Giảm gánh nặng chi phí điều trị cho người nghèo mắc lao
Theo thống kê, sau 2 năm bởi dịch COVID-19, số người mắc bệnh lao gia tăng, đặc biệt là ở vùng nông thôn, lao động di cư, người dân tộc thiểu số, tăng nguy cơ tái nghèo.
Do điều trị kéo dài, tốn kém nên bảo hiểm y tế (BHYT) hỗ trợ giảm chi phí nhưng nguy cơ tái nghèo cao do hậu quả lâu dài.
Giảm bớt khó khăn
Phát hiện mình mắc Lao từ Chương trình khám sàng lọc lao miễn phí của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến sức khỏe cộng đồng (SCDI) triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ông La O Dắc (dân tộc Chăm) xã Đất Bằng, huyện Krông Pa (Gia Lai) đã không khỏi lo lắng vì nỗi lo tiền viện phí. Tuy nhiên nhờ có thẻ BHYT, suốt 6 tháng ròng chữa bệnh ông La O Dắc được hỗ trợ tiền thuốc từ BHYT.
Khám sàng lọc bệnh nhân lao tại một địa bàn khó khăn của tỉnh Đắk Lắk.
Ông La O Dắc là một trong người trong xã phát hiện mắc bệnh Lao nhờ chương trình khám sàng lọc từ SCDI. “Xã Đất Bằng là xã vùng cao khó khăn của tỉnh Gia Lai, bà con chủ yếu sống bằng nghề làm nương rẫy, trồng sắn, kinh tế rất eo hẹp nên để điều trị bệnh kéo dài như bệnh lao nếu không có BHYT sẽ rất khó khăn, không có tiền để chữa trị. Vì các hộ dân được cấp thẻ BHYT nên việc điều trị đã đỡ được gánh nặng kinh tế rất nhiều cho bà con”, y sĩ Rơ Châm Lộc chia sẻ.
Thuốc chống lao được nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế cấp cho bệnh nhân lao trên toàn quốc bắt đầu từ tháng 7/2022, đánh dấu một cột mốc quan trọng nhằm bảo đảm tài chính cho chương trình điều trị lao tại Việt Nam, gióp phần giảm gánh nặng tài chính cho người bệnh.
“Các nhà tài trợ đang chuyển hướng từ hỗ trợ trực tiếp cho người bệnh mua thuốc lao, thành hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, trong một số năm đầu người bệnh chưa có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được hỗ trợ từ các nguồn tài trợ, viện trợ hoặc từ ngân sách địa phương để mua thẻ bảo hiểm y tế. Như vậy, việc này sẽ xóa tan đi nỗi lo gánh nặng bệnh lao bấy lâu nay”, PGS, TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia cho biết.
Video đang HOT
Người bệnh có thể sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để vừa đi khám bệnh khác, vừa sử dụng thuốc điều trị lao, các quyền lợi vẫn được bảo đảm như trước đây. người bệnh lao đa số là bệnh nhân nghèo, không thể tự trang trải chi phí điều trị thuốc chống lao, do vậy sẽ là động lực để họ tham gia bảo hiểm y tế.
Phòng hơn chống
Sau nhiều năm cố gắng, gia đình chị Tiêu Thị Hương (TP Hải Dương) cũng “trả” được sổ hộ nghèo. Niềm vui thoát được hộ nghèo chưa được bao lâu thì chồng chị mắc bệnh lao. Phát hiện lao lần thứ nhất năm 2019, nhờ tuân thủ nghiêm túc phác đồ về điều trị lao, sau 6 tháng điều trị tích cực chồng chị Hương khỏi bệnh song tài sản trong nhà cũng “đội nón ra đi”, cộng thêm số tiền vay nợ mới khiến gia đình chị Hương đứng trước nguy cơ tái nghèo. Nợ cũ chưa trả hết thì tháng 4/2022 chồng chị tiếp tục phát hiện mắc lao lần 2.
“Bị mắc lần 2, cơ thể chồng tôi suy nhược trầm trọng nên tôi phải mua thêm rất nhiều thuốc bổ, vitamin để bổ sung cho chồng, chưa kể chế độ ăn uống dinh dưỡng hàng ngày. May mà tiền viện phí, thuốc điều trị lao được phát miễn phí và BHYT chi trả”, chị Hương cho biết.
Hiện Việt Nam là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới với hơn 172.000 người mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao (báo cáo WHO 2020). Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa – nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Thống kê cũng cho thấy, hiện nay có khoảng 70% bệnh nhân lao thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Dù thuốc chống lao được cấp miễn phí song với thời gian điều trị kéo dài cùng với nhiều bệnh lý kèm theo nên chi phí điều trị cho một bệnh nhân có thể lên tới vài trăm triệu đồng.
Theo bà Kiều Thị Mai Hương, Quản lý Chương trình Sức khỏe và An sinh, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Phát triển cộng đồng ( SCDI), hiện chi phí điều trị lao đã được BHYT chi trả trong khi đó các nghiên cứu gần đây cho thấy, nếu tuân thủ phác đồ điều trị bệnh lao có thể hoàn toàn chữa khỏi. Do vậy, cần có những chính sách hỗ trợ đảm bảo 100% bệnh nhân lao có thẻ BHYT.
Thực tế cho thấy, do ảnh hưởng của COVID-19 khiến người dân không tiếp cận y tế thường xuyên nên tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát mới chỉ đạt 77%, thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu của WHO (85%) và của Chương trình Chống lao Quốc gia (90%). Việc chuyển đổi cơ chế mua sắm, thanh toán thuốc chống lao từ ngân sách nhà nước sang BHYT đã bắt đầu được triển khai tuy nhiên nhiều địa phương gặp khó khăn và vướng mắc cần được Chương trình Chống lao cùng Bộ Y tế, cơ quan BHXH Việt Nam hỗ trợ tháo gỡ.
Theo bác sỹ Châu Đương, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk, tỷ lệ mắc bệnh lao toàn tỉnh vẫn ở mức 170 người/100.000 dân; còn nhiều bệnh nhân lao mắc bệnh ở cộng đồng chưa được phát hiện, điều trị kịp thời. Hiện nay, bệnh Lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm. Đáng lo ngại có nhiều nguy cơ lây lan ra cộng đồng nếu bệnh nhân không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao và giảm gánh nặng tác hại của bệnh lao gây ra cho gia đình và xã hội.
“Thông thường, một trường hợp xét nghiệm, chụp X-quang phổi để tầm soát bệnh lao sẽ có chi phí khoảng 2,5 triệu đồng. Việc miễn phí xét nghiệm và điều trị có ý nghĩa to lớn đối với người dân nhất là người có hoàn cảnh khó khăn”, bác sỹ Châu Đương khẳng định.
Do đó, nâng cao nhận thức về phòng chống bệnh lao có ý nghĩa quan trong để tầm soát, khám sàng lọc, việc phòng bệnh sẽ mang lại hiệu quả hơn chữa bệnh, dù có thẻ BHYT.
Cấp thuốc lao nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế: Điểm tựa bền vững cho bệnh nhân lao
Kể từ ngày 1/7/2022, thuốc chống lao nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ được cấp cho bệnh nhân lao trên toàn quốc. Sự kiện "Triển khai cấp thuốc lao nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế" đã được Chương trình Chống lao quốc gia cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức vào sáng cùng ngày.
Bác sỹ bệnh viện Phổi Lạng Sơn chăm sóc, cấp thuốc cho bệnh nhân nhiễm lao. Ảnh: Quang Duy/TTXVN
Nói về sự phối hợp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam với Bộ Y tế thời gian qua, ông Nguyễn Trung Quý - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, trước thời điểm ngày 1/7/2022, các thuốc điều trị bệnh lao dùng cho người bệnh đã được ngân sách nhà nước và các nguồn tài trợ thanh toán thì sẽ không thuộc bảo hiểm y tế thanh toán. Công văn số 6908/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao, giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan "Xây dựng quy định việc mua sắm, thanh toán thuốc chống lao sử dụng nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế từ năm 2022", đã tạo tiền đề cho việc xây dựng Thông tư 36/2021/TT-BYT thay thế Thông tư 04/2016/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về khám bệnh, chữa bệnh và thanh chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế liên quan đến bệnh lao. Quá trình xây dựng Thông tư này đều có sự tham gia, đóng góp ý kiến của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Sau khi Thông tư 36/2021/TT-BYT và Công văn số 3153/BYT-BH về việc tổ chức thực hiện Thông tư này được ban hành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng và Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân phối hợp chặt chẽ, tổ chức thực hiện tốt các nội dung hướng dẫn.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng tích cực tham gia đấu thầu tập trung quốc gia thuốc chống lao. Ngay sau khi Bệnh viện Phổi Trung ương được giao nhiệm vụ tổ chức đấu thầu mua sắm tập trung cấp quốc gia thuốc chống lao hàng 1 sử dụng nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có công văn cử 3 cán bộ tham gia vào tổ chuyên gia xây dựng kế hoạch đấu thầu.
Liên quan đến việc triển khai cấp thuốc lao nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế từ ngày 1/7, ông Nguyễn Trung Quý cho hay, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề này. Để thực hiện được tốt nhiệm vụ trên, ngày 29/6 vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản gửi Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân đề nghị tập trung triển khai Thông tư 36/2021/TT-BYT và Công văn số 3153/BYT-BH của Bộ Y tế. Trong đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam lưu ý các đơn vị tập trung vào việc ký hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng. Nội dung hợp đồng, phụ lục hợp đồng trên cơ sở đề nghị của cơ sở khám, chữa bệnh và phải thực hiện theo đúng Luật Bảo hiểm y tế, các văn bản hướng dẫn liên quan.
Đồng thời, phải thực hiện đúng quy định trong giám định thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh lao không thực hiện được các dịch vụ cận lâm sàng, phải chuyển mẫu bệnh phẩm của người bệnh lao đến các cơ sở khác. Từ ngày 1/7/2022, Bảo hiểm xã hội các tỉnh tổ chức thực hiện giám định, thanh toán thuốc chống lao theo quy định tại Khoản 1, Điều 5 Thông tư số 36/2021/TT-BYT và các quy định tại Điều 3, khoản 1 ,2, 3, 4, 5 Điều 4 của Thông tư 30/2018/TT-BYT (ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện than toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế).
"Bảo hiểm xã hội có thể cử cán bộ phối hợp tham gia với sở y tế thẩm định kế hoạch, nhu cầu thuốc chống lao sử dụng nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế", ông Quý nói.
Cũng theo vị Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế này, việc phối hợp chặt chẽ, tích cực của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam với Bộ Y tế, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao quốc gia trong việc xây dựng, ban hành văn bản về khám bệnh, chữa bệnh; thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế liên quan đến bệnh lao và tham gia đấu thầu tập trung quốc gia thuốc lao hàng 1 sử dụng trong năm 2022 - 2023 cho thấy sẽ mang những kết quả khả quan, góp phần quan trọng trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế nói chung.
Nhận định việc bắt đầu cấp thuốc lao nguồn bảo hiểm y tế vào 1/7/2022 là "sự kiện có tính nhân văn rất cao", ông Nguyễn Trung Quý khẳng định, sự kiện đóng vai trò như một điểm nhấn, một dấu ấn về việc thực hiện có kết quả quy chế phối hợp giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế. Đây cũng là một hoạt động rất có ý nghĩa nhân Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1/7).
Việc chuyển mua thuốc chống lao từ nguồn ngân sách nhà nước sang Quỹ Bảo hiểm y tế là điểm tựa bền vững, hiệu quả và thiết thực hơn cho bệnh nhân lao. Việt Nam là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao nhất trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính năm 2020 có trên 172.000 người mắc và 10.400 người chết vì bệnh lao tại Việt Nam.
Trước đây, thuốc chống lao hàng 1 được mua bằng nguồn ngân sách nhà nước thông qua Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số của Bộ Y tế để cung cấp điều trị miễn phí cho người bệnh lao. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025 không còn nguồn ngân sách Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số, ngân sách phân bổ cho các hoạt động phòng, chống lao sẽ từ nguồn ngân sách hoạt động thường quy của Bộ Y Tế. Với nguồn viện trợ Quỹ toàn cầu chu kỳ 2021-2023, thuốc chống lao hàng 2 hiện đang được mua sử dụng nguồn kinh phí viện trợ quốc tế không hoàn lại từ Quỹ toàn cầu với cam kết đến hết năm 2023. Quỹ toàn cầu cũng yêu cầu sự đóng góp từ Chính phủ Việt Nam cho nhu cầu điều trị thuốc chống lao hàng 2 cho 100 bệnh nhân lao đa kháng trong năm 2019 và 2020. Chính vì vậy, cần bảo đảm nguồn kinh phí bền vững trong nước để chi trả cho việc mua sắm thuốc chống lao hàng 1 và hàng 2, nhằm bảo đảm duy trì quyền lợi tiếp cận thuốc cho người bệnh.
Sự kiện triển khai cấp thuốc lao nguồn bảo hiểm y tế đánh dấu một cột mốc quan trọng nhằm đảm bảo tài chính cho chương trình điều trị lao tại Việt Nam. Từ ngày hôm nay, các cơ sở điều trị lao trên toàn quốc bắt đầu cấp thuốc lao cho bệnh nhân qua bảo hiểm y tế. Trong thời gian tới, Chương trình Chống lao quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, đặc biệt là Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cũng như hướng dẫn các cơ sở điều trị lao để đảm bảo kiện toàn tổ chức khám, chữa bệnh lao đáp ứng các điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý sử dụng, cung ứng, điều phối thuốc lao qua bảo hiểm y tế.
Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ thông qua Dự án Phát triển hệ thống y tế bền vững đã và đang tiếp tục hỗ trợ Chương trình Chống lao quốc gia trong quá trình chuyển giao các dịch vụ điều trị lao sang bảo hiểm y tế trong hai năm vừa qua và sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Hỗ trợ kinh phí cho sinh viên người dân tộc thiểu số Ngày 9/12, Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước tổ chức buổi gặp mặt và trao kinh phí hỗ trợ học sinh người dân tộc thiểu số năm học 2021 - 2022. Đại diện lãnh đạo tỉnh trao hỗ trợ kinh phí cho học sinh dân tộc thiểu số. Thực hiện Quyết định số 35/2021/QĐ-UBND ngày 15/9/2021 của UBND tỉnh Bình Phước về chính...