Gian nan ô tô điện Việt Nam
Mặc dù được đánh giá là giàu tiềm năng, Việt Nam vẫn là thị trường “quá khó” đối với xe ô tô điện. Cộng với việc thiếu sự hỗ trợ của chính sách, hạ tầng cho xe điện gần như chưa có, rào cản tâm lý là rất lớn với đại đa số người dùng.
Cùng với các chính sách, hạ tầng, các quy chuẩn và tiêu chuẩn chưa đồng bộ cũng là những yếu tố tác động lớn đến sự phát triển xe điện tại Việt Nam.
Thách thức nào “ngáng đường” xe điện tại Việt Nam?
Xe điện hiện được xem là chìa khóa để giải quyết vấn đề về ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn và các nhà sản xuất đang mong đợi các chính sách tốt hơn để phát triển ngành này. Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lượng xe điện hóa (hybrid, plug-in hybrid và xe thuần điện) ở Việt Nam hiện rất ít, năm 2019 là 140 xe, năm 2020 tăng lên 900 xe và đến hết quý I/2021 có thêm 600 xe. Tất cả số xe trên đều là nhập khẩu và gần như toàn bộ là xe hybrid, xe plug-in hybrid; số xe chạy pin chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một lộ trình rõ ràng cho việc phát triển và chuyển đổi sang loại xe thân thiện môi trường, mặc dù đây là xu hướng vận tải cần xem xét phát triển trong tương lai. Phía VAMA cũng cho biết xe điện tại Việt Nam vẫn còn hiếm và hầu như chưa có hãng xe nào thực sự chú trọng vào đầu tư kinh doanh, ngoại trừ hãng xe nội địa là VinFast.
Tại hội thảo “Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam” diễn ra cách đây chưa lâu, ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, cho biết trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển xe điện phụ thuộc vào 3 trụ cột chính (gồm: khuôn khổ pháp lý, chính sách hỗ trợ của các quốc gia; các biện pháp khuyến khích bổ sung để bảo vệ doanh số bán xe điện khỏi suy thoái kinh tế; số lượng các mẫu xe điện được mở rộng và giảm giá pin), trong đó chính sách đóng vai trò đầu. “Hiện tại, chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hầu như chưa có. Xe điện đến nay mới chỉ nhận được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thấp hơn so với xe chạy xăng/dầu thông thường”, ông nói.
Cùng với các chính sách, hạ tầng, các quy chuẩn và tiêu chuẩn chưa đồng bộ cũng là những yếu tố tác động lớn đến sự phát triển xe điện tại Việt Nam. Đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), ông Triệu Việt Phương, Phó viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, cho biết: “Mặc dù chúng ta đã có những cố gắng nhưng số lượng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) đối với xe điện vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ so với hệ thống tiêu chuẩn đang lưu hành trên thế giới về xe điện. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục xây dựng, cập nhật bổ sung trên cơ sở hài hòa với các hệ thống tiêu chuẩn trên thế giới để tăng sự thích nghi và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam”.
Video đang HOT
Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia trong ngành công nghệ ô tô thế giới và có thời gian dài sống, làm việc ở Đức và Mỹ, cho rằng cần đưa quy hoạch trạm sạc vào quy hoạch hạ tầng giao thông, đô thị và quy hoạch mạng lưới hạ tầng điện đi kèm theo một cách đồng bộ.
Tại Việt Nam, theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, hệ thống hạ tầng trạm sạc còn rất ít, chủ yếu do doanh nghiệp tự xây dựng ở hệ sinh thái Vingroup. “Phải chờ hạ tầng cơ sở tốt thì người dân mới sử dụng nhiều. Đầu tư một trạm sạc pin rất tốn kém, trung bình 50.000 – 60.000 euro/trạm (tương đương 1,2 – 1,5 tỷ đồng). Muốn phủ khắp Việt Nam thì số lượng trạm sạc phải có khoảng 30.000.
Ở Đức, dân số tương đương Việt Nam, hiện có khoảng 25.000 trạm, nhưng được chính phủ ủng hộ, khuyến khích nên người dân có thể làm trạm riêng tại nhà, chi phí rẻ hơn”, ông Đồng nói và cho rằng Chính phủ, xã hội cần ủng hộ, hỗ trợ thì tương lai xe điện ở Việt Nam mới sớm thành hiện thực.
Còn theo ông Phạm Thành Lê, quản trị viên của diễn đàn Otofun, thị trường xe điện tại Việt Nam có 2 thách thức lớn. Đầu tiên là thị trường còn quá mới, cho dù đã có những chính sách ưu đãi về thuế nhưng còn chưa có một chiến lược quốc gia về phát triển loại hình xe này. Đây là điều thiệt thòi cực lớn, đặc biệt đối với những doanh nghiệp đi đầu.
Ông Lê cho biết khác với xe xăng, thuế chỉ là một phần nhỏ để đưa thị trường ô tô điện bắt kịp với xu hướng hiện tại. Với các doanh nghiệp đi đầu, họ phải tự tổ chức nghiên cứu, phát triển, tự xây dựng hệ thống nhà cung cấp linh phụ kiện và tự xây dựng hạ tầng hỗ trợ (điều hoàn toàn khác với xe chạy xăng). Nguồn lực cực kỳ tốn kém và quan trọng hơn nữa đó là một con đường còn nhiều sự e ngại.
Thách thức thứ hai được ông Lê chỉ ra đó là nhận thức của người tiêu dùng. Bản thân sản phẩm ô tô điện chưa thể lập tức thuyết phục số đông người tiêu dùng, vốn đã quen với xe chay xăng và một chiếc ô tô vẫn là một tài sản giá trị rất cao. Cộng với việc thiếu sự hỗ trợ của chính sách, hạ tầng cho xe điện gần như chưa có, rào cản tâm lý là rất lớn với đại đa số người dùng.
Tiềm năng xe điện tại Việt Nam rất lớn
Xe điện đang trở thành xu hướng không thể đảo ngược của thế giới, Việt Nam cũng không thể ngoại lệ. Với quy mô dân số 100 triệu dân, Việt Nam hứa hẹn trở thành thị trường ô tô điện đầy tiềm năng trong tương lai gần. Theo kết quả nghiên cứu được công bố bởi Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) vào tháng 10/2021, tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam mới ở mức 23 ô tô/1.000 người, bằng 1/10 Thái Lan và bằng 1/20 Malaysia.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, xu hướng xe điện ngày càng định hình rõ trong vài năm gần đây và bằng chứng là VinFast đã ra mắt sản phẩm cả ô tô và xe máy. Đặc biệt, Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực có doanh nghiệp nội sản xuất thành công ô tô điện, có cơ hội vượt lên dẫn trước ở lĩnh vực này trong khu vực. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ ra rằng Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi cho việc phát triển ô tô điện.
Đầu tiên là người Việt Nam thích nghi rất nhanh với sự đổi mới của công nghệ số, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Hai là thu nhập của người dân Việt Nam đang dần cao lên, sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng ô tô tăng lên. Ba là việc VinFast mở rộng đầu tư vào nhà máy sản xuất pin tại Hà Tĩnh giúp Việt Nam có thể chủ động được công nghệ pin, khiến giá thành sản phẩm mang tính cạnh tranh và người dùng dễ tiếp cận hơn.
Đánh giá về tiềm năng xe điện tại Việt Nam, ông Phạm Thành Lê cho rằng với các ưu thế của xe điện, một khi phá được bức tường tâm lý này, thị trường sẽ phát triển vô cùng nhanh chóng, thậm chí có thể ở tốc độ không ai ngờ. “Chúng ta đã chứng kiến nhiều sự thay đổi tương tư ở các lĩnh vực công nghệ khác. Và giờ đây thật may mắn và cũng thật hồi hộp khi có thể sẽ được chứng kiến những thay đổi như thế ở ngành ô tô, ngay tại thị trường trong nước”, ông nói.
Tương lai nào cho xe điện tại Việt Nam?
Hưởng ứng Tháng Năng lượng tái tạo 2021 (REM21), ngày 21/12, Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) tổ chức Tọa đàm trực tuyến "Tương lai phát triển xe điện tại Việt Nam".
Trong ảnh (tư liệu): Các mẫu ô tô điện được trưng bày Triển lãm ô tô quốc tế tương lại ở Daegu, Hàn Quốc, ngày 17/10/2019. Ảnh: Yonhap/ TTXVN
Các đại biểu đã thảo luận về các góc nhìn liên quan đến phát triển xe điện ở Việt Nam, trong đó, tập trung vào đề xuất phát triển về hạ tầng, chính sách khuyến khích phát triển, đặc biệt cần thiết phải có quy hoạch dài hạn, đồng bộ để tối ưu được hạ tầng trạm sạc; áp dụng kinh nghiệm từ lộ trình phát triển xe điện của các quốc gia trên thế giới...
Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Tổng biên tập Báo Giao thông cho biết, giao thông chiếm tỷ trọng không nhỏ trong việc phát thải khí nhà kính trên toàn cầu.
Vì vậy, việc chuyển dịch sang các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu sạch thay cho các nguyên liệu hóa thạch sẽ là xu hướng toàn cầu trong tương lai.
Trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Việt Nam cũng đã khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện...), đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Khánh, chuyên gia năng lượng Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh, đại diện nhóm nghiên cứu "Phát triển xe điện: Dự báo xu thế và hàm ý cho Việt Nam" cho biết, nhóm nghiên cứu đề xuất 3 kịch bản nghiên cứu gồm kịch bản cơ sở, kịch bản phát triển vừa và cao.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng Calculator 2050- công cụ hỗ trợ các quốc gia khám phá con đường các-bon thấp. Nghiên cứu này cũng thu hút các bên liên quan thảo luận về đánh giá phát thải, an ninh năng lượng, chi phí, sử dụng đất cho toàn bộ lĩnh vực của mỗi ngành.
Các nhà hoạch định chính sách, cơ quan nghiên cứu, trường học có thể sử dụng dễ dàng; phát triển trên Excel với giả định công khai và các tính toán mở...
Theo ông Đào Công Quyết, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy số lượng xe điện hóa ở Việt Nam hiện còn rất ít, năm 2019 là 140, năm 2020 tăng lên 900 và đến hết quý I/2021 có thêm 600 xe. Tất cả số xe trên đều là nhập khẩu và gần như toàn bộ là xe điện hóa, số xe chạy pin chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Đề xuất lộ trình phát triển xe điện tại Việt Nam, ông Đào Công Quyết nhấn mạnh, động lực cho sự phát triển ô tô điện trên thế giới chính là các quy định về bảo vệ môi trường cùng các chính sách về thuế và chế tài xử phạt.
Thời gian tới, Nhà nước cần ban hành lộ trình phát triển xe điện ở Việt Nam trong các khoảng thời gian với các yêu cầu và mục tiêu cụ thể.
Các nhóm chính sách để khuyến khích nhà sản xuất và người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện, tạo tiền đề cho thị trường sản xuất kinh doanh xe điện vận hành.
Song song với đó là xây dựng các chế tài nhằm cụ thể hóa các quy định về xử lý các sản phẩm thải bỏ liên quan đến xe điện như ắc -quy, các ô tô, xe máy quá niên hạn sử dụng./.
Nga trợ giá hơn 8.500 USD cho người dân mua ô tô điện Chính phủ Nga đang lên kế hoạch đẩy mạnh sản xuất phân phối ô tô điện trong nước bằng cách trợ giá 25% tương đương 8.538 USD cho người dân mua ô tô điện. Nga đang lên kế hoạch đẩy mạnh sản xuất phân phối ô tô điện So với các quốc gia châu Âu, Nga đang có dấu hiệu "chậm chân" trong...