Giảm giá 50% sản phẩm, bán chung cư tặng kèm đất nền…Bất động sản cứu vãn sức mua cuối năm nhờ chính sách bán hàng “chưa có tiền lệ”
Các chương trình ưu đãi BĐS hiện nay là một giải pháp để doanh nghiệp tự “giải cứu” mình khi việc tiếp cận các kênh dẫn vốn đang vô cùng khó khăn.
Các chính sách chiết khấu sâu cũng đang góp phần kéo BĐS trở về giá trị thực, thay vì mức giá quá cao trong những năm qua.
Loạt chính sách “chưa có tiền lệ” của các ông lớn BĐS
Sức mua thị trường BĐS đang được “kéo lại” bởi các chính sách ưu đãi đặc biệt của các “ông lớn” BĐS. Các chính sách này rất hiếm khi xuất hiện trong bối cảnh thị trường bình thường.
Mới đây, Novaland ra chính sách bán hàng “chưa từng có” tại dự án Aqua City. Theo đó, khách hàng lựa chọn phương án vay ngân hàng sẽ được hỗ trợ không lãi, và miễn thanh toán gốc đến tháng 6/2023. Đồng thời được chiết khấu trực tiếp 5% vào giá bán. Đáng nói, ở một vài sản phẩm, đơn vị này tung chính sách ưu đãi tới gần 50%. Với chính sách này, một căn shophouse hoàn thiện cơ bản mặt ngoài và phần thô bên trong niêm yết hơn 13,1 tỷ đồng nhưng sẽ chỉ còn 6 tỷ đồng nếu khách thanh toán 95%. Những khách hàng chọn tiến độ thanh toán khác, mức chiết khấu cũng lên tới trên 17%.
Cũng rất hiếm khi dành ưu đãi “mạnh tay”, mới đây Nam Long Group cho biết, nhân dịp kỉ niệm 30 năm thành lập, doanh nghiệp đang áp dụng chương trình chiết khấu trực tiếp 5% vào giá bán tại dự án Flora Panorama (Bình Chánh, Tp.HCM) và Akari City (Q.Bình Tân, Tp.HCM) là hai dự án đang mở bán căn hộ giai đoạn tiếp. Trong khi chính sách về thanh toán thì doanh nghiệp vẫn dành ưu đãi cho người mua khi áp dụng gói vay 0%/năm trong vòng 12 tháng và ân hạn nợ gốc hoặc gói vay cố định lãi suất 6% trong vòng 24 tháng và ân hạn nợ gốc ngần ấy thời gian.
Chính sách bán hàng gây “sốc” phải kể đến dự án Phúc Đạt Connect 2 (TP.Dĩ An, Bình Dương) khi người mua chung cư được tặng đất nền. Cụ thể, khách hàng chỉ cần thanh toán 30% giá trị căn hộ sẽ được nhận nhà. Đối với khách hàng mua từ 2 căn trở lên sẽ được tặng 1.000 m2 đất tại Gia Lai.
Video đang HOT
Ảnh minh hoạ.
Trước đó, đầu tháng 10, chủ đầu tư một dự án tại Tp.Thủ Đức công bố chính sách chiết khấu 43% nếu khách mua thanh toán vượt 98% giá trị sản phẩm. Với chính sách này, một căn hộ 70m2 có mức giá 4,76 tỷ đồng được giảm xuống chỉ còn 2,57 tỷ đồng.
Chưa từng xuất hiện trong kế hoạch bán hàng, Tập đoàn An Gia ra chính sách cam kết thuê “khủng” gây chú ý tại dự án The Standard (Bình Dương). Cụ thể, chủ đầu tư này tư cam kết thuê lại nhà phố với mức 1,68 tỷ đồng trong hai năm (tương đương 70 triệu đồng mỗi tháng). Trường hợp khách từ chối cam kết thuê sẽ nhận chiết khấu trừ trực tiếp vào giá trị hợp đồng.
Cũng chưa “từng có tiền lệ” bằng chính sách ưu đãi cho thuê, Phú Đông Group cam kết cho thuê lại căn hộ Phú Đông SkyOne với giá 12 triệu đồng/tháng. Chưa kể, khách hàng được giãn tiến độ thanh toán chỉ 0.5%/tháng…
Vừa bán hàng, vừa “nghe ngóng” thị trường
Thực tế cho thấy, đây là các doanh nghiệp BĐS còn có sản phẩm để bán và vẫn tiếp tục câu chuyện bán hàng trong bối cảnh thị trường biến động, tâm lý người mua dao động mạnh. Việc tiếp cận khách mua ở thời điểm này không dễ dàng khiến doanh nghiệp cố kéo sức mua bằng các chính sách bán hàng “mạnh tay”. Theo các chuyên gia, đây là điều dễ hiểu trong bối cảnh mà người mua có tiền cũng “ngại xuống”.
Bản thân các chủ đầu tư cũng trong trạng thái: vừa bán hàng, vừa nghe ngóng thêm thị trường. Một số doanh nghiệp có kế hoạch mở bán vào cuối năm nay nhưng đã lùi lịch để chờ tín hiệu tốt hơn từ thị trường. Hoặc mở bán kiểu “cầm chừng” để chờ thêm động thái từ chính sách tín dụng và sức cầu nói chung.
Đại diện một doanh nghiệp địa ốc chia sẻ: Thực tế, sức mua đã sụt giảm mạnh so với đầu năm. Hiện người quan tâm BĐS chủ yếu ở nhu cầu ở thực và nhà đầu tư có sẵn dòng tiền. Tuy vậy, đối tượng này lại trong tâm lý là muốn chờ giá giảm thêm để mua vào. Điều này khiến thanh khoản thị trường chung tiếp tục giảm. Tuy vậy, người mua hiện nay đang được hỗ trợ mạnh tay từ phía chủ đầu tư, là cơ hội rất lớn cho người mua khi thị trường phục hồi. “Sẽ rất hiếm thời điểm mà doanh nghiệp BĐS ra chính sách mạnh tay về giá. Việc chiết khấu hay linh hoạt thanh toán cũng chính là cách mà doanh nghiệp giảm giá bán cho người mua. Nếu không phải lúc thị trường biến động tâm lý thì không dễ có chính sách này trong kế hoạch bán hàng”, đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, các chương trình ưu đãi BĐS hiện nay là một giải pháp để doanh nghiệp tự “giải cứu” mình khi việc tiếp cận các kênh dẫn vốn đang trở nên vô cùng khó khăn. Các chính sách chiết khấu sâu cũng đang góp phần kéo BĐS trở về giá trị thực, thay vì mức giá quá cao trong những năm qua. Việc giảm giá bán hoặc tăng chiết khấu là chiêu thức kích cầu hiệu quả của doanh nghiệp BĐS khi họ muốn nhanh chóng thu về tiền mặt.
Hiện nay, tâm lý của đa số nhà đầu tư trên thị trường là nghe ngóng và do dự khi tín dụng bị siết và lãi suất tăng. Theo đó, giá BĐS đang có dấu hiệu chững lại, hiện tượng đầu cơ, sốt đất không còn xuất hiện. Để có thanh khoản, nhiều dự án phải áp dụng các chính sách bán hàng linh hoạt, tăng chiết khấu, cam kết lợi nhuận, cam kết mua lại…. nhằm kích cầu vào giai đoạn cuối năm – thời điểm đáng nhẽ sức cầu về BĐS phải “bật tăng”.
Theo một số chuyên gia trong ngành, thị trường BĐS cần giải pháp tổng thể để “cứu vãn” thanh khoản. Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, do tắc nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, nghẽn cả nguồn vốn huy động từ khách hàng nên một số doanh nghiệp BĐS hiện đói vốn, phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro. Có trường hợp phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm BĐS, nhà ở với chiết khấu sâu đến 40 – 50% giá hợp đồng. Theo đánh giá của ông Châu, năm 2023 sẽ có nhiều nguy cơ xảy ra lạm phát, suy thoái kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu kịch bản này diễn ra sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế và thị trường BĐS Việt Nam.
Chính phủ thành lập tổ công tác đặc biệt gỡ khó khăn cho bất động sản đã tác động mạnh đến tâm lý thị trường
Kịch bản khó dự đoán của thị trường BĐS từ nay đến cuối năm
Trước những động thái kiểm soát dòng vốn đổ vào BĐS, thị trường đang bắt đầu chậm lại, giao dịch các sản phẩm cao cấp ít dần. Thanh khoản thị trường nhìn chung bị ảnh hưởng.
Chia sẻ mới đây, một doanh nghiệp BĐS tại Tp.HCM cho hay, thời gian gần đây, giao dịch dự án bắt đầu chậm lại, giảm rõ nét so với giai đoạn đầu năm. Điều này đã khiến nhịp kinh doanh của doanh nghiệp chững lại.
Với các động thái siết tín dụng; thuế chuyển nhượng, hay các chính sách đề xuất thời hạn sử dụng với chung cư... đã phần nào tác động đến tâm lý của nhà đầu tư BĐS. Từ đó, thanh khoản dự án chậm nhịp. Theo các chuyên gia, từ nay đến cuối năm 2022, thị trường BĐS không mấy lạc quan. Thậm chí, bức tranh có thể diễn biến theo chiều hướng xấu như xuất hiện bán tháo BĐS, ở các nhà đầu tư áp lực ngân hàng, hoặc không vay được vốn để đầu tư tiếp.
Chia sẻ trên báo chí, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế tài chính cho rằng, BĐS xảy ra bong bóng trá hình. Có nghĩa là giá BĐS vẫn tăng nhưng người muốn bán lại bán không được dù đã giảm giá dưới mặt bằng chung. Theo đó, ở bối cảnh này, những doanh nghiệp, doanh nhân hay nhà đầu tư đang lướt sóng mạnh, dùng vốn vay nhiều thì sẽ gặp khó khăn.
Vị chuyên gia này phân tích, nhiều người đổ vào đầu tư vào một ngành đó thì giá tăng. Tuy nhiên, theo quy luật cung cầu khi cung tăng cao nhưng cầu không có thì buộc giá hàng hóa giảm giá. Thị trường hiện tại đã đẩy cung ảo tăng lên nhiều lần so với nhu cầu thực sự của người đang mua BĐS.
Ông Hiển dự báo, nửa cuối năm nay giá căn hộ chuẩn ở TP.HCM sẽ dao động nhẹ. Còn tất cả phân khúc khác như đất nền, nhà phố... đã đẩy giá tăng quá ảo sẽ mất thanh khoản thời gian dài nếu tiếp tục neo giá bán cao như hiện nay. Việc nhà đầu tư "ngộp" tài chính giảm giá bán 20-30% so với thị trường là hoàn toàn có thể xảy ra.
Còn ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS cho hay, trước những động thái kiểm soát dòng vốn đổ vào BĐS, thị trường đang bắt đầu chậm lại, giao dịch các sản phẩm cao cấp ít dần. Các nhà đầu tư cá nhân lớn đang có xu hướng cơ cấu lại sản phẩm, rút bớt đầu tư ở tỉnh, giữ các sản phẩm gần trung tâm để đảm bảo tính thanh khoản sau này.
Ông Quang dự báo, giá có thể giảm mạnh để thoát hàng ở các NĐT ngộp vốn. Trong quý 3/2022, dự báo thị trường sẽ bình lặng, giá không tăng, giao dịch chậm lại. Nếu chủ đầu tư tái cơ cấu sản phẩm lại tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường thì giao dịch từ giờ đến cuối năm sẽ ổn định hơn.
Vị chuyên gia này cho rằng, từ nay đến cuối năm, căn hộ đã bàn giao, có sổ vẫn giao dịch tốt. Cùng với đó, những sản phẩm nhà phố trong trung tâm ở những TP lớn vẫn hấp dẫn. Ngoài ra, đất nền của các tỉnh, thành gần Tp.HCM có mức giá hợp lý sẽ vẫn có thanh khoản tốt hơn.
Báo cáo thị trường tháng 4/2022 của các đơn vị phân tích cũng chỉ ra, nếu quý I12022, mức độ quan tâm đến đất nền trên phạm vi cả nước tăng 4%. Nhiều địa phương có lượt tìm mua đất nền tăng, như các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Thanh Hóa. Tuy nhiên, bước sang tháng 4/2022, mức độ quan tâm đến đất bán trên cả nước giảm 18% so với tháng liền trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm 2021.
Đơn vị này cho rằng, thời gian qua, các thông tin về vi phạm của các doanh nghiệp bất động sản lớn cùng với việc cơ quan quản lý siết chặt hơn quy định về thuế, kiểm soát việc phân lô, bán nền khiến người mua và nhà đầu tư bất động sản thận trọng hơn.
Báo cáo thanh khoản nhà chung cư tại Tp.HCM của DKRA Việt Nam cũng cho thấy, trong 3 tháng đầu năm lượng tiêu thụ nhà ở trên địa bàn thành phố giảm mạnh so với mùa cao điểm bán hàng cuối năm ngoái. Cụ thể, quý 1/2022, toàn thành phố bán được 1.385 căn hộ trong rổ hàng mới, giảm 68% so với lượng tiêu thụ quý 4/2021 (đạt 4.344 căn) và giảm gần 30% so với quý 1/2021 (bán được 1.960 căn). Sức tiêu thụ nhà chung cư trong quý đầu năm nay thậm chí kém hơn cả giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh hồi năm ngoái.
Theo Colliers Việt Nam, lượng giao dịch căn hộ sụt giảm do đại dịch và khoảng nghỉ dài dịp Tết. Hơn nữa, đơn vị này nhìn nhận giá nhà vẫn trên đà tăng khiến người mua cân nhắc đắn đo nhiều hơn. Ngoài ra, diễn biến một số doanh nghiệp rút khỏi thương vụ đấu giá các lô đất Thủ Thiêm cuối năm ngoái đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường nhà ở trong những tháng đầu năm 2022.
Ngoài ra, một phần nguyên nhân còn do thu nhập của người mua nhà bị ảnh hưởng trong đại dịch kéo dài sang năm 2022. Mặt khác, thị trường nhà chung cư đang dần mất đi một lượng khách hàng đầu tư căn hộ cho thuê khi giá nhà tăng cao nhưng việc khai thác cho thuê không còn hiệu quả như 5-10 năm trước.
Quảng Nam xử lý tổ chức, cá nhân gây bất ổn thị trường bất động sản UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công an tỉnh chủ động kiểm tra, nắm bắt thông tin để xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo, lũng đoạn, xúi giục, kích động, gây bất ổn thị trường bất động sản. Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành báo cáo trả lời ý kiến cử tri...