Giáo dục đạo đức thông qua tất cả môn học trong Chương trình mới
Cử tri tỉnh Bình Dương thể hiện quan ngại về vấn đề đạo đức của người dân hiện nay, trong đó có một phần liên quan đến trách nhiệm của nhà trường trong giáo dục đạo đức học sinh.
Ảnh minh họa/INT
Do đó, đề nghị trong chương trình giảng dạy đạo đức ở nhà trường cần chú trọng nêu nhiều tấm gương tốt, người thật, việc thật góp phần lan tỏa các phẩm chất đạo đức tốt trong xã hội.
Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh được thực hiện thông qua tất cả các môn học, hoạt động giáo dục, trong đó môn Giáo dục công dân (ở tiểu học gọi là môn Đạo đức, ở THCS gọi là môn Giáo dục công dân, ở THPT gọi là môn Giáo dục kinh tế và pháp luật) đóng vai trò quan trọng.
Để tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở GD-ĐT triển khai đồng bộ nhiều giải pháp:
Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cấp các ngành, tổ chức đoàn thể xã hội để xây dựng môi trường giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và môi trường xã hội lành mạnh.
Video đang HOT
Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai các văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT về giáo dục đạo đức, lối sống. Nâng cao vai trò và trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm trong việc thường xuyên quan tâm, nắm bắt tình hình tư tưởng, đạo đức học sinh.
Nêu nhiều tấm gương việc tốt, các trường hợp điển hình, gần gũi với đời sống học sinh trong chương trình giảng dạy đạo đức ở nhà trường.
Rà soát, tích hợp lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên vào trong các môn học chính khóa: Các chuyên đề lễ giáo cho trẻ em mầm non, môn Đạo đức cho học sinh tiểu học, môn Giáo dục công dân cho học sinh trung học và các môn học, hoạt động giáo dục khác.
Đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức: Chú trọng việc tổ chức, hướng dẫn học sinh hoạt động khám phá, phân tích, khai thác các thông tin, xử lý các tình huống thực tiễn, các trường hợp điển hình, gần gũi với đời sống học sinh; coi trọng việc tổ chức, hướng dẫn các hoạt động trải nghiệm để học sinh tự phát hiện và chiếm lĩnh kiến thức mới, từ đó tự hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của người công dân tương lai; vận dụng các hình thức giáo dục theo hướng linh hoạt, phù hợp, hiệu quả (dạy học theo lớp, theo nhóm và cá nhân, ở trong lớp, ngoài lớp và ngoài trường); tăng cường thực hành, rèn luyện kỹ năng trong các tình huống cụ thể của đời sống; tích cực sử dụng các phương tiện truyền thông nhằm đa dạng, cập nhật thông tin, tạo hứng thú cho học sinh; kết hợp giáo dục nhà trường với giáo dục của gia đình và xã hội. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong quản lý, giáo dục học sinh.
Hải Bình
Theo GDTĐ
Nền giáo dục tiên tiến là nền giáo dục phải chăm lo, ưu tiên cho học sinh khó khăn
Chia sẻ tại Hội thảo "30 năm mô hình giáo dục Đinh Tiên Hoàng và giải pháp giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh phổ thông hiện nay", Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng) cho rằng: Một nền giáo dục văn minh, tiên tiến trước hết phải chăm lo, ưu tiên cho những học sinh gặp khó khăn.
Mới đây, Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội đã phối hợp với Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình) tổ chức Hội thảo khoa học "30 năm mô hình giáo dục Đinh Tiên Hoàng và giải pháp giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh phổ thông hiện nay".
Toàn cảnh buổi Hội thảo.
Theo đó, Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ và khẳng định những quan điểm, phương pháp giáo dục hiện đại đã được vận dụng sáng tạo, thành công ở Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng và những vấn đề cần phát huy tác dụng trong công tác giáo dục đạo đức lối sống hiện nay.
Đồng thời, nêu những quan điểm, phương pháp giáo dục nhằm đảm bảo công tác giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, vai trò của cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên chủ nhiệm trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với đối tượng học sinh đặc biệt.
Thông tin tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng) cho biết: Tháng 10/1989, Trường Trung học phổ thông Dân lập Đinh Tiên Hoàng được thành lập với mục đích thu nhận những học sinh không được vào trường quốc lập hoặc đang học tại các trường quốc lập nhưng xếp loại yếu kém về văn hóa, đạo đức, vi phạm kỷ luật bị các trường từ chối không cho học.
Khi xây dựng mô hình giáo dục Đinh Tiên Hoàng, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội mong muốn thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em, góp phần thực hiện công bằng giáo dục đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Những năm đầu mới thành lập, Trường Đinh Tiên Hoàng tiếp nhận và đào tạo học sinh theo mô hình "giáo dục đặc biệt". Trong đó 60% là học sinh yếu kém về khả năng học tập văn hóa, còn lại là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn như gia đình ly tán, kinh tế sa sút.
Năm 2015, để sát với thực tiễn đời sống và giáo dục Việt Nam, nhà trường chuyển sang mô hình "giáo dục không chọn lọc đầu vào". Mô hình này dựa trên mô hình đánh giá chất lượng giáo dục của UNESCO - "giáo dục cho mọi người".
Từ đó, học sinh Trường Trung học phổ thông Dân lập Đinh Tiên Hoàng đã có kết quả đáng khích lệ: Học sinh biết tự học, tự rèn, tự phát triển năng lực phẩm chất, năng lực đạt mục tiêu cấp học; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp Trung học phổ thông trong nhiều năm đạt từ 95% đến 98%; học sinh sau tốt nghiệp được xã hội tin tưởng, sử dụng...
Đến nay, hơn 10.000 học sinh của trường đã tốt nghiệp Trung học phổ thông. Một số vào đại học, cao đẳng (khoảng 40%), một số học trường nghề rồi tự ra lập nghiệp. Nhiều cựu học sinh của trường đều nhìn nhận khi học tập tại trường, họ đã có môi trường giáo dục thực sự vì học sinh, được nhận sự tin yêu của các thầy cô giáo, của bạn bè. Đó là điều hiếm hoi với những học sinh được xem là "cá biệt" lúc đó.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, những thành công của Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng khi chuyển từ mô hình "giáo dục đặc biệt" sang mô hình "giáo dục không chọn lọc đầu vào" đã cho thấy, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các nhà trường cũng phải chăm lo việc dạy người, đặt việc dạy người lên hàng đầu nhằm đảm bảo công bằng trong giáo dục. Một nền giáo dục văn minh, tiên tiến trước hết phải chăm lo, ưu tiên cho những học sinh gặp khó khăn.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về nhiều vấn đề như: Mô hình giáo dục hiện đại nhằm đáp ứng nhiệm vụ giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh; văn hóa trường học và xây dựng trường học hạnh phúc; tăng cường hỗ trợ của các hình thức giáo dục ngoài nhà trường cho công tác giáo dục đạo đức lối sống học sinh phổ thông; đổi mới các hình thức giáo dục đạo đức và tác động để phụ huynh cùng đồng hành giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh...
Theo laodongthudo
Tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh Tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách sống cho học sinh (HS) là 1 trong 9 nhiệm vụ trọng tâm được ngành giáo dục đặt ra trong năm học mới. Trước sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận HS, thì song hành với truyền dạy kiến thức phải tăng cường giáo dục đạo đức, củng cố nền...