Giành giật sự sống từ “tử thần” mang tên Covid-19
Bác sĩ Đỗ Xuân Tiến, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Thanh Hóa đã vượt qua nỗi sợ hãi, mệt nhọc để ngày đêm chăm sóc bệnh nhân.
Thanh Hóa là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên có bệnh nhân dương tính với Covid-19, số bệnh nhân nghi nhiễm phải cách ly, điều trị là 12 bệnh nhân. Đến thời điểm này các bệnh nhân đã khỏi bệnh và xuất viện, không còn trường hợp nghi nhiễm phải cách ly. Kết quả đó 1 phần là nhờ sự cố gắng không biết mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, những người được ví như những chiến sĩ nơi tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Bác sĩ Tiến điều trị cho bệnh nhân.
Bác sĩ Đỗ Xuân Tiến, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Thanh Hóa. Người đã vượt qua nỗi sợ hãi, mệt nhọc để ngày đêm chăm sóc, cách ly cho bệnh nhân chia sẻ: “1 ca bệnh chuyển tuyến đặc biệt từ Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Định đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đúng chiều 30 Tết Canh tý. Bệnh nhân là 1 phụ nữ vừa trở về từ vùng dịch Vũ Hán (Trung Quốc), có biểu hiện ho, sốt, nghi nhiễm Covid-19. Tất cả cán bộ, y, bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới chuẩn bị, sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới”.
Đó là nội dung cuộc gọi mà bác sĩ Đỗ Xuân Tiến, Trưởng khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa nhận được từ cấp trên. Như có linh tính về điều không lành, Bác sĩ Tiến nhận lệnh và liên tưởng đến thành phố Vũ Hán đang căng mình trước “đại dịch”. “Lên đường làm nhiệm vụ”, anh nhắc mình như vậy và vạch ra 1 kế hoạch (kế hoạch cách ly) và sẵn sàng cho chiến dịch (chiến dịch bắt đầu từ 1 ngày cuối năm – chiều 30 Tết).
“Chiều 30 Tết chúng tôi triệu tập toàn bộ lực lượng trong khoa triển khai chống dịch. Hôm đấy có 2 mục tiêu là, anh em phải hy sinh ngày Tết, sẵn sàng phương án chống dịch; thứ 2 là ca bệnh khả năng lây lan cao, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng của mình, như vậy anh em cũng băn khoăn, nhưng ở đây phải xác định nhiệm vụ chính trị của mình, nên phải sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng lao vào để làm việc.
Video đang HOT
Bác sĩ Đỗ Xuân Tiến, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Thanh Hóa.
Ngày 30/1, tin không vui đến với bác sĩ Tiến và các đồng nghiệp, bệnh nhân Nguyễn Thị Trang, nữ, 25 tuổi (đang điều trị, cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa), có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Biết rằng, cuộc chiến giành giật sự sống của người bệnh từ bàn tay “tử thần” mang tên Covid-19 mới chỉ là bắt đầu, Bác sĩ Tiến và đồng nghiệp của mình tự nhủ, không được lơ là, thực hiện điều trị đúng phác đồ và cách ly tuyệt đối an toàn đối với người bệnh.
Những cuộc gặp chớp nhoáng với gia đình, sau những giờ làm việc căng thẳng không làm cho bác sĩ Tiến yên tâm hơn, trái lại là sự lo lắng, bất an. Ánh mặt của vợ, nụ cười của con thơ càng làm cho anh quyết tâm, không thể để Covid-19 có cơ hội lây lan sang những người thân yêu, gia đình, xã hội, muốn vậy phải cách ly, dừng tất cả mọi hoạt động thăm thân ngày tết, tụ tập đông người, khép mình sau tấm bảng mang dòng chữ “khu vực cách ly”.
Bế con nhỏ trên tay, chị Huyền, vợ bác sĩ Tiến chưa thể nào quên được cái cảm giác lo lắng trong những ngày qua. Lo cho sức khỏe của chồng và con. Chỉ đến khi bệnh nhân xuất viện, sau khi 14 không ai có triệu chứng nữa thì mới thở phào nhẹ nhỏm.
“Thường thì công việc của anh rất bận, không kể đợt dịch Covid-19 lần này mà sáng thường 7h ra khỏi nhà, dịch thì không có ca trực anh vẫn ở đây, 24/24h, việc nhà đảo lộn, bé nghỉ học đi theo mẹ, bình thường rất lo, khi mọi người nói đỡ đi một chút, nghe báo đài nói thì lo cho cháu nhỏ”, chị Huyền kể.
Bác sĩ Tiến bộc bạch, nói là không lo thì không phải, đó là sự trấn an, động viên để vợ con và người thân được yên tâm, vui Xuân đón Tết. Còn với các anh, lúc này bệnh nhân là số 1.
“Về lý thuyết chúng tôi phơi nhiễm sẽ có thể phát tán mầm bệnh ra bệnh nhân, người thân xung quanh và thậm chí cho gia đình nên chúng tôi cũng lo lắng và động viên nhau, kiểm soát chặt chẽ, khắt khe… ngay cả việc về nhà trong dịp Tết chúng tôi cũng phải chịu thiệt, không đi chúc Tết, sau khi khử trùng, mọi người phải tự cách ly ở nhà, không tiếp khách trong thời gian dịch bệnh”, bác sĩ Tiến chia sẻ.
Thành công không phụ công người, những nỗ lực của bác sĩ Tiến và đồng nghiệp đã được đền đáp. Sau khi xét nghiệm lần 1 dương tính với Covid-19, ngày 2/2 bệnh nhân Nguyễn Thị Trang đã có kết quả xét nghiệm lần 2 và âm tính với Covid-19.
Đánh giá về kết quả này, ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Trong quá trình thu dung, điều trị bệnh nhân nhờ có sự chủ động trong vấn đề chuẩn bị phương án ứng cứu với tình hình dịch bệnh và phương án các cấp độ bệnh, bênh viện đã cách ly bệnh nhân và điều trị bệnh nhân hiệu quả, từ khâu theo dõi, giám sát tình hình bệnh nhân tại khoa, hàng ngày, hướng dẫn việc cách ly người bệnh và người gần bệnh nhân, hướng dẫn chế độ ăn uống đối với bệnh nhân hàng ngày đảm bảo tốt thể trạng của bệnh nhân”.
Bệnh nhân khỏi bệnh cũng là lúc Tết đã đi qua, nhưng với bác sĩ Tiến và các đồng nghiệp, mùa xuân không chỉ đơn thuần là đếm ngày tính tháng mà hơn cả sức khỏe của người bệnh, đó mới là “mùa xuân vĩnh cữu”./.
Theo VOV
Điều trị thành công 14/16 ca nhiễm, phác đồ điều trị virus corona của Việt Nam có gì đặc biệt?
Mặc dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng Việt Nam đã có một phác đồ điều trị hiệu quả đối với bệnh do virus corona chủng mới (Covid-19). Tới nay, đã có 14/16 bệnh nhân được điều trị thành công.
Theo PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đến thời điểm này, dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng Việt Nam đã có một phác đồ điều trị hiệu quả đối với Covid-19. Ngành y tế Việt Nam đã điều trị thành công cho 14/16 ca dương tính với bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
Cũng theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, trong số các ca bệnh nhân được điều trị thành công có trường hợp bệnh nhân có nhiều bệnh nền như: huyết áp, tim mạch, tiểu đường và từng cắt phổi do ung thư. Các bệnh nhân còn lại đang có sức khỏe tiến triển tốt và sẽ sớm được ra viện trong những ngày tới.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết để ứng phó với dịch bệnh, hệ thống khám chữa bệnh, ngành y tế đã họp ngay Hội đồng chuyên môn với các giáo sư đầu ngành. Với căn bệnh này, thấy có những đặc thù với căn bệnh SARS trước kia và bệnh dịch mới nổi hiện nay nên Việt Nam có hướng dẫn điều trị cập nhật ngay từ những ngày trước Tết. Sau đó, Việt Nam tiếp tục tập huấn triển khai một cách quyết liệt các phác đồ hướng dẫn điều trị cho các bệnh viện.
"Ngay sau khi điều trị khỏi cho 3 bệnh nhân ra viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi tiếp tục cập nhật phác đồ điều trị một lần nữa, đưa ra những chiến lược điều trị cụ thể từ hướng dẫn đón tiếp ban đầu, cách ly người bệnh đến sử dụng thuốc, dịch truyền và phương tiện cấp cứu cần thiết nhất cho bệnh nhân nặng bằng phương tiện hiện đại nhất. Có thể nói đối phó với dịch Covid-19, chúng ta luôn đi trước khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới", PGS Khuê nhận định.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cùng các y, bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chúc mừng 2 bệnh nhân đã khỏi bệnh. Ảnh: Dân trí
Trường hợp cháu bé 3 tháng tuổi được Bệnh viện Nhi Trung ương tích cực điều trị, không sốt, không ho, bú mẹ tốt, tình trạng sức khỏe ổn định. Kết quả xét nghiệm đã một lần âm tính. Nếu tiếp tục theo phác đồ điều trị, kết quả xét nghiệm âm tính tiếp, bé sẽ được ra viện sớm. Cả 16 bệnh nhân mắc COVID-19 ở Việt Nam đều tiến triển tốt, nhiều ca đã khỏi bệnh và chắc chắn không có trường hợp nào tử vong.
Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, việc phân tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện của Bộ Y tế như hiện nay là hợp lý, hiệu quả. Người dân hoàn toàn có thể yên tâm về công tác phòng, chống dịch bệnh. Với những bệnh nhân có triệu chứng không nặng, chưa diễn biến nặng nên ở tuyến tỉnh điều trị. Tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa đã giữ bệnh nhân điều trị tại tỉnh, Vĩnh Phúc điều trị bệnh nhân tại tuyến huyện với sự hỗ trợ của bác sĩ tuyến trên và đã thành công khi điều trị khỏi cho bệnh nhân.
Ông Khuê cũng cho biết theo thông tin từ phía Trung Quốc, đã có hàng ngàn cán bộ y tế nhiễm bệnh và có ca tử vong. Đến giờ phút này chưa có thầy thuốc nào tại Việt Nam bị nhiễm COVID-19.
"Đối với bệnh truyền nhiễm, nguyên tắc số 1 là phải cách ly thật tốt. Đối với đại dịch này, đặc biệt trong khu vực bệnh viện, phải đảm bảo nguyên tắc tuyệt đối cách ly nguồn bệnh. Do vậy, khi tiếp nhận người bệnh (có thể là người bệnh nghi ngờ, có thể dương tính nhẹ, hay nặng) ở tất cả khu vực này, khi người bệnh bắt đầu bước chân vào, bệnh viện phải tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc cách ly của Bộ Y tế", PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói thêm.
Liên quan tới những băn khoăn của người dân về khả năng lây nhiễm bệnh tiềm tàng của những bệnh nhân Covid-19 trở về cộng đồng sau khi được công bố khỏi bệnh, BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, về nguyên tắc, khi bệnh nhân đã hết virus, nghĩa là hệ miễn dịch của bệnh nhân đã đủ mạnh để làm sạch virus, thì họ sẽ không có nguy cơ phát tán virus, nghĩa là không có nguy cơ lây lan cộng đồng.
Tuy nhiên, vì cộng đồng vẫn có sự lo ngại, e dè nhất định, nên các bệnh nhân sau khi được công bố khỏi bệnh, sẽ được giữ lại ở bệnh viện để chăm sóc, theo dõi thêm một thời gian. Những trường hợp khỏi bệnh đã trở về cộng đồng cũng liên tục được theo dõi tình trạng sức khỏe.
Bảo Lâm
Theo vietQ
Phòng chống nCoV: Phía bên trong Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa... Dịch viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) hoành hành làm đảo lộn nhịp sống hàng ngày của người dân. Chỉ có họ - những y bác sĩ trong bệnh viện, vẫn bình tâm, vững vàng đối mặt khi dịch bệnh xảy ra. Niềm vui vỡ òa khi bệnh nhân nhiễm vi rút nCoV đầu tiên điều trị tại...