Giao dịch bất động sản tại Khánh Hòa giảm mạnh
Nếu như quý 1/2018, cảnh sốt đất diễn ra ở hầu hết các phân khúc trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà thì đến quý 2 các nhà đầu tư lại cảm nhận rõ sự im lặng đến đáng sợ.
Trong 4 tháng trở lại đây thị trường bất động sản Khánh Hoà đang có dấu hiệu chững lại. Lượng giao dịch từ các sàn bất động sản giảm hẳn, thậm chí giá đất có xu hướng bắt đầu giảm theo.
“Gió đổi chiều”
Ông Trần Văn Hào – Giám đốc sàn giao dịch Nhà 79 cho biết, hồi đầu năm mỗi tháng sàn của ông giao dịch thành công trên dưới 10 hợp đồng, tuy nhiên 2 tháng qua mỗi tháng chỉ chốt 1 – 2 hợp đồng.
Cùng tình trạng đó, ông Trần Như Huyền – Giám đốc sàn giao dịch BĐS Hupa Land cho biết, sàn của ông chuyên phân phối sản phẩm đất nền giá rẻ tại xã Phước Đồng (TP Nha Trang). Hồi đầu năm 2018, mỗi tháng sàn giao dịch thành công hàng chục hợp đồng, chưa kể khách hàng gọi đến, dẫn khách đi xem đất rất nhộn nhịp. Tuy nhiên, hơn 2 tháng nay sàn chỉ hoạt động cầm chừng. Chủ trương hạn chế chuyển đổi mục đích đất cũng là nguyên nhân khiến lượng giao dịch giảm trong thời gian qua.
Theo nhận định của các nhà đầu tư, trong thời gian vừa qua, thị trường BĐS tại Khánh Hòa “sốt” như vậy là do tâm lý Đặc khu, tâm lý đám đông và có một số chiêu trò của một số nhóm đầu cơ tìm cách thổi giá. Tuy nhiên, khi UBND tỉnh Khánh Hòa có công văn siết chặt giao dịch tại huyện Vạn Ninh và Quốc hội có quyết định lùi thời gian thông qua Luật đặc khu thì thị trường BĐS tại Đặc khu Bắc Vân Phong nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung hầu như “đứng hình”, và đang quay về với giá trị thực.
Cũng theo ông Hào, hơn 2 tháng qua, thị trường BĐS đất nền có dấu hiệu chững lại, giá cả không biến động mạnh như giai đoạn đầu năm. Còn theo một lãnh đạo Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa cho biết, thống kê sơ bộ, sản phẩm BĐS ở tất cả các phân khúc, kể cả condotel đều chững hoặc giảm giá. Năm 2017, đặc biệt là đầu năm 2018, có những thời điểm giá BĐS tăng chóng mặt, thay đổi hàng ngày. Hiện nay, giá đất đã giảm nhẹ.
Trở về giá trị thực
Nếu như các giao dịch đất tại huyện Vạn Ninh (Đặc khu Bắc Vân Phong) trong thời gian gần đây chủ yếu các lô đất có diện tích thổ cư 100%, thì tại TP Nha Trang thị trường BĐS vài tháng qua cũng đã bớt sôi động, nếu không muốn nói là trầm lắng. Nhiều sàn BĐS vẫn tiếp tục đẩy mạnh bán hàng, nhưng giá đất đã có dấu hiệu giảm nhẹ so với hồi tháng 3 năm nay.
Video đang HOT
Thị trường trầm lắng ở mọi phân khúc
Một nhân viên môi giới BĐS của sàn N.L ( Khu đô thị VCN Phước Hải) cho biết: Giá đất tại Khu đô thị Mỹ Gia hiện nay đã giảm đôi chút.
Cụ thể, nhân viên này cho biết tại gói 5, các lô đường nội bộ (đường chữ U) trước kia khoảng 22 triệu đồng/m2, hiện nay còn khoảng 19,5 đến 20 triệu đồng/m2. Tại dự án gói 7, các lô đường nội bộ trước kia giá khoảng 24 triệu đồng/m2, hiện nay giảm xuống còn 22 triệu đồng/m2; đường 27m trước kia có giá khoảng 33 – 34 triệu đồng/m2, hiện nay giảm còn khoảng 31 triệu đồng/m2.
Tại các khu đô thị đã hoàn thiện hạ tầng và có dân cư ở đông đúc như: VCN Phước Hải, Lê Hồng Phong II, Lê Hồng Phong I… giá đất cũng rơi vào cảnh tương tự.
Bà Nguyễn Thị Hằng (phường Xương Huân, TP. Nha Trang) cho biết: “Hồi tháng 3 có người quen gửi tôi bán lô đất 80m2 nằm ở đường giao nhau với đường số 4 Khu đô thị VCN Phước Hải. Khách đến trả lên 48 triệu đồng/m2 nhưng chủ đất không bán vì hy vọng giá còn lên. Tuy nhiên, mới đây do cần tiền gấp họ phải bán với giá 42 triệu đồng/m2, mất gần 500 triệu đồng chỉ sau vài tháng”.
Không chỉ đất trong khu đô thị xuống giá, đất ở nông thôn mới được chuyển đổi mục đích giá cũng giảm. Trong 3 tháng đầu năm 2018, khu vực xã Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thạnh, dọc đường Võ Nguyên Giáp thuộc xã Vĩnh Trung, giá đất nền trung bình khoảng 10 đến 16 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Tuy nhiên, hiện nay nhiều sàn đang rao bán với giá thấp hơn nhưng vẫn rất khó bán.
Ông Trần Đình Quý – Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa cho biết, hầu hết các sàn giao dịch BĐS đều giảm lượng giao dịch từ 30 – 50%. Nguyên nhân do chính sách thay đổi, Ngân hàng Nhà nước đã siết chặt cho vay các dự án BĐS, trong khi gói cho vay ưu đãi mới vẫn chưa đến tay người mua nhà.
Bên cạnh đó, tại Khánh Hòa, khu vực Đặc khu Hành chính – Kinh tế Bắc Vân Phong đã bị hạn chế giao dịch để chờ thông qua luật đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý các nhà đầu tư. Tại TP. Nha Trang, từ đầu năm đến nay cũng không có dự án mới nào được mở bán khiến thị trường giảm bớt sự sôi động.
Nhiều sàn BĐS và một số nhà đầu tư nhỏ lẻ thì lại có cái nhìn khả quan hơn, họ cho rằng về lâu dài đất nền vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn hơn rất nhiều so với vàng hoặc chứng khoán. Vì thế, trong thời gian tới thị trường sẽ khởi sắc trở lại, nhất là các sản phẩm đất nền có giá trị vừa và nhỏ, giá dao động từ 10 – 20 triệu đồng/m2, có pháp lý và hạ tầng tốt sẽ tiếp tục là xu hướng đầu tư ưa thích trong nửa cuối năm 2018.
Theo THỤC UYÊN
Diễn đàn doanh nghiệp
Đất nền sốt giá
Dòng tiền từ lãi chứng khoán, tiền tiết kiệm và kênh khác đang đổ vào bất động sản, nhất là phân khúc đất nền vùng ven và nhà phố riêng lẻ.
Từ cuối năm 2017 trở lại đây, giá đất nền các quận - huyện ngoại thành của TP HCM bất ngờ tăng vọt sau một thời gian lắng dịu. Những người đang có đất đều chung suy nghĩ bán thì có lời nhưng đi mua chỗ khác giá cũng cao nên họ giữ lại. Điều này khiến giá đất nền tăng vọt do nhu cầu không được đáp ứng.
Lãi 700 triệu đồng trong 1 ngày
Các sàn giao dịch bất động sản nhộn nhịp khách mua bán đất. Một nhân viên kinh doanh lâu năm tại sàn giao dịch trên đường Liên Phường, quận 9, TP HCM cho biết từ trước Tết nguyên đán đến nay, hầu hết giá đất chỉ có tăng, chưa từng chững lại.
Khách hàng có nhu cầu bán đất nền chỉ cần "ới" lên là có người đến mua ngay. Còn người có nhu cầu mua đất nếu chần chừ sẽ có người khác mua ngay. Theo nhân viên này, giá đất ở khu vực này đã tăng 10%-15% từ trước Tết nguyên đán đến nay. Riêng một số khu vực đã tăng nhiều hơn, như khu bên trong đường Liên Phường có giá từ 30-32 triệu đồng/m2, trong khi trước Tết chỉ 25-26 triệu đồng/m2.
Giá đất nền tại nhiều khu vực ở TP HCM tăng giá mạnh trở lại sau cơn sốt đất hồi đầu năm 2017 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chị Khánh Vy (quận 7, TP HCM) kể chị vừa sang tay miếng đất chưa đầy 56 m2 trong hẻm nhỏ ở khu Thảo Điền, quận 2 với giá 2,8 tỉ đồng. Điều đáng nói là miếng đất đó chị chỉ vừa ký mua buổi sáng giá 2,1 tỉ đồng thì ngay buổi chiều "cò" đất đã giới thiệu một người khách mua lại với giá 2,8 tỉ đồng, lãi ngay 700 triệu đồng.
Không chỉ ở khu vực phía Đông TP HCM mà các quận - huyện phía Tây như Bình Tân, Bình Chánh giá đất cũng nhảy vọt trở lại. Đặc biệt, ngay khu Tên Lửa (quận Bình Tân), đối diện Trung tâm Thương mại Aeon Mall, giá đất tăng chóng mặt. Các nền đất đường 17A vào tháng 7-8 năm ngoái có giá khoảng 80-85 triệu đồng/m2, đến tháng 12 nhảy lên 150 triệu đồng/m2 và hiện đã lên tới 170-180 triệu đồng/m2. Một nền đất diện tích 100 m2 (5 m x 20 m) hiện có giá 18 tỉ đồng, những miếng đất có vị trí đẹp, khách sẵn sàng trả 20 tỉ đồng nhưng vẫn không dễ mua được.
Cũng ở quận Bình Tân nhưng xa hơn là khu dân cư Tân Tạo giá cũng nhảy vọt từ 35-37 triệu đồng/m2 lên 45 triệu đồng/m2. "Tôi mới mua miếng đất trong hẻm đường Tên Lửa, diện tích 120 m2 giá 5,5 tỉ đồng nhưng đã có người trả 9,5 tỉ đồng mà tôi chưa muốn bán vì nghĩ sẽ còn tăng" - ông Phạm Văn An (ngụ quận Bình Tân) chia sẻ.
Các sàn giao dịch bất động sản chuyên sản phẩm đất nền vùng ven đều có chung nhận định những dự án đã được hoàn thiện hạ tầng, cộng với chủ đầu tư uy tín luôn được khách hàng quan tâm đầu tư.
Dòng tiền dịch chuyển
Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Eximrs, xác nhận từ trước Tết nguyên đán đến nay, giá đất nền ở các quận vùng ven TP HCM cũng như các tỉnh giáp ranh bắt đầu sốt trở lại, mức tăng trung bình 15%-20%, một số khu tăng tới 25%-30% so với trước. Nhiều dự án đất nền lâu năm trong các khu dân cư ổn định tăng giá rất mạnh khiến những người có ý định đầu tư không trở tay kịp.
Theo bà Tú, nguyên nhân của việc tăng giá này đến từ quyết định 60 của UBND TP về tách thửa khiến người dân tưởng nới lỏng việc phân lô bán nền mới đổ xô đi mua. Nhưng thực tế là quyết định này siết các điều kiện, khiến cho việc làm dự án khó hơn. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu khiến đất nền tăng giá là do dòng tiền dịch chuyển từ chứng khoán sang. Sau đợt tăng mạnh từ cuối năm 2017 đến trước Tết nguyên đán, nhiều người có lãi lớn từ thị trường chứng khoán đã rút bớt tiền ra mua đất vừa để an toàn vừa vì biên lợi nhuận của đất nền rất cao.
Cùng quan điểm trên, một chuyên gia tài chính nhận định giá đất nền tăng mạnh là do dòng tiền dịch chuyển. Dù vậy, đó là dòng tiền tiết kiệm chuyển sang bất động sản. Nhiều người ở tầng lớp trung bình khá không muốn gửi tiền ở ngân hàng vì lãi suất thấp, trong khi các kênh đầu tư khác không mấy hấp dẫn. Do đó, đầu tư vào bất động sản là tất yếu. Còn lý do họ chọn đất nền cũng dễ hiểu vì tỉ suất sinh lời cao rất nhiều so với căn hộ chung cư lại vừa túi tiền của nhiều người. Quan trọng hơn là đất thì không thể "nở" ra thêm nhưng nhu cầu ngày một tăng nên giá đất luôn nhảy vọt.
Đất tỉnh, thành lân cận cũng "lên"
Không chỉ giá đất ở TP HCM tăng vọt từ cuối năm 2017 đến nay mà những vùng ven TP như khu Tây và Tây Bắc TP, Nam Cần Giờ (TP HCM), Cần Đước, Cần Giuộc hay Đức Hòa, Bến Lức thuộc tỉnh Long An cũng tăng từ 15%-30%, tùy dự án.
Ông Lê Tiến Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Bất động sản Cát Tường, cho biết chỉ riêng dự án Cát Tường Phú Sinh (Đức Hòa, tỉnh Long An) của công ty ông đã tăng giá gần gấp 3 lần từ khi mở bán và hiện đã lên trên 12 triệu đồng/m2.
Theo Sơn Nhung
Người lao động
TS. Nguyễn Trí Hiếu dự báo Việt Nam sẽ sớm có giao dịch bất động sản bằng Bitcoin "Trong tương lai rất sớm sẽ có những nhà kinh doanh bất động sản tại Việt Nam rao bán bất động sản bằng Bitcoin", TS. Nguyễn Trí Hiếu đề cập tại hội thảo bất động sản mới tổ chức tại TP.HCM. Tại hội thảo, nhận định về thị trường bất động sản , ông Hiếu cho rằng thị trường đang phát triển tốt....