Giám sát giá thuốc đấu thầu: Quá khó!
Lâu nay, Bảo hiểm xã hội (BHXH) đại diện cho người bệnh chi tiền mua thuốc nhưng trong tình trạng chạy theo thanh toán chứ không được tham gia lựa chọn về chất lượng và giá cả. Trong khi đó, nhiều loại thuốc cung ứng vào bệnh viện (BV) chênh lệch rất lớn với cùng một sản phẩm khiến người bệnh không biết đâu là giá thực.
“Chiêu” chỉ định thầu
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó ban Dược và Vật tư y tế (BHXH Việt Nam) cho biết, trong quá trình đấu thầu, thuốc được lựa chọn lại phụ thuộc vào mối quan hệ của bên tham gia thầu với phía xét thầu. Bên gọi thầu sẽ đưa ra các tiêu chí với các chi tiết cụ thể về đặc điểm nhằm nhắm đến sản phẩm mà chỉ riêng hãng đó có.
Phía xét thầu cũng đưa một số tiêu chí đánh giá do chủ quan của người có “thẩm quyền” xét thầu nhằm chỉ số ít, thậm chí chỉ một nhà thầu đáp ứng (ví dụ như tiêu chí: có chi nhánh trên khắp các huyện/thành phố có tham gia dự trữ thuốc phòng chống thiên tai trong tỉnh).
Khó biết đâu là giá thật khi một loại thuốc được đấu thầu với giá khác nhau – Ảnh: Ngọc Thắng
“Không hiếm hồ sơ mời thầu còn xây dựng tiêu chí kỹ thuật một số mặt hàng có hướng chỉ định thầu với việc đưa ra các chi tiết quá riêng biệt cho sản phẩm”, bà Yến cho biết.
Sau khi trúng thầu, các nhà thầu vẫn tiếp tục phải “đua” một lần nữa vì trúng thầu nhưng không được kê đơn thì cũng không bán được thuốc, do đó hậu trường tiếp tục phải có “chính sách” để bác sĩ kê đơn sử dụng, khoa dược của BV “gọi” thuốc vào.
Cùng một thuốc nhưng giá chênh tới 68%
Theo BHXH VN, một thuốc cùng nhà sản xuất nhưng giá vào các BV lại chênh lệch khá lớn là hiện tượng không hiếm hoi. Ví dụ, thuốc Perabact (hoạt chất Cefoperazon), hộp 10 lọ, sản xuất tại Ấn Độ có giá 18.000 đồng (nơi đấu thầu là Đồng Tháp), nhưng thuốc này lại có giá 30.000 đồng (nơi đấu thầu là Cần Thơ), tỷ lệ chênh lệch lên đến 68%.
Hay thuốc Cefoperazon 1 g (VN) có giá 28.000 đồng (tại BV Phổi T.Ư) nhưng thuốc này có giá 36.750 đồng (tại BV T.Ư Huế), chênh lệch 31,3%.
Video đang HOT
Thuốc Redliver (hoạt chất Arginin) 200 mg, hộp 60 viên có giá 1.500 đồng tại BV Nội tiết nhưng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, thuốc này có giá 1.800 đồng (viên), chênh lệch giá 20%. Thuốc Ibaliver 200 mg, hoạt chất Arginin có giá 1.710 đồng/viên (nơi đấu thầu tại Vĩnh Phúc), còn nơi đấu thầu là Hải Phòng thuốc này lại có giá 1.650 đồng.
Nếu căn cứ trên kết quả trúng thầu thuốc vào BV thì nhiều thuốc không thể biết đâu là giá thật của thuốc đó.
Theo bà Yến, không thể đối chiếu với giá thuốc kê khai tại cơ quan quản lý vì đó là giá do doanh nghiệp tự quyết định và là giá đón đầu không chịu khống chế của thặng số lợi nhuận.
Bà Yến cho rằng, về giải pháp cho kiểm soát giá thuốc cung ứng vào BV, trước hết cần có hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu theo các tiêu chí thống nhất tại tất cả các địa phương, các đơn vị, tránh mỗi nơi làm một kiểu như hiện nay.
“Cần áp dụng quản lý giá thuốc theo thặng số bán buôn tối đa toàn chặng để tránh tình trạng giá thuốc bán buôn cao gấp nhiều lần giá nhập khẩu vì đường đi lòng vòng, qua nhiều công ty phân phối đẩy giá lên cao”, bà Yến nhấn mạnh
“Mỏng manh” lực lượng giám sát
Trong năm 2011, giá kế hoạch của gói thầu thuộc một tỉnh miền núi phía Bắc xây dựng lên đến 100 tỉ đồng. Sau khi BHXH tham gia xem xét, đối chiếu với giá đã trúng thầu năm trước, phát hiện một số bất hợp lý nên đã kiến nghị. Vì vậy giá kế hoạch của gói thầu này đã giảm đến 25 tỉ đồng, chỉ còn 75 tỉ đồng.
BHXH cho biết BHXH đang chuẩn bị nhân lực cho quá trình tham gia vào giám sát đấu thầu thuốc cung ứng vào BV, tuy nhiên vai trò cũng rất hạn chế. Bởi vì kinh nghiệm hạn chế, thiếu chuyên môn sâu vì thiếu dược sĩ người của BHXH tham gia tổ đấu thầu cũng chỉ là thiểu số, ít có khả năng thắng thế khi cần có quyết định thay đổi.
Để kiểm soát được giá thuốc đấu thầu, BHXH sẽ tăng cường thẩm định giá đấu thầu, so sánh mặt bằng giá thầu trên cùng khu vực để phát hiện các chênh lênh lệch giá bất hợp lý.
60% chi phí điều trị chi cho mua thuốc
Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó tổng giám đốc BHXH VN cho biết, chi phí thanh toán thuốc BHYT tăng liên tục trong các năm. Năm 2010: tiền thuốc là 11.722 tỉ đồng năm 2011 là 15.000 tỉ đồng và năm 2012 ước sẽ còn tăng hơn nữa.
Theo ông Nguyễn Minh Thảo, việc đấu thầu thuốc cần được điều chỉnh để đảm bảo giá cung ứng vào BV phù hợp. Chi phí tiền thuốc chiếm đến 60% chi cho khám chữa bệnh, do đó kiểm soát chi phí thuốc có ý nghĩa quan trọng trong giảm chi phí điều trị. Để đấu thầu đảm bảo tính hiệu quả, thuốc mua được với giá hợp lý nhất, Bộ Y tế cần công bố các dữ liệu phục vụ công tác đấu thầu cập nhật mã hóa thuốc để thống nhất quản lý trong toàn quốc.
Các BV cần lên danh mục thuốc sử dụng trong BV phù hợp với mô hình bệnh tật, điều kiện kinh tế xã hội tại địa phương. Sử dụng thuốc hợp lý có vai trò quan trọng để giảm gánh nặng chi phí điều trị và việc này phụ thuộc nhiều vào bác sĩ bởi có đến 70% thuốc sử dụng là thuốc kê đơn.
Theo TNO
Mỗi bệnh viện một giá thuốc
Cùng một biệt dược, cùng một hàm lượng và cùng một công ty sản xuất nhưng giá trúng thầu vào các bệnh viện lại chênh nhau một trời một vực. Hậu quả: giá thuốc tại các bệnh viện có chênh lệch nhau đến bất ngờ.
Cùng một loại thuốc, đấu thầu vào bệnh viện mỗi nơi một giá. Trong ảnh: người dân thanh toán viện phí có bảo hiểm y tế - Ảnh: hoàng Thạch Vân
Người dân nhận thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM chiều 16-8 - Ảnh: THUẬN THẮNG
Các bệnh viện (BV) tại TP.HCM đã thực hiện xong đợt đấu thầu cung ứng thuốc vào BV năm 2012. Các thuốc trúng thầu này chủ yếu phục vụ bệnh nhân diện bảo hiểm y tế và được Bảo hiểm xã hội TP.HCM chi trả. So sánh danh mục thuốc trúng thầu của nhiều BV cho thấy mỗi nơi mỗi giá khác nhau.
Chênh nhau từ 1-4 lần
Ở nhóm thuốc nội do các công ty VN sản xuất, ghi nhận cho thấy cùng là thuốc BBD 25mg, trúng thầu vào BV Từ Dũ 900 đồng/viên, còn vào BV Hùng Vương 3.500 đồng/viên, cao gần gấp bốn lần. Cùng thuốc Aubactam 1g/200mg, trúng thầu vào BV Từ Dũ 24.500 đồng/lọ nhưng vào BV Chấn thương chỉnh hình là 32.000 đồng/lọ...
Trong khi đó với nhóm thuốc ngoại nhập, trúng thầu vào các BV giá cả cũng rất hỗn loạn. Cụ thể, thuốc Bernodan (Indonesia) trúng thầu vào BV An Bình 15.000 đồng/ống, trong khi vào BV Q.Thủ Đức 22.000 đồng/ống. Thuốc Sinraci 500mg (Hàn Quốc) trúng thầu vào BV Trưng Vương giá 240.000 đồng/lọ nhưng vô BV Q.Thủ Đức 275.000 đồng/lọ. Thuốc Planitox 500mg (Hàn Quốc) trúng thầu vào BV Nguyễn Tri Phương giá 2.405.000 đồng/lọ nhưng vào BV Q.Thủ Đức 2,5 triệu đồng/lọ...
Theo giám đốc một công ty dược phẩm, đòi hỏi giá thuốc trúng thầu vào các BV phải như nhau là không thể vì các BV tại TP đều đấu thầu riêng lẻ. Hơn nữa giá dự thầu phải bí mật, nếu đấu cùng giá ở các BV thì giá sẽ bị lộ vì thời gian mở thầu ở các BV khác nhau.
Cũng theo vị giám đốc trên, giá thuốc trúng thầu chênh lệch giữa các BV trong khoảng 5-7% là chấp nhận được. Nếu chênh đến mấy chục phần trăm, thậm chí vài lần thì phải xem lại. Việc đấu thầu thuốc riêng lẻ từng BV hiện nay rất dễ nảy sinh tiêu cực và không thể tránh khỏi tình trạng mỗi nơi một giá.
Trả lời Tuổi Trẻ về việc thuốc trúng thầu vào BV Q.Thủ Đức luôn cao hơn các BV khác, ông Nguyễn Minh Quân - giám đốc BV Q.Thủ Đức - cho rằng giá thuốc mà các công ty dược đấu thầu vào các BV nói chung và BV Q.Thủ Đức nói riêng là do các công ty này quyết định, dựa theo hồ sơ mời thầu của BV. Khi xây dựng hồ sơ mời thầu, BV có quy định nhà thầu phải cam kết giá tham gia thầu vào BV Q.Thủ Đức không được cao hơn giá trong cùng khu vực và nếu cao hơn thì không quá 3%. Theo ông Quân, BV Q.Thủ Đức đang kiểm tra lại giá trúng thầu các mặt hàng thuốc bằng cách so sánh giá với các BV khác trên toàn TP. Khi phát hiện các nhà thầu vi phạm cam kết, BV sẽ có biện pháp xử lý.
Theo BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, không biết vì sao cùng một mặt hàng giống nhau nhưng các công ty đi đấu thầu mỗi nơi một giá. Chỉ khi các BV đấu thầu xong và Sở Y tế TP tổng hợp toàn bộ danh mục thuốc trúng thầu của các BV tại TP lại thì các BV mới có dữ liệu của nhau để so sánh và đối chiếu.
Chênh lệch giá một số loại thuốc
Tên thuốcNguồn: một nguồn tin của Tuổi Trẻ
Cao hơn 5%: không thanh toán!
Ông Cao Văn Sang - giám đốc Bảo hiểm xã hội TP - cho biết giá thuốc trúng thầu của các BV rất khác nhau, có những mặt hàng chênh lệch giá rất lớn. Sau khi được nhắc nhở, các BV có giá thuốc trúng thầu cao đã thương lượng với nhà cung cấp và giá nhiều loại thuốc đã được hạ xuống.
Theo bà Lưu Thị Thanh Huyền - phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP, độ chênh lệch giá thuốc giữa các BV chấp nhận được là 5%. Trường hợp mặt hàng đó có giá cao hơn giá trúng vào BV khác, Bảo hiểm xã hội TP đề nghị BV nên thỏa thuận với nhà cung cấp giảm giá bằng BV khác và không thanh toán giá thuốc cao bất hợp lý.
Theo Tuổi Trẻ
Bất cập áp viện phí mới Sau một tháng áp dụng giá viện phí mới, giá nhiều dịch vụ y tế tăng cao hàng chục lần, gây ảnh hưởng đến người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo. Tiền Phong trao đổi với ông Phạm Lương Sơn - Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (thuộc BHXH Việt Nam). Ông Phạm Lương Sơn. Ông Sơn nói: BHXH...