Giáo dục kiểu Singapore
Năm 2004, Thủ tướng Lý Hiển Long đưa ra thêm một định hướng mới cho nền giáo dục Singapore: “Phải dạy ít hơn để học sinh học được nhiều hơn”.
Theo nhận định của giáo sư Calestous Juma, chuyên gia về phát triển bền vững Trường ĐH Harvard Kennedy School, cải cách giáo dục như thế nào để bắt kịp thời đại là một trong những bài học đắt giá nhất mà các nước đang pát triển (còn gọi là thế giới thứ ba) có thể học hỏi ở Singapore.
Phục vụ kinh tế hướng ngoại
Khi giành được độc lập năm 1965, Singapore là một đảo quốc nghèo, nhỏ bé (chừng 700 km2), rất ít tài nguyên thiên nhiên, thiếu nước ngọt, dân số tăng trưởng nhanh, nhà cửa xập xệ, nguy cơ xung đột sắc tộc và tôn giáo khá cao giữa người Hoa, Ấn Độ và Mã Lai. Lúc đó không có giáo dục cưỡng bách, rất ít trường trung học và đại học và lao động có tay nghề khan hiếm.
Bức tranh của ngày hôm nay là một sự lột xác thần kỳ. Chỉ trong vòng 20 năm, Singapore nhảy vọt thành một nước phát triển công nghiệp hiện đại, một trung tâm thương mại, tài chính và vận chuyển hàng hóa tầm cỡ thế giới. Khi ông Lý Quang Diệu làm thủ tướng năm 1959, thu nhập bình quân đầu người của Singapore là 400 USD. Hiện nay là 60.000 USD! Thành tựu này phần lớn nhờ Singapore có một hệ thống giáo dục khá riêng biệt, liên tục được xếp hạng rất cao trong danh sách các nước có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới trong 10 năm qua. Theo báo cáo The Learning Curve 2014 của Công ty Giáo dục Pearson, hệ thống giáo dục Singapore đứng hạng 3 ở châu Á, chỉ sau Hàn Quốc và Nhật Bản.
Là người Hoa nhưng ông Lý Quang Diệu chọn tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của Singapore. (Nguồn: FMT)
Mục tiêu của hệ thống giáo dục Singapore chủ yếu là cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, qua đó tạo ra sức cạnh tranh cao. Tầm nhìn này được ông Lý phát triển ngay từ đầu nhiệm kỳ thủ tướng của mình. Đó cũng là một trong những bí quyết thành công của Singapore mà ông Lý thường nhấn mạnh. Để tạo chỗ đứng vững chắc về mặt kinh tế, theo ông Lý, cần có 3 yếu tố: Làm chủ (tìm kiếm cơ hội và tính toán kỹ rủi ro), đổi mới (luôn có sản phẩm mới và tạo giá trị gia tăng) và quản lý (mở thị trường mới và các kênh phân phối). Có thể nói, ngay từ đầu ông Lý đã kiên trì xây dựng một nền giáo dục mang tính định hướng rất rõ: Phục vụ kinh tế hướng ngoại.
Ông Lý cũng có một số ý kiến gây tranh cãi, như cho rằng không có sự khác biệt giữa kiến thức uyên bác và khả năng làm chủ doanh nghiệp. “Các học giả đồng thời cũng phải là nhà phát minh, nhà cải cách, nhà đầu tư mạo hiểm và chủ doanh nghiệp. Họ phải đưa sản phẩm mới, dịch vụ mới ra thị trường nhằm nâng cao mức sống người dân ở khắp nơi” – ông lập luận. Xa hơn nữa, để nhấn mạnh tính ưu việt của chất lượng nguồn nhân lực, ông Lý khẳng định: “Dân số học chứ không phải dân chủ sẽ là yếu tố then chốt cho an ninh thế kỷ XXI”.
Dạy ít để học nhiều
Giáo dục Singapore đi từ thấp lên cao theo 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn có một nhiệm vụ cụ thể. Trong giai đoạn đầu (1959-1978), mục tiêu của ngành giáo dục là đào tạo “công dân hữu ích, người tốt”. Trong giai đoạn 2 (1979-1996), Singapore tiến hành cải cách giáo dục, dùng sách giáo khoa chất lượng cao, đa dạng hóa bậc phổ thông trung học hướng tới đào tạo lực lượng lao động có tay nghề, sinh viên kỹ thuật và khoa học. Giai đoạn này đã mang lại nhiều kết quả khả quan: học sinh bỏ lớp giảm còn 6%, số học sinh thi đậu chứng chỉ “O Level” tiếng Anh (điều kiện để đăng ký vào các trường bách khoa học lấy bằng chuyên ngành điện, điện tử, xây dựng, cơ khí, quản trị kinh doanh…) đạt 90% năm 1984 và năm 1995, sinh viên Singapore luôn ở tốp đầu các kỳ thi toán và khoa học thế giới.
Từ năm 1997 đến nay, giáo dục Singapore chuyển hướng mạnh, nhắm tới sáng tạo, đổi mới và nghiên cứu. Hơn 1 triệu nhà khoa học, kỹ thuật và quản lý cao cấp người nước ngoài được mời đến giảng dạy và nghiên cứu ở các trường đại học và viện nghiên cứu Singapore. Cũng trong giai đoạn này, Singapore thực thi tầm nhìn chiến lược “Thinking School, Learning Nation” (Nhà trường tư duy, Quốc gia học tập) như một định hướng đổi mới giáo dục. Vế đầu có nghĩa là nhà trường trở thành nơi phát huy tư duy sáng tạo, say mê học tập cả đời và hun đúc tinh thần phục vụ đất nước. Trong vế thứ hai, học tập trở thành văn hóa quốc gia, óc sáng tạo và đổi mới ăn sâu vào mọi tầng lớp xã hội. Khi triển khai tầm nhìn mới này đầu năm 1997, Thủ tướng Goh Chok Tong tin rằng “sự thịnh vượng của Singapore trong thế kỷ XXI tùy thuộc vào khả năng học tập của toàn dân”.
Năm 2004, trong bài diễn văn chào mừng Quốc khánh Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long còn đưa ra thêm một định hướng mới cho nền giáo dục Singapore: “Phải dạy ít hơn để học sinh học được nhiều hơn”. Để đạt hiệu quả cao, Singapore dành 1/5 GDP đầu tư vào giáo dục. Con số này hiện nay vẫn được duy trì.
Có thể học hỏi được gì ở nền giáo dục Singapore thiên về thực hành hơn kiến thức chung chung? Theo giáo sư Yuma, đây là một thách thức lớn đối với đa số các nước đang phát triển – vốn có hệ thống giáo dục không phản ánh yêu cầu của doanh nghiệp trong thời đại mới.
Theo Nguyễn Cao
Người Lao Động
Người con gái "lập dị" của ông Lý Quang Diệu trải lòng về cha mẹ
Tiến sĩ Lý Vỹ Linh (sinh năm 1955), là con thứ 2 của cựu thủ tướng Lý Quang Diệu, đã không kết hôn và sống bên bố mẹ đến những giờ phút cuối cùng.
Một trong những tấm ảnh rõ ràng hiếm hoi của tiến sĩ Vỹ Linh
Video đang HOT
Tiến sĩ Vỹ Linh hiện là giám đốc viện khoa học thần kinh quốc gia Singapore. Suốt nhiều chục năm qua, bà không hề được nhắc đến nhiều như 2 người con trai của cựu thủ tướng Lý Quang Diệu là thủ tướng Lý Hiển Long hay giám đốc Singtel Lý Hiển Dương. Thậm chí, người phụ nữ này còn không mấy khi xuất hiện trong những tấm ảnh gia đình Thủ tướng.
Là một người phụ nữ cô độc suốt cuộc đời, bà Vỹ Linh sống và phụng dưỡng cha mẹ đến giây phút cuối cùng. Sau khi cha mất, bà đã gửi tạp chí Straitstimes những bức thư bà từng viết từ năm 2011 đến nay, bao gồm toàn những gạch đầu dòng ngắn gọn, nói về cha mẹ và cuộc đời mình.
Tiến sĩ Lý Vỹ Linh và ông Lý Quang Diệu.
Bố tôi là một người nghiện công việc
- Cả gia đình tôi ở trong bệnh viện khi bố phải đặt stent động mạch vành, không ai nói với ai lời nào, không phải vì căng thẳng đâu, đơn giản vì chúng tôi rất bận.
- Bố tôi ngồi trên giường bệnh, ông vẫn lúi húi bên chiếc laptop, mẹ tôi kiểm tra giấy tờ, còn tôi cũng ngồi giải quyết những công việc tại viện.
- Nếu ai đi qua nhìn thấy 3 người chúng tôi như vậy, chẳng ai nghĩ rằng bố tôi sắp phải phẫu thuật tim. Năm ấy, ông 73 tuổi, ca phẫu thuật là lý do không đủ lớn để ông ngừng làm việc.
- Tôi chưa từng thấy ông thể hiện cảm xúc, ông luôn nhẫn nhịn để đối đầu với thử thách.
- Ông chưa từng hoảng sợ, bố tôi nghĩ hoảng sợ sẽ ảnh hưởng không tốt đến tư duy.
- Để chèo lái một đất nước, sự đanh thép là cực kỳ cần thiết, và ông đã làm điều đó 31 năm.
- Trong gia đình, tôi và cha tôi đều có tính khí rất mạnh, thế nên không phải lúc nào quan hệ của bố con tôi cũng tốt đẹp.
Một tấm ảnh hiếm về 2 cha con thủ tướng.
- Thật ra, mỗi khi chúng tôi cãi vã, trận chiến đó sẽ kéo dài đến lúc người kia chịu thua thì thôi.
- Năm 2002, tôi đã bỏ nhà đi sau một trận cãi lộn với bố.
- Bố luôn muốn tôi ngừng tập tạ, có lẽ vì ông thấy tôi bị gãy xương quá nhiều lần.
- Có lần bố gọi tôi vào phòng làm việc, ông bảo tôi sẽ bị liệt nếu còn tập luyện nặng, nếu tôi còn sống cùng ông thì phải dừng ngay việc đó lại.
- Thế nên tôi bỏ nhà đi luôn, thật ra là tôi đến nhà anh Long (thủ tướng Lý Hiển Long) ở.
- Năm ấy tôi 47 tuổi.
- Thế mà 1 năm sau, tôi nói với bố là sắp đến Hawaii để thám hiểm núi lửa, ông chỉ nói đúng 1 câu "Cẩn thận đấy".
Tiến sĩ Vỹ Linh cùng cháu gái.
Gia đình tôi thích sống kiểu thanh đạm
- Mặc dù gia đình khá giả, nhưng bố mẹ dạy dỗ 3 anh em tôi phải thật tiết kiệm.
- Nếu 1 trong 3 đứa mà để vòi nước vẫn nhỏ giọt hoặc điện vẫn sáng khi ra khỏi phòng thì sẽ bị phạt rất nặng.
- Khi đi công tác nước ngoài, bố tôi toàn tự giặt quần áo, ông bảo chi phí giặt đồ khách sạn tốn kém quá, tiền công để giặt một cái áo đắt đúng bằng mua một cái mới.
- Mẹ tôi rất giỏi việc thay chun quần áo, vì bố tôi chỉ thay chun thôi chứ không mua đồ mới.
- Căn nhà gia đình tôi ở xây dựng từ 100 năm trước.
Bà Lý Vỹ Linh (trái) trong một giải đấu karate quốc gia năm 1979.
- Tôi có 3 cái đồng hồ Casio, 1 cái Seiko bố cho từ 40 năm trước, 2 cái Tag Heuer cực đắt tiền của anh Long và Dương tặng.
- Nhưng tôi chỉ đeo đúng 1 cái casio, tôi không bao giờ tháo nó ra, có đêm tôi làm rơi nó ở đâu đó quanh nhà, thế là tôi phải lấy cái khác ra đeo thì mới ngủ được.
- Tôi có một bọc váy mua từ 20 năm trước, nhưng chỉ mặc 3 trong số đó, không có gì hợp với tôi hơn áo phông và quần ngố.
Bà Vỹ Linh phát biểu tại đám tang mẹ
Sống một cuộc sống không hối tiếc
- Bố tôi có một cuộc sống trọn vẹn, phong phú và đầy ý nghĩa.
- Khoảng 20 năm trước, bố mẹ tôi có nói với tôi về chuyện lập gia đình, ông bảo mặc dù có con gái sống cùng cũng vui, nhưng khi bố mẹ mất thì tôi sẽ cô độc lắm.
- Tôi trả lời "Thà như thế còn hơn mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân vô vị".
- Tôi chưa bao giờ hối tiếc về quyết định của mình.
- Trước đây bố mẹ tôi hay đi công tác hoặc du lịch cùng nhau.
- Sức khỏe bố tôi xuống dốc từ ngày mẹ qua đời, trước đây ông ấy khỏe lắm.
Cố Thủ tướng và 3 con trong đám tang bà Kha Ngọc Chi năm 2011.
- Từ ngày mẹ mất, tôi hay đưa bố đi công tác nước ngoài cùng mình, ông có vẻ cũng thích thế lắm.
- Bố tôi rất thích đi du lịch, ông cho rằng đi du lịch sẽ học được điều mới đem về cho Singapore.
- Năm 2011, sau khi mẹ mất không lâu, ông cùng tôi đi công tác vòng quanh thế giới trong 16 ngày.
- Tôi biết bố rất buồn vì mẹ qua đời, nhưng ông không bao giờ thể hiện điều đó. Năm ngoái, ông có nói với tôi là "đối tác làm ăn" lâu dài và uy tín nhất của ông chính là mẹ.
- Sau tang lễ của mẹ, ông tập luyện thể thao điên cuồng, tôi đã phải ngăn cản vì sợ ông bị kiệt sức.
- Vị thế đã thay đổi, hồi xưa ông cấm tôi tập thể thao, giờ đến lượt tôi cấm ông, nhưng tôi thấy buồn vì điều đó.
- Khi đối mặt với bệnh tật, tinh thần và suy nghĩ của bố tôi rất hợp với bài thơ của Robert Frost:
"Rừng tối đen và sâu thẳm
Nhưng tôi còn một lời hứa
Và còn hàng dặm dài phải đi trước khi ngủ
Theo Trí Thức Trẻ
Ngoại giao phúng điếu: Ai sẽ đại diện Trung Quốc viếng ông Lý Quang Diệu? Nếu để Lý Nguyên Triều đi viếng e rằng cấp độ hơi thấp, cấp Bộ trưởng hay Phó Thủ tướng cũng "chưa đủ tư cách" tham dự tang lễ ông Lý Quang Diệu. Ông Tập Cận Bình sẽ đích thân sang Singapore phúng ông Lý Quang Diệu? Ảnh: Verwendung. Đa Chiều ngày 23/3 đưa tin, sau khi ông Lý Quang Diệu qua đời...