Giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc: Đúng thời điểm
Quyết định giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước ( NHNN) có thể khiến hệ thống tổ chức tín dụng chịu thiệt, giảm lợi nhuận. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, đây là động thái chính sách cần thiết trong việc điều tiết thị trường tiền tệ.
Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 0,8%/năm, giảm 0,4% so với mức được áp dụng từ năm 2005 đến nay. Ảnh: Nhã Chi
NHNN cho biết, để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mặt bằng lãi suất trên thị trường, cơ quan này ban hành quyết định về các mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng (TCTD) có hiệu lực từ ngày 1/12/2019.
Theo đó, NHNN quy định lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 0,8%/năm, giảm 0,4% so với mức lãi suất đã được áp dụng từ năm 2005 đến nay. Lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND là 0%/năm.
Đối với ngoại tệ, NHNN quy định lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0,05%/năm.
Số liệu thống kê của NHNN cho biết, tính đến tháng 9/2019, tổng tiền gửi tại các TCTD là gần 8,5 triệu tỷ đồng. Trong đó, số tiền gửi của các tổ chức kinh tế là 3.649.853 tỷ đồng và tiền gửi của dân cư là 4.771.483 tỷ đồng.
Video đang HOT
Theo quy định tại Quyết định số 1158/QĐ-NHNN ngày 29/5/2018, áp dụng từ ngày 1/6/2018, tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các TCTD là 3% với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng, tỷ lệ dự trữ bắt buộc với tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 1%. Với tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 1 – 3% như trên, mức tiền dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng tại NHNN hiện nay có thể lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Chia sẻ quan điểm về số tiền lãi mà cả hệ thống ngân hàng có thể “chịu thiệt” sau quyết định này của NHNN, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV nói: “Tại BIDV, tổng số tiền dự trữ bắt buộc tại NHNN hiện ở mức khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Với việc giảm lãi suất dự trữ bắt buộc từ 1,2% xuống 0,8%, số phần thiệt thòi khoảng 80 tỷ đồng/năm. BIDV hiện có thị phần khoảng 12%, như vậy tính ra mức thiệt của cả hệ thống ngân hàng qua quyết định này là khoảng 600 tỷ đồng. Đây thực ra là mức giảm không lớn nên tác động sẽ không nhiều”.
Ông Lực cho rằng, việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc ở thời điểm này là phù hợp bởi vì mức lãi suất 1,2% đã duy trì trong suốt 14 năm qua và đến nay, mặt bằng lãi suất nói chung đã giảm đáng kể. “Trong bối cảnh nhiều ngân hàng trên thế giới giảm các loại lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất trong nước cũng cần được giảm xuống thì động thái này sẽ hỗ trợ đáng kể cho nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho cả nền kinh tế”, ông Lực nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia ngân hàng phân tích: “Cùng với tỷ giá, thị trường mở, hạn mức tín dụng, dự trữ bắt buộc là một trong các công cụ điều tiết thị trường của NHNN. Trong đó, việc điều hành dự trữ bắt buộc không có tác động quá lớn đến thị trường. Cơ quan điều hành phải hài hòa các công cụ này để đảm bảo chính sách được nhất quán. Vừa rồi, NHNN đã mạnh tay giảm nhiều loại lãi suất cả huy động và cho vay. Do đó, giảm lãi suất dự trữ bắt buộc là động thái tiếp theo để đạt mục tiêu nhất quán như trên, đồng thời, góp phần kéo giảm mặt bằng lãi suất chung, hỗ trợ ổn định vĩ mô và phù hợp với xu thế điều hành của các ngân hàng trung ương trên thế giới”.
Xuân Yến
Theo Baodauthau.vn
Dự trữ bắt buộc và câu chuyện lãi suất
Tối 2/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo giảm mạnh lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của các ngân hàng sau 14 năm duy trì. Việc giảm lãi suất trên được các chuyên gia lý giải do sự điều tiết và can thiệp khá nhịp nhàng của NHNN.
Khách hàng giao dịch tại HDBank chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Giảm áp lực lạm phát
Theo thông báo của NHNN, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam của các ngân hàng giảm còn 0,8%/năm thay vì mức 1,2%/năm so với trước đó. Lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc về mốc 0%/năm. Đối với ngoại tệ, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc là 0%/năm, còn vượt dự trữ bắt buộc 0,05%/năm.
Việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc về 0,8%/năm có ảnh hưởng, nhưng không đáng kể tới lợi nhuận của các ngân hàng vì tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng hiện nay ở mức thấp, chỉ 3%. Đồng thời, nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, bởi hiện tại, chi phí trả lãi cho khoản tiền gửi này được trích từ ngân sách Nhà nước.
TS Cấn Văn Lực
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, tiền gửi dự trữ bắt buộc là khoản tiền mà các tổ chức, DN hoạt động trong lĩnh vực tín dụng tại Việt Nam có nghĩa vụ phải duy trì trên tài khoản thanh toán tại NHNN. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc phụ thuộc vào quy mô và tính chất hoạt động của các ngân hàng và tổ chức tín dụng (TCTD) khác nhau. Theo quy định hiện nay là 3% và 1% đối với tiền đồng; 8% và 6% đối với ngoại tệ. Có nghĩa cứ huy động được 100 đồng thì ngân hàng được cho vay 97 đồng và dành 3 đồng cho dự trữ bắt buộc. "Nếu được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thì chi phí sẽ giảm, qua đó tăng khả năng cho vay, tăng hệ số mở rộng tiền gửi..., hỗ trợ khả năng sinh lời của các ngân hàng" - TS Nguyễn Trí Hiếu nói. Tuy nhiên, NHNN hoàn toàn không nhắc gì đến việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc mà chỉ giảm mạnh lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của các ngân hàng sau 14 năm duy trì.
Trong những năm gần đây, để hỗ trợ các DN hoạt động trong lĩnh vực tài chính tín dụng có thể giảm lãi suất cho vay thì NHNN đã tăng mức lãi của tiền gửi dự trữ bắt buộc lên đáng kể, có tác động tích cực tới nền kinh tế của đất nước. Tuy nhiên khi tình hình kinh tế đã ổn định, lãi suất dự trữ bắt buộc lại được điều chỉnh giảm sao cho phù hợp và không gây ra lạm phát. Một số chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc điều chỉnh lãi suất điều hành chủ chốt và yêu cầu các ngân hàng thương mại Nhà nước giảm lãi suất để định hướng thị trường vừa qua, trong bối cảnh nền kinh tế chịu từ sự tác động của lạm phát và tỷ giá cuối năm, thì việc cân nhắc đến liều thuốc giảm lãi suất dự trữ bắt buộc vào lúc này có lẽ là không thừa.
Tránh vòng luẩn quẩn
Ngoài ra, NHNN cũng quy định mức lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại NHNN đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam là 1%/năm, lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của Bảo hiểm tiền gửi là 0,8%/năm. Lãi suất đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của KBNN giảm từ 0,5% xuống 0,05%/năm.
"KBNN cứ phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động vốn theo kế hoạch được giao từ đầu năm tài khóa. Vòng luẩn quẩn này, KBNN huy động vốn từ các ngân hàng rồi lại đem gửi lại cho chính các ngân hàng, cứ lặp đi lặp lại. Thiệt hại đầu tiên chính là NSNN. Nếu càng kéo dài càng gây tốn kém cho ngân sách quốc gia, vì vậy nếu hoàn thành được kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay và giải quyết những tồn đọng của năm cũ sẽ giảm được tình trạng ứ đọng vốn tại các ngân hàng thương mại như hiện nay. "TS Bùi Quang Tín
Có một thực tế là, tình hình giải ngân vốn đầu tư công ì ạch, đã tạo ra một lượng lớn tiền nhàn rỗi chảy mạnh hơn vào tài khoản tại các ngân hàng. Số liệu được các ngân hàng lần lượt công bố báo cáo tài chính quý III/2019, chỉ tính riêng tại Vietcombank và BIDV, số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước (đầu mối trực tiếp quản lý nguồn của Chính phủ) đã lên tới gần 150.000 tỷ đồng. Dự kiến số dư tại hai thành viên chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2019 là VietinBank và Agribank cũng đáng kể, góp phần đưa tổng số tiền của KBNN tại các ngân hàng thương mại ở quy mô lớn. Cùng với đó, số dư gửi tiền có kỳ hạn ở các ngân hàng liên tục tăng lên qua các quý từ đầu 2019. Khi gửi ngân hàng ở dạng có kỳ hạn thì nắm được lãi suất cao hơn hàng chục lần so với để ở không kỳ hạn, như tại Vietcombank gửi 1 - 12 tháng được lãi suất 4,5 - 6,5%/năm.
Việc gửi tiền có kỳ hạn ở các ngân hàng thương mại có thể xem là bất đắc dĩ, khi mà giải ngân đầu tư công, giải ngân vốn ODA... những năm qua và cho đến nay vẫn tắc nghẽn. Trong khi Chính phủ vẫn phải liên tục phát hành trái phiếu đi vay. KBNN vẫn phải thực hiện phát hành trái phiếu Chính phủ, trung bình mỗi năm khoảng gần 200.000 tỷ đồng.
Tiền huy động không sử dụng hết được KBNN "ngâm" trong ngân hàng. Lượng tiền gửi khổng lồ này có ảnh hưởng rất lớn đến cung tiền của nền kinh tế. Dĩ nhiên, tiền gửi của đầu mối này có phần nhằm mục đích "nằm chờ" giải ngân, nhưng nếu các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn này chảy vào các tài sản đầu cơ, nhất là thị trường chứng khoán, BĐS có thể tác động tiêu cực đến thị trường tài chính, hệ quả sẽ là rất lớn nếu như nó không được kiểm soát và lan ra toàn bộ nền kinh tế.
Động thái của NHNN nhằm giảm thiểu tới mức tối đa lượng tiền thừa của KBNN trong khi ngân sách vẫn phải chi trả lãi suất đều đặn hàng ngày. Ý trên được lý giải cho sự điều tiết và can thiệp khá nhịp nhàng của NHNN, tốt cho chính sách tài khóa, buộc phải đẩy vốn ra thị trường.
Theo Kinhtedothi.vn
Giảm lãi suất dự trữ bắt buộc, Ngân hàng Nhà nước mong muốn gì? Việc giảm lãi suất trả cho dự trữ bắt buộc sẽ khuyến khích các ngân hàng đang có thanh khoản dư thừa, thường xuyên có tiền gửi vượt mức dự trữ bắt buộc tại NHNN, tăng cường hoạt động cho vay ra nền kinh tế thay vì để tiền ở NHNN để hưởng lãi suất. Ngày 02/12/2019, NHNN đã ban hành Quyết định...