Giao điểm giữa ngoại giao gấu trúc và chiến lang của Trung Quốc
Những con gấu trúc Trung Quốc cho nước ngoài mượn đã hồi hương trong khi đó, nhiều nhà ngoại giao theo trường phái “ Chiến lang” của nước này bắt đầu im lặng khi Bắc Kinh thay đổi phương pháp ngoại giao.
Ngoại giao gấu trúc và chiến lang
Ông Triệu Lập Kiên. Ảnh: Getty Images
Tờ Guardian (Anh) cho biết thế hệ quan chức ngoại giao của Trung Quốc đi theo trường phái cứng rắn hơn với phương Tây được gọi là ngoại giao “Chiến lang” – dựa trên bộ phim cùng tên năm 2015 của Trung Quốc.
Trung Quốc đã cấm mạng xã hội X, trước đây là Twitter, hoạt động tại nước này từ năm 2009. Tuy nhiên, nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc đã sử dụng mạng xã hội này để lan toả quan điểm của họ với dư luận nước ngoài. Bên cạnh đó, kể từ năm 2014, tất cả các đại sứ quán Trung Quốc đều có trang Facebook chính thức dù Trung Quốc đã cấm mạng xã hội này ở trong nước từ năm 2009. Khác với các tài khoản Facebook chủ yếu được sử dụng để quảng bá văn hóa Trung Quốc và đăng hoạt động hợp tác ngoại giao thì tài khoản X của các đại sứ Trung Quốc lại mang tiếng nói cá nhân.
Với những bình luận như “Có thể quân đội Mỹ đã mang virus gây bệnh COVID-19 đến Vũ Hán” và “Phân biệt chủng tộc đối với cộng đồng thiểu số ở Mỹ là căn bệnh mãn tính của xã hội xứ sở cờ hoa”, cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên được mệnh danh là Chiến lang hăng hái nhất của Trung Quốc.
Ông Triệu Lập Kiên thu hút hơn 1,9 triệu người theo dõi trên X và nhiều đồng nghiệp Trung Quốc cũng áp dụng cách tiếp cận thẳng thắn của ông. Nhưng vào đầu tháng 1, ông Triệu Lập Kiên đột ngột nhận vai trò khác trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc về biên giới trên bộ và trên biển. Kể từ đó, ông không còn đăng bài trên X.
Ngoài Chiến lang, ngoại giao gấu trúc cũng là một cách tiếp cận mang dấu ấn của Trung Quốc. Gấu trúc là động vật quý hiếm và là biểu tượng văn hóa của Trung Quốc. Chúng chủ yếu sống ở các khu rừng ôn đới vùng núi phía Tây Nam nước này.Trung Quốc có khoảng 1.800 con gấu trúc sống trong tự nhiên nhưng nước này cũng có ít nhất 65 con khác được chuyển cho hơn 20 quốc gia trên thế giới mượn.
Lần đầu tiên Trung Quốc tặng gấu trúc làm quà ngoại giao là vào thời nhà Đường (618-907). Vào thập niên 1970 của thế kỷ trước, sau chuyến thăm mang tính bước ngoặt của Tổng thống Mỹ thứ 37 Richard Nixon tới Trung Quốc, lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ là Mao Trạch Đông đã tặng hai con gấu trúc cho Washington. Hai năm sau, Trung Quốc cũng tặng Anh hai con gấu trúc.
Video đang HOT
Giáo sư dự bị Chong Ja Ian tại Đại học Quốc gia Singapore giải thích: “Những chú gấu trúc mang đến một góc nhìn thân thiện và đáng yêu về Trung Quốc”. Kể từ những năm 1980, Bắc Kinh đã điều chỉnh chương trình này để cho mượn gấu trúc với một khoản phí và thời gian giới hạn, như một dấu hiệu của tình hữu nghị với các nước trên thế giới. Tính đến năm 2023, Bắc Kinh đã cho khoảng 26 vườn thú ở 20 quốc gia khác nhau thuê gấu trúc.
Gấu trúc và Chiến lang chuyển sang bên lề
Một cập gấu trúc tại Khu bảo tồn thiên nhiên Wolong, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Giáo sư dự bị Chong Ja Ian nhận định rằng các Chiến lang đã bị đẩy sang một bên. Khi đại sứ Bắc Kinh tại Pháp Lu Shaye đặt câu hỏi về chủ quyền của các quốc gia hậu Liên Xô trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Pháp vào tháng 4, khiến một số nước châu Âu phẫn nộ, Bắc Kinh đã nhanh chóng tách biệt với Lu Shaye và phát biểu của ông này. Đại sứ quán Trung Quốc ở Pháp tuyên bố phát ngôn của ông Lu Shaye là “quan điểm cá nhân”.
Gấu trúc cho mượn tại các vườn thú trên khắp phương Tây đã quay trở lại Trung Quốc trong năm nay mà không có kế hoạch tức thời để thay thế chúng. Ông Yuan từ Đại học Rutgers nhận định gấu trúc rời khỏi các vườn thú phương Tây mà không có con mới thay thế là dấu hiệu của mối quan hệ băng giá hiện tại giữa Trung Quốc với các quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ. Ông Yuan nhấn mạnh: “Gấu trúc ở một khía cạnh nào đó là chiếc nhiệt kế ngoại giao. Đó có thể là một cách để Bắc Kinh thể hiện tinh tế rằng họ không hài lòng với cách mà mối quan hệ song phương đang tiến triển”.
Theo học giả Shaoyu Yuan của Đại học Rutgers (Mỹ), sự ra đi của các Chiến lang và gấu trúc phản ánh thay đổi trong cách tiếp cận ngoại giao của Bắc Kinh. Ông nói: “Họ đang cố gắng tìm ra điểm cân bằng giữa chính sách ngoại giao cứng rắn và mềm mỏng”.
Bắc Kinh có góc nhìn hòa giải hơn với Mỹ kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Joe Biden ở San Francisco vào tháng 11. Kênh Aljazeera nhận định đây là tương phản rõ rệt so với đầu năm liên quan đến khinh khí cầu Trung Quốc. Vào tháng 2, chiến đấu cơ Mỹ đã bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc bay qua không phận nước này, ở khu vực ngoài khơi Carolina, trên Đại Tây Dương. Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản hồi đây là khí cầu được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học, việc khinh khí cầu dân sự này xuất hiện trong không phận Mỹ là ngoài ý muốn.
Nhiều nhà phân tích cho rằng thay đổi trong ngoại giao của Bắc Kinh cũng liên quan đến những khó khăn kinh tế mà nước này hiện phải đối mặt. Ông Chong nêu bật: “Ngay bây giờ, việc tiếp cận đầu tư và công nghệ nước ngoài đặc biệt quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc”. Ông Yuan nhận xét: “Kế hoạch kinh tế toàn cầu của Trung Quốc đòi hỏi một phong cách ngoại giao bớt hung hăng hơn để giảm thiểu đối đầu”. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nó sẽ biến mất mãi mãi.
Vết nứt trong chính sách 'ngoại giao gấu trúc' Mỹ-Trung
Ba chú gấu trúc ở Vườn thú Quốc gia Smithsonian (Mỹ) đang được đưa về Trung Quốc trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh ngày càng căng thẳng.
Du khách ngắm gấu trúc Xiao Qi Ji (con của Tian Tian và Mei Xiang) chơi đùa tại Vườn thú Quốc gia Smithsonian ngày 28/9. Ảnh: AP
Ba trong số những "nhà ngoại giao" dễ thương và được yêu mến nhất của Trung Quốc đã rời Washington vào ngày 8/11 - đánh dấu thêm một vết nứt trong mối quan hệ đầy chông gai giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này.
Trên đất Mỹ, gấu trúc đại diện cho những tham vọng toàn cầu của Trung Quốc, cũng như góp phần tạo nên điểm tham quan vườn thú nổi tiếng nhất của Washington. Sự xuất hiện và rời đi của gấu trúc đánh dấu quỹ đạo đi xuống của mối quan hệ kéo dài nửa thế kỷ giữa một cường quốc toàn cầu lâu đời và một quốc gia trở thành đối thủ cạnh tranh lớn nhất.
Ông Yun Sun, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, tổ chức nghiên cứu về các vấn đề đối ngoại, cho biết: "Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là sự phản ánh tình trạng quan hệ song phương. Những con gấu trúc được tin tưởng sẽ thống nhất mối quan hệ với Mỹ. Nhưng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã rất tệ. Vậy gấu trúc còn ở đây làm gì?".
Tian Tian và Mei Xiang đến Vườn thú Quốc gia Smithsonian ở Washington vào năm 2000, thay thế bộ đôi gấu trúc vừa qua đời gần 30 năm hiện diện trên đất Mỹ. Mặc dù các vườn thú ở Mỹ đã có gấu trúc từ đầu thế kỷ 20, nhưng sự xuất hiện của cặp gấu trúc ngoại giao đầu tiên Ling-Ling và Hsing-Hsing đã gây ra cơn sốt ở Mỹ. Cựu Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã hứa với cựu Tổng thống Richard Nixon về việc gửi những con gấu trúc đầu tiên trong chuyến thăm đột phá của nhà lãnh đạo Mỹ tới Bắc Kinh.
Hồi đó, gấu trúc là biểu tượng của tình hữu nghị mới giữa hai nước - một cách để Trung Quốc, quốc gia hy vọng hội nhập nhiều hơn với phần còn lại của thế giới, kéo Mỹ lại gần mình hơn.
Nhưng khi loài động vật này trở nên nguy cấp, chính sách ngoại giao gấu trúc đã được nâng cấp nhằm đáp ứng tốt hơn các mục tiêu bảo tồn và phục vụ lợi ích chiến lược của Trung Quốc. Kể từ những năm 1980, chính phủ đã cho các vườn thú nước ngoài mượn gấu trúc theo mốc ngắn hạn và dài hạn, cũng như bổ sung quy trình giám sát chặt chẽ hơn về việc điều trị và chăm sóc gấu trúc.
Giờ đây, khi Trung Quốc tăng cường tầm ảnh hưởng trên toàn cầu để cạnh tranh với Mỹ, việc tiếp tục hợp tác với các vườn thú Mỹ chỉ mang lại lợi nhuận giảm dần cho khoản đầu tư của họ. Bà Elena Songster, giáo sư lịch sử tại Đại học St. Mary's California, cho rằng nếu còn ít gấu trúc ở Mỹ, chúng sẽ được đánh giá cao hơn và họ có thể đàm phán về các điều khoản có lợi hơn liên quan đến các thỏa thuận trong tương lai.
Gần đây, đã có một số điểm sáng trong quan hệ Mỹ-Trung. Thông báo về cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần tới tại San Francisco thể hiện bước đột phá trong mối quan hệ bị rạn nứt, chủ yếu là sau vụ khinh khí cầu của Trung Quốc bay qua lục địa Mỹ vào tháng 2. Chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 10 của Thống đốc California Gavin Newsom, trong đó có cuộc gặp với ông Tập Cận Bình, đã mang đến những tin tức khá tích cực trên sóng truyền thông nhà nước.
Tuy nhiên, không có lời đề nghị mới nào về việc kéo dài thời hạn cho mượn gấu trúc xuất hiện bên cạnh các cuộc họp trên.
Gấu trúc không chỉ là tâm điểm chú ý ở Washington. Lúc cao điểm, 13 con gấu trúc đã có mặt ở bốn vườn thú của Mỹ gồm San Diego, Memphis, Atlanta và nổi tiếng nhất là Vườn thú Quốc gia Smithsonian của Washington. Và cuộc hồi hương này không chỉ xảy ra ở Mỹ. Gấu trúc cũng đang rời khỏi Vương quốc Anh, quốc gia cũng rơi vào mối quan hệ căng thẳng hơn với Trung Quốc.
Với việc kết thúc chương trình cho mượn ở Washington, Atlanta đã trở thành vườn thú cuối cùng của Mỹ có gấu trúc, song cũng không kéo dài lâu nữa. Những chú gấu trúc ở Atlanta dự kiến quay trở lại Trung Quốc vào năm tới. Và đại diện vườn thú cho biết họ chưa đàm phán với các đối tác Trung Quốc để kéo dài thời gian mượn gấu trúc.
Các vườn thú của Mỹ, cũng như cả chính phủ, đều khẳng định rằng các chương trình nhân giống và cho mượn đã thành công, thúc đẩy các mục tiêu bảo tồn và liên văn hóa.
Ông Liu Pengyu, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đánh giá: "Nhiều kết quả tốt đã đạt được trong quá trình nuôi dưỡng, phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, trao đổi kỹ thuật và nhận thức cộng đồng. Điều này đã đóng vai trò tích cực trong việc bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng và tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước".
Chính sách ngoại giao gấu trúc vẫn tiếp diễn, nhưng theo một hướng đi khác. Những con gấu trúc mới được gửi đến Qatar trước thềm World Cup 2022, có khả năng báo hiệu lợi ích của Trung Quốc tại Trung Đông.
Thỏa thuận cho mượn gấu trúc đầu tiên giữa Trung Quốc và Mỹ kéo dài một thập kỷ và được gia hạn vào năm 2010. Năm 2020, Vườn thú Quốc gia Smithsonian đã ký gia hạn tạm thời ba năm với Bắc Kinh. Theo báo cáo của Bloomberg, nhận thức được khả năng thu hút đám đông lớn của gấu trúc, vườn thú Washington đang tiến hành cải tạo trị giá 1,7 triệu USD với hy vọng có thể đón tiếp nhiều gấu hơn trong tương lai.
Phát biểu tại sự kiện báo chí vào sáng 8/11 khi những con gấu trúc chuẩn bị rời đi, Giám đốc sở thú Washington Brandie Smith bày tỏ hy vọng rằng một ngày nào đó chúng sẽ quay trở lại.
Lý do lần đầu tiên trong 50 năm nước Mỹ không có gấu trúc Kể từ thời nhà Đường (618-907), Trung Quốc đã tặng hoặc cho các nước khác mượn gấu trúc. Nhưng hiện nay, nhiều con gấu trúc được cho mượn đã quay trở về Trung Quốc. Gấu trúc Tian Tian tại vườn thú quốc gia Smithsonian ở Washington, D.C. (Mỹ). Ảnh: AFP Các vườn thú tại Mỹ dự kiến không có gấu trúc, lần đầu...