Giảm giá tới 80% để kích cầu du lịch
Trước mắt, 4 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk, Gia Lai đã được chọn để triển khai các gói kích cầu.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam chiều 21-2 chính thức công bố Liên minh Kích cầu du lịch Việt Nam khắc phục hậu quả của dịch Covid-19.
Trông cậy vào du khách Việt
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận định du lịch Việt Nam bị thiệt hại nặng bởi dịch Covid-19 khi lượng khách quốc tế đến trong tháng 2 và 3 dự kiến giảm trên 60%, khách nội địa có thể giảm đến 80%. Tỉ lệ lấp buồng của các khách sạn giảm từ 20%-50% so với cùng kỳ năm ngoái; các điểm đến Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh sụt giảm 50% lượng khách… Không khoanh tay đứng nhìn ngành du lịch bị điêu đứng, hiệp hội đã xắn tay hành động bằng việc thành lập liên minh kích cầu, tạo đà phát triển cho ngành du lịch Việt Nam sau dịch. Rất nhiều doanh nghiệp (DN) hàng không, lữ hành, khách sạn, vận chuyển, nhà hàng, điểm mua sắm lớn và uy tín như Hanoitourist, Saigontourist, Vietravel, Vietnam Travelmart, Thế Hệ Trẻ TP HCM, Hanoi Redtours, Vietrantour, Vietnam Airlines… đã tham gia liên minh này.
Du khách nước ngoài tham quan à Nẵng trong ngày 20-2 Ảnh: BÍCH VÂN
Theo ông Vũ Thế Bình, trong ngắn hạn, liên minh từng bước khôi phục hoạt động của ngành du lịch, khuyến khích người dân đi tham quan, đặc biệt ở những nơi không có dịch bệnh như Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Tây Bắc, ĐBSCL, Côn Đảo, Phú Quốc… Tuy nhiên, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Hanoitourist, cho rằng cần phải giải tỏa tâm lý cho khách trong giai đoạn này và hâm nóng thị trường du lịch. “Xét tình thế hiện nay, du lịch Việt Nam có thể trông cậy vào kích cầu du lịch nội địa. Người Việt hơn ai hết hiểu rõ về từng điểm đến, tình hình dịch bệnh và tiến trình kiểm soát dịch bệnh ở địa phương, cho nên du lịch nội địa là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn suy giảm khách nghiêm trọng” – ông Thắng đề nghị.
Giảm càng nhiều càng tốt
Theo bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Vietrantour, các chương trình kích cầu tới các tỉnh trên theo chương trình của hiệp hội sẽ có giá giảm khoảng 50%-70%. Thực tế trước đó, một số hãng hàng không đã cùng với các khách sạn, lữ hành đưa ra gói kích cầu (combo) đến Đà Lạt hoặc Quy Nhơn (3 ngày 2 đêm) giá chỉ từ 1,99 triệu đồng, chương trình kéo dài đến trung tuần tháng 5. Như Công ty Du lịch AZA Travel nhanh chóng triển khai chương trình kích cầu – cùng chung tay giải cứu du lịch nội địa với các gói combo (bao gồm vé máy bay và khách sạn) giảm giá tới 70%. Các điểm đến được lựa chọn là 10 điểm du lịch nổi tiếng tại Việt Nam: Phú Quốc, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng, Hội An, Huế, Buôn Ma Thuột, Gia Lai. Các gói combo bao gồm vé máy bay khứ hồi đã bao gồm thuế, phí và 3 ngày 2 đêm tại khách sạn 2-5 sao với mức giá từ 1,59 triệu đồng/người, khởi hành từ nay đến ngày 31-5.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch AZA Travel, cho rằng việc đi du lịch vào thời điểm này chính là hành động giải cứu cho du lịch Việt Nam. “Mức giảm giá tới 70% nhưng dịch vụ vẫn bảo đảm do hàng không và khách sạn trống chỗ nên bán cắt lỗ. Công ty chúng tôi cũng bán không lợi nhuận để cùng kích cầu du lịch” – ông Đạt chia sẻ.
Ông Vũ Thế Bình thông tin thêm: “Việc giảm giá tối thiểu ở mức 20% và tối đa là 80% các sản phẩm, dịch vụ tùy DN. Chúng tôi luôn khuyến khích các DN giảm giá càng nhiều càng tốt. Ngày hôm nay chúng tôi đã nhận được cam kết của những hãng hàng không giảm giá đến 40%, có những tuyến giảm 50%”.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng khó khăn nhất là kiểm soát chất lượng dịch vụ. “Chất lượng là tiêu chí quan trọng hàng đầu cho hoạt động của liên minh. Nếu DN nào không nghiêm túc thực hiện các quy định trong cam kết sẽ bị loại khỏi danh sách” – ông Bình nhấn mạnh.
Rẻ nhưng phải an toàn
Bốn tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai và Đắk Lắk – những tỉnh chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 – đã triển khai trước chương trình kích cầu. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định, nhận định tài nguyên du lịch của tỉnh này là cực kỳ phong phú. Ông Dũng cho hay từ nay đến đầu tháng 3, tỉnh sẽ cùng liên minh tổ chức các chương trình khảo sát theo các tuyến trọng điểm của chương trình để trải nghiệm dịch vụ, từ đó xây dựng các tour kích cầu giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước, để chính thức triển khai từ giữa tháng 3.
“Bình Định và Phú Yên đang là những điểm đến mới nổi ở Việt Nam với nhiều bãi biển đẹp, quanh năm nắng ấm, các khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí mọc lên ngày càng nhiều. Có thể tổ chức những tour kéo dài 4 ngày 3 đêm ở 2 tỉnh này với các điểm tham quan, bãi biển hấp dẫn: Kỳ Co, Eo Gió, tháp Bánh Ít, Hòn Khô (Bình Định), gành Đá Đĩa, Mũi Điện Đại Lãnh, bãi Xép (Phú Yên)… Trong khi đó, Gia Lai và Đắk Lắk đang chuẩn bị vào mùa đẹp nhất trong năm: mùa hoa cà phê, mùa con ong đi lấy mật” – ông Dũng gợi ý.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Hanoi Redtours, nhấn mạnh DN và địa phương kết hợp chặt chẽ để lựa chọn và xây dựng sản phẩm theo quy trình bảo đảm an toàn nhất có thể cho du khách. Theo ông Hoan, bộ tiêu chí du lịch an toàn với dịch Covid-19 đã được xây dựng để các DN tuyệt đối tuân thủ như chỉ đưa khách đến nơi du lịch an toàn; lái xe, các hướng dẫn viên du lịch phải áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân theo khuyến cáo của Bộ Y tế, bố trí đủ khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, niêm yết số điện thoại các cơ sở y tế…
Hàng loạt giải pháp hỗ trợ
Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB) đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất những giải pháp hỗ trợ ngành du lịch vượt qua dịch Covid-19 theo từng giai đoạn. Trong đó, TAB đề xuất miễn thị thực và kéo dài thời hạn lên 30 ngày, cho phép trở lại bất kỳ lúc nào đối với các thị trường ổn định, nhất là châu Âu, Úc, New Zealand và Canada. Giảm ngay thuế GTGT du lịch từ 10% xuống 5%. Cho phép nộp thuế chậm từ 6 lên 12 tháng không bị phạt. Việc nộp thuế chậm có thể áp dụng đối với các khoản thuế GTGT của quý IV/2019 và thuế thu nhập DN và thu nhập cá nhân cho năm 2019.
TAB cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nỗ lực hơn nữa trong việc ban hành các biện pháp hỗ trợ như miễn các khoản đóng góp BHXH, BHYT của các DN, hoãn nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập DN cho đến khi dịch kết thúc. Đề nghị giảm tiền sử dụng đất 50% cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và công viên chủ đề cho năm tài chính 2020 và 2021.
Giải ngân cho TAB thực hiện kế hoạch hành động tiếp thị và quảng bá thông qua các nền tảng của Tổng cục Du lịch và Tổ Công tác marketing của TAB (cổng thông tin Vietnam.travel và các văn phòng đại diện Visit Việt Nam). Sớm thực hiện các kiến nghị trước đây của TAB về việc triển khai Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Đặc biệt, TAB kiến nghị cần có cơ quan cung cấp thông tin cho những người dự định đến Việt Nam về những quy định hiện hành liên quan đến kiểm tra sức khỏe tại cửa khẩu, yêu cầu về kiểm dịch… Cần một trang web thường xuyên cập nhật những thông tin trên, ít nhất bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Biên soạn một tài liệu nêu những kinh nghiệm tốt để các khách sạn, hãng hàng không, sân bay, các ga tàu hỏa và bến xe áp dụng nhằm bảo vệ nhân viên, du khách và cộng đồng khi dịch bệnh bùng phát cao điểm. Đồng thời, khuyến khích chính quyền các tỉnh có các điểm đến quan trọng nâng cao và duy trì ở mức cao các tiêu chuẩn vệ sinh và hành vi thân thiện giữa người dân địa phương và khách du lịch, tránh phân biệt đối xử dưới mọi hình thức với bất kỳ nhóm người nào. Nguyên tắc này cần phải duy trì ngay cả sau khi dịch bệnh được ngăn chặn hoàn toàn…
TP HCM công bố chương trình kích cầu
Cũng trong ngày 21-2, TP HCM đã tổ chức lễ công bố chương trình kích cầu du lịch Việt Nam – Triển khai chương trình kích cầu du lịch TP HCM với khoảng 40 DN trên địa bàn TP đăng ký tham gia.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TP, nhấn mạnh đây là thời điểm cơ cấu lại, xác định mục tiêu trọng tâm là thị trường trong nước nhằm đẩy mạnh tour tuyến, kích cầu bằng mức giá giảm sâu và khuyến khích người Việt đi du lịch trong nước.
“Chương trình kích cầu không chỉ đưa khách từ TP đến các địa phương mà còn thu hút khách từ các tỉnh, thành khác tới TP tham quan, mua sắm, khai thác lợi thế du lịch trên địa bàn” – bà Nguyễn Thị Khánh nói.
Hiệp hội Du lịch TP HCM nhận đăng ký của các DN du lịch với mức giá cam kết giảm từ 25%-50%, hàng không giảm đến 50%, đường bộ và đường sắt giảm đến 40%. Với sự tham gia của nhiều DN, những tour đường bộ do Nhóm Khuyến mãi kích cầu, Hiệp hội Du lịch TP thiết kế giảm từ 15%-18% so với cùng kỳ. Các DN cũng đã có những tour kích cầu sẵn sàng chào bán ngay trong và sau khi hết dịch bệnh, các điểm đến ưu tiên để xây dựng chương trình tour với tiêu chí vùng an toàn, giá kích cầu hấp dẫn, sự đồng hành tích cực của địa phương như ĐBSCL, Bình Định, Phú Yên, khu vực Tây Nguyên…
Theo Yến Anh/Người lao động
Phố Tây Bùi Viện đông đúc sau nỗi lo dịch corona
Sau thời gian vắng khách, phố đi bộ Bùi Viện (TP.HCM) trở lại với vẻ náo nhiệt vốn có. Phần lớn khách quốc tế không cảm thấy lo lắng khi trải nghiệm tại con phố sôi động này.
Xuân Thanh - Đan Anh - Ally - Thảo Ly
Theo news.zing.vn
"Đặc sản" du lịch di sản ở Ninh Thuận Phát huy tiềm năng, lợi thế về hệ thống di tích lịch sử, văn hóa của địa phương, những năm qua, tỉnh Ninh Thuận đã đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch di sản kết nối di tích với các danh lam thắng cảnh để thu hút du khách trong và ngoài nước Người đẹp bên tháp Pô Klong Garai Toàn tỉnh...