thì mờ, lại không mấy người chú ý nên tai nạn là không tránh khỏi”.
Theo quan sát của chúng tôi, đường liên xã qua nút đường sắt nói trên thoáng, rộng khiến người đi đường chủ quan không giảm tốc độ. Hơn nữa, một số nhà dân đã che mất tầm nhìn nên khi xe leo lên giữa đường tàu mới phát hiện ra đoàn tàu đang đến gần, nên không xử lý kịp. Chỉ có duy nhất một chiếc biển báo giao nhau với đường sắt cắm bên đường nhưng theo như lời anh Lê Văn Tòng: “Biển báo thì bé, nằm ở góc khuất, mà người dân ở quê lại thường không có thói quen nhìn biển báo như ở thành phố. Hơn thế, vào buổi tối thì chiếc biển báo này hoàn toàn vô tác dụng”.
Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Các Sơn khẳng định: “Những vụ tai nạn nói trên xảy ra do đoạn giao nhau với đường sắt không có barie, còi kéo và đèn báo hiệu chứ chẳng có con ma nào như lời đồn thổi”.
Ông Tiến cho biết UBND xã đã làm công văn gửi ngành đường sắt nêu thực trạng và đề nghị cơ quan này lắp barie, đèn báo hiệu, chuông cảnh báo để hạn chế tai nạn nhưng công văn của xã gửi đi vẫn chưa có hồi âm.
Ông Tiến cho biết, đây là đoạn đường này huyết mạnh trọng yếu không chỉ đối với xã Các Sơn mà còn đường lưu thông của huyện, xã lân cận. Ông Tiến nói: “Tôi mong ngành đường sắt thấu hiểu nỗi khổ vì đường ngang này của hàng ngàn hộ dân tại địa phương. Nếu cơ quan chức năng lập barie báo tàu đến tại đây thì không chỉ giảm thiểu tai nạn, bảo vệ tính mạng của người dân mà còn dẹp luôn được tin đồn “giao lộ có ma”.
Theo Đời sống & Pháp luật
Lạ lùng chuyện thay tên để 'đổi vận'
Tiếng lành đồn xa, chẳng cần rong ruổi ở đâu cả, ngay tại nội đô Hà Nội cũng có ông thầy có khả năng thay đổi vận số của con người chỉ bằng cách đơn giản là... đổi tên.
Chúng tôi đã quyết định "mục sở thị" xem những lời đồn này linh nghiệm đến mức nào...
"Tránh xui, tên phải đổi"
Dừng lại tại ngõ 72 Thụy Khuê (quận Tây Hồ) cùng cô bạn, tìm đến một căn hộ khoảng 15m2 không gắn số nhà gần đấy, thấy "thầy" ngồi chễm chệ trong nhà và đang xem cho một người đàn bà hỏi cho đứa con trai đã lớn mà mãi không chịu lấy vợ. Thầy tên là Luật, tầm khoảng 60 tuổi, trông có vẻ trí thức với cặp kính cận dày cộp. Thầy phán: "Chị gặp tôi muộn quá! Con của chị có chữ Chân, xui xẻo lắm". Bà kia đáp: "Nhưng đấy là tên ông nội xem và đặt cho cháu". Thầy tiếp : "Chữ Chân là chữ đứng yên, chị không đổi tên là nó không có vợ, có con đâu. Nhà chị phải làm lễ cầu hạnh phúc cho nó, đến đây tôi làm cho". Người đàn bà kia dạ vâng liên hồi, để xuống bàn mấy tờ 100.000 đồng, cảm ơn thầy rối rít.
Vị khách tiếp theo là một thanh niên trẻ tuổi, tìm thầy hỏi lý do công việc làm ăn thất bại, đang thua lỗ lớn nên đến nhờ thầy Luật giúp đỡ về phần tâm linh. Anh ta tên là Quốc Hưng, sinh năm 1982. Thầy vừa nghe xong đã giãy nảy: "Bằng tuổi anh lẽ ra phải lên chức trưởng hay phó phòng rồi, tất cả là tại cái tên. Sinh năm Nhâm Tuất lại có tên đệm là Quốc. Vậy là đẻ ra đã làm vua, nhưng tên chính lại là Hưng, xấu quá nó án, nó ngữ chứ làm sao nữa. Mau đổi lại tên đi... Với tên Quốc Hưng anh có lấy vợ cũng không có con trai, mà còn mất sớm đấy".
Anh này cũng được "thầy" mách cho cách giải hạn là để lại ít tiền, thầy sẽ làm lễ cúng trong vòng một tuần và tìm tên mới phù hợp. Theo cách của ông thầy này thì đổi tên là đổi tên phần âm, xưng hô với người cõi âm. Tất nhiên ngoài đời anh ta vẫn gọi là Quốc Hưng, nhưng khi cúng bái sẽ dùng cái tên do thầy đặt thì người cõi âm mới "độ" cho được.
Tôi quan sát nơi hành lễ của thầy, căn hộ chỉ tầm 15m2 nhưng cái bàn thờ to đã chiếm đến gần 1/3 diện tích. Trên đó bày biện cơ man nào là huơng, hoa, bánh trái, câu đối, các đạo sớ viết bằng tiếng Tàu...
Căn nhà trong ngõ 72 Thụy Khuê là nơi thầy Luật "phán"
Tên nào... cũng phải đổi
Chờ mãi rồi cũng đến lượt, thầy Luật quay sang hỏi: "Có việc gì?". Tôi tỏ vẻ thành kính: "Dạ, vợ chồng con có tin vui, đến xin thầy tìm tên cho cháu". "Bao giờ?". "Dạ, siêu âm là con trai, sinh vào tháng 5 năm sau ạ. Con tên Minh Hải, sinh năm Nhâm Tuất (1982), còn vợ con tên Ngọc Loan sinh năm Ất Sửu (1985)".
Chưa kịp nói hết câu, thầy nói như chặn họng: "Có con trai mà đặt tên không đúng là không nuôi được đâu. Vì, chính tên đệm của cậu đã có chữ Minh, xấu lắm. Chữ Minh có nghĩa là tuyệt mệnh, minh mệnh, không có con trai nối nghiệp. Nhâm Tuất là con chó, mà chữ Hải là biển lạnh, cậu xem con chó nó ở trên cạn chứ ở dưới nước nó lạnh, không sống được đâu. Cẩn thận không thì yểu thọ, mau đổi lại tên đi".
Quay sang cô vợ "rởm", thầy phán tiếp: "Ngọc Loan có nghĩa là cuối đời không chồng, không con. Chữ Ngọc đặt cho con gái là chữ khổ lắm con ạ, còn chữ Loan có nghĩa là luyền, luyến, lụy, khổ...".
Tý nữa thì tôi ôm bụng lăn đùng ra giữa sàn nhà mà cười. Bản thân tôi chưa bao giờ nghe ai nói chữ Minh có nghĩa là tuyệt mệnh. Định tranh cãi với thầy nhưng nhớ lại mục đích chính của mình, tôi im lặng nghe tiếp. Thầy còn làm một tràng dài bình luận về cặp "vợ chồng rởm", nhưng tựu trung vẫn là những xui xẻo xảy đến với 2 cái tên do cha mẹ đặt cho.
Điều dễ nhận thấy mà chúng tôi đã được chứng kiến, bất cứ "tín đồ" nào tìm đến cũng đều bị thầy Luật phán cho cái tên của họ là xấu, đen đủi. Nếu là con trai thì không làm ăn thất bát cũng sống không thọ, hoặc không vợ không con, không người nối nghiệp. Con gái thì đau khổ về đường tình cảm, không chồng hoặc nếu có thì chồng chết sớm, về già không nơi nương tựa. Mỗi tên thầy nói một kiểu khác nhau, lý lẽ đầy đủ như được lập trình sẵn từ trước.
Cũng giống anh thanh niên mang tên Quốc Hưng, để giải quyết những xui xẻo của cái tên mà bị thầy phán là "chết sớm", tôi phải đến để đích thân thầy làm lễ cúng cho người cõi âm, trong vòng 1 tuần rồi mới tính đến công đoạn tìm tên mới, sẽ được sung sướng về sau. Thấy tôi có vẻ xuôi tai và ra chiều suy nghĩ, thầy "bồi" thêm: "Cậu nghĩ kĩ đi, không phải có bệnh là vái tứ phương, mà quan trọng là phải tìm đúng bệnh, con người có tên nhưng phải hợp với cái mệnh của mình, không thể làm bừa".
Hỏi đến chi phí, thầy bảo chả đáng bao nhiêu, cái chính là cái "tâm" của mình, nhưng tìm hiểu mới biết, mỗi lần cúng bái tiền "lễ" cho thầy thấp nhất cũng phải vài trăm ngàn, còn tiền làm lễ, thấp nhất cũng vài triệu.
Tôi chào thầy về sau khi mất 100.000 đồng cho 15 phút để nghe thầy phán toàn những điều xui xẻo. Tôi nhẩm tính, với lượng khách hàng ngày như thế thì cũng chả mấy chốc mà thầy lên nhà lầu xe hơi. Mà ai cũng phải thay tên để đổi vận như thế, cơ quan Tư pháp làm sao cho xuể?
Theo Đời sống & Pháp luật
Lời đồn bụi tre 100 tuổi có 'ma' ở Hà Nội "Có chuyện đồn rằng, một người vì trót bẻ một ngọn măng về ăn, bị đổ lỗi cho là ăn cắp đồ của ma quỷ, bị ám cho ốm lăn ốm lóc, trọc cả đầu, và nằm một chỗ chờ chết", đó là một trong những chuyện liên quan đến bụi tre ở Từ Liêm. Theo lời đồn, cứ vào ban đêm, hoặc...