Giám đốc Công ty Sâm Việt Nam phản hồi về thông tin sở hữu 10ha sâm Ngọc Linh ở Kon Tum
“Đất đai thuộc sở hữu của toàn dân, do nhà nước quản lý. DN không sở hữu đất đai, mà phải thuê đất từ nhà nước.
DN chỉ sở hữu các vườn sâm trên đất, do DN bỏ chi phí đầu tư, phát triển, chăm sóc… cùng với các tổ chức, hộ dân, thông qua hình thức ký kết các hợp đồng hợp tác, liên kết”.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Tuấn Vũ – Giám đốc Công ty SVN đã phản hồi về thông tin xung quanh việc sở hữu hay đầu tư 10ha sâm Ngọc Linh ở Kon Tum.
Theo ông Vũ, không phải ngẫu nhiên, sự khai trương Công ty cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam (Công ty SVN) tại tỉnh Kon Tum đã nhận được sự hỗ trợ của chính quyền, cơ quan chức năng và người dân. “Phụng sự cộng đồng bằng cả trái tim” là phương châm của doanh nghiệp (DN).
Xin ông cho biết, vì sao DN của ông lại quyết định đầu tư vào cây sâm và các loại cây dược liệu tại tỉnh Kon Tum, mà không đầu tư ngành nghề khác, ở địa phương khác – trong khi xuất thân của ông là kỹ sư ngành công nghiệp xây dựng?
- Tôi xuất thân từ kỹ sư xây dựng, từng tham gia thi công nhiều dự án công nghiệp lớn ở miền Tây Nam bộ, TP.HCM, Tổ hợp công nghiệp dầu khí Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu)… Tuy nhiên, khi tận mắt thấy bố mình mắc bệnh mất, không cách gì cứu chữa, nên không biết từ bao giờ, đau đáu trong tâm trí tôi một suy nghĩ sẽ làm bất cứ điều gì, để cứu người…
Ông Nguyễn Tuấn Vũ – Giám đốc Công ty SVN tại một trong những vườn sâm do DN đầu tư và phát triển tại huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: L.T
Với cây sâm quý Ngọc Linh mà Việt Nam coi như Quốc bảo, tôi đã linh cảm cuộc đời còn lại của mình sẽ gắn bó với loại cây này – vốn có tác dụng rất tốt cho sức khỏe con người. Vì vậy, tôi đã bán nhà ở TP.HCM, đổ vốn rất nhiều để thành lập DN chuyên về đầu tư, phát triển cây sâm nói riêng và các loại cây thảo dược nói chung.
Trước khi thành lập Công ty SVN, tôi đã lập ra 2 công ty – tiền thân của Công ty SVN, nhằm mục đích đầu tư, phát triển cây sâm Ngọc Linh, cũng như nhiều loại cây dược liệu khác ngay tại tỉnh Kon Tum.
Khi đến với Kon Tum cũng là một cái duyên đối với tôi bởi lẽ Kon Tum là một trong các tỉnh nghèo nhưng được trời phú cho một loại dược liệu quý nhất cả nước. Tuy nhiên đến giờ cây sâm Ngọc Linh vẫn chưa phát huy được hết thế mạnh. Trong khi đó, đây cũng là khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số không có công ăn việc làm, đời sống còn rất nhiều khó khăn.
Những vườn sâm Ngọc Linh được Công ty SVN liên kết với các hộ dân cùng đầu tư, phát triển cây sâm ngay dưới tán rừng. Ảnh: L.T
Công ty SVN đã đầu tư và phát triển như thế nào, với cây sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu khác ở Kon Tum – nơi vốn có nhiều DN đã đầu tư, đã phát triển từ rất lâu?
- Công ty SVN được thành lập và phát triển ngay tại vùng đất thánh địa linh thiêng trồng sâm Ngọc Linh tại Kon Tum. Là doanh nghiệp nhỏ, nhưng chúng tôi mong muốn làm được điều gì đó để phát triển đời sống của bà con vùng dân tộc thiểu số. Từ đó góp phần nâng cao năng lực, chỉ số cạnh tranh của tỉnh nhà.
Với trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội, Công ty SVN tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi Ngọc Linh, giúp cho đồng bào cải thiện cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Để thực hiện được điều đó thì không thể không kể đến sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan chức năng và chính quyền tỉnh Kon Tum. Sự tin yêu ủng hộ của quý khách hàng và sự nhiệt huyết của cán bộ, công nhân viên tại Công ty SVN.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Tuấn Vũ (trái) cùng một hộ dân người dân tộc Xu Đăng liên kết đầu tư, phát triển cây sâm, theo hợp đồng đã ký kết với Công ty SVN. Ảnh: N.V
Tháng 7/2019, Công ty CP dược liệu Núi Ngọk (tiền thân của Công ty SVN), do tôi làm Giám đốc, đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty CP sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông – Kon Tum.
Theo đó, DN của chúng tôi với Công ty sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông cùng đầu tư trồng cây dược liệu trên diện tích 3ha, tại làng Moza, xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông, với thời hạn 20 năm. Hiện hợp đồng trên vẫn đang có hiệu lực, việc hợp tác đầu tư diễn ra bình thường.
Ngoài ra, Công ty SVN còn ký hợp đồng liên kết đầu tư, phát triển vườn sâm với nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (người Xơ Đăng). Thí dụ: Trong năm 2020 Công ty SVN ký hợp đồng liên kết với hộ ông A.K (xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông), cùng đầu tư và phát triển 5ha sâm…
Năm 2020, Công ty SVN ký kết hợp tác với hộ ông A.L (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) để đầu tư trồng vườn sâm tại 2 khu đất thôn Đăk Viên và thôn Tu Thó – đều thuộc xã Tê Xăng.
Cũng trong năm 2021, Công ty SVN ký hợp đồng liên kết đầu tư, phát triển vườn sâm với hộ ông A.P (xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông).
DN liên kết cùng các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trồng sâm để tạo sinh kế cho người dân có công ăn việc làm, có thu nhập, là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, Nhà nước và chính quyền địa phương. Ảnh: L.T
Việc liên kết, hợp tác đầu tư và phát triển vườn sâm Ngọc Linh với các hộ dân được Công ty SVN thực hiện theo đúng quy định của luật pháp. DN cam kết bỏ vốn, chi phí mua giống, chi phí chăm sóc, bảo vệ vườn cây; các hộ dân thì bỏ công chăm sóc, theo dõi vườn cây phát triển…
Toàn bộ thành phẩm thu hoạch được, DN bao tiêu cho các hộ dân.
Công bố với công luận, đại diện Công ty SVN cho rằng “đang sở hữu vườn sâm với hơn 10 ha” ở tỉnh Kon Tum. Ông có thể nói rõ hơn việc sở hữu này phải hiểu như thế nào?
- Đất đai thuộc sở hữu của toàn dân, do nhà nước quản lý. DN không sở hữu đất đai, mà phải thuê đất từ nhà nước. DN chỉ sở hữu các vườn sâm trên đất, do DN bỏ chi phí đầu tư, phát triển, chăm sóc… cùng với các tổ chức, hộ dân, thông qua hình thức ký kết các hợp đồng hợp tác, liên kết.
Trên thực tế, như tôi đã chứng minh cụ thể bằng các hợp đồng ký kết hợp tác, liên kết với Công ty sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông, các hộ dân A.K, A.L, A.P …, việc Công ty SVN hiện đang đầu tư, phát triển 10ha sâm Ngọc Linh là một thực tế.
Những vườn sâm này do Công ty SVN đầu tư hiện đang phát triển rất tốt. Các vườn sâm được dựng hàng rào bảo vệ, đầu tư giống, được chăm sóc kỹ càng…
Công ty cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam còn đầu tư một khu nghiên cứu quy mô tại thị trấn Măng Đen. Ảnh: N.T.V
Chúng tôi đang nghiên cứu chuẩn bị cho bước chế biến sâu để có các thành phẩm từ sâm và các cây dược liệu khác trong thời gian tới, khi cây sâm và các dược liệu khác được thu hoạch, khai thác.
Tất nhiên, do đặc thù canh tác cây sâm Ngọc Linh ở Kon Tum, Quảng Nam, trên độ cao bình quân 1.400m, chúng tôi không thể tiết lộ chi tiết. Trái lại, phải giữ bí mật thông tin liên kết, kinh doanh, vì vùng trồng sâm thường hay xảy ra nạn trộm cắp sâm, hành vi phá hoại hoặc cạnh tranh không lành mạnh… Việc bảo mật thông tin trong liên kết, hợp tác, làm ăn giữa các DN, tổ chức và cá nhân, là không vi phạm luật pháp.
Với các quy định của luật pháp về đầu tư, kinh doanh, đất đai…, Công ty SVN chấp hành không sót điều gì. Trên nguyên tắc các hợp đồng đều được ký kết và công chứng, có chứng thực của chính quyền địa phương.
Là người tâm huyết với cây sâm Ngọc Linh, ông đánh giá thế nào về tiềm năng, triển vọng phát triển của cây sâm Ngọc Linh? So sánh với cây sâm của đất nước Hàn Quốc, cây sâm Ngọc Linh của Việt Nam liệu có sánh bằng?
- Tôi đã đi và khảo sát nhiều vùng trồng sâm của đất nước Hàn Quốc; cũng như tôi đã từng hỏi một số chuyên gia Hàn Quốc về cây sâm. Họ đã chân thành nói với tôi rằng, “cây sâm Ngọc Linh của Việt Nam ở trên đầu, còn cây sâm Hàn Quốc thì chỉ tới… chân thôi”.
Đó là họ nói về cái độ quý giá, chất lượng độc chất vô nhị của cây sâm Ngọc Linh – Việt Nam. Bởi, thân rễ sâm Ngọc Linh chứa tới 52 hợp chất saponin, trong đó, có tới 26 hợp chất saponin không có trong các loại sâm khác. Sâm Hàn Quốc không bằng được sâm Ngọc Linh. Vì thế, giới chuyên gia về sâm đã xếp sâm Ngọc Linh là một trong 5 cây sâm quý nhất trên thế giới.
Tiến sĩ Dương Tấn Nhựt (trái)-chuyên gia hàng đầu về cây sâm ở Việt Nam, Viện phó Viện sinh học Đà Lạt – cũng là người hỗ trợ Công ty SVN trong việc cấy mô, tạo giống sâm cho DN. Ảnh: N.T.V
Tuy nhiên, họ vẫn cho rằng, dù có được loại sâm quý nhất thế giới, nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt được đẳng cấp như Hàn Quốc, là đưa cây sâm trở thành loại cây biểu tượng để cả thế giới biết đến. Việt Nam vẫn chưa phát triển cây sâm Ngọc Linh thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia.
Vì vậy, việc Công ty SVN nỗ lực đầu tư và phát triển cây sâm ở Kon Tum, cũng nhằm mục đích góp phần cùng địa phương phát triển một ngành kinh tế đặc thù – lấy cây sâm làm chủ đạo.
Nỗ lực phát triển cây sâm thành loại cây hàng hóa, phổ biến cho người dân cùng tham gia đầu tư, phát triển các vườn sâm quý, vừa như một phương cách tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số có công ăn việc làm, có thu nhập, vừa xóa đói – giảm nghèo. Điều này cũng phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và được chính quyền địa phương khuyến khích đầu tư, đối với cây sâm Ngọc Linh.
Sâm Ngọc Linh được coi như Quốc bảo của Việt Nam. Ảnh: L.T
Tỉnh Kon Tum, với lợi thế là một địa phương có độ cao bình quân 1.400m so với mặt biển, khí hậu lạnh, ôn hòa, rất thích hợp cho sự phát triển của cây sâm Ngọc Linh. Tiềm năng, triển vọng, dư địa để đầu tư, phát triển ngành kinh tế xoay quanh cây sâm quý Ngọc Linh là rất lớn.
Hiện nay và thời gian tới, Công ty SVN sẽ thực hiện những bước đi như thế nào để góp phần cùng địa phương phát triển cây sâm Ngọc Linh?
- Hiện Công ty SVN không ngừng nỗ lực nghiên cứu phát triển các sản phẩm của mình, với sự tư vấn chuyển giao của các chuyên gia hàng đầu trong ngành.
DN cũng từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, giúp cho cây sâm Ngọc Linh nói riêng và các loại sâm Việt Nam khác, luôn là sản phẩm tốt nhất, mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho người sử dụng.
Công ty SVN mong muốn phát triển thương hiệu trở thành 1 sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến, tin dùng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
DN đã liên kết với các hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số nhằm cải thiện đời sống, cải thiện kế sinh nhai với diện tích rừng trồng sâm khoảng 10ha.
Bên cạnh đó, chúng tôi có đội ngũ nghiên cứu và phát triển nguồn giống từ phương pháp cấy mô trong phòng thí nghiệm, với tổng diện tích khu nghiên cứu là 1.700m2, tọa lạc tại Khu nông nghiệp công nghệ cao, thuộc thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.
Ngoài đầu tư cho cây sâm, DN còn có vùng nguyên dược liệu hàng chục ha, là nơi chăm sóc và phát triển các loại dược liệu quý như: giảo cổ lam, tử diệp thảo, đương quy, hồng đẳng sâm, trà dây, sa nhân, ba kích tím…
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này
Vụ doanh nghiệp nói có 10 ha sâm Ngọc Linh ở Kon Tum: Sở NN&PTNT vào cuộc kiểm tra
Trước việc Công ty Cổ phần đầu tư sâm Việt Nam công bố có 10 ha sâm Ngọc Linh tại 2 huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông gây nhiều nghi vấn, Sở NN&PTNT Kon Tum đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn vào cuộc kiểm tra.
Ngày 25/12, ông Nguyễn Tấn Liêm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum cho biết, sở đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm kiểm tra, đồng thời yêu cầu Công ty Cổ phần sâm Việt Nam giải trình về thông tin doanh nghiệp trồng 10 ha sâm Ngọc Linh tại 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei.
Trước đó, vào ngày 29/11, Công ty Cổ phần đầu tư sâm Việt Nam đã tổ chức lễ khai trương trụ sở sâm Việt Nam tại số 740 Phạm Văn Đồng (phường Trần Hưng Đạo, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Trong buổi lễ khai trường có nhiều lãnh đạo bộ và tỉnh Kon Tum đến dự.
Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư sâm Việt Nam đã thông tin, công ty đang sở hữu vườn sâm gốc với hơn 10 ha tại 2 xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông) và Mường Hoong (huyện Đăk Glei) của tỉnh Kon Tum.
Lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum chúc mừng Công ty Cổ phần sâm Việt Nam nhân dịp khai trương trụ sở sâm Việt Nam tại TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum) vào ngày 29/11. Ảnh: Kỳ Phú
Ngoài ra, đơn vị còn có khu nghiên cứu và phát triển nguồn giống từ phương pháp cấy mô trong phòng thí nghiệm có tổng diện tích 1.700 m2 tại thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông).
Những thông tin này khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, đặc biệt chính quyền một số xã, huyện và ngành chức năng nói doanh nghiệp không có trồng sâm tại địa phương như công bố.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Hoài Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum xác nhận, trong các doanh nghiệp và đơn vị trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh không có tên Công ty Cổ phần sâm Việt Nam và không biết công ty này lấy số liệu từ đâu.
Theo ông Tâm, trên địa bàn tỉnh hiện 5 doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh đó là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum, Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông, Công ty CP Vingin, Công ty TNHH Thái Hòa. Các doanh nghiệp này có đầy đủ thủ tục và đã được Sở NN&PTNT kiểm tra việc trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn. Ngoài ra, có hơn 1.165 hộ gia đình, 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất trồng sâm Ngọc Linh.
Các sản phẩm được chế biến từ sâm Ngọc Linh của Công ty Cổ phần sâm Việt Nam. Ảnh: Kỳ Phú
Theo chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh do Cục Sở hữu trí tuệ cấp, tỉnh Kon Tum có 9 xã thuộc 2 huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông trồng sâm Ngọc Linh.
"Theo quy trình, thì doanh nghiệp phải đăng ký qua Sở KH&CN để mua nhãn tem về chỉ dẫn địa lý sâm củ. Sau đó, Sở KH&CN chuyển cho Sở NN&PTNT tiến hành kiểm tra việc trồng sâm của đơn vị. Tuy nhiên, khi Chi cục Kiểm lâm tỉnh yêu cầu họ (Công ty Cổ phần đầu tư sâm Việt Nam - PV) giải trình, báo cáo các thủ tục liên quan đất thuê, đất mượn người dân để trồng, thì họ không chứng minh được", ông Tâm cho biết.
Liên quan đến vấn doanh nghiệp trồng 10 ha sâm Ngọc Linh tại 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei, PV Dân Việt đã liên hệ ông Nguyễn Tuấn Vũ - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư sâm Việt Nam qua điện thoại, tuy nhiên ông Vũ báo bận và nói sẽ sắp xếp liên hệ lại sau.
Nhờ lợi thế phát triển "quốc bảo", xã Măng Ri tiến gần hơn với xã nông thôn mới kiểu mẫu Xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) có 6 thôn với hơn 500 hộ, gần 1.900 nhân khẩu, 100% dân số người Xơ Đăng. Xã cũng mới đạt 11/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (NTM). Xã nông thôn mới có lợi thế phát triển "quốc bảo" Măng Ri được thiên nhiên ưu đãi có tiềm năng lợi thế...