Giảm ùn tắc giao thông trước cổng trường
Để xe máy lộn xộn; dừng, đỗ xe ô tô không đúng nơi quy định; sang đường không theo hàng lối… là thực trạng thường xuyên diễn ra trước các cổng trường trên địa bàn Hà Nội vào giờ đưa, đón học sinh gây ùn tắc giao thông.
Trước tình trạng này, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tích cực phối hợp với các nhà trường triển khai đồng bộ nhiều giải pháp góp phần giảm ùn tắc giao thông trước cổng trường, song hiệu quả nhiều lúc, nhiều nơi vẫn chưa được như mong đợi.
Phụ huynh sắp xếp chỗ để xe máy, chờ đón học sinh tại cổng Trường Trung học cơ sở Thăng Long (quận Ba Đình).
Áp lực lớn cho giao thông đô thị
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, vào 7h30 sáng hằng ngày, cổng Trường Tiểu học Dịch Vọng B và Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng ( quận Cầu Giấy) luôn xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông. Nguyên nhân do hai trường ở vị trí đối diện nhau, nhiều phụ huynh đỗ xe ô tô ngay dưới lòng đường, xe máy dựng kín vỉa hè khiến các em phải chen vào giữa dòng xe để vào lớp. Bà Phan Thị Dung, phố Khúc Thừa Dụ, phường Dịch Vọng có cháu học lớp 2 Trường Tiểu học Dịch Vọng B cho biết: “Có hôm đi đón cháu, tôi phải mất 20 phút mới thoát khỏi khu vực cổng trường. Lúc sang đường cũng phải mất thêm 10 phút, vì xe ô tô, xe máy của người đi đường cứ đi băng qua, rất nguy hiểm”.
16h chiều 23-9, tại cổng Trường Tiểu học Phương Liệt (quận Thanh Xuân), hàng trăm phụ huynh đi xe máy vào con phố nhỏ để đón con, cháu. Với đặc thù đông học sinh, xung quanh trường lại có nhiều nút giao thông trọng điểm nên hầu hết phụ huynh di chuyển nhanh, nhưng tình trạng ùn ứ giao thông tại cổng trường vẫn xảy ra. Anh Nguyễn Văn Hải, phố Phương Liệt cho biết: “Chỉ cần một phụ huynh dựng xe trước cổng trường sẽ gây ùn tắc giao thông ngay. Vì vậy, chúng tôi thường nhắc nhau đỗ xe đúng nơi quy định để giao thông được thông suốt”.
Tương tự, tại các nút giao thông xung quanh và trước cổng một số trường tại quận Ba Đình như: Trường Tiểu học Hoàng Diệu; Trường Trung học cơ sở Ba Đình, Trường Trung học cơ sở Thăng Long… cũng thường xuyên xảy ra ùn tắc. Một phần do các trường nằm ở mặt phố hẹp, trong khi người và phương tiện tham gia giao thông đông đúc; một phần do ý thức của phụ huynh đưa, đón học sinh còn hạn chế.
Nói thêm về nguyên nhân gây ùn tắc giao thông trước cổng trường, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) Nguyễn Việt Trung cho biết, do lượng lớn phụ huynh đến đón con, cháu cùng một lúc, lại để xe tùy tiện, thậm chí có trường hợp dừng, đỗ xe ngay dưới biển cấm…, nên nếu lực lượng chức năng không kịp thời điều tiết, phân luồng là xảy ra ùn tắc cục bộ. Tồn tại này đã và đang gây áp lực lớn cho giao thông đô thị.
Video đang HOT
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Công an phường Thành Công (quận Ba Đình) phân luồng, chống ùn tắc giao thông trước cổng Trường Tiểu học Thành Công A.
Để giải quyết ùn tắc giao thông trước cổng trường, nhiều giải pháp đã được các cấp, ngành, nhà trường trên địa bàn Hà Nội triển khai.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phương Liệt (quận Thanh Xuân) Phạm Thanh Huyền cho biết, nhà trường đã ký cam kết với Công an phường trong việc phân luồng giao thông tại các “điểm nóng” quanh khu vực trường. Nhà trường cũng ký cam kết với phụ huynh và học sinh, để chung tay bảo đảm trật tự, chống ùn tắc giao thông tại cổng trường.
Còn theo Trung tá Trần Thành Công, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông và trật tự (Công an quận Hoàn Kiếm), thời gian qua, chính quyền và công an 18 phường trên địa bàn quận đã phối hợp với các nhà trường tổ chức bố trí lực lượng trực tại chỗ kết hợp phân luồng từ xa; bố trí lệch giờ học; mở thêm cổng ra, vào để “san tải” lượng phụ huynh, học sinh tập trung dồn vào một cổng.
Trong khi đó, sơn kẻ vạch, sắp xếp chỗ đỗ xe máy cho phụ huynh; huy động đoàn viên, thanh niên tham gia phân luồng, hướng dẫn phụ huynh đỗ xe đúng nơi quy định… là những giải pháp được UBND quận Ba Đình và một số quận nội thành thực hiện. Theo Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình Lê Tất Thành, hiện có 21 trường trên địa bàn quận đã sơn kẻ vạch, sắp xếp chỗ đỗ xe máy cho phụ huynh đưa, đón học sinh; 5 trường bố trí sắp xếp chỗ để xe trong sân trường, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các cổng trường.
Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp với các địa phương, trường học tổ chức tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh. Đồng thời, phối hợp xử lý nhiều trường hợp dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định trước cổng trường.
Về lâu dài, theo Tiến sĩ Đào Thanh Hải, Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), cần phát triển một hệ thống xe buýt học đường hoàn chỉnh. Đồng tình với quan điểm này, Chánh Thanh tra Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội Trần Nhật Quang cho rằng, cần khuyến khích học sinh đến trường bằng phương tiện vận tải công cộng. Hiện, Hà Nội đã có một số trường tổ chức đưa, đón học sinh bằng hệ thống xe buýt, hoạt động vào khung giờ nhất định, góp phần giảm ùn tắc giao thông.
Với các giải pháp nêu trên, hy vọng tình trạng ùn tắc giao thông tại các cổng trường vào giờ đưa, đón học sinh sớm được giải quyết triệt để.
Vì sao các trường đại học, cao đẳng vẫn ở nội đô?
Sau khi học sinh, sinh viên tựu trường, nhiều tuyến đường tại Hà Nội trở lại tình trạng ùn tắc từ ngõ nhỏ ra đường lớn.
Trước thực tế này, câu hỏi quen thuộc là bao giờ các trường Đại học, Cao đẳng (ĐH, CĐ) mới được di dời ra khỏi nội đô Hà Nội nhằm hạn chế việc tăng dân số cơ học, giảm áp lực cho giao thông Thủ đô một lần nữa được nhắc lại?
Sinh viên tới trường là đường tắc
Những tuyến đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Trường Chinh, Chùa Bộc, Xuân Thủy, Cầu Giấy... từng có thời điểm thông thoáng, dễ thở khi dịch Covid-19 hoành hành và sinh viên được học trực tuyến tại nhà. Tuy nhiên, những nhiều ngày qua, vào khung giờ cao điểm, cảnh các dòng phương tiện đông đúc chen nhau từng centimet đường và ùn tắc kéo dài lại xuất hiện sau khi học sinh - sinh viên quay trở lại trường học để bắt đầu năm học mới. Điều này càng khẳng định, một phần nguyên nhân tình trạng quá tải giao thông tại Hà Nội do quy mô sinh viên của các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tăng mạnh.
Ùn tắc giao thông trên phố Giảng Võ vào giờ cao điểm. Ảnh: Phạm Hùng
Theo thống kê, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 97 trường ĐH, học viện và 33 trường CĐ, chiếm 1/3 số trường và 40% tổng số sinh viên cả nước, riêng 4 quận lõi trung tâm TP có 26 trường. Với hệ thống các trường ĐH, CĐ này, Hà Nội có khoảng 660.000 sinh viên đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đây là số dân cơ học không nhỏ góp phần gây áp lực lớn lên hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông. Nhiều tuyến đường chỉ vài cây số nhưng có đến 7, 8 trường xây dựng san sát, chen chúc gây nên cảnh ùn tắc thường xuyên vào giờ sinh viên đến lớp hay tan học.
Có thể kể đến như tuyến đường Xuân Thủy - Cầu Giấy dày đặc trường như ĐH Quốc gia, ĐH Sư phạm, ĐH Ngoại ngữ, Học viện Báo chí và tuyên truyền, ĐH Thương Mại, ĐH Giao thông vận tải... Tương tự, đường Nguyễn Trãi chỉ hơn 1km nhưng đoạn từ Nhà máy thuốc lá Thăng Long đến Siêu thị Co.opmart đã phải oằn mình "cõng" đến 7 trường lớn như ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Hà Nội, Học viện An ninh, Học viện Bưu chính viễn thông...
Đánh giá về lượng phương tiện trên đường tại Hà Nội hiện nay, Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT - TEDI cho rằng, trên nhiều tuyến đường, nút giao thông tại Hà Nội mật độ phương tiện lưu thông đã quá tải thiết kế mặt đường từ 3 - 4 lần, riêng các tuyến đường như Lê Văn Lương, Láng, Phạm Hùng giờ cao điểm đã vượt tới 22 lần so với thiết kế và vẫn đang tiếp tục tăng lên. Với lượng sinh viên liên tục tăng lên góp phần làm gia tăng lượng phương tiện giao thông cá nhân tại Hà Nội tăng từ 18 - 20% mỗi năm.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam - TS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, việc di dời các trường ĐH, CĐ không đáp ứng đủ tiêu chuẩn ra khỏi nội đô là vấn đề cấp bách nhằm giảm áp lực hạ tầng giao thông; đồng thời cũng để phục vụ cho sự phát triển bền vững trong tương lai của các trường ĐH, CĐ nói riêng và Thủ đô nói chung. Tuy nhiên, dù chủ trương đã có nhưng để thực hiện có hiệu quả cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, vào cuộc tích cực của các bộ, ngành. Phải làm rõ kế hoạch di dời như thế nào, hỗ trợ của nhà nước đến đâu?
Chậm vì chưa có phương án cụ thể
Trên cơ sở Quy hoạch chung TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục ĐH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay, quyết định đã có hiệu lực thi hành được 5 năm nhưng mới có duy nhất trường ĐH Y tế cộng đồng tại 138B phố Giảng Võ, quận Ba Đình, di dời ra khỏi trung tâm TP.
Lý giải về sự chậm trễ này, đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù kế hoạch di dời đã được cụ thể hóa bằng các chỉ đạo, tuy nhiên việc triển khai thực hiện vẫn còn chậm, bởi tồn tại một số khó khăn vướng mắc, đặc biệt trong việc thực hiện di dời các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tại khu vực nội đô TP Hà Nội.
Theo Bộ Xây dựng, những tồn tại, vướng mắc cũng như việc chưa kịp thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện di dời các cơ sở giáo dục, đào tạo liên quan đến một số nguyên nhân chủ yếu như công tác di dời và xây dựng cơ sở mới đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn, nguồn vốn thực hiện chưa được bố trí; chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng. Các quy hoạch ngành cũng chưa hoàn thành nên chưa có cơ sở xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời các cơ sở ra khỏi khu vực nội thành; sự phối hợp giữa các tỉnh, TP với các bộ, ngành có liên quan chưa chủ động.
Bàn về nguyên nhân khó di dời các trường ĐH, CĐ, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, để thực hiện có hiệu quả phải có phương án, cách làm cụ thể và Nhà nước phải là người trọng tài chính. "Thực tế là trường ở đâu sinh viên sẽ ở đó. Bây giờ muốn di dời, Nhà nước phải tự bỏ tiền ra làm. Đầu tư xây dựng tại các khu đô thị vệ tinh đã được quy hoạch riêng biệt, có trường lớp, có phòng thí nghiệm, ký túc xá đầy đủ, sau đó mới đưa các trường ra. Có như vậy, chúng ta mới thực hiện được chủ trương" - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.
TS. Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng, với cơ chế tự chủ thì việc bố trí nguồn lực để di dời và đầu tư xây dựng cơ sở mới là khó khăn, thách thức lớn đối với các trường. Vậy nên trong cơ chế chính sách, cần phân loại các trường như phân loại vốn, có cơ chế chính sách về sử dụng đất và phát triển không gian. Mặt khác, khi xây dựng các trường ĐH, CĐ, không chỉ xây trường học mà còn ký túc xá, khu nhà ở cho giáo viên nhưng những chính sách về vấn đề này hiện nay vẫn đang thiếu.
Về việc một số trường có giá trị di tích lịch sử, TS. Đào Ngọc Nghiêm cho biết, Luật Thủ đô đã quy định rất rõ ràng, một số các trường ĐH,CĐ mà không có trụ sở chính ở nội thành thì không được đặt địa điểm đào tạo trong nội thành. Với một số trường đại học có di tích, có giá trị nhất định với nội đô, Nhà nước khẳng định đấy là cơ sở 1 đại diện cho trường, còn với cơ sở đào tạo cụ thể, các khu phát triển mới phải theo quy hoạch chung.
Cây phượng đổ đè người đi đường, 2 người đi cấp cứu Cây phượng đổ đè 3 người đi đường bị thương tại tỉnh Ninh Thuận, trong đó 2 người bị thương nặng phải đi cấp cứu vào chiều 31-8. Vào 16 giờ ngày 31-8, một cây phượng lớn bên đường Nguyễn Văn Trỗi (thuộc địa bàn phường Thanh Sơn, TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) bất ngờ ngã đổ làm bị...