Giãn cách xã hội: Cô gái ‘thay áo’ cho bánh trung thu theo cách độc đáo
Vào những ngày TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, một cô gái đã quyết định vẽ tranh lên bánh trung thu.
Những tác phẩm của cô nhận được lời khen từ rất nhiều người vì sự độc, lạ.
Thuỳ Dương đã biến những chiếc bánh trung thu bình thường trở nên đặc biệt hơn. Ảnh NVCC
Nguyễn Thị Thùy Dương (26 tuổi Q. 7, TP.HCM) chính là chủ nhân của cách làm độc đáo này. Dương cho biết trước đây cô là nhân viên ngân hàng, công việc đang ổn định thì Dương quyết định nghỉ việc để theo đuổi đam mê làm bánh. Đồng thời mở các khóa học dạy làm bánh cho những người có cùng sở thích. Những ngày giãn cách xã hội, Thùy Dương đã nảy ra ý tưởng “thay áo” mới cho bánh trung thu bằng việc vẽ tranh lên từng cái bánh.
Thùy Dương tỉ mỉ với từng chiếc bánh
Thùy Dương khá nổi tiếng trong cộng đồng bánh kem tại Việt Nam bởi tài làm bánh khéo léo, chuyên nghiệp. Trong đợt dịch lần này, thay vì chỉ làm bánh kem, Thùy Dương còn thử sức với nhiều loại bánh và không quên biến tấu để bánh thêm phần độc đáo.
Chia sẻ về ý tưởng vẽ tranh lên bánh trung thu, Thùy Dương cho biết: “Bản thân mình thích vẽ, nhưng rất lười vẽ trên giấy vì không quen sử dụng bảng màu. Nên mình chợt nghĩ là sẽ vẽ trực tiếp trên nền bánh trung thu để thỏa mãn đam mê”.
Những chiếc bánh trung thu được “thay áo” mới
Dương cho hay thời gian đầu tập vẽ lên bánh, cô nàng gặp không ít khó khăn vì chưa quen điều khiển bảng màu. Ngoài ra, vẽ trên nền bánh mềm cũng khó hơn so với trên giấy. Sau nhiều lần cố gắng, miệt mài tập tành thì Dương đã quen tay hơn và sáng tạo được nhiều thể loại tranh khác nhau.
Thùy Dương lựa chọn đậu xanh và đậu trắng để làm nền vẽ. Dương bật mí: “Nền đậu vừa dễ làm vừa chắc nên giữ màu vẽ sẽ rất tốt”.
“Cách làm nền bánh trải qua 4 công đoạn. Đầu tiên là ngâm đậu xanh từ 2 đến 3 tiếng rồi ninh nhừ với ít muối. Tiếp theo, mình cho đậu đã nấu xay nhuyễn với đường rồi lọc qua rây cho mịn. Sau đó, cho hỗn hợp trên lên bếp rồi sên như bánh trung thu. Khi gần quyện thì hòa dầu dừa với bột mì vào. Tiếp đó mình sên đến khi róc chảo là hoàn thành. Rồi mình chỉ cần lấy hỗn hợp này nặn lên bề mặt bánh trung thu là đã xong giai đoạn làm nền để tô màu”, Thùy Dương cặn kẽ hướng dẫn.
Chăm chút cho từng nét vẽ để có được những thành phẩm đẹp nhất. Ảnh NVCC
Khi vẽ, Dương chỉ cần dùng cọ và màu thực phẩm vẽ trực tiếp lên bánh. Với mẫu vẽ đơn giản thì Dương chỉ mất khoảng 5 phút để hoàn thiện. Còn mẫu cầu kỳ, nhiều họa tiết mất từ 20 đến 30 phút cho một chiếc bánh.
Những tác phẩm của Thùy Dương phong phú với nhiều bức tranh như con người, con vật, hoa lá, phong cảnh…
Tình cờ biết đến “sản phẩm” của Thùy Dương trên Facebook, Hoàng Thị Thúy (24 tuổi, Bình Dương) cho biết: “Một món ăn được đánh giá là hoàn hảo khi hội tụ đủ hai tiêu chí là đẹp mắt và ngon miệng. Mà chiếc bánh trung thu này chắc chắn đáp ứng được tiêu chí đầu tiên rồi vì rất đẹp và độc đáo. Mình nghĩ sẽ rất thú vị nếu mọi người có cơ hội được thử hội hoa tay để có thể tự trang trí những chiếc bánh cho riêng mình, hoặc tặng cho người thân yêu trong dịp Tết Đoàn viên sắp tới”.
Còn với Nguyễn Thị Mỹ Hảo (21 tuổi, Huế) thì bộc bạch: “Nếu nói về hình dạng thì khá đơn giản, nhưng điểm nhấn ở đây chính là hình vẽ. Thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng lại tinh tế, và tác giả đã thổi hồn dân tộc và vài nét văn hóa cổ vào những chiếc bánh”. Hảo cho biết thêm bản thân thích nấu ăn, vì điều đó giúp chị giải tỏa bớt căng thẳng. “Khi biết đến những tác phẩm của chị Dương thì mình đã bỏ túi thêm một loại bánh để thử tài vào lúc rảnh rỗi trong ngày dịch”, Hảo nói thêm.
Tác giả đã thổi hồn dân tộc và vài nét văn hóa cổ vào những chiếc bánh. Ảnh NVCC
“Dịch bệnh đang phức tạp lại giãn cách xã hội thời gian khá dài nên mình cũng không được đi đâu, có món vẽ này giúp mình đỡ chán hơn. Mình cũng đăng tải cách làm bánh lên các nhóm, hội yêu bếp trên mạng xã hội, với mong muốn chia sẻ những thứ mình biết và lan tỏa sự tích cực đến cho mọi người trong mùa dịch này”, Thuỳ Dương bộc bạch.
Người vô gia cư lay lắt trong đêm đầu Sài Gòn giãn cách: "Con không có nhà, tối con ra Cầu Mống mà ngủ"
Sài Gòn ngày đầu giãn cách, mọi người đều ở yên trong nhà để phòng chống dịch bệnh.
Thế nhưng có những con người đang lấy đất làm giường, lấy trời làm chăn. Họ không có nhà...
Những người già, đứa trẻ này không có nơi trú ngụ, tối đến họ lấy vỉa hè, mái hiên, hầm cầu để ngủ ké qua đêm. Bình thường, cuộc sống của họ vốn đã khó khăn, đến những ngày giãn cách, họ càng trở nên mong manh, cơ cực, chỉ biết trông chờ vào sự giúp đỡ của những người xung quanh.
20h tối 9/7, Sài Gòn yên ả hơn mọi ngày, đường phố cũng vắng người qua lại khi Chỉ thị 16 được áp dụng trên toàn thành phố. Sài Gòn chính thức bước vào 15 ngày "dưỡng bệnh", dù lo lắng nhưng ai ai cũng tin và mong rằng Sài Gòn sẽ sớm khỏe lại, vết thương dai dẳng mấy tháng trời cũng được chữa lành.
Những người vô gia cư loay hoay trong đêm ở Sài Gòn
Dịch Covid-19 bùng phát khiến cuộc sống của hàng triệu người dân Sài Gòn gặp muôn vàn khó khăn, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, công nhân, người lao động mất việc làm, đặc biệt là những người vô gia cư, không nơi nương tựa, không chốn đi về, loay hoay chẳng biết thế nào trong 15 ngày giãn cách.
Những đứa trẻ lang thang, không nhà cửa, hồn nhiên khi nhận sự giúp đỡ của mọi người
"Cho tụi con xin một bịch bánh được không ạ, tụi con đói...", tiếng nói lanh lảnh của những đứa trẻ ở góc đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) vang lên.
Tụi nhỏ cũng giống như nhiều người vô gia cư ở Sài Gòn, ban ngày thì đi móc bọc, lượm ve chai, bán vé số, tối đến lấy hầm cầu, vỉa hè làm nơi nương náu.
"Tụi con không có nhà, tối tụi con ra Cầu Mống mà ngủ. Có hôm trời lạnh lắm, con ngủ không được nhưng giờ con quen rồi ạ", cậu nhóc đen nhẻm, vừa nói vừa cười tít mắt.
Phần quà gồm bánh, sữa tươi được Thành - Hiền gửi đến tụi nhỏ tại quận 4
Thành, Hiền vội dừng xe lại, mở túi quà đầy ắp lấy ra một ít bánh ngọt, sữa tươi gửi đến tụi nhỏ. Công việc này đã được 2 bạn trẻ cùng nhóm "Sài Gòn đêm" thực hiện suốt hơn 5 năm qua.
Mỗi tối, nhóm sẽ chuẩn bị khoảng 500 - 1.000 phần bánh ngọt, sữa tươi và khẩu trang, chia cho nhiều thành viên để đi khắp các quận huyện của Sài Gòn, tặng cho người vô gia cư, lao động nghèo.
Sài Gòn trở bệnh, ai cũng buồn, nhưng buồn một chút rồi thôi vì tất cả đều tin tưởng vào ngày Sài Gòn sẽ trở lại một cách mạnh mẽ nhất
"Mấy hôm trước, nhóm tụi mình đi mỗi khu vực đông hơn, giờ thì chia nhỏ ra, chỉ có 2 người di chuyển ở một địa điểm để tuân thủ quy định giãn cách. Dù biết dịch bệnh căng thẳng nhưng nhìn những người lao động nghèo, vô gia cư lay lắt chờ hỗ trợ, tụi mình không thể không đi", Thành tâm sự.
Tuy mỗi phần quà chỉ vỏn vẹn vài bịch bánh ngọt, sữa tươi nhưng với những người vô gia cư, đó là phần thức ăn để họ cố gắng bám trụ trong thời gian thất nghiệp, thiếu việc làm.
Cầm phần quà nhỏ được nhóm "Sài Gòn đêm" hỗ trợ, chú Cát (50 tuổi) rưng rưng nước mắt. "Cảm ơn tụi con nhiều lắm, giờ chú thất nghiệp, chẳng biết mấy ngày nữa sống sao" .
Chiếc xe máy cà tàng hở trước thiếu sau của chú Cát vốn là phương tiện để chú chở khách mỗi ngày. Hôm nào may mắn thì kiếm được vài trăm ngàn, còn không cũng có vài chục đủ gạo mắm qua ngày. Nhưng rồi Sài Gòn giãn cách, chú Cát mất việc làm, biết là sẽ rất khó khăn nhưng chú vẫn cố gắng chịu đựng và mong ngày Sài Gòn khỏi bệnh.
Ánh mắt đầy hi vọng của chú Cát, tin tưởng Sài Gòn sẽ sớm khỏe lại
"Giờ dịch bệnh, ai cũng khổ như ai, chú chỉ hi vọng dịch Cô-vít được kiểm soát, mau hết giãn cách để bà con yên ổn làm ăn", chú Cát chia sẻ.
Có lẽ không chỉ riêng chú Cát mà với những người lao động nghèo, vô gia cư, dịch bệnh khiến cuộc sống của họ thêm phần lay lắt, khó khăn nhưng lúc nào họ cũng hi vọng, tin tưởng vào những điều tốt đẹp nhất sẽ đến.
"Người Sài Gòn tốt lắm", câu nói bất chợt của cụ Hoa khiến chúng tôi nghẹn lòng.
Giữa bao bộn bề khó khăn, thiếu thốn, người Sài Gòn vẫn luôn bao dung, tìm cách để chở che cho nhau, mỗi người giúp nhau một chút. Người có của giúp người khó khăn, người có nhà phụ người không nơi nương tựa, tất cả đều cố gắng với một niềm tin rằng, sẽ sớm thôi Sài Gòn sẽ khỏe.
Chuyện những người không nhà ở Sài Gòn trong đêm giãn cách xã hội
"Có hôm, vì ra các quận xa, tụi mình chạy xe máy cả nửa tiếng nhưng vẫn không thấy cô bác nào khó khăn đang đi trên đường để tặng đồ ăn. Nhưng khi gặp được, trao cho họ phần quà, tụi mình thấy việc làm của mình càng thêm ý nghĩa vì đến được tay người thật sự cần", Hiền tâm sự
Khi gặp các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Thành - Hiền đều nán lại để hỏi thêm thông tin, giúp đỡ hỗ trợ nhiều hơn
Những phần quà cứ thế theo chân nhóm bạn trẻ gửi đến những người vô gia cư, khó khăn
Sài Gòn trở bệnh, đường phố cũng vắng vẻ hơn thường ngày, người dân cũng hạn chế ra đường để phòng dịch Covid-19
Chú Cường (quê Nghệ An) bị khiếm thị ngồi một góc đường tại quận 5 để bán khẩu trang, khăn giấy...
15 ngày tới, biết là sẽ rất khó khăn, đặc biệt với những người lao động, người bán vé số, vô gia cư..., nhưng mong mọi người hãy cảm thông, bảo vệ Sài Gòn như cái cách Sài Gòn đã từng
Chỉ 15 ngày thôi, Sài Gòn cần thời gian nghỉ ngơi sau cơn cảm lạnh kéo dài. Mấy tháng qua, Sài Gòn đã làm hết những gì có thể để hạn chế thấp nhất sự xáo trộn trong cuộc sống của người dân, giờ thì cứ an tâm dưỡng bệnh nhé. Mọi người luôn tin tưởng và đợi Sài Gòn. Sài Gòn, cố lên!
Nếu TP.HCM cho bán đồ ăn mang về, người dân sẽ vẫn ra đường Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, nếu TP.HCM cho mở nhà hàng, kể cả bán mang về, thì người dân vẫn ra đường mua, không khác gì nhiều so với tuần trước. Với quyết định áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7, TP.HCM cũng yêu cầu tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về. Giải pháp...