Gián điệp Nga-Mỹ: Ai do thám tinh vi hơn?
Hai tờ báo Ý khẳng định chính phủ Nga theo dõi phái đoàn các nước tham gia hội nghị G20 hồi tháng 9 bằng cách tặng thẻ lưu trữ USB đã cài sẵn Trojan, cho các đoàn này.
TNO dẫn tin hai tờ báo Ý là La Stampa và Corriere della Sera hôm 30/10 đưa tin rằng các USB được phát miễn phí của Nga có khả năng sao chép dữ liệu nhạy cảm từ máy tính xách tay. Các USB gián điệp này được trao cho các đoàn đại biểu nước ngoài, gồm có cả lãnh đạo các nước, tham gia hội nghị G20 diễn ra gần thành phố St Petersburg (Nga), các đoàn còn được tặng thiết bị sạc pin điện thoại di động, vốn có khả năng bí mật xâm nhập vào email, tin nhắn và cuộc gọi trong điện thoại.
Các thiết bị lưu trữ mà các phái đoàn nhận được có chứa vi rút máy tính Trojan, có khả năng lấy thông tin từ máy tính và điện thoại di động, tờ La Stampa khẳng định.
Nga sử dụng usb để theo dõi lãnh đạo G20
Người ta nghi ngờ rằng việc Nga cố tình tặng quà “độc” để thâm nhập thông tin mật của các siêu cường khi tình hình lúc đó giữa Mỹ và Nga rất căng thẳng về vấn đề Syria, và về vụ Nga cho cựu điệp viên CIA và NSA là Edward Snowden tị nạn.
Video đang HOT
Theo hai tờ báo Ý, người đầu tiên nghi ngờ USB quà tặng của Nga có cài mã độc là Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Herman Van Rompuy. Ông ta ra lệnh đưa USB và các thiết bị khác được Nga tặng ở St Petersburg cho các chuyên viên tình báo ở Brussels, Bỉ và ở Đức phân tích.
Sau đó một bản báo cáo mật được gửi đến các thành viên G-20, ghi rằng “Các thẻ nhớ USB và dây cáp sạc điện thoại đều có thể bắt được dữ liệu của máy tính và các cuộc gọi di động”.
Sau khi báo Ý đưa thông tin này, ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Nga đã bác bỏ cáo buộc về quà tặng cài mã độc do thám, và nói rằng các tờ báo Ý đã cố đánh lạc hướng dư luận đang chú ý đến vụ NSA nghe lén châu Âu và Thủ tướng Đức Angela Merkel.
“Đó là những bài báo hết sức vô lí, không có nguồn thông tin rõ ràng. Chúng chỉ nỗ lực chuyển sự chú ý từ các vấn đề nghe lén đang diễn ra ở châu Âu và Mỹ”, ông Peskov nói với báo Anh Telegraph ngày 29/10.
Cũng trong ngày 30/10, giới chức Mỹ đã phủ nhận việc nghe lén thông tin của các nhà lãnh đạo khiến dư luận phản ứng dữ dôị những ngày vừa qua.
AFP dẫn lời Giám đốc NSA Keith Alexander tuyên bố trong buổi điều trần trước hạ viện Mỹ: “Rất rõ ràng, chúng tôi không thu thập thông tin của công dân các nước EU. Toàn bộ những gì chúng tôi có là do các đối tác châu Âu cung cấp”. Ông Alexander cũng như Giám đốc Tình báo quốc gia James Clapper khẳng định toàn bộ thông tin do báo đài nước ngoài đăng tải về việc NSA theo dõi hàng triệu cuộc điện thoại ở những nước này là “hoàn toàn sai”. Cùng ngày, một quan chức cấp cao của Washington nói với tờ The Wall Street Journal rằng chiến dịch nghe lén điện thoại ở Pháp và Tây Ban Nha do chính tình báo những nước này thực hiện và cung cấp lại cho Mỹ.
Dường như tình báo Nga và Mỹ đang chạy đua trong cuộc chiến đưa ra những thiết bị tối tân phục vụ sự nghiệp gián điệp quốc gia.
Trước đó, TNO đưa tin, Mỹ trình làng đá gián điệp SPAN, với kích thước vô cùng nhỏ gọn và có thể được ngụy trang trông giống như một hòn đá bình thường, SPAN thực chất là một hệ thống cảm biến tích hợp có khả năng thu thập và cung cấp thông tin tình báo bí mật cũng như nhiều chức năng hiện đại khác.
SPAN có khả năng tự hoạt động trong thời gian dài, có thể lên đến nhiều năm, với bộ pin năng lượng mặt trời cùng hệ thống thu phát tín hiệu cực nhạy.
Thiết bị này có thể điều khiển máy quay theo dõi mọi hoạt động xung quanh, thậm chí điều khiển máy bay không người lái (UAV) đi khảo sát một khu vực dù năm yên một chỗ. Người sử dụng lén đặt SPAN xung quanh các khu vực mục tiêu hoặc trà trộn vào các đoàn biểu tình ném đá vào các tòa nhà như căn cứ quân sự, đại sứ quán, cơ quan công quyền rồi theo dõi thông tin.
Đá gián điệp sắp được trang bị cho quân đội Mỹ – Ảnh: TNO
Ngoài chức năng quân sự, SPAN còn có thể được ứng dụng để bảo vệ các công trình dân sự quan trọng như cầu đường và đường ống dẫn dầu, khi phát hiện sự cố, chẳng hạn như đường ống bị nứt, “hòn đá” sẽ lập tức phát tín hiệu cảnh báo về bộ chỉ huy. Các chuyên gia đã tích hợp những thuật toán đặc biệt cho thiết bị nhằm hạn chế tối thiểu báo động sai.
Thế giới mấy ngày gần đây đang rất bức xúc trước thông tin Mỹ nghe lén các cuộc điện thoại của nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới.
Dân trí ngày 28/10 đưa tin, chỉ trong vòng một tháng cuối năm 2012, tình báo Mỹ đã theo dõi 60 triệu cuộc điện thoại tại Tây Ban Nha, báo giới nước này cho biết. Trong khi đó, có thông tin Mỹ cũng đã đề nghị Nhật hỗ trợ theo dõi dữ liệu trên cáp quang qua Nhật.
Tờ Guardian của Anh cũng tiết lộ NSA đã theo dõi điện thoại của 35 nhà lãnh đạo thế giới, theo tài liệu của Snowden cung cấp, còn Tạp chí Đức Der Spiegel cho biết Mỹ đã nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel từ năm 2002.
Theo Người đưa tin