Giáo dục hòa nhập với trẻ khuyết tật
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy tại 18 quốc gia thu nhập thấp và trung bình cho thấy 23% trẻ em từ 2-9 tuổi có nguy cơ hoặc có một khuyết tật về mặt phát triển.
Ảnh minh họa
Việc thúc đẩy phát triển tiềm năng của trẻ em là đòn bẩy quan trọng để tối đa hóa tiềm năng kinh tế của một quốc gia. Đó là thông tin được GS.TS Trần Công Phong – Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam – cho biết tại hội thảo quốc tế “Giáo dục học sinh rối loạn phát triển” lần thứ 2 với chủ đề: Nâng cao chất lượng mô hình giáo dục học sinh rối loạn phát triển vừa diễn ra tại Hà Nội vào 2 ngày 28-29/11.
Trẻ khuyết tật trong đó có trẻ rối loạn phát triển là một trong những đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất trong học tập, phát triển và hòa nhập xã hội. Làm thế nào tất cả trẻ khuyết tật được giáo dục có hiệu quả và phát triển hết khả năng để trở thành những người sống độc lập và có ích cho xã hội?… Đó là những câu hỏi mà các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực luôn trăn trở tìm kiếm câu trả lời.
Theo một số đại biểu, bên cạnh giáo dục chuyên biệt thì giáo dục hòa nhập là một trong những giải pháp tích cực giúp trẻ khuyết tật nói riêng và trẻ rối loạn phát triển được tham gia học tập cùng với các trẻ bình thường xóa bỏ sự cách biệt mặc cảm, xa lánh, đồng thời giúp trẻ phát triển bình thường, hình thành lòng nhân ái, yêu thương.
Video đang HOT
Bộ GDĐT đã ban hành Quyết định số 23/2006/QĐ-BGDĐT quy định về giáo dục hòa nhập dành cho người tàn tật, khuyết tật; các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục các cấp hàng năm đều có đề cập đến nội dung này. Tuy nhiên, góp phần thành công lớn nhất trong việc giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật chính là vai trò của các thầy cô giáo, những người trực tiếp hướng dẫn, dạy dỗ, chăm sóc các em. Trong đó, sự gắn kết thường xuyên với gia đình để thấu hiểu tâm sinh lý, đặc điểm của từng em một chính là mẫu số chung để giúp các em có thể hòa nhập tốt nhất với trường lớp, bạn bè và xã hội. Đặc biệt là cần sự can thiệp càng sớm càng tốt trong việc giáo dục trẻ để mang lại những hiệu quả tích cực.
Lam Nhi
Theo daidoanket
Nặng lòng với trẻ khuyết tật
Bằng tình thương dành cho trẻ khuyết tật, 10 năm qua, cô Lê Thị Lý (54 tuổi) và cô Phạm Thị Kim Dung (53 tuổi) đã gắn bó, chăm sóc cho hàng trăm trẻ em khuyết tật trên địa bàn H. Phú Ninh (Quảng Nam).
Được chăm sóc tận tình, nhiều em đã dần khỏe mạnh để hòa nhập vào xã hội, có nhiều em nỗ lực học giỏi thi đỗ vào các trường đại học.
Cô Lý và Dung tận tình chăm sóc cho trẻ khuyết tật.
Chúng tôi đến cơ sở tập vật lý trị liệu cho trẻ em khuyết tật tại thị trấn Phú Thịnh (H. Phú Ninh) giữa tháng 11. Lúc đến, cơ sở có gần 50 trẻ khuyết tật đang nằm trong phòng chờ mẹ Lý và mẹ Dung đến tập vận động chân tay. Các phụ huynh và trẻ em khuyết tật ở đây đều yêu mến gọi hai cô bằng cái tên thân mật là mẹ, bởi tình thương hai cô dành cho trẻ như tình mẫu tử. Trò chuyện với chúng tôi, cô Lý cho hay, đầu năm 2010, tổ chức Quỹ Cựu chiến binh Mỹ (VFF) về khảo sát, xây dựng cơ sở chăm sóc cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn H. Phú Ninh. Lúc đó, tổ chức này tuyển 11 người đưa đi huấn luyện cách tập vật lý trị liệu để về tập cho trẻ khuyết tật. Tuy nhiên, hoạt động được 1 năm thì tổ chức này giải thể khiến cơ sở lâm vào cảnh bế tắc.
"Lúc tổ chức này dừng hoạt động, những người khác đành rời cơ sở đi tìm việc làm khác. Riêng tôi và cô Lý vì thấy các trẻ em khuyết tật quá đáng thương nên đi không đành. Chúng tôi quyết định nán lại thời gian giúp các em chữa trị được ngày nào hay ngày đó. Cũng may, lúc đó ông Tony là Cựu binh từng chiến đấu ở Việt Nam về H. Phú Ninh thấy cơ sở hoạt động rất ý nghĩa nên quyết định hỗ trợ kinh phí mở rộng và sắm thêm nhiều vật dụng để cơ sở tiếp tục được hoạt động. Thời điểm đó, chúng tôi được trả chỉ 750 ngàn đồng mỗi người/1 tháng. Mức lương đó thật sự thấp, trong khi chúng tôi phải lo từ khâu nấu ăn đến việc tập luyện cho gần 50 trẻ. Nhưng vì quá nặng lòng với trẻ khuyết tật nên chúng tôi đã chấp nhận để được gắn bó, chăm sóc cho các cháu"- cô Dung tâm sự.
Đến năm 2015, vì điều kiện tài chính nên nhà tài trợ quyết định cắt khẩu phần ăn trưa khiến cơ sở lâm vào cảnh khó khăn do phần lớn các trẻ nhà ở xa nên ở lại trưa để chiều tập tiếp. Do vậy, 2 cô đã lặn lội đi gõ cửa các đơn vị, đồng thời đăng bài viết lên mạng xã hội facebook kêu gọi các Mạnh Thường Quân chung tay giúp đỡ. "Chúng tôi kêu gọi xin sự giúp đỡ về vật chất, nhu yếu phẩm cần thiết cho các em.
Thấy việc làm của chúng tôi ý nghĩa nên có nhiều người sẵn sàng chi vài chục triệu đồng tiền mặt hoặc chuyển khoản nhưng tôi không đồng ý. Tôi muốn họ đến cơ sở gặp gỡ các em để cảm nhận, sau đó họ tự nguyện mua những vật dụng cần thiết như tã, sữa, lương thực đến cho các em bằng tất cả tấm lòng của mình. Đối với những người lao động nghèo, đó là phần quà lớn nhằm giúp cho gia đình vơi bớt đi nỗi lo về vật chất"- cô Lý trải lòng.
Nhiều đoàn từ thiện đến tặng quà cho các trẻ khuyết tật tại cơ sở.
Cô Dung bộc bạch: "Cũng may, cả 2 chúng tôi đều có chồng là giáo viên nên thấu hiểu được việc làm của vợ. Tiền lương lúc đó có mấy trăm ngàn, nhiều lúc phải lấy tiền nhà ra chi tiêu và mua thêm đồ dùng cho trẻ. Cả tuần chúng tôi phải túc trực ở cơ sở chăm lo cho trẻ khuyết tật đến tối mới về nhà. Thế nhưng, ông ấy hiểu được lòng vợ nên không cằn nhằn, ngược lại khuyên hãy làm bằng cả tấm lòng của mình để giúp đỡ cho những đứa trẻ kém may mắn. Có được như vậy, chúng tôi mới thực hiện được công việc ở cơ sở này suốt 10 năm nay".
Nhắc đến những kỷ niệm đáng nhớ về trẻ khuyết tật, cảm xúc lại ùa về khiến cô Lý không cầm được nước mắt: "Điều khiến tôi vui nhất là lúc được nhìn thấy các con có thể mở miệng gọi tiếng ba mẹ, bước đi trên chính đôi chân của mình. Cứ 2-3 năm cơ sở sẽ cho 7-9 bé có sức khỏe tốt hồi gia, hiện có nhiều em đi bán vé số, bán bánh dạo kiếm tiền nuôi bản thân và giúp đỡ gia đình. Đặc biệt có 3 em đỗ vào trường đại học lớn, 2 em đã ra trường tìm được công việc ổn định. Đáng nhớ nhất là trường hợp của bé Hà Công Nguyên Khang (2007), em sinh ra 3 ngày tuổi thì bị bệnh não úng thủy và u tuyến tiền liệt.
Lúc đó, gia đình đã đưa đi chữa trị khắp nơi nhưng bệnh viện đã trả về nhà chăm sóc. Khi đến cơ sở, bé chỉ biết cuộn tròn người lại lăn như con lăn quăng khiến ai cũng đau xót. Tuy nhiên, sau 2 năm tập luyện, bé có thể cử động được chân tay nhưng không thể tự đứng dậy được. Khi đó, tôi nói với bé là từ nay mẹ Lý sẽ không ngủ với Khang nữa, con cứ nằm hoài vậy mẹ phải chăm bé khác. Thấy tôi ôm ấp đứa khác, Khang bực tức gượng dậy bước đến ôm chầm lấy tôi giành lại khiến ai cũng ngỡ ngàng hạnh phúc. Hiện sức khỏe bé Khang đang tiến triển tốt, bé đang học lớp 7".
Ngoài việc chăm sóc và tập luyện cho trẻ khuyết tật, những lúc rảnh các cô còn dạy cho trẻ nhận dạng mặt chữ, đọc viết để nâng cao nhận thức. Nhiều bé có hoàn cảnh khó khăn, gia đình không đưa đến cơ sở được thì hai cô thay phiên nhau đến nhà chở đến cơ sở để tập luyện. Những trường hợp khó khăn không nơi nương tựa các cô sẵn sàng đưa về nhà để cưu mang, đùm bọc. "Hiện cơ sở còn nhiều thiếu thốn về vật chất và đồ dùng tập luyện, qua đây tôi mong muốn các Mạnh Thường Quân chung tay góp sức giúp các em khuyết tật vượt qua khó khăn, sớm hòa nhập với cộng đồng, xã hội" - cô Dung tâm sự.
LÊ VƯƠNG
Theo congandanang
Quyết định chấm dứt hoạt động của Tâm Việt đối với trẻ tự kỷ Sở Lao động TB&XH Hà Nội quyết định Công ty TNHH Tâm Việt giáo dục, hòa nhập cộng đồng cho trẻ khuyết tật (gọi tắt là Trung tâm Tâm Việt) phải chấm dứt hoạt động tiếp nhận, nuôi, dạy kỹ năng cho trẻ tự kỷ trên địa bàn TP Hà Nội. Xem video: Sự thật phía sau trung tâm đào tạo trẻ tự...