Giám đốc cảnh sát Na Uy từ chức vì vụ khủng bố kép
Người đứng đầu lực lượng cảnh sát Na Uy Oeystein Maeland đã tuyên bố từ chức sau khi một cuộc điều tra kết luận rằng kẻ giết người hàng loạt Anders Behring Breivik có thể được ngăn chặn.
Giám đốc cảnh sát Na Uy Oeystein Maeland.
Ông Maeland nhậm chức chỉ ít ngày trước khi Breivik sát hại 77 người trong một vụ đánh bom ở thủ đô Oslo và vụ tấn công bằng súng tại một trại hè trên đảo Utoeya mùa hè năm ngoái.
Một cuộc điều tra độc lập công bố hôm 13/8 nói rằng vụ đánh bom lẽ ra có thể được ngăn chặn. Báo cáo cũng chỉ trích sự phản ứng quá chậm trễ của phía cảnh sát đối với vụ xả súng.
Giọng điệu của cuộc điều tra mới nhất khác hẳn với một báo cáo trước đó của cảnh sát, trong đó nói rằng không cảnh sát nào lơ đễnh trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Quyết định từ chức của ông Maeland đã được Bộ trưởng tư pháp Grete Faremo tiết lộ trong một cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình vào tối 16/8.
Ông Maeland sau đó nói rằng ông không thể tiếp tục công việc công việc nếu không có sự tin tưởng của Bộ trưởng.
Video đang HOT
“Nếu Bộ tư pháp và các giới chức chính trị khác không làm rõ vấn đề này một cách dứt khoát, tôi không thể tiếp tục công việc”, cảnh sát trưởng Maeland nói trong một tuyên bố.
Trong số những kết luận đáng chú ý nhất của cuộc điều tra là một nhóm gồm 2 cảnh sát khu vực đã tới bờ hồ Utoya trước tiên, nhưng lại quyết định đợi các đồng nghiệp được huấn luyện tốt hơn thay vì tìm thuyền để tự tới đảo Utoeya.
Sát thủ Anders Behring Breivik.
Phát biểu sau khi cuộc điều tra được công bố, Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg nói ông rất lấy làm việc về những sai sót và nhận trách nhiệm về những gì đã xảy ra. Nhưng ông Stoltenberg không nói có ai phải từ chức hay không.
Breivik, 33 tuổi, thừa nhận đã gây ra 2 vụ tấn công đẫm máu hôm 22/7 năm ngoái, cướp đi sinh mạng của tổng cộng 77 người, nhưng phủ nhận trách nhiệm hình sự.
Phiên toà xét xử Breivik kéo dài 10 tuần kết thúc hồi tháng 6 và bản án dành cho y dự kiến sẽ được công bố vào ngày 24/8 tới.
Theo Dân Trí
Trong vụ thảm sát Na Uy, cảnh sát 'quá chậm'
Giới chức Na Uy lẽ ra có thể ngăn chặn vụ đánh bom đầu tiên trong loạt khủng bố kép giết chết 77 người năm ngoái, và bắt giữ sát thủ sớm hơn khi y thực hiện vụ thứ hai.
Sát thủ Breivik khóc trong phiên xét xử đầu tiên tại tòa án Oslo. Ảnh: AP
Theo AFP, kết luận trên nằm trong một bản báo cáo dài 500 trang do các nhà điều tra thuộc một ủy ban độc lập của Na Uy đệ trình lên Thủ tướng Jens Stoltenberg hôm qua. Ông Stoltenberg đã giao trọng trách cho ủy ban này nghiên cứu phản ứng của cách nhà chức trách trước hai vụ tấn công đẫm máu ở Na Uy năm ngoái. Báo cáo đã chỉ trích gay gắt cả lực lượng cảnh sát và chính phủ.
Hôm 22/7/2011, sát thủ Anders Behring Breivik đã cài một quả bom bên ngoài tòa nhà chính phủ ở thủ đô Oslo, làm chết 8 người. Sau đó, y đến đảo Utoeya, phía tây bắc thủ đô, xả súng điên loạn trong hơn một giờ đồng hồ giết chết 69 người khác, hầu hết là thanh thiếu niên, và làm bị thương hàng chục người. Các nạn nhân, trong đó người trẻ nhất chỉ mới 14 tuổi, đang tham dự một trại hè do đoàn thanh niên đảng Lao động cầm quyền tổ chức.
"Vụ tấn công vào tòa nhà chính phủ hôm 22/7 lẽ ra có thể được ngăn chặn bằng việc chấp hành hiệu quả những biện pháp an ninh đã được phê chuẩn", báo cáo của ủy ban trên viết.
Theo đó, ủy ban gồm 10 thành viên phê bình rằng khu vực đường phố bên ngoài cơ quan chính phủ chưa bao giờ được cách ly với giao thông như khuyến cáo từ năm 2004 trở lại đây. Điều này đã khiến Breivik có thể đỗ chiếc xe tải thuê nhỏ, chở khoảng 950 kg chất nổ, ngay dưới chân văn phòng 17 tầng của thủ tướng. May mắn, ông Stoltenberg không có mặt ở phòng làm việc lúc đó và không bị thương trong vụ tấn công.
Ủy ban do luật sư Alexandra Bech Gjoerv đứng đầu cũng chỉ trích sự phản ứng chậm trễ của phía cảnh sát. Hơn 3 tiếng sau khi xảy ra vụ đánh bom ở Oslo, cảnh sát mới bắt được Breivik ở đảo Utoeya, nơi y đã xả súng vào các nạn nhân trong vòng một tiếng 15 phút.
"Chính quyền đã thất bại trong việc bảo vệ người dân trên đảo Utoeya. Lẽ ra cảnh sát đã có thể hành động nhanh hơn. Sát thủ có thể được ngăn chặn từ trước đó", báo cáo viết.
Báo cáo còn chỉ ra nhiều thiếu sót của cảnh sát trước và trong suốt thời gian xảy ra vụ nã súng ở Utoeya như vấn đề liên lạc, thao tác chậm trễ, thiếu phương tiện. Utoeya là một đảo nhỏ nằm giữa hồ và chỉ cách bờ 600 m. Tuy nhiên, thời gian từ khi nhóm cảnh sát tuần tra đầu tiên có mặt trên bờ hồ đến lúc một đội cảnh sát tinh nhuệ đổ bộ lên đảo là 35 phút. Ông Bech Gjoerv cho rằng sự chậm trễ này "là không thể chấp nhận được".
Hai cảnh sát đầu tiên có mặt ở bờ hồ lẽ ra phải tìm mọi cách để tiếp cận đảo, nhưng họ cho biết họ không tìm thấy thuyền và nhận được lệnh tiến hành theo dõi. Cuối cùng, một lực lượng tinh nhuệ lại là những người có mặt trên đảo đầu tiên, lúc 6h27, sau khi vấp phải nhiều sự cố khác. Thuyền cao su của họ bị quá tải, vỡ ra và buộc họ phải mượn hai du thuyền để tác nghiệp. Nếu phương tiện đầy đủ, cảnh sát sẽ có mặt trên đảo lúc 6h15 và cứu sống được nhiều người hơn.
Thủ tướng Stoltenberg cho biết ông "lấy làm tiếc" về "những thiếu sót lớn" mà báo cáo đã chỉ ra, nhưng loại trừ khả năng từ chức của bản thân hay bất kỳ thành viên nào của nội các. "Cách tốt nhất để tôi chịu trách nhiệm là đảm bảo tiến hành các biện pháp cần thiết để cải thiện an ninh", ông nói ở một cuộc họp báo.
Phía cảnh sát lặp lại lời xin lỗi vì đã không bắt được Breivik sớm hơn nhưng cũng loại trừ khả năng từ chức.
Ủy ban trên cũng công bố một danh sách 31 đề xuất, trong đó có một số đã được thông qua, từ công tác chuẩn bị đến giới hạn vũ khí bán tự động và cải thiện khả năng của trực thăng cảnh sát.
Phiên xét xử Breivil kéo dài 10 tuần với cáo buộc "khủng bố" đã kết thúc hồi cuối tháng 6. Bản án dành cho y dự kiến được công bố vào 24/8 tới.
Theo VNExpress
Sát thủ Na Uy bác bỏ kết luận 'bị điên' Nghi phạm Anders Behring Breivik trong vụ khủng bố kép tại Na Uy hồi tháng 7 bác bỏ ý kiến của các chuyên gia tâm lý cho rằng y "bị điên". Nghi phạm Breivik, kẻ thừa nhận gây ra vụ khủng bố kép ở Na Uy hồi tháng 7. Ảnh: AP Nhật báo Verdens Gang dẫn lời luật sư Odd Ivar Groen của...