Giám sát viên IT ở Mỹ bị bắt vì lén đào Bitcoin trong văn phòng
Một giám sát viên IT ở Long Island (Mỹ) bị phát hiện giấu 46 máy đào Bitcoin ngay trong văn phòng quận, làm tiêu tốn hàng nghìn USD tiền điện.
Đào tiền ảo chui tại văn phòng sẽ gây tốn điện, thiệt hại tài sản công
Theo New York Times , Christopher Naples, 42 tuổi, đã giấu 46 thiết bị chuyên dụng để khai thác tiền mã hóa trong sáu căn phòng tại Trung tâm quận Suffolk tọa lạc ở thị trấn Riverhead. Người này còn giấu cả thiết bị bên dưới ván sàn, bên trong một bảng điện tử không được dùng tới.
Ông Naples bị cáo buộc tội lạm dụng tài sản công, ăn cắp vặt, xâm phạm máy tính, làm trái công vụ. Nếu bị kết tội danh cao nhất, ông sẽ phải đối mặt với án 15 năm tù. Ông cũng thừa nhận các thiết bị kia thuộc về mình và ông đã dùng chúng để khai thác tiền mã hóa từ vài tháng trước. Được biết, ông Naples đã làm việc cho quận Suffolk từ năm 2000 với chức danh trợ lý giám đốc hoạt động IT.
Timothy D. Sini – một luật sư của quận Suffolk cho biết ông Naples đã rải các thiết bị đào tiền mã hóa khắp nơi làm việc. Mỗi khi các thiết bị này bị vô hiệu hóa, nhiệt độ căn phòng ngay lập tức giảm mạnh.
Luật sư Sini nhận định: “Việc đào tiền ảo không những tiêu tốn của chúng tôi hàng nghìn USD tiền thuế của người dân mà còn khiến cơ sở hạ tầng quận gặp rủi ro”.
Vì những cỗ máy của ông Naples cần kết nối internet với cường độ cao, các nhân viên khác thường phàn nàn đường truyền mạng trong văn phòng bị chậm lại. Họ cũng nhiều lần gọi thợ đến sửa máy lạnh ngay trong căn phòng mà ông Naples đặt các máy đào tiền ảo.
Video đang HOT
Ít nhất 10 chiếc máy của ông Naples hoạt động từ tháng 2 đã khiến hạt Suffolk tốn hơn 6.000 USD tiền điện. Sau đó, 36 chiếc máy còn lại cũng được tìm thấy, có nghĩa là chi phí điện mà quận Suffolk phải trả còn cao hơn mức dự đoán ban đầu.
Quá trình đào tiền mã hóa luôn tiêu thụ một lượng điện năng khổng lồ. New York Times ước tính lượng điện được dùng để khai thác Bitcoin hằng năm còn cao hơn mức sử dụng điện của Phần Lan.
Janet Yellen – Bộ trưởng Tài chính Mỹ lập luận rằng tiền mã hóa thường đi đôi với tội phạm. Hồi tháng 2, bà lo ngại Bitcoin sẽ bị lạm dụng cho những hoạt động tài chính bất hợp pháp.
Ari Redboard – người đứng đầu các vấn đề pháp lý và quan hệ ngoại giao tại công ty điều tra TRM Labs cho rằng tiền mã hóa có nhiều phẩm chất hữu ích khiến nó hấp dẫn trong mắt tội phạm. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh là số giao dịch của tội phạm chỉ chiếm phần nhỏ trong toàn bộ giao dịch tiền mã hóa, và những công cụ mới sẽ giúp các nhà quản lý dễ theo dõi dòng tiền mã hóa hơn các loại tiền tệ truyền thống.
Không phải lúc nào hoạt động tội phạm liên quan đến tiền mã hóa cũng là ransomware (mã độc tống tiền), khủng bố hay rửa tiền. Tình trạng thiếu hiểu biết về tiền mã hóa và công nghệ blockchain chủ yếu tạo cơ hội cho những vụ lừa đảo mang tính đa cấp, đánh vào tâm lý của các nhà đầu tư.
Cũng trong tuần qua, New York Times ghi nhận trường hợp Michael Ackerman sống ở Ohio (Mỹ) đã nhận tội tại tòa án Manhattan sau khi lừa 30 triệu USD từ hàng trăm nhà đầu tư. Người này vẽ nên kế hoạch đầu tư hấp dẫn, hứa hẹn sẽ dùng tiền của nhà đầu tư để rót vào tiền ảo. Thế nhưng, bị cáo lại dùng 9 triệu USD của nhà đầu tư để mua bất động sản và đồ trang sức hiệu Tiffany.
Cuộc chạy đua thu hút thợ đào Bitcoin
Nhiều nước đang tìm cách thu hút thợ đào Bitcoin nhờ chính sách ưu đãi, trong bối cảnh Trung Quốc áp lệnh cấm hoạt động đào tiền ảo.
Giới chức Trung Quốc đang trấn áp mạnh mẽ hoạt động khai thác và giao dịch tiền ảo trong nước, buộc giới thợ đào phải di chuyển ra nước ngoài. Đây có thể là khởi đầu của quá trình di cư lớn chưa từng thấy trong lĩnh vực đào tiền ảo toàn cầu.
Chính quyền nhiều tỉnh tại Trung Quốc đã cấm hoàn toàn hoạt động đào Bitcoin, vốn tiêu thụ nhiều năng lượng và tạo ra lượng lớn khí phát thải carbon, do đi ngược lại mục tiêu của chính quyền trung ương nhằm cắt giảm 65% phát thải khí CO2 vào năm 2030 và đạt mức trung tính carbon vào năm 2060.
Một trang trại đào Bitcoin tại vùng Nội Mông, Trung Quốc. Ảnh: IEEE .
Trung Quốc hồi năm ngoái chiếm tới 75% năng lực khai thác (hashrate) toàn cầu. Giới khoa học từng cảnh báo riêng ngành công nghiệp khai thác Bitcoin ở nước này cũng đủ sức phá hỏng mục tiêu cắt giảm khí thải do Bắc Kinh đặt ra. Lệnh cấm của chính quyền nhiều tỉnh khiến hơn 90% số mỏ đào Bitcoin tại Trung Quốc phải ngừng hoạt động.
Sự chuyển dịch của thợ đào khỏi Trung Quốc khiến nhiều nước đang tìm cách thu hút họ.
Tại Mỹ, Thống đốc Texas Greg Abbott hồi đầu tháng đã công bố kế hoạch nhằm thu hút các triệu phú tiền ảo tới bang này. Trong khi đó, Thị trưởng Miami Francis Suarez tỏ ý ủng hộ các công ty tiền ảo và khẳng định thành phố có thể trở thành trung tâm của các mỏ đào tiền ảo, thêm rằng ông đang xem xét những khu công nghiệp đặc biệt cho thợ đào.
"Chúng tôi đang chứng kiến đà tăng đột biến về số doanh nghiệp liên hệ nhằm tìm cách chuyển mỏ đào từ trung Quốc sang Mỹ. Chúng tôi liên kết với các công ty vận tải, đặc biệt là đường không, để mang tới thời gian vận chuyển cạnh tranh nhất. Thời gian là vàng trong ngành đào tiền ảo", Nicole DeCicco, chủ tịch công ty tư vấn CryptoConsultz, cho hay.
Địa điểm tiếp theo cho thợ đào
DeCicco cho biết giá năng lượng là yếu tố quan trọng hàng đầu, nhưng giới thợ đào cũng ngày càng chú ý đến chi phí môi trường. Mục tiêu hàng đầu của họ hiện nay là những khu vực có nguồn năng lượng tái tạo "bị mắc kẹt", tức là các địa điểm hẻo lánh có nguồn điện được tạo ra đều đặn nhưng không thể chuyển đi nơi khác. Những nơi có khí hậu mát mẻ cũng được tính đến nhằm đơn giản hóa việc làm mát thiết bị, bên cạnh đó là chính quyền với các chính sách ưu đãi.
Iceland có đầy đủ những yếu tố này, bao gồm dự trữ năng lượng núi lửa khổng lồ, trong khi El Salvador cũng coi Bitcoin là phương tiện thanh toán hợp pháp và có nguồn địa nhiệt dồi dào.
Mỹ cũng là địa điểm tiềm tàng với các bang như Texas, Nebraska, Florida và Wyoming, nơi chỉ sử dụng 40% lượng điện được tạo ra. Cả 4 bang đều thông qua những đạo luật tạo chỗ đứng vững chắc cho tiền điện tử.
Dù vậy, mức phát thải khổng lồ của Bitcoin cũng mang lại tiếng xấu cho tiền ảo và khiến chúng bị những người bảo vệ môi trường phản đối. Sự cố hệ thống điện ở bang Texas hồi đầu năm khiến 4 triệu người không có năng lượng và 111 người chết cũng gây ra nhiều lo ngại về nguy cơ thiếu điện, thậm chí mất điện diện rộng thường xuyên khi các mỏ đào Bitcoin đi vào hoạt động.
Nhiều người hy vọng tiền ảo có thể thân thiện với môi trường hơn nếu Bitcoin chuyển từ hình thức bằng chứng công việc (PoW) sang bằng chứng cổ phần (PoS). Phương thức thứ hai tiêu thụ ít năng lượng hơn nhiều và không đòi hỏi những hệ thống tính toán công suất cao như hiện nay.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo nỗ lực thu hút thợ đào Bitcoin có thể không trở thành liều thuốc phục hồi kinh tế như nhiều nước mong đợi.
"Thợ đào thường tính toán trước 3-4 năm và luôn sẵn sàng thay đổi hình thức làm việc. Nếu nền kinh tế đột ngột sụp đổ, họ có thể chấm dứt hoạt động ngay lập tức. Chính sách thu hút việc làm dài hạn thông qua những biện pháp khuyến khích trước mắt có thể sẽ rất mạo hiểm", Gavin Brown, giảng viên ngành kinh tế công nghệ ở Đại học Liverpool của Anh, nhận định.
Hàng tấn máy đào Bitcoin đang rời Trung Quốc để đến Mỹ Các thợ đào Bitcoin đang tìm cách chuyển hệ thống khai thác của mình rời khỏi Trung Quốc. Sáng 22/6, một công ty hậu cần xác nhận với CNBC rằng họ đang vận chuyển 3 tấn máy khai thác Bitcoin đến Maryland, Mỹ. Đây là một công ty có trụ sở tại Quảng Châu, chuyên cung cấp dịch vụ vận chuyển quốc tế...