Giảng viên trường ĐH Sư Phạm TP.HCM: “Tôi thấy có lỗi…”
Dưới góc độ của một người đào tạo giáo viên, tôi thấy có lỗi với học sinh vì chúng tôi đã làm chưa đủ tốt khiến các em phải học hành với những giáo viên không đạt chuẩn năng lực sư phạm, lẫn thiếu cả lòng yêu nghề, yêu trẻ.
Học sinh kể lại chuyện bị cô giáo ép súc miệng bằng nước giẻ lau bảng Học sinh lớp 3 cho biết cô giáo ép em uống nửa cốc nước vắt từ giẻ lau bảng. Video Zing
Hàng loạt vụ việc giáo viên hành xử phản sư phạm, tàn nhẫn với học trò khiến dư luận phẫn nộ: phạt quỳ gối, súc miệng bằng nước lau bảng, lên lớp mà gương mặt lạnh tanh, không giảng bài. Đó chỉ là phần nổi của tảng băng vì thực tế còn nhiều ứng xử không đúng nguyên tắc sư phạm khác của giáo viên mà nhà trường không biết hoặc biết nhưng… cho qua.
Cô giáo phạt quỳ cũng dùng hình phạt nhiều lần với học sinh rồi tới khi phụ huynh phản ứng mới đến tai dư luận. Trong câu chuyện ấy, vì quá phẫn nộ với vị phụ huynh lỡ thách thức cô giáo quỳ mà dư luận cũng lơ đi những lỗi ứng xử của cô với học trò.
Cô giáo không giảng bài suốt mấy tháng mà nhà trường cũng không hay biết. Cứ vậy, những ứng xử phản sư phạm ấy được du di, được bào chữa và… duy trì! Quá rõ những lỗi sai của các giáo viên đó nhưng có những đồng nghiệp của họ không thừa nhận mà chỉ trách móc việc lớp đông, học trò ngày càng lì lợm, phụ huynh thiếu tôn trọng, các cấp quản lý thì đủ kiểu gây áp lực.
Họ tìm mọi cách biện minh cho các hành vi vi phạm pháp luật, quy định ngành lẫn chuẩn mực đạo đức thông thường. Khi giáo viên không thừa nhận lỗi sai mà chỉ đổ thừa hoàn cảnh, dư luận khó có thể trông chờ sự thay đổi ở nhóm giáo viên này. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc sẽ còn nhiều học sinh phải chịu đựng những hình phạt tàn nhẫn.
Em Phạm Song Toàn trong buổi đối thoại tại lớp với cô Trần Thị Minh Châu sau sự việc em phản ánh cô nhiều tháng lên lớp không giảng bài.
Trong số những lý do biện minh, đáng sợ nhất là lý do: nghiêm khắc thì học sinh mới nên người! Thật kỳ quái khi người ta có thể dùng những hình phạt thể chất lẫn tinh thần dưới danh nghĩa tình yêu thương và trách nhiệm! Tôi nghĩ mãi vẫn không thể thông suốt được luận điểm: Yêu thương một người bằng cách gây tổn thương cho người ấy!
Sau những vụ việc trên, sự tổn thương của học sinh quá rõ: có em sợ hãi, không dám đến trường, có em nước mắt lưng tròng giữa hàng trăm người khi bày tỏ sự uất ức vì cô giáo… Các em không hề muốn nhận “yêu thương” theo cách ấy. Tôi choáng váng hơn khi đọc được bình luận của một người rằng: trừng phạt nghiêm khắc để trẻ quen dần với nghịch cảnh.
Là một phụ huynh, tôi từ chối cơ hội “được” cho con rèn luyện với nghịch cảnh theo những kiểu kể trên. Giáo dục vốn dĩ có tính nhân văn tức vì sự phát triển những giá trị tốt đẹp cho con người. Tôi muốn con mình được thẩm thấu những giá trị tôn trọng, bao dung, nhân hậu và hạnh phúc. Tôi không muốn chúng sống trong bầu không khí thù địch hay sợ hãi.
Video đang HOT
Dưới góc độ của một người đào tạo giáo viên, tôi thấy có lỗi với học sinh vì chúng tôi đã làm chưa đủ tốt khiến các em phải học hành với những giáo viên không đạt chuẩn năng lực sư phạm lẫn thiếu cả lòng yêu nghề, yêu trẻ. Không cố tình biện minh nhưng tôi vẫn muốn khẳng định rằng trong trường sư phạm, chúng tôi luôn dạy sinh viên dùng các phương pháp giáo dục như đàm thoại, kể chuyện, nêu gương, khen thưởng… với học sinh. Trách phạt là phương pháp cuối cùng được dùng khi tất cả các phương pháp khác đã thất bại.
Em Phương A. tái hiện lại vụ việc bị cô giáo ép uống nước giẻ lau bảng.
Tuy vậy, dù trách phạt thế nào thì cũng ko được xúc phạm thân thể, nhân phẩm của học sinh, vẫn tin tưởng vào sự tiến bộ của các em. Những bài học ấy có lẽ đã bị cuốn trôi mà thay vào đó là những “chiêu trị học trò” được truyền lại từ những giáo viên chỉ muốn nhìn thấy kết quả giáo dục ngay: học trò sợ mà ngưng hành vi không phù hợp. Họ quên rằng: Sự sợ hãi ấy cùng lắm là khiến học sinh không làm những hành vi không phù hợp trước mặt giáo viên. Sự sợ hãi ấy không làm thay đổi hệ giá trị bên trong học sinh.
Những giáo viên giỏi nghề luôn nhận ra muốn uốn nắn học sinh, phải có năng lực ứng xử sư phạm khéo léo, khả năng quản lý học sinh tốt và trên hết là tình yêu thương sâu sắc học sinh. Hình phạt không bao giờ là biểu tượng cho tình yêu ấy!
*Bài viết của cô ThS Nguyễn Thị Thu Huyền (giảng viên khoa khoa học giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP. HCM)
Theo Nguyễn Thị Thu Huyền (Trí thức trẻ)
Hoá giải mặt trái của thứ giáo dục "cá ăn kiến, kiến ăn cá"
Để không còn những biểu hiện của thứ giáo dục quỳ gối, giáo dục bạo hành, ăn miếng trả miếng, cá ăn kiến, kiến ăn cá, thì chỉ với người thầy thôi, là chưa đủ và không công bằng.
Học sinh kể lại chuyện bị cô giáo ép súc miệng bằng nước giẻ lau bảng Học sinh lớp 3 cho biết cô giáo ép em uống nửa cốc nước vắt từ giẻ lau bảng. Video Zing
Những sự cố giáo dục lặp lại
Trong vài tháng lại đây, liên tiếp những sự cố giáo dục, khiến xã hội giật mình, bất an. Chưa hết dư âm vụ cô giáo ở Long An bị phụ huynh bắt quỳ gối, lại vụ phụ huynh ở Nghệ An tấn công cô giáo đang mang thai, khiến cô phải quỳ xuống xin tha để bảo vệ bào thai. Cũng ở Nghệ An, một phụ huynh đã tấn công một giáo viên dạy thể dục đến mức phải nhập viện chỉ vì trước đó, người thầy đã tát học trò vì đốt giấy trong trường học.
Thầy cô có thể la mắng, trách phạt học sinh, nhưng đằng sau đó phải cho các em thấy được tình yêu thương vô bờ bến của mình! Ảnh minh hoạ: Tuổi trẻ.
Chuyện cô giáo ở Hải Phòng phạt trò nói chuyện riêng trong lớp bằng hình thức bắt uống nước giặt giẻ lau bảng, còn đang nóng, thì lại xảy ra vụ bảo mẫu nhà trẻ ở Quảng Bình bạo hành, trói chân, nhét dẻ vào miệng trẻ. Xã hội đang ồn ào vụ cô giáo ở một trường PTTH huyện Nhà Bè, tp HCM suốt 4 tháng liền lên lớp chỉ ghi bảng mà không "mở miệng" vì sợ trò ghi âm phát tán trên mạng, thì lại rùng mình vì vụ học trò lớp 12 ở Quảng Bình cầm dao phục trước cổng trường đâm thầy trọng thương, chỉ vì thầy nhắc xoá hình xăm trên cổ...
Trong khi đó, ở huyện Krông Pách, tỉnh Đắc Lắc, hơn 500 giáo viên được mấy đời chủ tịch huyện này ký hợp đồng, phút chốc mất việc, với bao nghi vấn về nạn chạy hợp đồng, chạy việc, tham nhũng...Mà hiện tượng này, mấy năm lại đây, không còn là cá biệt, khi nó xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành, khiến người ta xót xa với hình ảnh người thầy trong mặt trái của cơ chế thị trường...
Không hề thái quá khi có nhận xét rằng, sự cố giáo dục đang xảy ra theo hướng lặp lại, ngày một dày đặc hơn và mức độ ngày một nghiêm trọng hơn. Phải chăng đấy là biểu hiện tâm lý xã hội thường trực trạng thái nóng nảy, bức xúc, thiếu kiềm chế, cả giận mất khôn. Đó là hệ quả tất yếu từ những sức ép môi trường xã hội khi mà những thang bậc giá trị đang bị đảo lộn, đạo đức xã hội xuống cấp, những chuẩn mực đạo đức vốn hình thành lâu đời và từng chứng tỏ sự bền vững trong đời sống xã hội và nơi nhà trường, thì nay bị xô lệch, gãy vụn, méo mó.
"Cá ăn kiến, kiến ăn cá": Biểu hiện mặt trái của nền giáo dục
Những ai quan tâm đến hoạt động giáo dục, nhìn vào những sự cố xảy ra liên tục này, không thể không nhận ra bức tranh giáo dục nước nhà đang rất có vấn đề. Thầy đang không ra thầy, trò càng không ra trò.
Vai trò nhà trường, gia đình và xã hội đối với giáo dục đang thiếu đi tính tích cực và luôn ở thế bị động, chỉ mới chú trọng can dự giải quyết hậu quả, xử lý phần ngọn. Vụ việc này xử lý chưa xong, lại bùng phát vụ việc khác. Vụ việc sau dẫm đúng vết trượt vụ việc trước.
Sau mỗi sự cố, nhìn lại, vẫn mồn một mối xung đột giữa thầy với trò, giữa người thầy với bậc làm cha làm mẹ. Chưa bao giờ tình trạng thầy cô mang tâm lý sợ hãi, sợ trò và cha mẹ trò, lại nặng nề đến vậy! Và cũng chưa bao giờ phương pháp xử lý tình huống và lối ứng xử của thầy cô giáo lại thiếu chuyên nghiệp, gây nhiều sự cố đến vậy!
Các sự cố giáo dục xảy ra gần đây, tuy không gian có khác, thời gian có khác, nhưng hình thức, nội dung cho tới bản chất vụ việc không mấy khác.
Vẫn là bảo mẫu bạo hành khiến con trẻ tổn thương thể chất lẫn tinh thần. Vẫn là thầy cô mắc lỗi khi xử lý tình huống sư phạm khiến học trò cảm thấy bị xúc phạm, làm nhục, và trò, và cả phụ huynh, tìm cách trả thù thầy cô, như cái cách mà giới xã hội đen vẫn thường làm ngoài xã hội. Đây lại thêm một biểu hiện tiêu cực của giáo dục nước nhà, với những biểu hiện bạo hành, thua đủ, ăn miếng trả miếng, cá ăn kiến, kiến ăn cá.
Một nhà giáo có gần 40 năm trong nghề, chuyên gia trong ngành giáo dục, đã có nhận xét: "Cô bắt trò uống nước giẻ lau bảng. Thầy bị học sinh đâm dao. Hai việc khác nhau, nhưng hình như có mối quan hệ nhân quả".
Không phải là hình như, mà là đúng thế.
Xử lý trong hệ thống
Có chuyên gia giáo dục đã lên tiếng: Nhà trường sư phạm nơi đào tạo đội ngũ thầy cô giáo phải chịu trách nhiệm về những sản phẩm lỗi của mình. Điều này không sai. Đổi mới, cải cách giáo dục, phải bắt đầu bằng đổi mới tuyển chọn, đào tạo và sử dụng, đãi ngộ người thầy. Người thầy chưa ra thầy, gồm cả nhân cách và trí tuệ, thì không thể có sức cảm hoá và hoá giải mọi sự cố, xung đột.
Một khi người thầy còn phải chạy chọt, đút lót để có một chỗ dạy; một khi đồng lương chưa đủ trang trải cuộc sống; một khi môi trường giáo dục nơi nhà trường sư phạm còn chưa hết bộn bề nhếch nhác, thì còn lâu mới có người thầy cho ra thầy, người thầy có tâm thế, quyền uy với học trò, cha mẹ học trò và xã hội.
Nhưng, để không còn những biểu hiện của thứ giáo dục quỳ gối, giáo dục bạo hành, ăn miếng trả miếng, cá ăn kiến, kiến ăn cá, thì chỉ với người thầy thôi, là chưa đủ và không công bằng. Nhà trường, không thể khác, là một phần của đời sống xã hội, là sản phẩm của xã hội. Xã hội thế nào thì nhà trường thế ấy. Những tác động tiêu cực từ bên ngoài xã hội vào nhà trường, dù thường chậm, nhưng khi nó hiện hữu, thì sự lan truyền và sức công phá của nó không thể lường hết.
Vậy thì sau mỗi sự cố giáo dục, những công văn, chỉ thị từ chính quyền hay ngành giáo dục, xem ra cũng cần, nhắm xử lý tình huống, trấn an dư luận. Nhưng như thế chưa đủ. Kể cả những quyết định kỷ luật nghiêm khắc nhất hay biện pháp truy cứu trách nhiệm hình sự, thì cũng không thể giải quyết tận gốc vấn đề. Bằng chứng là đã có những bảo mẫu bạo hành con trẻ bị truy tố, kết án tù, nhưng nạn bạo hành nơi nhà trẻ, lớp mẫu giáo vẫn xảy ra.
Với giáo dục, quốc sách hàng đầu, nơi mang thiên chức tối hệ trọng là đào tạo nguồn lực con người cho đất nước, cần đặt trong mối quan hệ nhân quả, giữa xã hội- đất nước với giáo dục và tiến hành một cuộc mổ xẻ nghiêm túc để nhận rõ thực trạng, căn nguyên. Vị thế của giáo dục, thực trạng quá nóng bỏng hiện nay rất đáng để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, tiếp nhận trí tuệ và ý chí toàn dân nhằm hoá giải thứ giáo dục quỳ gối, giáo dục bạo hành, cá ăn kiến, kiến ăn cá...
Nhân những sự cố giáo dục tai tiếng xảy ra liên tiếp gần đây, Quốc hội cần có phiên chất vấn, giải trình, làm rõ trách nhiệm của xã hội và cá nhân, từ đó có những quyết sách phù hợp hoá giải mặt trái của nền giáo dục nước nhà.
Theo Uông Ngọc Dậu (Vietnamnet)
Tại sao không dạy trẻ từ chối súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng? Hàng loạt vụ việc giáo viên phạt học sinh bằng biện pháp phản cảm. Trong hầu hết trường hợp, các em không phản kháng lại hình phạt thiếu hợp lý hay tìm người lớn giúp đỡ. Học sinh kể lại chuyện bị cô giáo ép súc miệng bằng nước giẻ lau bảng Học sinh lớp 3 cho biết cô giáo ép em uống...