Giáo chủ tự nhận ‘bất tử’ của Tân Thiên Địa
Lee Man-hee, 88 tuổi, thành lập Tân Thiên Địa năm 1984 sau khi tuyên bố là “ nhà tiên tri” và thuyết phục tín đồ tin rằng ông trường sinh bất tử.
Hàn Quốc tới ngày 25/2 ghi nhận 9 người tử vong vì nCoV, 893 ca nhiễm, trong đó hơn một nửa liên quan tới thành viên giáo phái Tân Thiên Địa, tổ chức do Lee Man-hee thành lập cách đây 36 năm. Đây là tổ chức tôn giáo gây nhiều tranh cãi ở Hàn Quốc và nhiều nước trên thế giới, bị các giáo hội chính thống coi là dị giáo.
Lee sinh năm 1931 ở thành phố Cheongdo, tỉnh Bắc Gyeongsang. Trước khi sáng lập Tân Thiên Địa, ông là thành viên của nhóm Olive Tree, tổ chức cũng bị các giáo hội chính thống của Hàn Quốc coi là dị giáo đã thu hút lượng lớn tín đồ những năm 1960 và Tent Temple, đã sụp đổ vào những năm 1970 sau khi thủ lĩnh của tổ chức bị buộc tội lừa đảo.
Lee Man-hee tại biệt thự ở ngoại ô Seoul tháng 7/2017. Ảnh: PRI.
Lee sau đó thu thập một số tín đồ của Tent Temple để thành lập Nhà thờ Jesus Tân Thiên Địa, coi 1984, năm thành lập giáo phái, là “năm vũ trụ hoàn thành một vòng quỹ đạo và quay lại điểm khởi đầu”. Lee tự nhận mình là nhà tiên tri gánh vác trách nhiệm của Chúa và Chúa Jesus đã hiện ra rực sáng trước mắt ông.
Lee khẳng định Kinh thánh được viết theo cách ẩn dụ và chỉ có ông mới giải thích và hiểu được. Ông cũng nói rằng chỉ có thể thực sự hiểu Chúa nếu đi theo và lắng nghe những lời răn dạy của Tân Thiên Địa và ông có khả năng cứu vớt 144.000 người trong Ngày phán xét bằng cách đưa họ lên thiên đàng
Để lôi kéo tín đồ, Lee cho rằng “trời đất mới” sẽ khởi đầu ở Hàn Quốc và khi số người được cứu vớt đạt 144.000, thời đại Tân Thiên Địa sẽ bắt đầu ở thành phố Gua Chun. Vào thời điểm đó, linh hồn của 144.000 người sẽ nhập vào thể xác của 144.000 vị thánh Tân Thiên Địa.
Lee cũng khẳng định mình sẽ không bao giờ chết và các tín đồ đi theo ông ta cũng sẽ được hưởng sự “bất tử về xác thịt” này. Tuy nhiên, ông bị nhiều nhóm Kitô giáo khác mô tả là “nhà tiên tri giả”.
Sau khi giáo phái Tân Thiên Địa trở thành ổ dịch lớn tại Hàn Quốc, Lee Man-hee đã gửi tin nhắn đến các tín đồ trong một ứng dụng nội bộ. “ Dịch bệnh này là do ác quỷ gây ra để ngăn chặn sự phát triển nhanh chóng của Tân Thiên Địa”, ông viết.
Lee kêu gọi tín đồ tuân theo chỉ đạo từ các cơ quan chính phủ và tránh tụ họp. “Nạn nhân của dịch bệnh hiện giờ là các tín đồ Tân Thiên Địa”, ông nói. “Chúng ta sẽ vượt qua được thử thách này”.
Giáo phái đổ lỗi cho nữ tín đồ 61 tuổi, được gọi là “Bệnh nhân 31″ vì đã làm lây lan nCoV khi đi lễ tại nhà thờ. Họ cho biết từ cuối tháng một đã khuyên các tín đồ ở nhà nếu có triệu chứng và giải thích rằng “Bệnh nhân 31″ đã nói với họ bà chỉ bị cảm lạnh thông thường. Bà này vẫn đi lễ ngay cả sau khi đã bị sốt.
“Hành động của bà ấy không gây ngạc nhiên với những người am hiểu Tân Thiên Địa”, chuyên gia Chung Yun-seok nói. “Đối với họ, bị bệnh là một tội lỗi vì nó ngăn cản họ phụng sự Chúa”.
Ji-il Tark, chuyên gia tại Đại học Giáo hội Trưởng lão Busan ở Hàn Quốc, cho biết các tín đồ Tân Thiên Địa dễ bị nhiễm virus hơn vì họ thường ngồi rất gần nhau khi làm lễ. Tại Tân Thiên Địa, tham dự các cuộc tụ họp của giáo phái “là yêu cầu bắt buộc”, ông nói.
Cựu thành viên Lee Ho-yeon xác nhận một số quy định của giáo phái khiến các thành viên đặc biệt dễ bị lây nhiễm. Các tín đồ ngồi rất gần nhau, hát to thánh ca và không được đeo kính hay khẩu trang khi làm lễ. “Chúng tôi được dạy không sợ bệnh tật”, cô nói thêm. “Chúng tôi được dạy không quan tâm đến những thứ trần tục như công việc, tham vọng hay đam mê. Mọi thứ đều tập trung vào việc đi chiêu mộ thêm thành viên, ngay cả khi chúng tôi bị bệnh”.
“Để truyền bá đức tin, các tín đồ thường lôi kéo họ hàng, người quen hoặc bí mật đến các nhà thờ để chèo kéo tín đồ giáo phái khác mà không nói với họ rằng họ là thành viên Tân Thiên Địa”, Tark nói.
Giáo hội Baptist ở Manipur, Ấn Độ từng cảnh báo tín đồ tránh bị Tân Thiên Địa dụ dỗ. Họ nói rằng sau khi gia nhập tổ chức này, các tín đồ “không quan tâm đến gia đình, bạn bè, từ bỏ các giáo hội khác, bỏ bê công việc hoặc bỏ học và bỏ việc”.
Ở vùng ngoại ô Guri-si của Seoul, mục sư Shin Hyun-wook cho biết sứ mệnh cuộc đời mình là tư vấn cho các cựu thành viên giáo phái. Shin từng là tín đồ Tân Thiên Địa, tin vào những lời rao giảng của Lee Man-hee trong 20 năm và trở thành thân tín của ông này trước khi “vỡ mộng” rồi rời tổ chức năm 2007. Ông mô tả Lee là người hống hách, độc đoán và ngày càng “tự luyến” khi lượng tín đồ tăng lên.
Ngoài giáo phái Tân Thiên Địa, bệnh viện Daenam ở quận Cheongdo, tỉnh Bắc Gyeongsang, là nơi ghi nhận số ca nhiễm nhiều thứ hai tại Hàn Quốc. Anh của Lee Man-hee hồi tháng một được điều trị tại đây ngày 27-31/1 trước khi qua đời và đám tang sau đó cũng được tổ chức tại bệnh viện.
Tân Thiên Địa cuối tuần trước bác bỏ những lời chỉ trích, nói rằng đó là “vu khống dựa trên những thành kiến với giáo phái”. Phát ngôn viên giáo phái Kim Young-eun nói nhóm không bao giờ hối thúc bất cứ ai bỏ học hay bỏ việc. “Nếu những lời cáo buộc này là sự thật thì Tân Thiên Địa đã bị kết án”.
Tân Thiên Địa nhấn mạnh họ “chỉ là nạn nhân” và kêu gọi mọi người không thù ghét. Giáo phái đã cung cấp danh sách hơn 9.000 thành viên ở chi nhánh Daegu cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên Matthew Bell của PRI năm 2017, khi được hỏi về tầm nhìn dẫn đến việc thành lập Tân Thiên Địa, Lee nói rằng ông không muốn nói về điều đó. “Có rất nhiều người hiểu lầm tôi và cũng cố gắng truyền bá thông tin sai lệch về Tân Thiên Địa”, Lee nói. “Tôi muốn nói về hoạt động hòa bình hơn”.
Trên danh thiếp của Lee có các chức danh là chủ tịch Tổ chức Văn hóa Thiên đường, Hòa bình Thế giới và Khôi phục Ánh sáng và Hiệp hội Tình nguyện MANNAM. Những người chỉ trích gọi đây là các nhóm bình phong cho Tân Thiên Địa nhưng Lee khẳng định ông muốn cống hiến vì hòa bình.
Lee giải thích Chúa Cha làm việc vì hòa bình, con trai của ông, Jesus cũng làm việc vì hòa bình, và bây giờ, Lee là một nhà hoạt động vì hòa bình quốc tế. Lee khẳng định mình đang thực hiện ý muốn của Chúa được ám chỉ trong Kinh thánh.
Thủ lĩnh giáo phái đề cập rằng ông đã soạn ra tuyên bố kết thúc tất cả cuộc chiến toàn cầu. Văn bản được khắc lên một phiến đá lớn ở sân sau biệt thự của Tân Thiên Địa ở ngoại ô Seoul. Lee cho biết tuyên bố đã được chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới. “Không một quốc gia nào hoặc người nào trên thế giới chưa từng nghe về công việc của tôi”, ông nói.
Lee cho rằng các lãnh đạo Kitô giáo có tiếng tăm ở Hàn Quốc và những nơi khác chỉ trích Lee vì ghen tị với ông, do giáo phái của ông ngày càng phát triển. Lee coi những chỉ trích đó là bằng chứng cho thấy ông đang đi đúng hướng. Ông dẫn chứng Chúa Jesus từng bị các lãnh đạo tôn giáo đàn áp. “Những người chỉ trích tôi không có kết nối với Chúa. Họ không hiểu được Kinh Thánh”, ông nói.
Trước khi rời đi, Bell hỏi Lee một câu hỏi nhạy cảm: “Ai sẽ tiếp quản sau khi ông qua đời?”. Phiên dịch của Lee dường như hơi lo lắng và ngắc ngứ khi dịch câu hỏi.
“Tôi không biết”, Lee đáp. “Đúng là một câu hỏi vô nghĩa”.
Phương Vũ (Theo Telegraph/PRI)
Theo vnexpress.net
'Còn sống chứ?' - dân Daegu hỏi thăm sức khoẻ người thân nhiễm dịch
Dịch Covid-19 bùng phát ở Daegu đang tạo ra bầu không khí lo lắng và một chút hoảng loạn tại thành phố này. Mì ăn liền và gạo cháy hàng, và mọi người tích cực hỏi thăm lẫn nhau.
Một người phụ nữ đeo găng tay cao su khi đi tàu điện ngầm.
Một đám cưới với rất ít khách tới dự, ai cũng đeo khẩu trang. Mì ăn liền và gạo đã không còn trên kệ đồ tại các siêu thị.
Đó là khung cảnh tại Daegu trong những ngày này. Nỗi lo về đợt bùng phát dịch Covid-19 đang bao trùm thành phố và các khu vực lân cận. Người dân cố gắng tối đa nhằm tránh xa loại virus đã khiến hàng trăm người mắc bệnh, và giết chết ít nhất 10 người trong số họ.
Nhân viên vệ sinh khử trùng cho một khu chợ ở thành phố Daegu, Hàn Quốc hôm 23/2. Ảnh: AP.
"Còn sống chứ?"
"Chúng tôi gọi điện cho bạn bè và nửa đùa nửa thật hỏi xem họ có còn sống không, và cũng nhắc nhở họ đừng đi lang thang", cô Choe Hee Suk, nhân viên văn phòng 37 tuổi, chia sẻ với AP.
Cho đến tận ngày 18/2, Daegu mới ghi nhận trường hợp duy nhất nhiễm virus corona, với bệnh nhân là một phụ nữ trong độ tuổi 60. Nhưng chỉ một tuần sau, hơn 790 ca nhiễm mới đã xuất hiện trên khắp thành phố 2,5 triệu dân ở phía đông nam Hàn Quốc.
Sự bùng nổ số ca nhiễm đã gây ra quan ngại về việc dịch bệnh vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Hơn 80% trong gần 1.000 ca nhiễm virus corona ở Hàn Quốc là đến từ Daegu và các khu vực lân cận. Đây cũng là nơi ghi nhận toàn bộ các trường hợp tử vong vì Covid-19 ở quốc gia này - giờ đây đã trở thành nước có nhiều ca nhiễm nhất ngoài Trung Quốc.
Bệnh nhân đầu tiên ở khu vực là thành viên của giáo phái Tân Thiên Địa, người đã tham gia nhiều buổi lễ của tổ chức trước khi có kết quả dương tính với virus corona.
Giới chức y tế cho biết ít có khả năng người phụ nữ này đã khởi động chuỗi lây nhiễm ở thành phố, vì bà này không có lịch sử ra nước ngoài trong thời gian gần đây.
Mặc dù chính quyền trung ương đã thề sẽ nỗ lực hết sức để ngăn chặn sự bùng phát của bệnh dịch ở khu vực, sự lo lắng của công chúng đang khiến cuộc sống thường nhật bị ảnh hưởng, và đe doạ sẽ có tác động nghiêm trọng tới kinh tế địa phương.
Tại quận thương mại Dongseongro thường ngày nhộn nhịp của Daegu, chỉ có vài người đi bộ xuất hiện, khiến nó trông như một thị trấn ma. Nhân viên vệ sinh mặc đồ bảo hộ màu đen và đeo mặt nạ trắng đang tiến hành khử trùng cho một chi nhánh giống như bị bỏ hoang của thương hiệu bán lẻ Lotte.
Anh Oh Sang Hak, tài xế taxi, cho biết anh đã không làm việc trong nhiều ngày nay vì không yên tâm với việc đón khách lạ, trong bối cảnh virus đang có mặt ở thành phố.
Người dân ở Daegu xếp hàng mua khẩu trang bên ngoài một cửa hàng giảm giá. Ảnh: AP.
"Cứ như thể là thời gian đã ngừng lại... và không có bất cứ chuyển động nào cả. Cho đến tận tuần trước, chúng tôi vẫn nghĩ rằng virus corona là vấn đề của người khác", anh Oh chia sẻ.
Ông Lee Nag Hyeon, 63 tuổi, nghĩ rằng truyền thông đang hơi cường điệu trong việc đưa tin về sự sợ hãi ở Daegu. Nhưng ông cũng kể rằng đã thấy một người phụ nữ đeo găng tay y tế khi đi trên tàu điện, và một nhân viên đeo cả kính mắt bên cạnh khẩu trang khi giao dịch với khách hàng.
Khách mời đám cưới bỏ thức ăn
Trên mạng xã hội, người dân Daegu chia sẻ hình ảnh trống rỗng trên kệ bán gạo và mì ở các siêu thị. Hôm 24/2, nhiều người đã xếp một hàng dài bên ngoài một cửa hàng giảm giá ở quận Mancheon nhằm mua mặt nạ.
Cô Choe cho biết mình đã dự trữ 3 thùng mỳ, 4 hộp ngũ cốc và 20 kg gạo ở nhà. Ông Lee thì cho biết sẽ phải đeo lại những chiếc khẩu trang đã sử dụng, vì không còn có thể mua chúng ở đâu nữa.
Tại khu chợ truyền thống Gyodong ở Daegu, chỉ còn 1 nửa trong số gần 1000 gian hàng hoạt động, lượng khách tới mua hàng cũng giảm hơn 90%.
"Có lẽ sẽ tốt hơn nếu tất cả tiểu thương đều đóng cửa, nhưng phương tiện kiếm sống của họ là ở đây. Vì vậy, một số người đành phải đưa ra quyết định khó khăn và tiếp tục mở hàng", cô Ahn Sook Hee, thành viên của hội các thương gia tại chợ, cho hay.
Bệnh dịch bùng phát cũng ảnh hưởng đến các hoạt động ma chay hiếu hỉ, vốn thường thu hút đám đông lớn ở Hàn Quốc.
Tại hội trường của trung tâm tiệc cưới Gangbug của thành phố Daegu, chỉ có 2 trong số 10 đám cưới dự kiến diễn ra cuối tuần này được tổ chức. Những cặp vợ chồng còn lại đã quyết định sẽ tạm hoãn ngày trọng đại của họ. Một đám cưới bình thường ở đây sẽ có khoảng 200 khách mời, nhưng 2 đám cưới vừa diễn ra chỉ có khoảng 50 khách.
Cô Park Ye Jin, nhân viên của trung tâm cho biết trong 2 đám cưới này, trừ cô dâu và chú rể, tất cả đều đeo những chiếc mặt nạ. "Chúng tôi không cho phép bất cứ ai vào hội trường nếu họ không đeo mặt nạ", cô Park cho hay và nói thêm rằng hầu hết khách mời đều về ngay mà không dùng bữa.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tới chỉ đạo chống dịch ở thành phố Daegu hôm 25/2. Ảnh: AP.
Ông Lee cũng chia sẻ nếu như lúc này có người thân hoặc bạn bè qua đời, ông sẽ không có mặt ở đám tang của họ.
Cô Choe cho biết gia đình mình đã huỷ bỏ bữa tiệc sinh nhật dành cho người cha 70 tuổi, dự kiến tổ chức tại một nhà hàng với khoảng 30 khách mời vào ngày thứ 7 vừa qua.
"Chúng tôi quyết định chỉ tổ chức tiệc thịt nướng tại nhà, và cha tôi đã rất thất vọng", cô Choe nói.
Mức lây nhiễm virus corona đáng báo động tại nhà thờ ở Hàn Quốc
Hàn Quốc đang ở trong tình trạng đáng báo động sau khi số ca lây nhiễm virus corona tăng đột biến. Gần 2/3 trường hợp có liên quan đến giáo phái Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu.
Theo news.zing.vn
Bệnh viện Hàn Quốc phủ nhận liên quan tới Tân Thiên Địa Bệnh viện Daenam ở tỉnh Bắc Gyeongsang xác nhận từng điều trị cho anh trai giáo chủ Tân Thiên Địa, nhưng không liên quan gì tới giáo phái này. Bệnh viện Daenam, quận Cheongdo, tỉnh Bắc Gyeongsang, gần thành phố Daegu, hôm nay xác nhận anh trai của người sáng lập giáo phái Tân Thiên Địa (Shincheonji) Lee Man-hee hôm 27/1 được đưa...