Giao dịch chứng khoán chiều 20/5: Nhiều cổ phiếu nổi sóng, VN-Index bứt tốc
Giằng co nhẹ trong phiên giao dịch sáng khi các mã lớn có sự phân hóa, VN-Index đã bứt tốc trong phiên chiều để leo lên mức cao nhất ngày khi nhiều cổ phiếu nổi sóng.
Trong phiên giao dịch sáng, diễn biến giao dịch trên HOSE không có nhiều điểm nhấn khi chỉ số chính giằng co nhẹ quanh tham chiếu và đóng cửa tăng nhẹ do sự phân hóa giữa các cổ phiếu lớn. Trong khi đó, HNX-Index gây chú ý khi HNX-Index giảm mạnh do SHB bị bán tháo trong ngày hơn 251 triệu cổ phiếu trả cổ tức chính thức được “giải phóng”.
Bước vào phiên giao dịch chiều, trong khi HNX-Index không có nhiều điểm đáng chú ý khi vẫn đi ngang ở mức đáy của ngày do lực bán quá lớn tại SHB – cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ 2 trên sàn, thì HOSE lại tạo điểm nhấn.
Theo đó, lực cầu gia tăng ngay khi thị trường bước vào phiên giao dịch chiều đã kéo nhiều mã tăng trở lại, trong đó có những mã nổi sóng lên mức giá trần với dư mua trần khá lớn. Đà tăng của nhiều mã, trong đó có không ít mã lớn đã kéo VN-Index đi lên dân đều và chốt phiên ở mức cao nhất ngày, lấy lại được mốc 850 điểm.
Chốt phiên, VN-Index tăng 6,99 điểm ( 0,83%), lên 852,91 điểm với 183 mã tăng và 175 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 265,77 triệu đơn vị, giá trị 4.438 tỷ đồng, giảm 31% về khối lượng và 44,9% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 30 triệu đơn vị, giá trị 524,9 tỷ đồng.
Trong Top 10 mã lớn nhất thị trường chỉ còn GAS và TCB giảm giá, nhưng mức giảm cũng chỉ trên dưới 1%. Trong các mã bluechip nói chung, sắc đỏ cũng ít dần, sắc xanh chiếm ưu thế, trong đó giảm mạnh nhất là VPB cũng chỉ giảm 1,6%.
Trong khi đó, VHM, VRE khởi sắc với mức tăng 5,33% lên 77.100 đồng, khớp 4,3 triệu đơn vị và tăng 6,63% lên mức cao nhất ngày 26.550 đồng, khớp 6,79 triệu đơn vị. Người anh cả VIC cũng thoát sắc đỏ khi đóng cửa tăng nhẹ 0,1% lên 96.600 đồng.
Ngoài cặp đôi trên, các mã tăng mạnh khác có GVR tăng 4,07% lên 12.800 đồng, 1,34 triệu đơn vị, STB tăng 5,05% lên 10.400 đồng, khớp tới 24,36 triệu đơn vị, đứng đầu thanh khoản trên HOSE.
VNM cũng tăng tốt 1,24% lên 114.000 đồng, khớp 1,2 triệu đơn vị; HPG đảo chiều tăng 1,15% lên 26.450 đồng, khớp 11,58 triệu đơn vị; MSN tăng 1,27% lên 63.800 đồng, khớp gần 1 triệu đơn vị; BVH tăng 1,85% lên 49.500 đồng, khớp 0,87 triệu đơn vị. Các mã khác tăng dưới 1%.
Trong phiên chiều nay chứng kiến nhiều mã nổi sóng, đặc biệt đáng chú ý là ROS khi từ sắc đỏ của phiên sáng đã leo lên mức giá trần 3.620 đồng, khớp 13,94 triệu đơn vị và còn dư mua trần tới gần 8,8 triệu đơn vị. Cổ phiếu này mở cửa sắc tím, nhưng sau đó chịu áp lực bán mạnh nên quay đầu giảm trong phiên sáng.
Cũng có sắc tím hôm nay là HAG với mức giá 4.160 đồng, khớp 7,29 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần. TTF cũng lên trần 2.520 đồng, khớp 3,14 triệu đơn vị và cũng còn dư mua giá trần.
Ngoài ra, còn phải kể đến các mã tăng trần khá là FRT lên 23.400 đồng, BFC lên 12.450 đồng, KDC lên 26.400 đồng…
Video đang HOT
Trong khi HPG đảo chiều tăng giá thành công, thì HSG không thể đảo chiều, thậm chí còn nới rộng đà giảm so với phiên sáng. Chốt phiên, HSG giảm 1,75% xuống 9.530 đồng, khớp hơn 10 triệu đơn vị.
Còn trên HNX, do SHB vẫn án ngữ ở mức sàn, chỉ có lượng bán ra mỗi lúc một lớn, nên chỉ số HNX-Index không có nhiều đột biên, chỉ đi ngang ở mức đáy của ngày, nhưng may mắn thoát khỏi mức thấp nhất trong ngày khi ACB kịp về tham chiếu.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,88 điểm (-1,73%), xuống 106,94 điểm với 75 mã tăng và 64 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 48,88 triệu đơn vị, giá trị 467 tỷ đồng, giảm 20,9% về khối lượng và 25% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,49 triệu đơn vị, giá trị 71,1 tỷ đồng.
SHB vẫn án ngữ ở mức sàn 13.100 đồng với dư bán sàn và ATC lên tới 18 triệu đơn vị, trong khi khớp gần 6,28 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HNX.
ACB trở lại tham chiếu 22.200 đồng, khớp 3,1 triệu đơn vị. NVB giữ được sắc xanh khi tăng 1,27% lên 8.000 đồng, khớp 2,65 triệu đơn vị.
PVS vẫn giảm 1,53% xuống 12.900 đồng, khớp 2,86 triệu đơn vị.
Trong khi đó, ở các mã nhỏ, KFL đóng cửa với sắc tím 2.000 đồng (nhưng cũng chỉ tăng 1 bước giá), khớp 4,72 triệu đơn vị. ART giảm 6,67% xuống 2.800 đồng, khớp 4,63 triệu đơn vị.
Cũng có sắc tím là LAS (lên 6.700 đồng), khớp 1,12 triệu đơn vị và SPI (lên 1.100 đồng), khớp 0,87 triệu đơn vị.
Trong khi đó, đà tăng trên UPCoM lại bị thu hẹp ngay khi bước vào phiên chiều rồi sau đó lình xình quanh ngưỡng 54 điểm suốt phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,22 điểm ( 0,4%) lên 54,01 điểm với 97 mã tăng và 72 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19 triệu đơn vị, giá trị 455 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,3 triệu đơn vị, giá trị 179 tỷ đồng.
Trên thị trường này chỉ có 3 cổ phiếu khớp trên 1 triệu đơn vị (cả 3 cùng khớp trên 2 triệu đơn vị) là LPB, VGI và BSR, nhưng đóng cửa với 3 sắc màu khác nhau.
Trong đó, LPB đứng giá tham chiếu 7.600 đồng, khớp 2,56 triệu đơn vị, VGI tăng 8,1% lên 30.700 đồng, khớp 2,46 triệu đơn vị sau kết quả kinh doanh quý I ấn tượng, BSR giảm 1,52% xuống 6.500 đồng, khớp 2,2 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, đà tăng của các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 lớn hơn nhiều Vn30-Index. Cụ thể, VN30-Index tăng 0,5% lên 803,32 điểm, trong khi hợp đồng VN30F2005 đáo hạn 21/5 tăng 1% lên 807,5 điểm với 153.550 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 18.573 đơn vị. Thậm chí, các hợp đồng khác còn tăng mạnh hơn từ 1,17% đến 1,76%.
Trên thị trường chứng quyền, số mã giảm chiếm ưu thế hơn số mã tăng (33 mã giảm/20 mã tăng), trong đó CROS2001 là mã có thanh khoản tốt nhất với 669.350 đơn vị, đóng cửa tăng 50% lên 30 đồng.
Giao dịch chứng khoán sáng 20/5: VN-Index giữ được sắc xanh, SHB bị bán tháo
Với hơn 251 triệu cổ phiếu niêm yết bổ sung được "giải phóng", nhà đầu tư nắm giữ SHB đã ồ ạt ra hàng, đẩy cổ phiếu này lao xuống mức sàn với dư bán cả chục triệu đơn vị.
Theo thông báo từ Sở GDCK Hà Nội (HNX), hôm nay (20/5) là ngày giao dịch đầu tiên 251.437.035 cổ phiếu niêm yết bổ sung của SHB. Đây là số lượng cổ phiếu Ngân hàng phát hành để trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2017 và 2018 cho cổ đông. Như vậy, tổng khối lượng cổ phiếu SHB niêm yết hiện nay là hơn 1,455 tỷ cổ phiếu.
Cổ phiếu SHB trước đó đã có chuỗi tăng giá thần tốc từ đầu tháng 2/2020 từ mức 6.500 đồng (đã điều chỉnh) lên thẳng ngưỡng 18.000 đồng/cổ phiếu giữa tháng 4, tương đương với mức tăng 177% chỉ sau 1 tháng rưỡi.
Tuy nhiên, khi đạt mức giá đỉnh 18.200 đồng, đà tăng của SHB đã bị chặn lại và điều chỉnh dần. Đặc biệt từ đầu tuần qua, cổ phiếu này đã liên tục giảm mạnh trước áp lực bán ra rất lớn của nhà đầu tư để đề phòng lượng cổ phiếu khủng hơn 251 triệu cổ phiếu nhận cổ tức sắp về tài khoản.
Trong tuần qua, cổ phiếu SHB giảm 8,8%, trong đó phiên cuối tuần giảm sàn xuống 15.500 đồng và chuỗi giảm giá tiếp tục duy trì trong 2 phiên giao dịch đầu tuần này.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay, đúng như lo ngại của nhiều nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu này, ngay khi hơn 251 triệu cổ phiếu trả cổ tức được "giải phóng", áp lực tháo đã diễn ra ồ ạt tại SHB, đẩy cổ phiếu này xuống mức sàn 13.100 đồng với dư bán sàn lên tới gần 15 triệu đơn vị, trong khi tổng khớp hơn 3,2 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên HNX.
Sự lao dốc của cổ phiếu vốn hóa lớn thứ 2 sàn HNX này đã kéo HNX-Index giảm mạnh ngay khi mở cửa phiên và duy trì mức giảm 1,9% trong thời gian sau đó.
Chốt phiên sáng, HNX-Index giảm 2,1 điểm (-1,93%), xuống 106,72 điểm với 56 mã tăng và 72 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 25,86 triệu đơn vị, giá trị 245 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,67 triệu đơn vị, giá trị 35,6 tỷ đồng.
Ngoài SHB, các cổ phiếu vốn hóa lớn khác trên HNX đều giảm trong phiên sáng nay. Trong đó, ACB giảm 0,45% xuống 22.100 đồng, khớp 1,66 triệu đơn vị; VCG giảm 1,59% xuống 24.800 đồng, VCS giảm 0,31% xuống 65.300 đồng, PVI giảm 1,27% xuống 31.000 đồng; PVS giảm 0,76% xuống 13.000 đồng, khớp 1,8 triệu đơn vị.
HNX-Index còn giảm mạnh hơn nếu các "má phanh" IDC, DGC, NTP và NVB cũng bị đứt. Trong các mã này, IDC tăng mạnh nhất với 1,74% lên 17.500 đồng, còn NVB tăng 1,27% lên 8.000 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Trong các mã nhỏ, KLF cũng có tổng khớp trên 3 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 1.900 đồng. ART và HUT cũng có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó ART giảm 3,33% xuống 2.900 đồng, còn HUT đứng tham chiếu 2.000 đồng.
Trong khi đó, trên HOSE, sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu và các mã trong cùng nhóm khiến VN-Index giằng co nhẹ, nhưng đang có được sắc xanh nhờ sự hỗ trợ của một số cổ phiếu lớn.
Chốt phiên, VN-Index tăng nhẹ 1,73 điểm ( 0,20%), lên 847,65 điểm với 133 mã tăng và 201 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 121,3 triệu đơn vị, giá trị 2.104 tỷ đồng, giảm mạnh 46,8% về khối lượng và 59,3% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 13,86 triệu đơn vị, giá trị 197 tỷ đồng.
Sau chuỗi phiên khởi sắc, cặp đôi cổ phiếu sắt thép bị chốt lời trong phiên sáng nay nên cùng quay đầu giảm nhẹ. Trong đó, HPG giảm 0,38% xuống 26.050 đồng, khớp 6,13 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sau STB (7,11 triệu đơn vị), còn HSG giảm 0,31% xuống 9.670 đồng, khớp 5,6 triệu đơn vị, đứng sau HPG.
Trong các mã lớn, VIC đã không còn đi chung đường với 2 người anh em (VHM - VRE) khi đóng cửa giảm nhẹ 0,1% xuống 96.400 đồng. Trong khi đó, VHM tăng 3,14% lên 75.500 đồng, khớp 2,16 triệu đơn vị và VRE tăng 3,01% lên 25.650 đồng, khớp 3 triệu đơn vị.
Các mã lớn khác có sự phân hóa, với sắc xanh tại VCB, VNM, SAB, MSN, GVR, HVN, BVH, EIB, STB..., còn sắc đỏ tại BID, GAS, CTG, TCB, VPB, MBB, VJC, PLX, NVL, MWG, FPT, POW...
Tuy nhiên, mức tăng, giảm không đáng kể, trong đó STB tăng tốt nhất nhóm với 2,02% lên 10.100 đồng, còn các mã giảm cũng chỉ trên dưới 1%.
Trong các mã nhỏ và vừa, cổ phiếu HAG bất ngờ nổi sóng tăng vọt lên mức trần 4.160 đồng, khớp 3,86 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần, dù lúc đầu giảm xuống dưới tham chiếu. Các mã khác cũng phân hóa, nhưng mức tăng giảm cũng không lớn.
Trong khi đó, UPCoM với sự hỗ trợ của các mã bluechip lại duy trì đà tăng suốt phiên giao dịch sáng nay.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,24 điểm ( 0,45%), lên 54,04 điểm với 75 mã tăng và 69 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 11 triệu đơn vị, giá trị 203 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1 triệu đơn vị, giá trị 24,4 tỷ đồng.
Sau báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2020 với lợi nhuận tăng đột biến 600%, cổ phiếu VGI được săn đón sáng nay. Chốt phiên, VGI tăng 7,04% lên 30.400 đồng, khớp hơn 2,1 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường UPCoM.
Trong khi đó, BSR đảo chiều giảm 1,52% xuống 6.500 đồng, khớp 1,19 triệu đơn vị và LPB giảm 1,32% xuống 7.500 đồng, khớp 1,14 triệu đơn vị.
Thị trường còn được hỗ trợ bởi các mã lớn khác là ACV ( 3,33%), VEA ( 5,07%), CTR, VGT, VTR.
Giao dịch chứng khoán sáng 18/5: SHB bị xả mạnh, HPG nổi sóng Diễn biến của 2 cổ phiếu có đáng chú ý nhất trên 2 sàn hoàn toàn trái ngược nhau trong phiên giao dịch sáng nay (18/5). Trong khi HPG nổi sóng tăng lên sát trần, thì SHB bị xả mạnh và còn dư bán sàn hơn 2 triệu đơn vị. Sau đợt hồi phục ấn tượng trong tháng 4, thị trường tiếp tục...