Giận Mỹ, tướng lĩnh Thái Lan nghiêng qua Trung Quốc
Ngày 11.6, đoàn đại biểu chỉ huy quân sự Thái Lan lên đường thăm Trung Quốc để nói chuyện về an ninh khu vực và phối hợp huấn luyện quân sự, giữa lúc phương Tây chỉ trích cuộc đảo chính ngày 22.5 của quân đội Thái Lan.
Lính Thái (trái) tập trận chung với lính Trung Quốc
Tướng Surasak Kanjanarat là Bộ trưởng Quốc phòng, nói chuyến thăm nhằm “vạch kế hoạch hành động trong tương lai” với quân đội Trung Quốc, một trong những đồng minh xưa nhất trong khu vực của Thái Lan. Ông không nói rõ chi tiết các kế hoạch ấy thế nào. Tướng Surasak có lẽ sẽ gặp trung tướng Wang Guanzhong, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc.
Nỗ lực siết quan hệ với Trung Quốc của các lãnh đạo quân đội Thái Lan vào lúc các cường quốc phương Tây, gồm đồng minh Mỹ, đã chỉ trích cuộc đảo chính và kêu gọi Thái Lan mau chóng phục hồi nền dân chủ.
Video đang HOT
Mỹ đã phản ứng bằng cách tạm ngưng khoản viện trợ quân sự 3,5 triệu USD và hủy các chương trình huấn luyện cùng các chuyến thăm Mỹ dành cho các lãnh đạo quân sự Thái, cũng như hoãn các cuộc tập trận chung. Úc còn làm căng hơn, giảm hợp tác quân sự và hạn chế nhập cảnh Úc đối với một số sĩ quan cấp cao của quân đội Thái Lan.
Nhưng lãnh đạo quân sự Thái Lan nói họ có sự ủng hộ của Trung Quốc. Tướng Surasak nói với các nhà báo: “Cuộc gặp sẽ bàn đến các mối quan hệ… và các kế hoạch hành động trong tương lai, cùng trao đổi quan điểm về an ninh khu vực. Chúng tôi sẽ bàn luận về các lãnh vực mà chúng tôi có thể tăng cường công tác huấn luyện quân sự. Chúng tôi sẽ không bàn tình hình Thái Lan vì nó không liên quan”.
Thứ Hai qua, một hợp đồng lớn đầu tiên từ sau cuộc đảo chính đã được ký, công ty China Mobile Ltd (thuộc Nhà nước Trung Quốc) đồng ý mua 19 % cổ phần của tập đoàn viễn thông True Corp của Thái Lan với giá 881 triệu USD.
“Xin thông cảm”
Tướng Prayuth Chan-ocha chỉ huy cuộc đảo chính, vào ngày 11.6 cũng triệu tập 23 Đại sứ ở Thái Lan để giải thích: “Thái Lan không thể cô đơn trên thế giới này, và một phần lớn thu nhập của chúng tôi là từ xuất khẩu, dựa trên các quan hệ quốc tế. Chúng tôi không thể buộc ai cũng đồng ý với các hành động của chúng tôi, nhưng nhiệm vụ của chúng tôi là tạo ra sự thông cảm”.
Bình thường thì Trung Quốc sẽ thuộc nhóm quốc gia đầu tiên lên tiếng “thông cảm” vụ đảo chính, nhưng lần này giới lãnh đạo quân sự Thái Lan sẽ nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt hơn. Tướng Prayuth Chan-ocha đã kêu gọi các doanh nghiệp Trung Quốc giúp tạo sự “thông cảm” về tình hình ở Thái Lan sau cuộc đảo chính, nhằm giữ được nguồn đầu tư và du lịch từ Trung Quốc.
Vài năm qua, du khách Trung Quốc đổ xô đến Thái Lan, nhiều hơn số du khách đến từ Mỹ và châu Âu, do tình hình bất ổn chính trị ở Thái Lan khiến nhiều người Trung Quốc ngán đến Thái Lan. Trong 5 tháng đầu năm 2014, số du khách từ Trung Quốc giảm 54,9 % so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 307. 607 lượt khách, theo Hiệp hội du lịch Thái Lan.
Theo bài bình luận của báo Nation (Thái Lan) ngày 11.6, lãnh đạo quân sự Thái Lan kỳ vọng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Bắc Kinh để phản ứng lại những chỉ trích của Mỹ và các đồng minh phương Tây, trong bối cảnh Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với một số nước thành viên ASEAN, gồm việc trâng tráo đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vu cáo tàu Việt Nam nhỏ hơn lại dám đâm va tàu Trung Quốc to lớn những 1.400 lần.
Trung Quốc cũng bất mãn việc chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama thực hiện chính sách “xoay trục về châu Á” để bảo vệ quyền lợi Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tờ báo nêu đối với giới lãnh đạo Thái Lan, Mỹ không nên đổi thái độ, vì đảo chính ở Thái Lan là “chuyện thường ngày”, và Washington không cần phải nói hoặc làm gì, ngoài việc ủng hộ “người chiến thắng”. Vậy mà Mỹ lại lên án, nên cư dân mạng Thái Lan đã sớm dựng chiến dịch tẩy chay hàng hóa Mỹ, để rồi mau chóng dẹp bỏ khi nhận ra họ kêu gọi tẩy chay trên Facebook Mỹ, điện thoại di động Mỹ, có thể từ wifi trong các tiệm bán thức ăn nhanh của Mỹ.
Các học giả ủng hộ cuộc đảo chính, các nhà bình luận và nhiều người thuộc tầng lớp quyền thế đều giận dữ, nói bóng gió về chuyện giới lãnh đạo quân sự đã quyết xoay đổi chính sách từ việc thân Mỹ sang thân cận hơn với Bắc Kinh. Người phát ngôn của quân đội Thái Lan dẫn lời tướng Prayuth: “Thái Lan sẽ là đối tác chiến lược của Trung Quốc ở mọi cấp độ hợp tác trong một thời gian dài”.
“Quả ngọt” dự án đường sắt cao tốc cho Trung Quốc
Báo Nation bình luận tiếp: làm bạn với Trung Quốc chẳng có gì sai. Lâu nay các chính phủ Thái Lan đều dấn thân và là đối tác chiến lược của Bắc Kinh. Nhưng Trung Quốc sẽ và không thể là một tấm khiên chính trị cho tầng lớp lãnh đạo Thái Lan thoát được những chỉ trích là không dân chủ.
Như Mỹ, Trung Quốc cũng có quyền lợi riêng ở Thái Lan. Trung Quốc đang chờ giới lãnh đạo quân sự có quyết định về dự án đường sắt cao tốc và phát triển ngành đường sắt mà nhiều khả năng Trung Quốc sẽ đầu tư mạnh.
Tờ báo kết luận: “quan hệ quốc tế ngày nay thật sự phức tạp hơn thời Chiến tranh Lạnh. Mỹ không xem Trung Quốc là địch thủ, nhưng là “đối tác chiến lược đầy sức cạnh tranh”. Họ có thể tranh chấp trên một số lĩnh vực, nhưng lại có nhiều hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Một chiến lược tốt sẽ là cân bằng được cả Mỹ và Trung Quốc chứ không chọn một trong hai cường quốc này. Nếu Thái Lan muốn xem kết quả của việc chơi lá bài Trung Quốc, họ có thể trông vào lịch sử Myanmar trong nửa thế kỷ qua”.
Theo NTD/Reuters, Nation