Giáo hoàng kêu gọi công bằng, ổn định cho Myanmar
Giáo hoàng Francis hôm nay bày tỏ “đoàn kết với người dân Myanmar”, kêu gọi cùng hướng tới “công bằng xã hội, ổn định quốc gia”.
“Tôi cầu nguyện rằng những người nắm quyền lực của đất nước sẽ nỗ lực hướng tới lợi ích chung”, Giáo hoàng nói từ ban công nhìn ra Quảng trường St Peter tại Vatican.
Giáo hoàng Francis, người từng đến Myanmar vào năm 2017, đồng thời kêu gọi tất cả mọi người cùng hướng tới “công bằng xã hội, ổn định quốc gia và chung sống dân chủ hài hòa”.
Giáo hoàng Francis phát biểu tại Vatican tháng hai năm ngoái. Ảnh: Reuters .
Bình luận của Giáo hoàng được đưa ra trong bối cảnh hàng nghìn người dân Myanmar đang đổ xuống đường biểu tình phản đối cuộc đảo chính của quân đội hôm 1/2, khi Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và một số lãnh đạo cấp cao trong đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ cầm quyền bị bắt.
Quân đội cáo buộc có hành vi gian lận trong các cuộc bầu cử hồi tháng 11/2020 mà NLD giành chiến thắng áp đảo, tuyên bố tình trạng khẩn cấp để điều hành đất nước trong một năm, đồng thời cam kết chuyển giao quyền lực cho bên chiến thắng trong cuộc bầu cử được tổ chức sau khi tình trạng này chấm dứt. Thống tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, hiện nắm quyền điều hành đất nước.
Cuộc biểu tình đường phố đầu tiên ở Myanmar diễn ra tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai đất nước, hôm 4/2. Trước đó, do lo ngại sức mạnh từ quân đội, người dân Myanmar chọn các cách phản đối cuộc đảo chính như đăng ảnh lên mạng xã hội, đình công, hát vang các bài ca dân chủ và liên tục gõ xoong chảo, bấm còi xe.
Người Việt ở Myanmar kể về ngày quân đội đảo chính
Làm việc trong công xưởng ở Mandalay cả ngày, mạng Internet bị cắt, đến hết chiều 1/2 anh Quang Hải mới hay tin quân đội đã bắt các lãnh đạo Myanmar.
Video đang HOT
"Hôm qua tất cả mạng điện thoại và Internet bị cắt từ khoảng 3h sáng. Đến 17h chiều, khi kết nối được khôi phục, tôi mới biết là đảo chính xảy ra", anh Quang Hải, một lao động Việt ở thành phố Mandalay của Myanmar, cách thủ đô Naypyitaw khoảng 300 km và Yangon khoảng 700 km, chia sẻ với VnExpress .
Quân đội Myanmar sáng 1/2 thông báo bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và một số lãnh đạo cấp cao trong đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Động thái này diễn ra sau nhiều tuần căng thẳng giữa hai bên, liên quan đến cáo buộc gian lận bầu cử.
Quân đội Myanmar cùng xe bọc thép phong toả con đường dẫn tới toà nhà quốc hội ở thủ đô Naypyitaw hôm 2/2. Ảnh: AP .
Anh Hải cho hay hầu hết các đồng nghiệp trong công ty sau khi nhận được thông tin trên đều không ra ngoài để tránh rủi ro. Họ được công ty đảm bảo ăn ở tại chỗ nên cũng không quá lo lắng. Mọi thông tin bên ngoài chỉ tiếp nhận qua mạng và nghe người dân địa phương đồn đại.
Trên trang Facebook của cộng đồng người Việt Nam tại Myanmar, nhiều người cũng như anh Hải, không hay biết chuyện gì đã xảy ra, chỉ thấy đường sá vắng tanh, người dân tập trung mua thực phẩm và rút tiền ở các cây ATM.
Bảo Nguyễn, một người Việt, bày tỏ lo lắng khi không thể liên lạc được với vợ con người bản địa tại Yangon bằng cả Internet lẫn điện thoại.
"Mạng Internet hoạt động được một chút rồi tắt. Mình phải tìm cách gọi điện thoại chứ 4G cũng không sử dụng được", anh cho biết. Khoảng nửa ngày sau, anh thở phào khi liên lạc được với vợ con và biết họ vẫn ổn nhưng không rõ tình hình những ngày tới sẽ thế nào.
"Hiện đã có lệnh giới nghiêm từ 20h đến 6h sáng hôm sau. Thật buồn cho tình hình xã hội bên đó. Dịch bệnh vốn đã khiến người dân đủ khổ sở rồi", anh nói thêm.
Cùng ngày, Đại sứ quán Việt Nam ở Yangon đã gửi thông báo tới cộng đồng người Việt và doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar về biến động về chính trị tại nước này. Người Việt được khuyến cáo giữ bình tĩnh, lưu ý an ninh an toàn cho cá nhân, gia đình và tập thể, không đi ra khỏi khu vực Yangon, chuẩn bị kế hoạch của cá nhân và gia đình để đảm bảo công việc, sinh hoạt trong khoảng thời gian này, khi có thể còn có những diễn biến chính trị khó lường.
"Thời gian tới là dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán, Đại sứ quán xin đề nghị các doanh nghiệp và bà con hạn chế các hoạt động tập trung đông người, không tổ chức hội họp để đảm bảo an toàn, an ninh, đồng thời phòng chống dịch Covid-19 lây lan", thông báo có đoạn.
Đại sứ quán Việt Nam tại Yangon cho hay sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến các doanh nghiệp, bà con khi có diễn biến tình hình mới, nhưng lưu ý việc thông tin liên lạc hiện nay có những lúc bị gián đoạn và sẽ tìm cách khắc phục để thông tin sớm nhất có thể đến cộng đồng.
Anh Vũ Hoàn, một phiên dịch viên đang làm việc cho doanh nghiệp Đài Loan ở Yangon, cho hay từ đêm 31/1, anh bất ngờ được công ty thông báo nghỉ làm vì "có biến".
"Dường như một số người Myanmar đã có được thông tin rò rỉ về cuộc đảo chính. Khoảng 5h sáng, mạng Internet bị cắt và đến 10h thì thông tin bà Suu Kyi bị bắt xuất hiện trên báo chí", anh kể.
Sau khi nhận được thông báo từ Đại sứ quán Việt Nam, anh và các lao động trong công ty đều chủ động ở nhà, không ra ngoài. Gần trưa, anh Hoàn tranh thủ ra siêu thị cách nhà khoảng 1 km để mua thực phẩm, nước uống, hoa quả dự trữ cho những ngày tới.
"Người dân xếp hàng mua thực phẩm đông lắm. Tuy lo sợ Covid-19 nhưng tôi cũng đành phải đi, đeo khẩu trang và xịt khuẩn đầy đủ mới an tâm", anh nói.
Người dân đọc tin tức về vụ đảo chính tại một sạp báo ở Yangon, Myanmar, hôm 2/2. Ảnh: AP .
Chị Thanh Huỳnh, sống ở Yangon, cho biết sau 12h trưa hôm qua, người dân ùn ùn đổ đi mua đồ dự trữ khiến giá cả tăng vọt. Đến hôm nay, tình hình đời sống đã trở lại bình thường.
"Đường phố hơi vắng lặng đột ngột, giá cả ở chợ búa có tăng lên, tuy nhiên, mọi người vẫn bình yên", chị nói. "Chưa xảy ra bạo động nhưng nói chung ai cũng lo lắng vì không biết tương lai sẽ ra sao. Năm nay vừa phong toả ngăn Covid-19 lại thêm đảo chính, chắc người Việt ở đây không có Tết rồi".
Chị Huỳnh cho hay nhiều người Việt tại Myanmar rất muốn về quê đón Tết cùng gia đình nhưng tình hình dịch bệnh chưa thuyên giảm nên một số doanh nghiệp phải ngừng kinh doanh, khiến họ cũng gặp khó khăn về tài chính.
Anh Thành Du, ở ngoại ô Yangon, cũng đang mong chuyến bay về Việt Nam nhưng sẽ phải chờ qua Tết.
"Bản thân tôi đã hoàn thành công việc ở đây và chỉ mong được an bình", anh Du nói. "Với người dân Myanmar, tôi thấy thương cho họ. Tôi nghe thông tin sau 3 ngày nếu không có gì thay đổi, những người ủng hộ chính quyền sẽ tổ chức biểu tình".
Chính quyền quân sự Myanmar đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp để điều hành đất nước trong một năm, cách chức 24 bộ trưởng và thứ trưởng, công bố danh sách 11 người được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo các bộ. Lực lượng này cũng cam kết sẽ tổ chức cuộc bầu cử mới và trao lại quyền cho bên giành chiến thắng.
Mỹ, Liên Hợp Quốc và nhiều quốc gia đã phát thông điệp cảnh báo mạnh mẽ, đề nghị quân đội Myanmar thả bà Suu Kyi và các quan chức chính phủ cũng như tôn trọng ý chí của người dân, giải quyết khác biệt thông qua đối thoại hòa bình.
Anh Hoàn, anh Hải hay chị Huỳnh đều mong muốn người dân có đời sống ổn định, trong khi anh Du tin Mỹ và các quốc gia khác sẽ siết chặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với giới lãnh đạo quân sự Myanmar. Bất ổn chính trị cũng có thể thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn khỏi Myanmar, khiến cuộc sống của người dân nước này sẽ càng khó khăn.
"Dịch bệnh tràn lan, nay có chính biến nữa ắt sẽ xảy ra tang thương. Tôi mong muốn quân đội sẽ thả những người bị bắt, theo nguyện vọng của người dân. Bà Suu Kyi phạm tội gì thì phải xét xử rõ ràng", anh Du nói.
Nhiều nước bày tỏ lo ngại về chính biến ở Myanmar Mỹ, Australia và nhiều nước khác đã ra tuyên bố bày tỏ lo ngại về tình hình ở Myanmar và kêu gọi quân đội nước này tôn trọng các quy định luật pháp. Binh sĩ bên trong tòa thị chính Myanmar. Ảnh: Reuters Theo AP và Reuters, quân đội Myanmar tuyên bố nắm quyền kiểm soát nước này một năm sau khi bắt...