Giản đơn bánh gói
Mình về quê, nhắc chị mua bánh gói nhưng không ai bán vì mưa quá. Chiều nay lại mưa, mình ra hè ngồi nhìn nước giọt hàng hiên. Chợt chị bán hàng rong lụng thụng trong cái áo cánh dơi, cắp cái rổ phủ tấm ni lông đi ngang mời mình mua giùm bánh gói.
Chị vừa giở tấm ni lông đã thấy những làn khói ấm áp bay lên từ mấy chục cái bánh gói thơm phức được xếp chồng lên nhau. Màu lá chuối hấp vàng xạm cùng mùi hương quen thuộc khiến mình ngơ ngẩn.
Ngày mình còn nhỏ, quà quê buổi sáng thường là bánh xèo, bánh căn, bánh đúc, bánh vạc, bánh hòn, bánh gói – toàn những loại bánh được làm nên từ hạt gạo quê nhà. Trong số đó, bánh gói được nhiều gia đình ưa chuộng vì tâm lý ăn chắc mặc bền. Chị Hai mình nói bánh gói vừa to vừa rẻ, chỉ vài nghìn bạc là cả nhà no bụng tới trưa. Ba mình “ca” thêm, nói mấy thứ bánh kia trần trụi dễ bắt bụi, còn bánh gói thì áo xống đàng hoàng, rất lịch sự, kín đáo, nền nã. Má nguýt ba, con mắt cười cười: “Thôi đi ông nhà văn nửa mùa. Nhà đông con, tiết kiệm chi tiêu nên sáng nào cũng bánh gói thì nói quách cho rồi. Nó là thứ bánh nhà quê, ông bày đặt văn chương sơn phết làm gì”.
Nhớ lắm những sớm mùa đông. Má nấu nước chế trà cho ba. Mình ngồi trong lòng má mà mắt cứ liếc ra ngoài ngõ. Má khen mình tỏ mắt, hễ thấy bóng bà Chín bưng bánh gói thấp thoáng qua ngõ là kêu má liền. Theo cách nói bây giờ, bánh gói của bà Chín có “thương hiệu”. Trong làng, bà Chín cũng có vài đồng nghiệp cạnh tranh nhưng chất lượng bánh thì không ai bằng. Có người chỉ mới “bảy”, người khá nhất là “tám” hoặc “tám rưỡi” chứ không đạt “chín” như bà được.
Ai hỏi bí quyết làm bánh, bà Chín chỉ khiêm tốn cười xòa, nói thì cũng vậy thôi. Nhưng má biết rõ cái “cũng vậy thôi” của bà. Má nói bà Chín kỹ lắm, bà lựa thứ gạo dẻo thơm làm bánh; lựa những hạt đậu xanh tròn mẩy và thịt mỡ dưới bụng heo để làm nhân. Hèn chi bánh của bà mềm nhưng không bở, có thể dùng đũa chia cái bánh làm bốn làm năm nhưng bánh không bể nát. Còn nhân bánh thì hết chê. Vừa lộ ra, nhân đã tỏa mùi thơm dịu của đậu xanh, thơm nức của hành, tiêu và thơm ngầy ngậy của mỡ. Chấm miếng bánh vào chén nước đặc quánh dậy mùi thịt nạc và hành lá, miếng bánh đã ngon lại càng ngon.
Không hiểu sao giữa bao nhiêu thứ bánh “xịn” của thời công nghiệp thực phẩm, mình vẫn nhớ cái bánh gói bình dân giản dị quê nhà. Hay vì mảnh lá chuối đơn sơ đã “gói” gọn thời… háu ăn của mình trong đó?
Trần Cao Duyên
Theo thanh niên
Video đang HOT
3 loại bánh bình dị của người miền Trung
Bánh rò, bánh ít lá gai hay bánh phu thê là 3 loại bánh bình dị nhưng rất nổi tiếng của người dân miền Trung.
Bánh rò
Bánh rò là một đặc sản của người xứ Quảng, là thành phần không thể thiếu trong các ngày lễ Tết hay giỗ chạp. Thành phần chính của bánh là nếp và đậu xanh, cách gói bánh cũng tương tự như cách gói bánh chưng nên bánh rò còn được xem như là một bản sao của món bánh chưng nổi tiếng.
Bánh được gói thành hình tháp với mặt trên nhỏ hơn mặt dưới, mô phỏng theo hình những chiếc tháp của người Champa.
Nếp được vo thật sạch và đem ngâm. Sau khoảng 10 giờ, vớt ra để ráo nước chuẩn bị cho việc gói bánh. Trộn vào nếp một ít dầu phộng, muối để chiếc bánh sau khi nấu được đậm đà. Nhân bánh được làm từ đậu xanh, ngâm mềm, đãi thật sạch vỏ, nấu chín. Giã nhuyễn đậu với các gia vị như muối, tỏi, hành, tiêu để phần nhân thơm ngon. Bánh rò được gói bằng lá chuối, khoảng hai, ba lớp lá chuối được xếp chồng lên nhau, múc một chén nếp rải lên trên, sau đó là một lớp nhân đậu và trên cùng là một lớp nếp và gói lại.
Hạt nếp chín dẻo thơm hương lá chuối rất ngon miệng.
Sau khi gói xong, bánh được buộc bằng các sợi lạt. Chiếc bánh được buộc không quá chặt vì như vậy hạt nếp sẽ không thể nở dẫn đến chiếc bánh không chín đều, ngược lại nếu buộc lỏng quá, khi nấu nước sẽ vào bên trong làm hỏng bánh. Cột bánh thành từng cặp, cho vào nồi và nấu như bánh chưng. Trong suốt quá trình nấu, luôn phải canh đều lửa và châm nước thường xuyên để giữ chiếc bánh được ngập trong nước. Bánh sẽ chín sau khoảng 6 giờ nấu, vớt ra, để ráo nước và thưởng thức.
Bánh ít lá gai
Bánh ít lá gai là loại bánh đặc sản của người dân Bình Định nói riêng và miền Trung nói chung, không thể thiếu trong các dịp lễ Tết hay cưới, hỏi... Làm bánh ít lá gai không khó nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người làm bánh. Nguyên liệu chín là nếp, vo thật sạch, ngâm trong nước vài giờ cho hạt gạo nếp mềm, vớt ra và đem đi xay. Để khô bột bằng cách cho bột nếp vào trong một chiếc túi vải, buộc chặt lại dùng một phiến đá nhỏ đè lên bên trên để nước trong thoát ra ngoài, chỉ còn lại phần bột nếp.
Lá gai là loài cây nhỏ, có lá mọc so le, lá có lớp lông nhỏ bao phủ xung quanh, bên trên có màu xanh, bên dưới có màu hơi trắng, mép lá hình răng cưa.
Thành phần làm nên đặc trưng của bánh là lá gai. Lá gai sau khi hái về, ngắt bỏ cuống, rửa sạch, cho vào luộc chín, vớt ra, để ráo. Cho vào cối giã nát, vắt lấy nước và trộn với bột nếp. Bánh ít lá gai thường có hai loại nhân là nhân đậu xanh và nhân dừa. Đậu xanh ngâm qua đêm cho nở, nấu chín và tán nhuyễn với đường cát. Nếu là nhân dừa thì chọn loại cùi dừa già, bào ra thành từng sợi nhỏ, bò vào chảo xào chung với đường cho chín tới.
Vỏ bánh có lớp màu đen rất đặc trưng.
Sau khi đã chuẩn bị xong tất cả nguyên liệu thì bắt đầu gói bánh, ngắt một ít bột nếp, vo tròn lại, ép mỏng ra, cho lên bề mặt một ít nhân dừa hoặc đậu xanh, ép phần vỏ bánh lại cho khít, vo tròn lại, thoa một ít dầu lên lá chuối, gói bánh lại và đem đi hấp.
Bánh phu thê
Bánh phu thê hay gọi là bánh su sê, với ý nghĩa bánh vợ chồng xuất hiện trong đám cưới của người Huế. Thành phần chính của bánh là nhân và bột lọc. Nhân bánh được làm từ đậu xanh và dừa. Đậu xanh ngâm cho mềm, đãi sạch vỏ rồi hấp chín. Tán nhuyễn, cho đường vào rồi bắc lên bếp nấu với lửa nhỏ đến khi hỗn hợp đặc quánh lại không dính tay là được.
Bánh phu thê được gói trong những khuôn bằng lá dừa rât đẹp mắt.
Dừa được nạo thành sợi, trụng qua nước sôi đã nấu với chút muối. Làm như thế sợi dừa sẽ dai hơn và bánh sẽ giữ được lâu hơn. Công đoạn quan trọng nhất là cháo bột hay nấu bột. Bột được hòa với nước theo một tỷ lệ nhất định, cho đường vào, khuấy tan đường. Kế tiếp cho dừa đã trụng sơ qua vào rồi bắc lên bếp nấu với lửa nhỏ, khuấy đều tay cho đến khi bột sánh lại, ở dạng nửa sống nửa chín, có thể chảy thành dòng chứ không đặc là được.
Từng sợi nhân dừa máu trắng ẩn hiện dưới lớp bột trong rất đẹp mắt.
Đổ một lớp mỏng bột đã nấu với dừa vào khuôn, kế đến cho nhân đậu xanh vào rồi đổ tiếp một lớp bột nữa và đem hấp chín. Khi hấp bánh phải canh sao cho bột không chín quá vì sẽ làm mất đi độ dai của bột nhưng cũng không được để bột bị sống. Nấu cho đến khi thấy bột trong vắt, nổi lên màu vàng óng của phần nhân ở giữa là được. Bánh sau khi hấp chín, lấy ra để nguội, rồi lấy nắp khuôn đậy lên trên.
Huấn Phan
Theo VNE
Ăn bánh quê để nhớ nguồn cội Những chiếc bánh lá gai, miếng bánh khoai môn, ống bỏng gạo trắng trên chiếc thúng tre, bỗng một ngày bắt gặp ngang qua phố cũng đủ thức dậy trong ta cả một trời kỷ niệm ngọt ngào thương nhớ... Ngọt ngào là bánh lá gai Ngày tôi còn bé, gia đình không mấy khá giả, quà vặt với trẻ con là một......