Giăng bẫy “điều” ông trùm điều hành ổ nhóm lừa đảo trên mạng từ Campuchia về nước để bắt giữ
Từ Campuchia, Hoàng Phi Long điều hành, chỉ đạo nhóm đối tượng ở Lạng Sơn sử dụng ứng dụng gọi điện VOIP rồi giả mạo là nhân viên Tập đoàn Panasonic và một số nhãn hàng nổi tiếng để gọi điện, nhắn tin lừa đảo những người nhẹ dạ, cả tin, muốn tìm việc làm online kiếm thu nhập với lời mời chào hấp dẫn “việc nhẹ, lương cao”.
Chỉ trong thời gian ngắn hoạt động, nhóm tội phạm xuyên quốc gia này đã chiếm đoạt của hàng ngàn nạn nhân trong toàn quốc với tổng số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng.
Đường dây tội phạm lừa đảo trên mạng xuyên quốc gia với thủ đoạn lừa đảo nhận nhiệm vụ, thưởng hoa hồng do đối tượng Hoàng Phi Long (SN 1997, HKTT tại Khu phố Hữu Vĩnh 1, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) cầm đầu, điều hành từ Campuchia vừa bị Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm (PCTP) sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lạng Sơn triệt phá thành công. Trung bình mỗi tháng, đường dây này đã lừa đảo chiếm đoạt từ 8,7 tỷ – 9 tỷ đồng của hàng ngàn bị hại trong toàn quốc.
Hành vi đáng ngờ hé lộ đường dây lừa đảo quy mô xuyên quốc gia
Qua trinh sát, nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện, Vi Văn Tùng (SN 1993, HKTT tại Xã Hòa Bình, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) có nhiều hành động đáng ngờ. Tùng thường xuyên liên hệ đến Siêu thị máy tính Lạng Sơn để thuê cài đặt lại hệ điều hành máy vi tính tại tòa nhà SH2.30 khu chung cư APEC – xã Mai Pha, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn và mua sắm nhiều dây tai nghe (headphone) máy tính với định kỳ khoảng 1- 2 tháng/lần và lắp đặt nhiều camera giám sát tại địa chỉ trên.
Đối tượng cầm đầu Hoàng Phi Long bị Công an tỉnh Lạng Sơn bắt giữ.
Hành vi, thái độ của Vi Văn Tùng có vẻ rất cẩn trọng, mang tính cảnh giác cao, hoạt động kín đáo, Tùng ít tiếp xúc với mọi người xung quanh. Địa chỉ số nhà Tùng thuê đặt hệ thống máy vi tính cũng không có thông tin biển hiệu quảng cáo lĩnh vực kinh doanh…
Video đang HOT
Chính những hành động đáng ngờ này của Tùng đã nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của các trinh sát Công an Lạng Sơn. Triển khai các biện pháp nghiệp vụ xác minh, các trinh sát xác định, tại căn phòng tầng 2 của tòa nhà SH2.30 nói trên có nhóm khoảng hơn chục thanh niên cả nam và nữ, độ tuổi từ 18 đến 27 sinh sống và làm việc cả ngày và đêm. Trong phòng lắp đặt khoảng 20 bộ máy tính để bàn, có cài đặt ứng dụng Wechat, Telegram và 1 ứng dụng có chữ Trung Quốc.
Qua công tác điều tra, xác định đây là nhóm đối tượng hoạt động tội phạm có tổ chức, sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi, phạm vi hoạt động rộng, nhóm đối tượng thường sử dụng mạng xã hội Telegram, Wechat liên lạc. Mặt khác, trong căn phòng còn lắp đặt camera 360 để các đối tượng cầm đầu đường dây dễ dàng giám sát, quản lý kiểm tra các nhân viên làm việc cũng như theo dõi mọi động tĩnh tại phòng làm việc từ xa…
Để đảm bảo công tác đấu tranh triệt để với nhóm đối tượng này, Phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao đã báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo và phối hợp với Cục An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao Bộ Công an xác lập chuyên án đấu tranh triệt phá. Vận dụng sáng tạo, linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án đã thu thập, củng cố tài liệu, nhận diện rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của nhóm đối tượng trên; xác định đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây lừa đảo trên mạng này chính là Hoàng Phi Long, tuy nhiên đối tượng Long đang cư trú, làm việc tại Campuchia.
Cơ quan Công an xác định, tuy không thường xuyên có mặt tại Lạng Sơn nhưng Hoàng Phi Long luôn chỉ đạo, điều hành từ xa đối tượng Vi Văn Tùng, Đỗ Thị Duyên và các đối tượng khác ở Lạng Sơn để hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Để triệt phá bằng được đường dây tội phạm lừa đảo trên mạng xuyên quốc gia này, bằng các biện pháp nghiệp vụ Ban chuyên án và Cục An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao Bộ Công an đã khéo léo dùng kế “điệu hổ ly sơn” để đối tượng cầm đầu Hoàng Phi Long từ Campuchia trở về Việt Nam. Các trinh sát đã bắt giữ Hoàng Phi Long khi đối tượng này trở về Việt Nam và đang lẩn trốn tại khu vực huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, kịp thời ngăn chặn đối tượng này chuẩn bị trên đường ra sân bay Nội Bài để bay sang Campuchia.
Quá trình điều tra, bắt giữ 16 đối tượng khác có liên quan; tạm giữ 20 bộ máy tính, 20 điện thoại di động và một số tài liệu hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Hơn 1.500 nạn nhân sập bẫy “việc nhẹ, lương cao”
Theo tài liệu điều tra, Hoàng Phi Long trốn sang Campuchia đi làm thuê, và từng có gần 2 năm làm việc cho một công ty do người Trung Quốc điều hành, chuyên họat động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội ở Campuchia.
Sau một thời gian làm việc, thấy việc kiếm tiền kiểu này quá nhanh và dễ dàng, Long “học lỏm” được mánh khóe lừa đảo của các đối tượng rồi xin nghỉ việc, bỏ ra ngoài với ý định tự thiết lập đường dây “làm ăn” riêng. Sau đó, Hoàng Phi Long quay về Lạng Sơn kết nối với Vi Văn Tùng và Đỗ Thị Duyên, (SN 1992, trú tại xã Phả Lại, huyện Chí Linh, Hải Dương) để thiết lập đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, Hoàng Phi Long giữ vai trò cầm đầu, điều hành từ Campuchia, còn Tùng và Duyên có nhiệm vụ thiết lập văn phòng, tuyển dụng và hướng dẫn nhân viên trong nội địa giả mạo là nhân viên Công ty Panasonic và một số nhãn hàng nổi tiếng để gọi điện, nhắn tin tìm những người nhẹ dạ, cả tin, muốn làm thêm kiếm thu nhập online với lời mời chào hấp dẫn “việc nhẹ, lương cao” để lừa đảo.
Với thủ đoạn, yêu cầu các bị hại like và share video trên Youtube và yêu cầu khách hàng kết bạn Telegram, cung cấp tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại. Sau đó các đối tượng sẽ yêu cầu các bị hại nạp tiền để làm nhiệm vụ và hứa thưởng hoa hồng cao.
Sau khi bị hại đã nạp tiền vào các tài khoản do các đối tượng cung cấp và hoàn thành nhiệm vụ được giao, để tránh trả thưởng cho bị hại, các đối tượng sẽ cố ý bắt lỗi như “nội dung nạp tiền sai cú pháp”, “quá trình làm nhiệm vụ sai” hoặc “yêu cầu nâng cấp tài khoản VIP”… để yêu cầu bị hại chuyển khoản nạp số tiền lớn hơn. Nhiều bị hại do tiếc khoản tiền đã nạp trước đó lại tiếp tục chuyển khoản nạp thêm theo yêu cầu cầu của Long và đồng bọn cho đến khi không còn khả năng thì bọn chúng sẽ chặn tài khoản, cắt mọi liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà bị hại đã chuyển.
Để tránh bị Cơ quan Công an phát hiện, sau khi nhận được tiền của các bị hại, các đối tượng sẽ mua tiền điện tử trên sàn giao dịch tiền điện tử quốc tế OKX rồi tiếp tục bán số tiền ảo trên để lấy tiền thật, sau đó chuyển khoản về tài khoản ngân hàng do các đối tượng chủ mưu, cầm đầu quản lý. Nếu cần rút tiền mặt, bọn Long sẽ chuyển tiền cho các đối tượng khác để đổi tiền tại Campuchia.
Theo khai nhận của 3 đối tượng chủ mưu, cầm đầu Hoàng Phi Long, Đỗ Thị Duyên và Vi Văn Tùng, bằng thủ đoạn trên, chỉ trong khoảng gần 5 tháng từ tháng 2/2023 đến tháng 7/2023 bọn chúng đã lừa đảo, chiếm đoạt của khoảng 1.500 người tại Việt Nam với số tiền lừa đảo trung bình khoảng 8,7 – 9 tỷ đồng/tháng. Toàn bộ số tiền thu được từ lừa đảo Hoàng Phi Long và đồng bọn dùng tiêu xài cá nhân và đánh bạc, “trả lương cho số nhân viên”, thuê, mua sắm vật dụng, phương tiện phục vụ lừa đảo ở Lạng Sơn và Campuchia.
Hiện, Phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án, bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ việc cho cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lạng Sơn khởi tố 3 đối tượng trên về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tiếp tục đấu tranh mở rộng
Cảnh báo "nóng" về phương thức, thủ đoạn mua bán người sang Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao"
Tối 29/8, thông tin từ Công an TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cho biết, vừa có thông báo cảnh báo "'nóng" đến người dân về phương thức, thủ đoạn tội phạm của các đối tượng xấu trên mạng xã hội dụ dỗ người dân bằng lời lẽ đường mật nhằm mua bán người sang Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao".
Công an TP Đồng Xoài cho biết, thời gian gần đây lợi dụng tình người người lao động ở cả nông thôn lẫn thành thị cần việc làm, các đối tượng lừa đảo đã lập ra các trang trên mạng xã hội như: Việc làm Campuchia, Hội người Việt ở Campuchia... với những lời dụ dỗ về mức lương "vượt trội", có thể vài nghìn đô mỗi tháng, kèm theo đó là các chế độ đãi ngộ hấp dẫn, thậm chí cho "ứng trước tiền" để lo chi phí xuất cảnh, đã khiến rất nhiều người nhẹ dạ, cả tin rồi sập bẫy.
Sau khi "bắt mạch" được người lao động, các đối tượng đưa họ sang Campuchia bằng mọi con đường từ chính ngạch đến trái phép vào trong các cơ sở do người Trung Quốc làm chủ (chủ yếu là casino đánh bạc trực tuyến) với cường độ lao động cao, từ 15-17 giờ/ngày, nhưng lương chỉ từ 5-7 triệu đồng/tháng.
Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) - một trong những con đường có thể sang Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao".
"Trong quá trình làm việc ở Campuchia, họ bị quản lý chặt chẽ, không được đi lại và dường như ngừng liên lạc với thế giới bên ngoài. Khi không đáp ứng được các yêu cầu khắc nghiệt do phía chủ đề ra, họ bị hành hạ, tra tấn, đánh đập, đối xử thậm tệ. Thực tế người việc đưa người sang Campuchia chỉ là vỏ bọc cho hành vi mua bán người và cái kết sau cùng là các nạn nhân bị đe dọa và đòi tiền chuộc" - thông báo nêu.
Trước vấn nạn trên, Công an TP Đồng Xoài cảnh báo và đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, phối hợp, phòng chống tội phạm.
Theo đó, cần cảnh giác lời mời, kêu gọi sang Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao" của các đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội. Trong trường hợp nếu có nhận lời đi làm thì cần tìm hiểu kỹ và thông báo cho người thân về nơi làm việc, công việc sẽ làm, thông tin về người cùng đi trước khi quyết định xuất cảnh.
Lực lượng Biên phòng, Hải quan tỉnh Bình Phước kiểm soát người, phương tiện tại khu vực Ccửa khẩu Hoàng Diệu (huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) - một trong những con đường có thể sang Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao".
Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao", nghi vấn lừa đào, mua bán người thì cần cấp báo cho cơ quan Công an để ngăn chặn, điều tra, xử lý. Số điện thoại của Công an TP Đồng Xoài: 02713.879.750.
Bẫy ngọt và nước mắt lao động vượt biên trái phép Huy, một nạn nhân vừa được gia đình cứu về cho biết, trước khi sang Campuchia, anh được hứa hẹn chỉ trông coi tiệm game, được trả lương cao. Nhưng khi bước chân vào, Huy mới biết mình bị lừa. Thời gian gần đây, tình trạng môi giới, đưa người vượt biên trái phép sang Campuchia lao động "chui" diễn biến phức tạp....