Giảm ly hôn bằng ‘ngân hàng tình yêu’
Theo thuyết “ Ngân hàng tình yêu” của Nhà tâm lý học hiện đại Mỹ Williams Harley thì trong mỗi một con người đều có “Ngân hàng tình yêu”. Các “đơn vị tình yêu” trong ngân hàng này đầy ắp khi ta biết vun đắp tình yêu.
ảnh minh họa
Theo các tài liệu nghiên cứu của Việt Nam thì tình hình ly hôn ngày càng gia tăng, nhất là ở khu vực thị trấn và thành phố. Nhiều cặp vợ chồng nộp đơn ly hôn ra tòa, khi được hòa giải đều nói rằng, không thể ở với nhau vì có quá nhiều điều khác biệt.
Gặp anh H mới ly hôn vợ, tôi hỏi: “Sau này anh H có lấy vợ không?”.Anh trả lời: “Nếu tôi gặp được người tôi yêu, thì tôi sẽ lấy”. Tôi hỏi tiếp:”Thế vợ cũ của anh, ngày xưa anh có yêu không?”. Anh H trả lời: “Rất yêu”. Tôi lại hỏi: “Tình yêu đó đâu rồi, yêu thế sao lại ly hôn?”. Anh H nói: “Ôi thôi, nói làm gì, càng ngày càng khác biệt, càng ngày càng chán nhau”.
Thế đó, khi còn yêu nhau, thì ngày nhớ, đêm mong, lúc nào cũng mong gặp nhau để tâm sự chia sẻ, để tay trong tay, để nghe hơi thở của nhau. Như một nhà thơ nói: “Yêu nhau là phải “Tim mình, trong ngực người ta. Tim người ta đập, dứt da thịt mình”
Bản chất tình yêu đôi lứa là nỗi nhớ. Về sống với nhau rồi, nỗi nhớ bị triệt tiêu dần. Vậy lấy gì để nuôi dưỡng tình yêu?
Khi ta nói chuyện, tâm sự hoặc làm một việc gì mà đối phương thích, thì trong ta thêm được “một đơn vị” trong “Ngân hàng tình yêu”. Nếu đối phương không thích mà cảm thấy nhàm chán thì trong ta mất đi “một đơn vị” trong “Ngân hàng tình yêu”.
Khi đang yêu nhau thì làm cái gì, nói cái gì cả hai bên đều thích, khi đó “đơn vị tình yêu” trong “ngân hàng tình yêu” của cả hai người lúc nào cũng đầy ắp. Khi lấy nhau rồi, mải lo nhiều việc, cho nên nhiều lúc làm và nói không quan tâm đến đối phương của mình có thích không, và dần dần mỗi ngày mất đi một vài “đơn vị tình yêu” trong “ngân hàng tình yêu”. Chẳng mấy chốc ngân hàng này trống không. Đó là lúc hai người thấy là gánh nặng của nhau, không còn gì để nói với nhau, khi đó ly hôn là chuyện đương nhiên.
Một cặp vợ chồng nộp đơn ly hôn. Khi hòa giải, nhà tư vấn đưa anh và chị vào hai phòng khác nhau. Nhà tư vấn cho mỗi người viết ra giấy những điều mong muốn ở người kia. Khi nhà tư vấn cho hai bên đọc mong muốn của nhau, lúc đó cả hai phía đều ngộ ra rằng: ôi mong muốn đơn giản vậy, tai sao mình lại không làm được, mà để đến cơ sự hôm nay?
Các cặp vợ chồng làm gì để “ngân hàng tình yêu” ngày một đầy thêm? Khi ta định nói gì? Ta tự nghĩ xem, mình nói vậy thì vợ (chồng) mình có thích không? Khi định làm gì, cũng suy nghĩ xem, chắc làm như vậy thì vợ (chồng) mình sẽ thích lắm đây. Đặc biệt khi mua quà tặng cho vợ (chồng) cũng luôn phải trả lời được câu hỏi, món quà này vợ (chồng) mình có thích không?
Cứ làm như thế, các “đơn vị tình yêu” sẽ không bị mất đi mà ngày càng sinh sôi trong “ngân hàng tình yêu”.
Thuyết “ngân hàng tình yêu” không chỉ đúng cho tình cảm vợ chồng, tình yêu mà còn luôn đúng trong mọi mối quan hệ: cha con, anh em, thầy trò, gia đình, bạn bè. Khi đã luôn mang lại điều hài lòng cho nhau, thì “ngân hàng tình yêu” luôn đầy ắp. Khi đó sẽ thật hạnh phúc phải không các bạn?
Theo MTG