Giảng viên cần diện tích làm việc 10 m2: Hiểu thế nào cho đúng?
Dự thảo Thông tư quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD&ĐT mà Bộ GD&ĐT vừa công bố đang được dư luận quan tâm. Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) – đơn vị chủ trì soạn thảo – đã có những thông tin làm rõ hơn về dự thảo này.
Ông Phạm Hùng Anh – Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT).
Quy định mới lần đầu tiên được dự thảo
Ông Phạm Hùng Anh – Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) – đơn vị chủ trì soạn thảo cho biết: Để sử dụng có hiệu quả diện tích, ngân sách nhà nước đối với trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước, cơ sở hoạt động sự nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp (Nghị định số 152/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017).
Theo đó Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD&ĐT thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT theo quy định tại Điều 9 của Nghị định 152/2017/NĐ-CP.
Quy định này áp dụng đối với các đơn vị công lập gồm: ĐH, học viện, trường ĐH, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, trường CĐ sư phạm, trường trung cấp sư phạm, trường CĐ có nhóm ngành đào tạo giáo viên và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đây là lần đầu tiên có quy định về nội dung này.
Theo dự thảo, mỗi cơ sở đào tạo có tối thiểu 1 hội trường với quy mô từ 250 chỗ trở lên; có tối thiểu 1 giảng đường quy mô từ 200 chỗ trở lên; có tối thiểu các giảng đường với quy mô từ 100 chỗ trở lên. Phòng học thông thường dưới 100 chỗ đảm bảo số phòng học đáp ứng quy mô đào tạo của cơ sở đào tạo. Đảm bảo số phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng/trại thực hành đáp ứng quy mô, chuyên ngành đào tạo của cơ sở đào tạo.
Ngoài ra, mỗi cơ sở đào tạo có tối thiểu 1 thư viện; có khu hoạt động thể chất; có tối thiểu 1 nhà thể thao đa năng với kích thước tối thiểu 42m x 24m x 12,5m; có tối thiểu 1 khu dịch vụ tổng hợp; có tối thiểu 1 trạm y tế, với tổng diện tích chuyên dùng là 300 m2 và có tối thiểu 1 nhà để xe.
Với diện tích làm việc của giáo sư, phó giáo sư, giảng viên chính, giảng viên, dự thảo quy định: Mỗi giáo sư cần có diện tích 24 m2; mỗi phó giáo sư cần có diện tích làm việc 18 m2; mỗi giảng viên chính, giảng viên cần có diện tích làm việc 10 m2. Mỗi 20 phòng học cần có 1 phòng nghỉ cho giảng viên. Diện tích chuyên dùng là 3 m2/giảng viên, với diện tích không nhỏ hơn 24 m2/phòng.
Quy định để làm căn cứ lập kế hoạch, dự toán ngân sách
Mấu chốt những băn khoăn của dư luận khi dự thảo Thông tư công bố chính bởi việc hiểu những quy định nói trên là bắt buộc phải có đối với các cơ sở giáo dục.
Video đang HOT
Trong khi đó, ông Phạm Hùng Anh cho rằng: Đây không phải điều kiện về cơ sở vật chất các trường bắt buộc phải thực hiện, mà nhằm mục tiêu hạn chế việc sử dụng ngân sách nhà nước để xây dựng cơ sở vật chất trường học vượt quá khả năng nhà trường sử dụng đến.
“Tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD&ĐT được quy định tại Thông tư này sử dụng làm căn cứ để các cơ sở đào tạo lập kế hoạch và dự toán ngân sách; giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê công trình sự nghiệp; quản lý, sử dụng các công trình sự nghiệp. Điều này đã được ghi rõ trong dự thảo Thông tư” – ông Phạm Hùng Anh cho hay.
Lý giải cụ thể hơn, theo ông Phạm Hùng Anh, các cơ sở đào tạo căn cứ quy định tại Thông tư này, xây dựng tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng, xin ý kiến cơ quan cấp trên trực tiếp trước khi ban hành. Trường hợp nhà trường muốn mở rộng cơ sở vật chất, nhà nước sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng của nhà trường đã được phê duyệt; nếu còn thiếu diện tích thì mới xem xét để đầu tư tiếp, nhưng nếu không thiếu thì dừng đầu tư.
Thông tư này chỉ có tác động khi các trường muốn lập dự án đầu tư. Việc đầu tiên họ xem đầu tư của trường về tiêu chuẩn định mức sử dụng đang ở mức thiếu hay thừa, nếu thiếu thì cho dầu tư, nếu ở mức thừa thì dừng lại.
Như vậy, Thông tư chỉ có tác động khi các trường muốn lập dự án đầu tư. Với quy định này sẽ chống lãng phí, chống các trường xây vượt quy định; là căn cứ, định hướng cho phát triển trong tương lai của trường đại học và chỉ áp dụng với trường sử dụng ngân sách nhà nước. Nhưng đây chỉ là một điều kiện, điều kiện tiếp theo là phải có kinh phí, phải phụ thuộc vào ngân sách. Hướng tới các trường dần đạt các điều kiện chuẩn mực về cơ sở vật chất.
“Nếu dự thảo không xác định mỗi giáo sư cần có diện tích 24 m2; mỗi phó giáo sư cần có diện tích làm việc 18 m2; mỗi giảng viên chính, giảng viên cần có diện tích làm việc 10 m2… thì khi trường muốn lập dự án đầu tư, trong dự án đó muốn có diện tích cho các giáo sư, giảng viên có nơi làm việc như trên thì chắc chắn sẽ không được phê duyệt. Bên cạnh đó, việc quy định diện tích làm việc cho giáo sư, phó giáo sư, giảng viên là cần thiết; bởi ngoài việc lên lớp, họ còn cần không gian nghiên cứu, làm việc với sinh viên; không phải chỉ đến trường dạy hết tiết rồi về.
Trong một trường đại học, ngoài các giảng viên (GS, PGS, GVC) còn có các chức danh khác như lãnh đạo, quản lý, nhân viên văn phòng, hành chính,…Tuy nhiên, trong dự thảo thông tư không quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích cho các chức danh lãnh đạo, quản lý, nhân viên văn phòng, hành chính của nhà trường vì các chức danh này đã được quy định chi tiết tại Nghị định 152, dự thảo thông tư chỉ quy định cho các chức danh khoa học của nhà trường.
Hoặc có trường muốn trình lên cơ quan có thẩm quyền về việc mong muốn sử dụng cơ sở vật chất của trường để liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật. Cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào diện tích chuyên dùng của nhà trường, nếu có dư thừa theo tiêu chuẩn định mức đã công bố thì mới cho phép; trường hợp diện tích chuyên dùng của trường đó chưa đủ phục vụ dạy học thì sẽ không được phép”. – ông Phạm Hùng Anh nói rõ thêm.
Công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD&ĐT là các hạng mục công trình trong các cơ sở đào tạo, bao gồm: Các phòng học, giảng đường; các phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng/trại thực hành; thư viện (hoặc trung tâm học liệu); các phòng làm việc cho giáo sư, phó giáo sư, giảng viên chính, giảng viên; khu hoạt động thể chất (nhà thi đấu thể thao, nhà tập thể thao, sân tập thể thao trong nhà, sân tập thể thao ngoài trời và bể bơi); ký túc xá; khu dịch vụ tổng hợp (nhà ăn, căn tin, tạp hóa); trạm y tế; nhà để xe; phòng nghỉ cho giảng viên. Các diện tích còn lại đã quy định tại Nghị định số 152/2017/NĐ-CP.
Diện tích chuyên dùng là diện tích sàn tính theo kích thước thông thủy (không tính diện tích hành lang, cầu thang, sảnh, ban công, chân tường, cột, hộp kỹ thuật) thuộc các hạng mục công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD&ĐT.
Hiếu Nguyễn
Theo GDTĐ
Bảo đảm cơ sở vật chất, đón đầu chương trình mới
Trước thềm năm học mới, ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) đã trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại về những giải pháp bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy - học, đón đầu Chương trình GDPT, SGK mới.
Cơ sở vật chất là điều kiện tiên quyết để thực hiện đổi mới GD. Ảnh: Hữu Cường
Nhiều cách làm hay
* Thưa ông, năm học 2019 - 2020, Bộ GD&ĐT có chỉ đạo gì với các địa phương để bảo đảm về cơ sở vật chất trường lớp trong năm học mới?
- Chuẩn bị năm học mới, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương, cơ sở GD rà soát lại toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất của nhà trường, lên phương án cải tạo, sửa chữa hoặc thay thế bổ sung những công trình hư hỏng nặng. Kiên quyết không đưa những công trình xuống cấp, hết niên hạn vào sử dụng. Địa phương nào vẫn cố tình sử dụng thì trách nhiệm thuộc về người đứng đầu các cơ sở GD và của cơ quan quản lý GD địa phương đó.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở GD tiến hành rà soát lại toàn bộ thiết bị, trang thiết bị dạy - học, nhằm kịp thời mua sắm bổ sung cho năm học mới.
Ông Phạm Hùng Anh
* Năm học 2019 - 2020 cũng là năm bản lề, chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình GDPT, SGK mới đối với lớp 1. Bộ đã có bước chuẩn bị như thế nào?
- Hiện nay, đối với cấp tiểu học nếu tính trên đầu phòng học thì cơ bản đã đáp ứng. Tuy nhiên, chúng ta mới đạt 72% của 0,96 phòng học/lớp là kiên cố hóa. Còn lại xấp xỉ 25% số phòng học bán kiên cố, phòng học tạm và có một số phòng học phải đi mượn. Tình trạng này chủ yếu ở vùng miền núi phía Bắc; vùng "Ba Tây" và Đồng bằng sông Cửu Long. Bài toán đặt ra là, nếu học 2 buổi/ngày thì chúng ta phải khắc phục được tình trạng này.
Khi đi kiểm tra một số huyện giáp biên giới của tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, chúng tôi bất ngờ về sáng kiến này của các địa phương. Với giải pháp này, các địa phương khẳng định đủ phòng học khi triển khai Chương trình GDPT, SGK mới.
Với tỷ lệ phòng học kiên cố, bán kiên cố ở cấp tiểu học như trên thì đến năm 2020, nếu áp dụng dạy học 2 buổi/ngày đối với lớp 1 thì sẽ đủ phòng học, vì thời điểm này từ lớp 2 - 5 vẫn học 1 buổi/ngày. Nhưng vấn đề đặt ra là, sau năm 2020 sẽ thiếu phòng học khi mà các khối lớp cũng sẽ học 2 buổi/ngày.
Khắc phục tình trạng này, Bộ GD&ĐT đã tham mưu với Chính phủ xây dựng Đề án bảo đảm cơ sở vật chất, trong đó quy định rất rõ trách nhiệm của các địa phương và sự hỗ trợ của Trung ương. Trên tinh thần ấy, nhiều địa phương đã có phương án chuẩn bị và có cách làm hay. Chẳng hạn như các tỉnh miền núi phía Bắc, nếu để đầu tư một công trình trường học thì cần rất nhiều thủ tục liên quan và nguồn kinh phí tương đối lớn. Theo đó, nhiều địa phương đã áp dụng mô hình "3 cứng": Nền cứng, tường cứng và mái cứng, kinh phí đầu tư khoảng 30 - 40 triệu đồng là có được một phòng học kiên cố.
Cơ sở vật chất tốt giúp trẻ phát triển toàn diện. Ảnh minh họa/ Internet
Làm tốt công tác quy hoạch
* Lâu nay, ở các thành phố lớn, vấn đề về quỹ đất và tỷ lệ học sinh/lớp vẫn là bài toán khó. Vậy có lời giải nào cho bài toán này, thưa ông?
- Đúng là thực tế hiện nay, ở các thành phố lớn, mật độ dân số đông, thiếu quỹ đất dẫn đến tình trạng tỷ lệ học sinh/lớp quá đông. Chẳng hạn như quận Cầu Giấy (Hà Nội), trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, quy mô dân số vào khoảng 25 vạn dân. Nhưng đến thời điểm này đã đạt xấp xỉ 29 vạn dân. Tức là đã vượt xa quy hoạch. Tăng dân số đã gây áp lực lên hệ thống trường học.
Tôi cho rằng, để khắc phục được tình trạng này một cách lâu dài, việc đầu tiên là các thành phố và các quận, huyện ở đô thị phải làm tốt khâu quy hoạch và dự báo. Bởi khi chúng ta tăng trưởng kinh tế, thì vấn đề di dân đến các vùng đô thị, thành phố lớn sẽ xảy ra.
Địa phương cũng phải dành quỹ đất cho phát triển GD. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong quy hoạch của các thành phố lớn, quỹ đất dành cho phát triển GD làm chưa tốt, chưa được quan tâm đúng mức. Bộ cũng đã có chỉ đạo các địa phương, 1 trong 9 nhiệm vụ quan trọng trong năm học mới 2019 - 2020 là, làm tốt công tác rà soát quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GD, trong đó ưu tiên dành quỹ đất cho phát triển GD.
Một giải pháp mang tính tình thế cũng được giải quyết tương đối tốt, đó là: Bộ đã điều chỉnh tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường lớp cho các thành phố lớn. Chẳng hạn như: Giảm tỷ lệ quỹ đất xuống một chút, yêu cầu mức tối thiểu là 8 m2/HS.
Ngoài ra, Bộ cho phép các cơ sở GD ở nội đô, nếu đủ điều kiện về mặt kỹ thuật thì được nâng tầng các công trình trường học lên. Sau khi Bộ có chủ trương này, một số trường ở Hà Nội đã giải quyết khá tốt và bổ sung thêm nhiều phòng học. Một giải pháp nữa là, chỉ đạo các trường rà soát, sắp xếp lại các phòng làm việc sử dụng chung diện tích mang tính chất hành chính nhằm tối ưu hóa công năng sử dụng, giành lại diện tích để có thêm phòng học...
Tất nhiên, có thể gọi đó là những giải pháp mang tính đặc thù cho các thành phố lớn. Nhưng nếu chúng ta quá nặng về những giải pháp đặc thù thì vô hình trung sẽ phá vỡ cấu trúc thiết chế văn hóa GD. Bởi một cơ sở GD được thành lập sẽ trường tồn với người dân ở khu vực đó hàng trăm năm và trở thành một biểu tượng thiết chế về văn hóa GD. Cho nên giải pháp tình thế này cũng chỉ khắc phục ở một giới hạn nhất định. Giải pháp căn cơ nhất vẫn là công tác rà soát lại tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng dân số.
* Xin cảm ơn ông!
Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 05/2019/TT-BGDĐT về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ lập danh sách mua sắm, bổ sung thiết bị dạy học. Về cơ bản là chúng ta kế thừa lại danh mục cũ và có bổ sung, điều chỉnh một số thiết bị dạy học mới. Chẳng hạn như: Bổ sung thêm một số thiết bị dạy về đạo đức lối sống, GD giới tính để chống xâm hại hay dạy về an toàn giao thông... Thiết bị dạy học mới của lớp 1 chú trọng nâng cao chất lượng, để bảo đảm khi các địa phương mua sắm trang thiết bị có thể sử dụng được nhiều năm - Ông Phạm Hùng Anh
Sỹ Điền (Thực hiện)
Theo GDTĐ
Chất lượng nhà vệ sinh là tiêu chí đánh giá thi đua trường học Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết đã đưa yếu tố cơ sở vật chất và nhà vệ sinh trường học vào tiêu chí đánh giá thi đua các cơ sở giáo dục. Trao đổi với báo chí ngày 28/8 về công tác chuẩn bị khai giảng năm học mới, ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật Chất, Bộ GD&ĐT...