Giành mạng sống cho bệnh nhân ung thư bằng một mảnh da
Hơn 3 năm nay, ông Nguyễn Thanh Bình (Hải Phòng) bị loét da ở cổ, lộ cả động mạch cảnh, tưởng sẽ chết. Nhờ phương pháp mổ vi phẫu ở Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Hà Đông, Hà Nội), ông đã được cứu sống.
“Tôi đi bộ đội bị ảnh hưởng chất độc màu da cam. Năm 2004, tôi phải điều trị đa thanh quản ở Bệnh viện K. Ổn định được một thời gian thì xạ trị bắt đầu phá cơ thể khiến tôi bị loét một mảng da dưới tai phải, dài 6 cm, rộng 4 cm, sâu 2 m luôn bốc mùi khó chịu”, ông Bình kể.
Ông Bình không thể ngờ chỉ sau một thời gian ngắn nhập viện, vết loét ở cổ của ông đã lành. Ảnh:Phan Dương.
Vết thương nằm sát đe dọa thủng động mạch cảnh nên dù đi nhiều bệnh viện, ông Bình chỉ nhận được cái lắc đầu. Một lần nghe người nhà giới thiệu lên Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, ông Bình tìm đến.
“Các bác sĩ quyết định chữa cho tôi nhưng đều xác định đây là một ca khó. Quả thực như vậy, tôi đã 3 lần suýt chết. Lần đầu, tôi được chuyển vạt da ở lưng vá lên vết hở ở cổ và để nuôi dưỡng vùng bị tổn thương do tia xạ chiếu. Sau nửa tháng, bác sĩ làm tiếp thì bị vỡ động mạch. Chỉ thay băng thôi, tôi cũng bị vỡ động mạch cảnh một lần nữa”.
“May được cấp cứu kịp thời nên tôi vượt qua được. Bây giờ tôi đã khỏe, chuẩn bị được xuất viện rồi”, người đàn ông 63 tuổi sung sướng đã thoát khỏi căn bệnh quái ác.
15 năm nay, bà Nguyễn Thị Lý (60 tuổi, Quảng Bình) phải sống chung với cánh tay trái to gấp 2, 3 lần tay bên phải, do tác động của xạ trị sau khi cắt bỏ ung thư vú ngực trái. Bà không thể ngờ gần cuối đời lại được giải phóng khỏi nó.
Bà Lý kể cắt u vú năm 1992, rồi sợ tái phát nên nạo vét hạch nách. Năm 1997, cánh tay của bà bắt đầu bị phù. Bà đi nhiều bệnh viện nhưng không nơi đâu có thể giúp bà.
“Cuộc sống của tôi vô cùng bất tiện với cánh tay to, nặng gần gấp ba cánh tay bình thường, đêm ngủ không ngon, ngày cũng không làm được việc gì do cánh tay tê bì không thể cầm nắm được. Vì nó quá to và nặng, nhiều khi tôi phải lấy tay nọ đỡ tay kia”, bà Lý nói.
Sau khi điều trị ung thư vú, nhiều bệnh nhân bị phù bạch mạch, hay còn gọi là bệnh “phù tay voi”. Ảnh do bệnh viện cung cấp.
Tiến sĩ Vũ Quang Vinh, khoa Phẫu thuật tạo hình – Thẩm mỹ, Viện Bỏng Quốc Gia Lê Hữu Trác xác định đây là bệnh phù bạch mạch. Nguyên nhân phù bạch mạch có thể do vét hạch nách trong điều trị và dự phòng di căn của ung thư làm tổn thương hệ thống bạch huyết, dẫn đến dưỡng chấp sẽ ứ đọng trong các mô kẽ ở tay mà không đổ vào tuần hoàn chung.
“Bệnh nhân giơ cao tay thì sự phù nề này sẽ hết, nhưng lâu dần hệ bạch mạch bị xơ hóa và dịch ứ đọng nhiều dẫn đến bị phù vĩnh viễn. Ở giai đoạn cuối, bệnh nhân sẽ có hình dạng tay voi. Khi vào giai đoạn này, bệnh nhân có thể xuất hiện các vết loét, tê bì và hạn chế vận động”, Tiến sĩ Vinh cho biết thêm.
Ứng dụng kỹ thuật siêu vi phẫu (sử dụng kỹ thuật vi phẫu đối với các động mạch, tĩnh mạch có đường kính dưới 0,7 mm), các bác sĩ đã nối thông từ bạch mạch sang tĩnh mạch, để dưỡng chấp trở về tuần hoàn chung qua các tĩnh mạch ở tay.
Video đang HOT
Khó khăn nhất trong phương pháp này là tìm ra hệ thống bạch mạch, vì theo bác sĩ, bạch mạch có màu trong suốt, kích thước vô cùng nhỏ bé chỉ 0,3-0,8 mm. Bên cạnh đó, quá trình nối bạch mạch và tĩnh mạch đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối từ phẫu thuật viên.
Chỉ sau 2 tuần điều trị bằng công nghệ siêu vi phẫu, bệnh phù bạch mạch đã được cải thiện khiến tay bệnh nhân trở lại bình thường. Ảnh do bệnh viện cung cấp.
“Phù bạch mạch là bệnh thường gặp sau điều trị ung thư vú, từ trước tới nay y học nước ta chưa có cách nào chữa trị. Bệnh nhân thường phải chịu đựng sự bất tiện, ’sống chung với lũ’ cả đời”, bác sĩ Vinh cho biết thêm.
Cũng do tác động của xạ trị vì cắt ung thư vú, bà Hoa (Hà Nội) bị phá ngực bên ngực phải, dẫn đến lộ màng phổi.
Bà kể, vào năm 1988 phải cắt ngực phải, 9 năm sau bà phải cắt luôn bên trái. Nhưng sau 22 năm kể từ khi cắt lần đầu cơ thể bà bắt đầu bị lở loét.
“Tôi dùng kháng sinh không khỏi. Nghe người ta mách dùng thuốc nam, tôi dùng càng làm vết thương ăn sâu hơn. Các bệnh viện chỉ giúp tôi chăm sóc vết thương nhưng không thể làm nó lành. Tôi bị cắt bỏ 3 xương sườn do tia xạ làm hoại tử. Tổn thương không dừng lại tiếp tục ăn sâu xuống màng phổi đe dọa thủng và lộ tim. Tôi đã tưởng mình sẽ chết vì nó”, bà Hoa cho biết.
Vết thương của bà Hoa càng ngày càng loét nặng. Lúc nhập Viện Bỏng Quốc gia, các bác sĩ đã xác định bà đã bị hoại tử vào xương (từ xương sườn thứ năm đến thứ mười) và lộ màng phổi.
“Các bác sĩ phải cắt bỏ toàn bộ xương sườn bên phải của tôi. Lấy vạt da sau lưng đắp lên vùng hoại tử. Giờ vết thương đã bình thường, chỉ có vùng da bị lấy sau lưng còn hơi đau một chút”, bà Hoa nói.
GS Lê Năm – Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác đánh giá kỹ thuật dùng chất liệu tạo hình lấy từ da lưng để ghép mặt, vá các vết thương loét do tác dụng phụ của tia xạ là kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay. Nó giúp bệnh nhân sống khỏe mạnh suốt đời, không như phương pháp ghép mặt đồng loại.
“Phương pháp này mở ra một triển vọng rất tốt cho bệnh nhân bị dị tật bẩm sinh hay bị tai nạn. Kỹ thuật này cũng rất khó, phải cần đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm mới làm được. Ghép những cái nhỏ thì nhiều bệnh viện trong nước ta làm được nhưng ghép những vạt lớn hiện chỉ có Viện Bỏng làm được”, GS Lê Năm nói.
Tuy nhiên, đa số bệnh nhân không biết đến thế mạnh này vì ai cũng nghĩ Viện Bỏng chỉ trị bỏng chứ không làm được tạo hình. Thực tế, bằng công nghệ vi phẫu, Viện Bỏng có thể tạo hình vú bằng vạt da DIEP cho phụ nữ cắt bỏ vú sau ung thư, chuyển ngón chân, thay thế ngón tay cái bị cắt cụt, tạo hình dương vật bị cắt cụt do tai nạn hoặc ung thư…
“Khoa Phẫu thuật tạo hình mới thành lập và phát triển rất nhanh, là thế mạnh của Viện Bỏng hiện ít bệnh nhân biết mà tìm đến. Lúc đến thì bệnh tình họ đã rất nặng, gây khó khăn cho chúng tôi. Nếu nói là chúng tôi vẫn phải đang đi tìm bệnh nhân cũng không sai”, GS Lê Năm cho biết thêm.
Theo VNE
Lần đầu tiên tái tạo cả gương mặt cho người bị tạt axit
Mới đây, Viện Bỏng Quốc gia (Hà Đông, Hà Nội) vừa ứng dụng công nghệ vi phẫu để tái tạo toàn bộ gương mặt cho bệnh nhân bị axit san phẳng. Các bác sĩ đã lấy chính vạt da sau lưng bệnh nhân thay vì phương pháp ghép mặt đồng loại.
Gần một năm trôi qua nhưng chị Lê Thị Thúy (35 tuổi, ở Hậu Lộc, Thanh Hóa) vẫn không thể quên cái ngày định mệnh ấy.
"Hơn 8h tối, tôi đang dọn hàng thì thấy người chú thứ 3 (em ruột bố) cầm một ca nước tiến lại gần. Như mọi lần, tôi cứ đinh ninh ông ấy đến nhà chú thứ hai rồi sang nhà tôi chơi vì hai nhà sát nhau. Tôi đứng dậy chào hỏi, nào ngờ bị ông tạt cả ca axit vào mặt. Tôi vật vã vì đau đớn. Toàn bộ khuôn mặt bị san phẳng, cơ thể bị bỏng nặng, hai mắt không còn nhìn thấy. Tôi không thiết sống nữa", chị Thúy nói.
Chị Thúy trước khi phẫu thuật với khuôn mặt bị phá hủy toàn bộ. Ảnh: Bệnh viện.
Sau khi ám hại hại chính cháu ruột mình, ngươi chú kia bỏ trốn. Mặc dù công an đã ra lệnh truy nã nhưng vẫn chưa bắt được. Còn chị Thúy được gia đình đưa ngay ra Viện Bỏng quốc gia cấp cứu.
Vì tai nạn khủng khiếp này mà chị Thúy - một người phụ nữ có nhan sắc ưa nhìn, công việc ổn định - biến thành một người với gương mặt không hình hài, cơ thể đầy sẹo. Không ít lần chị tìm đến cái chết. Cũng may gia đình luôn ở bên động viên, chăm sóc, giúp chị tìm lại cuộc sống.
Suốt mấy tháng liền chị cứ từ Viện Bỏng sang Viện mắt rồi ngược lại. Lúc đôi mắt chị sáng lại, cơ thể cũng bắt đầu di chuyển được thì gia đình tìm hiểu định đưa chị sang nước ngoài phẫu thuật, nhưng do kinh phí quá lớn nên lại thôi. Giữa tháng 4/2012, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình của Viện Bỏng Quốc gia quyết định phẫu thuật khuôn mặt cho chị.
"Bác sĩ nói rằng sẽ giúp tôi lấy lại khoảng 80% khuôn mặt trước đây bằng cách lấy da sau lưng tôi vì nghe đâu nó gần giống với da mặt. Sau ca mổ 9 tiếng, tôi đã được tạo hình lại mắt, mũi, môi, tai. Một lớp da mới thay thế lớp da đã chết kia", chị Thúy kể.
Sau 9 tiếng, chị Thúy đã được tái tạo một khuôn mặt mới từ da lưng. Bác sĩ hứa hẹn sẽ giúp chị lấy lại 80% khuôn mặt cũ. Ảnh: Bệnh viện.
Vào ngày 18/8 vừa qua, chị Thúy đã xuất viện. Hiện tại, sức khỏe của chị rất tốt. "Tôi đã có thể bán hàng, giao tiếp với khách, đi chợ búa dù vẫn còn bịt mặt. Phải cần cả một quá trình dài phẫu thuật nữa để khuôn mặt thon gọn, có đường nét và ít mỡ hơn", người phụ nữ 35 tuổi cho biết.
Trong hành trình lấy lại khuôn mặt, anh Tú - chồng chị Thúy luôn ở bên động viên, giúp đỡ chị. Thâm tình của anh khiến các bác sĩ điều trị cũng phải khâm phục nhưng khi được hỏi, anh chỉ khiêm tốn nói: "Tội vạ từ đâu đổ xuống, mà vợ tôi có lỗi gì đâu. Là một người chồng, tôi ở bên chăm sóc mới phải đạo".
Gần một năm qua, anh Tú vừa đảm nhận việc kiếm tiền, chăm sóc hai con, vừa ở bên săn sóc, tìm các phương pháp tốt nhất để chữa cho vợ. "Tôi bị axit hủy toàn bộ cơ thể, lớp da mới rất ngứa ngáy khó chịu. Ngày nào anh cũng phải nấu nước tắm rửa, đêm đêm matxa thì tôi mới ngủ được", chị Thúy cho biết thêm.
Còn với bố chị Thúy, lúc nhìn thấy khuôn mặt mới của con, ông đã không kìm được xúc động. Ông nói: "Tôi là người sinh ra con nhưng bác sĩ lại sinh ra con tôi lần nữa".
Theo Tiến sĩ Vũ Quang Vinh, Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình thì nhờ kinh nghiệm từ những lần trước, đặc biệt là lần phẫu thuật khuôn mặt cho cháu Châu A Dũng (Lào Cai) thì các bác sĩ đã mạnh dạn tiến hành phẫu thuật toàn bộ khuôn mặt cho chị Thúy.
"Thế giới từng kết luận không có bộ phận nào trên cơ thể người đủ để ghép mặt nhưng qua nghiên cứu, chúng tôi thấy vạt da lưng là nơi tốt nhất để tái tạo mặt".
Hiện nay, một số nước vẫn đang sử dụng phương pháp ghép mặt đồng loại (lấy da tử thi) nhưng về cơ bản phương pháp này dễ bị biến chứng, người được ghép dễ nhiễm khuẩn và khuôn mặt không thật.
So với nó, phương pháp sử dụng chất liệu tự thân sẽ tạo nên khuôn mặt gần như thật. Bệnh nhân sống vĩnh viễn đến già không sợ mắc bệnh, yên tâm lao động và tránh những rối loạn tâm lý.
Bác sĩ Vinh cho biết: "Xuất phát từ sự chuyển giao công nghệ của Nhật Bản và thuộc đề tài cấp Nhà nước được đầu tư nên chúng tôi mạnh dạn ứng dụng kĩ thuật này.Tuy Nhật Bản chuyển giao công nghệ nhưng ở bên đó vẫn chưa thực hiện một ca tạo hình toàn bộ khuôn mặt nào bằng kỹ thuật này (có lẽ vì không có bệnh nhân)".
Cũng theo bác sĩ Vinh, khó khăn trong thực hiện phẫu thuật này là phải tìm được từ hai đến ba nguồn cấp máu thì mới lấy được vạt da đủ rộng để tái tạo cho toàn bộ khuôn mặt và tạo hình mũi và miệng, mắt trong cùng một lúc.
Vào năm 2010, bệnh nhân Rafael (Tây Ban Nha) đã được ghép một phần khuôn mặt bằng phương pháp ghép mặt đồng loại được hiến tặng. Cuộc phẫu thuật kéo dài hơn 30 tiếng với vài chục bác sĩ tham gia. Đây được xem là thành công thời bấy giờ. Ảnh: Theo AP.
Tiến sĩ Vinh cũng kể, trong một hội nghị được tổ chức ở Nhật Bản gần đây có một bệnh nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ đến dự hội nghị với khuôn mặt đang được tạo hình. Các bác sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ghép toàn bộ khuôn mặt cho bệnh nhân này bằng phương pháp lấy da tự thân nhưng phải mất 10 - 15 ngày mới mở miệng, mũi và mắt. Lúc người này dự hội nghị, khuôn mặt anh ta đang được phủ một lớp da mới giống như sọ dừa úp lên mặt. Các bác sĩ chỉ đục một cái lỗ cho bệnh nhân ăn.
"Còn chúng tôi đã thực hiện cuộc phẫu thuật toàn bộ khuôn mặt cho chị Thúy trong vòng 9 tiếng. Có thể nói đây là một thành công mang tầm quốc tế", bác sĩ Vinh nhấn mạnh.
Tính đến nay, khoa Phẫu thuật tạo hình của Viện Bỏng Quốc gia đã tạo hình khuôn mặt thành công cho hơn 30 ca từ nặng đến nhẹ.
"Tái tạo 1/3 hay nửa khuôn mặt thì hiện nay gần như là phẫu thuật thường quy tại khoa Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ ở Viện Bỏng Quốc gia, nhưng làm lại cả khuôn mặt biến dạng nặng nề như của chị Thúy là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện được. Sau thành công này chúng tôi tự tin có thể làm những ca tương tự, thậm chí khó hơn", TS Vinh nói.
Giáo sư Lê Năm - Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia - nói thêm hiện nay cũng có nhiều bệnh viện trong cả nước phẫu thuật một phần hay nửa khuôn mặt nhưng tạo hình cả khuôn mặt chỉ mới Viện Bỏng làm được. Đây không chỉ là bước tiến lớn trong nền y học nước nhà mà quan trọng hơn, nó giúp phá tan âm mưu của những kẻ thủ ác muốn dùng axit hủy hoại tương lai của những người lương thiện.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Theo VNE
Hiểm họa rợn người trên phố Thủ đô Trong tháng tư vừa qua, đã có 3 người chết mà nguyên nhân bắt nguồn từ những trụ mắc dây điện, cáp viễn thông. Chiều 18/4, trong lúc xảy ra lốc lớn kèm mưa to, gió lớn, hai anh Đoàn Quốc Bảo và Phạm Đình Thống điều khiển hai xe gắn máy đi trên đường liên thôn, thuộc địa bàn thôn Ân Niên...