Giàn khoan Hải Dương 981 xô đổ mọi ảo tưởng
Việc Trung Quốc hạ giàn khoan dầu Hải Dương 981 cắm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cùng những diễn biến kèm theo đã nung nóng không khí chính trị ở Việt Nam và trên thế giới vốn đang nóng bỏng bởi hàng loạt sự kiện khác. Tướng Pháp: VN nên kiện TQ để cả thế giới biết.
Tàu TQ tìm cách ngăn cản tàu chấp pháp VN. Ảnh: TTXVN
TQ đã chuẩn bị và thực hiện vụ này thật công phu, từ việc chế tạo giàn khoan khổng lồ để biến nó thành lãnh thổ di động(?) của mình đến việc chọn thời điểm hành động; từ thái độ điềm nhiên trịch thượng của những người lãnh đạo nước này (xông vào xâm lấn nhà người mà lại làm như nhà mình bị người chiếm) đến những luận điệu hung hăng, xảo trá bất chấp sự thật của các quan chức quân sự và dân sự TQ; từ những lời lẽ láo xược đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng kích động tâm lý dân tộc hẹp hòi nước lớn đến thái độ khiêu khích hung hãn của hàng trăm tàu bè quân sự lộ mặt và trá hình, với dàn pháo mở bạt và sự hỗ trợ của máy bay trên không, vây ép, đâm xô, phun nước áp lực lớn… tấn công các tàu dân sự VN làm nhiệm vụ trên vùng biển đặc quyền; từ một vài hạ âm vờ thiện chí đến việc nhanh chóng sắm vai nạn nhân sau khi xảy ra những hành vi bạo động phá sản xuất tại một số nhà máy nước ngoài ở VN…
Bóc trần mặt nạ &’trỗi dậy hòa bình’
TQ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại thềm lục địa VN. Ảnh: AP
Với một nền chính trị lắt léo, sâu hiểm và khó lường như chính trị Trung Hoa, thiết tưởng cần có thêm thời gian và thông tin để nhận biết đầy đủ hơn mưu đồ mà TQ theo đuổi trong vụ này. Nhưng một điều có thể khẳng định ngay là vụ này đã bóc trần trước toàn thế giới cái mặt nạ trỗi dậy hòa bình và những lời hứa hẹn đường mật của các nhà cầm quyền nước này; đã phơi bày tham vọng bá quyền và thủ đoạn tranh đoạt lợi ích bằng sức mạnh, bất chấp luật pháp và cam kết quốc tế.
Thế giới đã sớm nhận biết rằng vụ giàn khoan trực tiếp liên quan đến VN, nhưng không phải là vấn đề của riêng VN. Nó đã kích hoạt ý thức cảnh giác của chính giới các nước, bắt buộc họ phải kiểm nghiệm lại chính sách của mình đối với TQ, phủ định những ảo tưởng về một nước Trung Hoa thiện chí và biết kiềm chế một khi có sức mạnh. Thế giới đã dần nhận ra và nhất trí về một làn ranh đỏ không thể để TQ vượt qua, nếu không sẽ quá chậm để thoát khỏi móng vuốt tham lam vô độ của nó.
Dân tộc VN hàng ngàn năm tồn tại bên cạnh nước lớn như vậy đã rèn đúc cho mình một bản lĩnh đủ chống chọi với nó. Sống bên cạnh nhau, có lịch sử lâu đời trao đổi kinh tế, văn hóa, hai dân tộc có những căn cứ xác đáng để chung nguyện vọng sống hòa hiếu với nhau.
Cũng đã có những thời điểm lịch sử ngắn ngủi quan hệ hai nước có những mảng sáng, khi giới cầm quyền TQ nhận ra những lợi ích trùng hợp với VN. Còn trong hầu hết chiều dài lịch sử, VN luôn là quốc gia bị chèn ép, thường phải tỏ ra nhún nhường và cố gắng tìm cách hóa giải các mưu toan khiêu khích để tránh chiến tranh xung đột.
Nhưng một khi không thể tránh được nữa, khi sự sống còn của dân tộc bị đe dọa, khi thái độ nhún nhường chỉ khiến đối phương thêm hiếu chiến, thì VN dám chịu đựng hy sinh, quyết liệt vùng lên chiến đấu và chiến thắng. Cố hòa hoãn đến khả năng cuối cùng, gan góc kháng chiến đến thắng lợi dù lực lượng không cân sức. Hai mặt đó bổ sung cho nhau làm nên chiến thắng trong lịch sử giữ nước. Đánh bại quân xâm lược phía Bắc nhiều lần, nhưng VN vẫn lấy hòa hiếu làm trọng.
Các thế hệ người Việt từ ngàn đời nay từng mong muốn có một biên giới hòa bình, hữu nghị, những người bạn láng giềng tốt với nhân dân TQ. Là nạn nhân của những cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo, từng bao phen gánh chịu những hy sinh to lớn, người VN càng có lý do sẵn lòng bỏ lại đằng sau những tổn thất to lớn và cay đắng gây ra bởi những chính sách ích kỷ của TQ thời hiện đại, hy vọng có với nước này một mối quan hệ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, cái mà sau này được gọi tắt là 16 chữ vàng.
Video đang HOT
Có lẽ không ít người có thẩm quyền VN thật lòng tin tưởng và làm mọi việc để hiện thực hóa những chữ vàng đó, đã nhượng bộ, đã nín nhịn, đã ra sức giải thích với nhân dân mình về những thiệt thòi, những bất công phải chịu, xem như bỏ qua tiểu sự vì đại cục. Nhưng 16 chữ vàng không bao giờ hiện hữu trong thực tế, không bao giờ trở thành chính sách của TQ đối với VN. Trái lại, nó trở thành những cam kết từ một phía, thành căn cứ để TQ không ngừng yêu sách, dọa nạt, ngăn cản VN lựa chọn các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Lời lẽ thì hay, nhưng nội dung thì trái hẳn lại.
Sau nhiều năm thực hiện chính sách tằm ăn dâu, hai bước tiến, một bước tạm lùi, cho rằng đã xây dựng được thế trận vây ép toàn diện đối với VN, TQ quyết định tiến hành một bước đi trắng trợn, quyết liệt hơn trong tiến trình thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, khống chế VN, khiến VN phải lệ thuộc.
Bước đi đó là việc cắm giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN bằng sức mạnh cơ bắp kết hợp với mọi thủ đoạn và công cụ khác, nhằm gây sức ép lên một VN đang có nhiều khó khăn phải đối phó, bắt buộc nó phải chấp nhận việc đánh mất chủ quyền trong cái nhìn bất lực của một thế giới ngổn ngang xung đột, ít nhiều chịu sự chi phối của họ.
Nếu thắng bước này, họ sẽ tạo ra được tiền lệ, tiếp tục dấn tới hung hãn hơn để sớm thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Nếu không đủ sức thắng hẳn thì họ cũng làm được việc phô trương sức mạnh để đặt được lên bàn nghị sự vấn đề phân chia quyền lợi và ảnh hưởng đối với vùng biển mà chưa bao giờ họ có quyền sở hữu theo bất cứ tiêu chuẩn nào của luật pháp và quan hệ quốc tế.
Điều mà họ không tính nổi, (hoặc có tính đến nhưng xem thường) là vụ này khiến họ sớm tự lột trần bộ mặt thật của họ trước nhân dân VN và nhân dân thế giới, đồng thời tước bỏ mảnh che bằng cái biển giả 16 chữ vàng mà những kẻ theo đuôi họ cố bấu víu, xóa bỏ đến tận gốc những luận điệu xảo trá về tiểu sự và đại cục. Đối với mọi dân tộc, không có cái đại cục nào có thể lớn bằng nền độc lập thực sự của mình.
Đưa giàn khoan 981 ngang nhiên vào vùng đặc quyền kinh tế của VN với thái độ hung hãn và ngoan cố hiếm thấy, TQ đã chạm vào dây thần kinh nhạy cảm nhất của dân tộc VN. Nó đặt nhân dân VN, trước hết là ban lãnh đạo trước một sự lựa chọn khắc nghiệt, không cho phép nhượng bộ.
Khi Thủ tướng VN nói thẳng trên diễn đàn quốc tế rằng Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó, thì đó không phải là ý kiến của cá nhân người đứng đầu chính phủ VN mà là ý chí chung của nhân dân.
Câu nói đó cũng phản ảnh một chân lý hiển nhiên, khó ai dám nói khác hoặc phản bác. Chưa bao giờ và ở đâu, thái độ cam tâm khuất phục chịu để mất độc lập chủ quyền quốc gia được xem là hòa bình; cũng chưa từng tồn tại thứ hữu nghị giữa kẻ áp bức và người bị áp bức.
Lựa chọn đối sách
Để làm được như đã nói, chúng ta có rất nhiều việc phải làm.
Việc trước tiên là dân tộc VN, trước hết là ban lãnh đạo phải nhận biết đầy đủ nguy cơ thực sự đang trực tiếp đe dọa vận mệnh của dân tộc mình, chủ động và dứt khoát lựa chọn những giải pháp và đối sách cần thiết bảo vệ Tổ quốc, theo đúng tinh thần Không có gì quý hơn độc lập, tự do.
Chúng ta không muốn căng thẳng, không muốn chiến tranh, nhưng sự lựa chọn không chỉ phụ thuộc vào chúng ta mà còn tùy thuộc đối phương. Cần tính đến lý trí tỉnh táo, biết khôn ngoan cân nhắc thiệt hơn, được mất của đối phương, nhưng cũng đề phòng sự tối tăm do cuồng vọng và hung hãn của họ.
Hai là phải có đủ sức mạnh để tự bảo vệ mình, đủ dũng khí, bản lĩnh và tài thao lược để huy động và kết hợp sức mạnh của dân tộc và thời đại.
Dân tộc ta có truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, có tiềm lực tinh thần lớn để bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, tiềm lực đó chưa được phát huy, thậm chí có mặt còn bị suy giảm.
Phúc họa có nguồn không phải chỉ trong một ngày. Những khó khăn hiện nay đất nước đang phải đối mặt do nhiều nguyên nhân, không dễ giải quyết một sớm một chiều.
Để khôi phục sức mạnh này, việc cần làm đầu tiên là củng cố khối đoàn kết dân tộc, tập hợp mọi lực lượng yêu nước dưới ngọn cờ độc lập dân tộc, dân chủ. Đoàn kết trong ban lãnh đạo đất nước, giữa lãnh đạo và nhân dân, giữa các tầng lớp nhân dân, đang trở thành yêu cầu rất lớn của tình thế. Để làm được như vậy, trước hết đòi hỏi tư duy và hành động đột phá từ phía ban lãnh đạo, đủ sức khơi thông những điểm nghẽn cản trở, nhất là vào thời điểm hiện nay.
Sự kiện giàn khoan cũng bộc lộ một lần nữa khả năng và điều kiện tập hợp sức mạnh của thời đại. Sức mạnh đó nằm trong lương tri của loài người tiến bộ, nằm trong việc các dân tộc có cùng nhận thức về hiểm họa đe dọa và cách đối phó với chúng. Nhiều nước Đông Nam Á và thế giới, nhiều nước lớn đã lên án hành động của TQ, xem đó là những hành khiêu khích, cường bạo, nguy hiểm cho hòa bình và an ninh.
Nhưng chỉ có thể tập hợp được sức mạnh ủng hộ của thế giới, nếu VN công khai đưa ra các diễn đàn quốc tế lập trường và những đòi hỏi chính đáng của mình, có một thái độ minh bạch, sòng phẳng với TQ, công khai ủng hộ lập trường các nước cũng bị TQ xâm hại, dám xây dựng và tham gia các mối liên kết mới có lợi ích trùng hợp với yêu cầu bảo vệ Tổ quốc của VN.
Cụ thể, nếu TQ ngoan cố bám chặt lập trường của họ trong vụ giàn khoan, thì việc kiện nước này trước các tổ chức và cơ quan quốc tế là việc không thể đừng.
Ba là, quyết tâm và ý chí sắt đá, nhưng không lúc nào đánh mất sự tỉnh táo cần thiết. Không để các thế lực trong và ngoài nước kích động tâm lý dân tộc hẹp hòi, gieo rắc thành kiến, hằn thù với nhân dân TQ. Không để bất cứ thế lực nào xúi giục, muốn VN trở thành một loại tiền đồn, một loại công cụ ngăn cản TQ trỗi dậy làm đại bá.
Để làm được như vậy, cùng với chống tham nhũng, quan liêu, nhất thiết phải làm mọi việc để có bộ máy tin cậy, trung thành với đất nước, không chịu sự chi phối của bất cứ thế lực nào khác.
Trần Hưng Đạo, vị danh tướng kiệt hiệt của dân tộc, đã dặn lại vua các đời sau kế sách giữ nước: Khoan sức dân là kế lâu bền…. Lời nói đó vẫn đúng cho mọi thời đại. Nội dung khoan sức dân mỗi thời có thể khác nhau, nhưng luôn thấm nhuần tinh thần yêu dân, tin dân, tôn trọng quyền sống, quyền làm chủ của dân. Làm được như vậy thì có sức mạnh xây dựng bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong bất cứ tình huống nào.
Theo Vietnamnet
Vụ chìm tàu Cần Giờ có dấu hiệu cấu thành tội phạm
Kết quả điều tra cho thấy, một số cá nhân đã có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các quy định trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt là có dấu hiệu che giấu thông tin liên quan đến vụ tai nạn, không thông báo kịp thời cho cơ quan chuyên ngành về tìm kiếm cứu nạn dẫn đến hậu quả vụ tai nạn trở nên nghiêm trọng hơn.
Bộ GTVT vừa cho biết kết quả điều tra ban đầu về nguyên nhân vụ tai nạn và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ tai nạn của ca nô BP12-04-02 tại khu vực Cần Giờ-TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, ngày 6-8-2013, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Quyết định số 2333/QĐ-BGTVT thành lập Ban chỉ đạo điều tra xác định nguyên nhân tai nạn và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ tai nạn.
Kết quả điều tra cho thấy vụ tai nạn làm chìm ca nô BP 12-04-02 do những nguyên nhân sau: Sử dụng phương tiện sai mục đích: ca nô bị nạn là phương tiện của Bộ đội biên phòng phục vụ mục đích tuần tra, không được dùng để chở khách; Ca nô chở số người gấp 2,5 lần cho phép (30 người/12 người, chưa kể các hành lý cá nhân kèm theo;
Ca nô hành trình ra vùng không được phép hoạt động: theo Giấy chứng nhận đăng kiểm, ca nô chỉ được phép hoạt động trong vùng sông - vịnh kín. Thực tế ca nô đi từ Tiền Giang sang Vũng Tàu và bị chìm tại khu vực biển Cần Giờ là vùng không được phép hoạt động.
Hồ sơ vụ việc chìm tàu tại Cần Giờ đã được chuyển sang CA TPHCM điều tra
Việc điều khiển ca nô không phù hợp dẫn đến ca nô bị lật: sau khi ra khỏi cạn ở khu vực Cồn Ngựa, người điều khiển ca nô đã bẻ lái sang phải, làm tăng tác động của sóng lên mạn phải. Ngoài ra, trong điều kiện ca nô chở người vượt quá khả năng cho phép, sóng lớn đã làm ca nô nghiêng trái đột ngột, gây lệch trọng tâm, nước tràn vào ca nô dẫn đến mất khả năng hồi phục về vị trí cân bằng, làm cho ca nô bị lật.
Người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy tốc độ cao; Phương tiện vào, rời nơi không được công bố cho tàu thuyền neo đậu và người điều khiển phương tiện không làm thủ tục vào, rời bến cho phương tiện theo quy định.
Bộ GTVT nhận định, kết quả điều tra cho thấy một số cá nhân đã có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các quy định trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt là có dấu hiệu che giấu thông tin liên quan đến vụ tai nạn, không thông báo kịp thời cho cơ quan chuyên ngành về tìm kiếm cứu nạn dẫn đến hậu quả vụ tai nạn trở nên nghiêm trọng hơn. Những vi phạm này có dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Căn cứ khoản 6 Điều 12 Thông tư số 27/2012 /TT-BGTVT của Bộ GTVT ngày 20-7-2012 về báo cáo điều tra tai nạn, vào ngày 22-8-2013, Tổ điều tra tai nạn đã chuyển hồ sơ liên quan đến vụ tai nạn cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh thụ lý theo thẩm quyền.
Trước đó, ngày 2-8-2013, ông Hà Ngọc Phước - Giám đốc nhà máy sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam, có trụ sở tại Tiền Giang, tổ chức cho đoàn gồm 72 người (gồm 66 cán bộ, công nhân Nhà máy ống thép, 6 người điều khiển phương tiện và người đi theo) đi tham quan tại Vũng Tàu trên 3 ca nô: BP 12-04-01và BP 12-04-02 là ca nô của Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu và Ca nô H790 HQ là ca nô Công ty Việt - Séc đóng mới cho Hải quân nhưng chưa bàn giao.
Khoảng 18h00, ca nô BP 12-04-02 do ông Phạm Duy Phúc điều khiển và ông Nguyễn Văn Dương thợ máy, xuất bến chở theo 28 người rời Tiền Giang đi Vũng tàu. Khi qua vùng biển khu vực xã Long Hòa, Huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh thì bị mắc cạn. Sau khi thoát cạn ca nô đổi hướng sang phải, do ảnh hưởng của sóng Tây Nam, ca nô bị lật vào khoảng 19h00.
Từ khi xảy ra tai nạn đến trước 21h00, chứng cứ cho thấy có dấu hiệu một số cá nhân đã sớm nhận được thông tin ca nô bị nạn nhưng không thông báo ngay cho cơ quan có chức năng tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành. Đến 21h00 Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực III mới nhận được thông tin về vụ tai nạn. Vụ tai nạn đã làm 9 người chết.
Ngân Tuyền
Theo ANTD
Con gái bị dâm ô, mẹ bị đánh nhập viện Khi con gái mình bị một nam sinh dâm ô, gia đình đã gởi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết. Sự việc đang được Công an tỉnh Quảng Nam thụ lý thì người nhà nam sinh đã đánh mẹ bé gái phải nhập viện với đa chấn thương. Đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Minh...