Giảm lãi suất tác động tới lợi nhuận ngân hàng, nhưng không nhiều
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất ở cả hai chiều huy động và cho vay. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến lợi nhuận, song mức giảm là không nhiều.
Việc giảm lãi suất sẽ giúp kích thích nhu cầu vay trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm…
Ở khối ngân hàng có vốn nhà nước, các ngân hàng Vietcombank, BIDV, Agribank đã đồng loạt giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với tất cả doanh nghiệp trong 2 tháng cuối năm.
Riêng các lĩnh vực ưu tiên, mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa là 5%/năm, thấp hơn 1,5%/năm so với quy định.
Chủ tịch HĐQT Vietcombank – ông Nghiêm Xuân Thành cho hay, đây là đợt giảm lãi suất lớn nhất từ trước đến nay của Ngân hàng, bởi được áp dụng cho tất cả doanh nghiệp, thay vì chỉ trong lĩnh vực ưu tiên như trước đây.
Theo ước tính của ông Thành, quy mô đợt giảm lãi suất này tác động tới 320.000 tỷ đồng dư nợ cho vay, nên lợi nhuận ước tính của Vietcombank có thể giảm 260 tỷ đồng trong 2 tháng cuối năm 2019.
Dù vậy, Chủ tịch Vietcombank cho hay, Ngân hàng sẽ cố gắng đảm bảo lợi nhuận thông qua tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm trích lập dự phòng…
Ngoài các ngân hàng có vốn nhà nước, nhiều ngân hàng tư nhân như Eximbank, Viet Capital Bank, ACB, MBBank, VPBank, LienVietPostBank… cũng đã hạ lãi suất cho vay ngắn hạn từ 0,5-1%/năm đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là xuất khẩu.
Việc giảm lãi suất được nhìn nhận sẽ giúp kích thích nhu cầu vay của người dân, doanh nghiệp trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.
Đáng chú ý, khác với các lần trước, đợt giảm lãi suất lần này của ngân hàng được thực hiện ở cả đầu ra và đầu vào. Trong đó, hầu hết nhà băng đã giãm lãi suất huy động vốn.
Đơn cử, tại Eximbank, ngân hàng này công bố biểu lãi suất mới hiệu lực từ 7/11/2019, trong đó điều chỉnh giảm ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 15 tháng, 18 tháng tại quầy giảm 0,2 điểm phần trăm xuống 8,1%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,1 điểm phần trăm xuống 7,7%/năm.
Video đang HOT
ACB đã giảm thêm 0,2%/năm lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm đối với kỳ hạn dài. MB giảm lãi suất huy động từ 0,1-0,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn.
Với Kienlongbank, mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5%/năm. Theo biểu lãi suất niêm yết mới nhất tại Viet Capital Bank, lãi suất kỳ hạn 1 – 2 tháng giảm về 4,85%/năm, kỳ hạn từ 3-5 tháng là 4,9%/năm. NamA Bank công bố biểu lãi suất không kỳ hạn là 0,5%/năm, giảm 0,3%/năm so với mức trần trước đó…
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng tư nhân cho hay, tuy giảm lãi suất có thể tác động tới lợi nhuận, nhưng mức giảm sẽ không quá mạnh vì chi phí đầu vào cũng được tiết giảm. Mặt khác, việc nhu cầu vốn kinh doanh thường tăng cao vào cuối năm là cơ hội để các ngân hàng kích cầu tín dụng, giúp gia tăng lợi nhuận…
9 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận của nhiều nhà băng đã tăng trưởng cao. Đơn cử, Vietcombank đạt 17.613 tỷ đồng lợi nhuận sau 9 tháng và dự báo sẽ vượt chỉ tiêu 20.000 tỷ đồng trước thuế đưa ra cho cả năm nay.
Như vậy, con số lợi nhuận giảm ước tính 260 tỷ đồng trong 2 tháng cuối năm như đã nêu trên dù không phải là nhỏ, nhưng cũng chỉ tương đương khoảng 1,3% tổng lợi nhuận cả năm của Vietcombank.
Thực tế, đến giữa tháng 11/2019, nhiều ngân hàng đã cạn room tăng trưởng tín dụng. Thậm chí, nhiều nhà băng đã vượt mức room bình quân như TPBank (20,4%), VIB (28,2%), OCB (20%). Do chỉ tiêu cho vay đã hết hoặc không còn nhiều, nên việc cắt giảm lãi suất không còn nhiều ý nghĩa.
Ngân hàng cạn room nên đối tượng doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi là rất hạn chế. Vì vậy, để có thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay, các ngân hàng đã tính toán kỹ dựa trên 2 yếu tố, đó là giảm được lãi suất huy động vốn và đảm bảo được nguyên lý hình thành lợi nhuận.
Nhìn vào biểu lãi suất hiện nay, việc giảm lãi suất chủ yếu dành cho các lĩnh vực ưu tiên, mà để có hồ sơ khách hàng vay vốn thuộc diện ưu tiên lãi suất là không dễ dàng. Đó là chưa kể, hiện ngân hàng còn ít chỉ tiêu cho vay, nên càng đòi hỏi hồ sơ chặt chẽ và khắt khe hơn.
Đối với tín dụng cá nhân, mặt bằng lãi suất không những khó giảm, thậm chí còn có thể tăng. Biên lãi ròng (NIM) trong cho vay đối với phân khúc khách hàng này được các ngân hàng cho biết nằm trong khoảng 3-3,5%.
Theo báo cáo triển vọng ngành quý IV/2019 của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), tỷ lệ NIM năm nay của ngành ngân hàng sẽ tăng nhẹ nhờ việc dịch chuyển cơ cấu cho vay.
Sau nửa đầu năm, NIM toàn ngành được cải thiện, trung bình mức NIM của ngân hàng niêm yết đạt 3,51%, cao hơn so với mức 3,2% của cùng kỳ năm trước nhờ tăng trưởng tín dụng chậm lại và lãi suất huy động tăng ở các kỳ hạn dài, trong khi lãi suất cho vay ổn định và các khoản vay được tái cơ cấu với lãi suất cao hơn.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Trám lỗ thủng tạo mục tiêu kép
Từ ngày 1/11/2019, Thông tư 58/2019/TT-BTC có hiệu lực. Mục tiêu của Thông tư vừa giúp Bộ Tài chính chủ động trong điều hành ngân sách, vừa giúp Ngân hàng Nhà nước thuận lợi hơn trong điều hành chính sách tiền tệ.
Thế nhưng, Thông tư này cũng làm "bốc hơi" hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận của các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần Nhà nước nhờ hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) có lãi suất rẻ tại đây.
Vòng luẩn quẩn gây thiệt đơn, thiệt kép
Tình trạng tồn dư ngân quỹ nhà nước treo trên tài khoản tiền gửi của KBNN tại các NHTM cổ phần Nhà nước luôn ở mức hàng trăm nghìn tỷ đồng liên tục trong nhiều năm qua nhưng Bộ Tài chính thường xuyên phải phát hành trái phiếu chính phủ vay nợ. Tệ hơn, nguồn vay nợ từ trái phiếu chịu lãi suất thị trường nhưng sử dụng chậm buộc phải tạm gửi vào tài khoản KBNN tại ngân hàng với lãi suất rất thấp.
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Lienvietpostbank Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Các ngân hàng lại sử dụng một phần nguồn tiền gửi của ngân sách nhà nước để mua trái phiếu chính phủ, tức cho ngân sách nhà nước vay lại. Mặc dù số lượng trúng thầu đã giảm từ 77,1% (cuối năm 2015) xuống còn 40,4% (30/9/2019) nhưng các NHTM vẫn là nhóm khách hàng quyết định phần lớn sự thành công và mức lãi suất trái phiếu chính phủ từng đợt phát hành.
Tại sao hình thành vòng luẩn quẩn nói trên gây thiệt đơn, thiệt kép cho ngân sách nhà nước? Ngân sách nhà nước có tồn quỹ phải đi vay chịu lãi là thiệt đơn; vay phải trả lãi cao nhưng chôn vốn vào tài khoản hưởng lãi thấp là thiệt kép. Có lý do cả khách quan trong nội tại kế hoạch thu chi ngân sách nhà nước và chủ quan trong điều hành đầu tư ngân sách của Chính phủ và chức năng quản lý ngân quỹ của KBNN.
Từ nhiều năm nay, kế hoạch thu chi tài chính quốc gia hàng năm luôn có mức bội chi ngân sách nhà nước khoảng 3 - 4%. Phát hành trái phiếu chính phủ vay nợ bù đắp bội chi là tất yếu. Xét từng thời điểm cụ thể bất kỳ, do các khoản thu ngân sách có thể lệch pha các khoản chi ngân sách nhưng nguyên tắc của thu chi ngân sách nhà nước là có nguồn ngân quỹ mới có chi. Cho nên, tài khoản tiền gửi KBNN tại ngân hàng luôn có số dư, thậm chí số dư rất lớn. Đó là cơ chế khách quan.
Nhưng tại sao Bộ Tài chính chưa thể sử dụng tối đa nguồn dư ngân quỹ trên tài khoản KBNN hàng trăm nghìn tỷ đồng rồi mới phát hành trái phiếu chính phủ theo lịch thời gian phù hợp, hạn chế rủi ro chi phí trả lãi cho ngân sách T.Ư? Thực tế để khắc phục điều này đòi hỏi phải dự báo được dòng tiền trong thu chi ngân quỹ và quản lý ngân quỹ nhà nước một cách chủ động. Đây là vấn đề thuộc chức năng của KBNN đang hạn chế trong thực tiễn, cần có cơ chế hỗ trợ thực thi sau:
Thứ nhất, để chủ động trong dự báo dòng tiền ngân quỹ nhà nước vấn để bức thiết hiện nay là phải quyết liệt khắc phục cho được tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm. Nguyên nhân chậm chủ yếu do khâu chuẩn bị dự án đầu tư, khâu giải phóng mặt bằng và khâu giao kế hoạch vốn đầu tư chậm. Không thể chấp nhận việc Bộ KH&ĐT nhấc lên đặt xuống câu giờ đến cuối quý II và sang quý III mới giao kế hoạch vốn hàng năm cho các dự án đầu tư.
Thứ hai, KBNN được quyền quản lý ngân quỹ nhà nước chủ động, hiệu quả. Nghị định số 24/2016/NĐ-CP quy định về chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước cho phép KBNN thực hiện quyền này. Theo đó, KBNN được sử dụng nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi vào 4 mục đích khác nhau. Trong đó, sử dụng tạm ứng cho ngân sách T.Ư sẽ hạn chế việc phát hành trái phiếu; sử dụng gửi có kỳ hạn tại các NHTM tốt sẽ tăng nguồn lãi tiền gửi bù đắp phần trả tiền lãi cho trái phiếu chính phủ.
Thứ ba, số dư ngân quỹ cuối ngày trên hệ thống tài khoản tiền gửi của KBNN tại NHTM và Ngân hàng nhà nước (NHNN) phải được chuyển tập trung vào một tài khoản thanh toán tổng hợp duy nhất tại Sở giao dịch NHNN. Chính Thông tư 58/2019/TT-BTC nói trên đã quy định cơ chế đó. Từ đây số dư trên tài khoản đó được KBNN sử dụng đảm bảo khả năng thanh toán của hệ thống KBNN và giao dịch sử dụng ngân quỹ nhà nước theo Nghị định 24/2016/NĐ-CP.
NHTM mất lớn lợi nhuận nhưng NHNN được lợi
Thông tư 58/2019/TT- BTC có hiệu lực đã làm giảm khá lớn nguồn vốn huy động có chi phí rẻ của 4 NHTM cổ phần Nhà nước vì dường như KBNN chủ yếu mở tài khoản tiền gửi thanh toán tại các ngân hàng này. Đứng đầu bảng là NHTM Ngoại thương (Vietcombank), đến NHTM Đầu tư (VIDB), tiếp đến 2 NHTM là VietinBank và Agribank.
Có thể nói lợi nhuận trước thuế của từng ngân hàng trong nhóm NHTM nói trên tự dưng bị "bốc hơi" hàng nghìn, hàng trăm tỷ đồng. Chẳng hạn, số dư tài khoản thanh toán của KBNN tại Vietcombank cuối năm 2017 là 165.081 tỷ đồng và cuối năm 2016 là 42.752 tỷ đồng, tính số dư bình quân cả năm 2017 khoảng 100.000 tỷ đồng. Lãi suất tiền gửi dưới 1% nhưng tính là 1%/năm bao gồm chi phí nghiệp vụ.
Giả sử ngân hàng sử dụng 90.000 tỷ đồng (90%) mua trái phiếu chính phủ lãi suất bình quân khoảng 5%/năm (tại thời điểm 2017). Khi đó tổng lợi nhuận Vietcombank được hưởng là 3.500 tỷ đồng (90.000 x 5%) - (100.000 x 1%). Đương nhiên từ năm 2018 đến nay số dư trên tài khoản thanh toán KBNN tại các NHTM liên tục giảm đáng kể (do KBNN chuyển số dư ngân quỹ từ tài khoản thanh toán sang tài khoản tiền gửi có kỳ hạn để hưởng lãi cao hơn theo Nghị định 24/2016/NĐ-CP nói trên).
Tiền gửi thanh toán của KBNN bên cạnh đưa lại hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận cho từng ngân hàng cũng có thể gây rủi ro nhất định cho hệ thống ngân hàng. Việc cùng lúc các NHTM lớn quản lý hàng trăm nghìn tỷ đồng nguồn vốn thanh toán của KBNN đã đè nặng áp lực đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Nên nhớ ngay cả bối cảnh không có quản lý nguồn vốn thanh toán của KBNN thì như một sứ mệnh sắp đặt, các NHTM lớn đóng vai trò chủ đạo trong điều phối duy trì cân đối nguồn dự trữ đảm bảo khả năng thanh khoản cho cả hệ thống, trước khi xuất hiện công cụ can thiệp của NHNN. Huống chi khi các NHTM đó đang ôm trách nhiệm gánh nặng rủi ro thanh khoản cho riêng mình.
Số dư trên tài khoản tiền gửi thanh toán được chủ tài khoản rút hết bất cứ lúc nào. Chính đó là tuyệt tác tạo công nghệ tiền đẻ ra tiền cho hệ thống ngân hàng phát triển. Đó cũng là xác quyết quyền không được mặc cả chủ tài khoản được hưởng. Do đó, việc KBNN đột ngột rút một số lượng lớn tiền trên tài khoản sẽ là mối đe dọa rủi ro cho các NHTM.
Thực tế không hiếm lần KBNN đột ngột rút một số lượng lớn ngân quỹ từ tài khoản tiền gửi thanh toán tại các NHTM không báo trước cho ngân hàng đã đe dọa khả năng thanh khoản của hệ thống và do đó tác động tiêu cực tới lãi suất thị trường liên ngân hàng. Chẳng hạn, đợt rút đột ngột số dư tài khoản thanh toán của KBNN đầu tháng 4/2019 đã đẩy lãi suất liên ngân hàng từ 1/4 đến 20/4 tăng mạnh từ 4 - 4,5%/năm nhưng từ sau 20/4 giảm xuống dưới 3%/năm.
Giờ đây cuối mỗi ngày số dư trên tài khoản thanh toán của KBNN tại các NHTM không còn số dư, các NHTM lớn mất nguồn lợi nhuận lớn. Thông tư 58/2019/TT-BTC sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho NHNN trong thực thi chính sách tiền tệ.
Ngân sách nhà nước có tồn quỹ phải đi vay chịu lãi là thiệt đơn; vay phải trả lãi cao nhưng chôn vốn vào tài khoản hưởng lãi thấp là thiệt kép. Có lý do cả khách quan trong nội tại kế hoạch thu chi ngân sách nhà nước và chủ quan trong điều hành đầu tư ngân sách của Chính phủ và chức năng quản lý ngân quỹ của KBNN.
TS.PHAN VĂN THƯỜNG
Theo kinhtedothi.vn
Nhiều ngân hàng báo lãi nghìn tỷ đồng sau 9 tháng Mùa báo cáo tài chính quý III của các ngân hàng đã bắt đầu với hàng loạt cái tên báo lãi lớn hàng nghìn tỷ đồng thu hút sự chú ý của thị trường. Ảnh minh họa. Trong 9 tháng đầu năm nay, ngân hàng làm ăn tốt nhất hệ thống Vietcombank ghi nhận lợi nhuận cao kỷ lục 17.592 tỷ đồng, tăng...