Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội: Nhiều bệnh nhân mất cơ hội sống vì sợ Covid-19 không đi khám
Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều bệnh nhân bị bệnh mãn tính không dám tới các cơ sở y tế khám bệnh dẫn tới nhiều biến chứng nặng nề thậm chí tử vong.
Tử vong vì cố chịu bệnh
Những ngày dịch Covid-19, vì lo ngại nơi đông người, sợ đến bệnh viện mắc thêm bệnh nên nhiều bệnh nhân đặc biệt là những người mắc các bệnh đái tháo đường, tim mạch có nguy cơ biến chứng nặng.
PGS. Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ liên tiếp trong 3 ngày qua Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có 3 bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp nhưng ở 3 bệnh cảnh lâm sàng khác nhau và kết quả cũng khác nhau.
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân đã có tiền sử tim mạch, đái tháo đường nhưng hết thuốc 1 tuần mà không đi tái khám, lúc nhập viện đã rơi vào tình trạng sốc tim nặng nên không qua khỏi sau vài tiếng cấp cứu tích cực.
Nhiều bệnh nhân qua đời vì bệnh tim mạch do e ngại covid-19 nên không đến bệnh viện sớm
Bệnh nhân thứ hai 58 tuổi. Trường hợp này đáng tiếc là xuất hiện đau ngực từ hôm trước nhưng nhất định không đi khám, đến đêm cơn đau xuất hiện dữ dội hơn nhưng gia đình vẫn chần chừ đến sáng sớm mới đưa vào viện. Bệnh nhân vừa nằm lên cáng của phòng cấp cứu thì xuất hiện rung thất. 2 tiếng đồng hồ ép tim, sốc điện nhưng bệnh nhân vẫn tử vong.
Trường hợp khác may mắn hơn, bệnh nhân sau khi đau ngực vài tiếng đồng hồ, gia đình bàn đi tính lại cũng quyết định đưa ông nhập viện. Đến nơi rơi vào tình trạng phù phổi cấp huyết động. Bệnh nhân được đặt nội khí quản và can thiệp ngay trong đêm. Hiện tại, bệnh nhân đã được bỏ thuốc vận mạch và có dấu hiệu hồi phục tốt.
PGS Hiếu cho biết cả ba bệnh cảnh lâm sàng khác nhau với kết quả khác nhau nhưng đều có một mẫu số chung đó là Covid-19. Bệnh nhân sợ mắc Covid-19 nên không dám tới các cơ sở y tế khám bệnh dù hết thuốc. PGS Hiếu cho rằng khi hết thuốc, khi có dấu hiệu bệnh tái phát hay khi có những triệu chứng khác thường hãy liên hệ ngay với hệ thống y tế.
Video đang HOT
Người bệnh cần làm gì?
PGS Tạ Văn Bình – chuyên gia về nội tiết và chuyển hoá, đái tháo đường cũng lo ngại người dân sợ dịch bệnh không đi khám theo đúng hẹn, quên thuốc sẽ rất nguy hiểm.
Các bác sĩ đã từng chứng kiến có bệnh nhân sắp tới ngày cưới của con hết thuốc không đến viện mà chờ đợi lo cưới cho con xong mới đi tái khám kết quả bệnh nhân đã bị hôn mê sâu do hạ đường huyết đột ngột.
Hay cũng có bệnh nhân bị bệnh tim mạch nếu thiếu thuốc họ sẽ có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim. Trường hợp của bệnh nhân N.V.Đ. 71 tuổi, ngoại thành Hà Nội là điển hình. Ông Đ. bị mạch vành, hàng ngày ông phải uống thuốc trong đó có thuốc chống đông máu vô cùng quan trọng.
Chú ý phòng covid -19 nhưng đừng quên bệnh mãn tính
2 tuần hết thuốc và không có thuốc uống, ông thấy tình hình dịch, sợ mắc bệnh nên không đi tái khám hay xin tư vấn bác sĩ. Kết quả ông bị tai biến mạch máu não nhẹ. Khi vào viện ông mới chỉ liệt nhẹ nửa người.
Lúc bác sĩ tư vấn mới biết vì hết thuốc hơn hai tuần nhưng không đi viện, cũng không nói với gia đình dẫn tới không ai biết ông bị hết thuốc. Chỉ khi thấy liệt, yếu con trai ông mới vội vàng đưa đi viện cấp cứu.
Hay như trường hợp cụ ông N.V. Đ. quê Hưng Yên, ông Đ. bị biến chứng sau phẫu thuật ruột thừa gây viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết. Trước đó ông Đ. bị đau bụng. Vì đang mắc thêm tiểu đường nên nói đến đi viện, bệnh nhân ngại cố chịu đau và tự uống thuốc. Khi không chịu được mới vào viện thì đã được xác định viêm phúc mạc biến chứng từ viêm ruột thừa.
Sau phẫu thuật tình trạng nặng bệnh nhân đã hôn mê do nhiễm khuẩn huyết nặng và đưa lên Hà Nội nhưng vẫn không kịp vì tình trạng quá nặng.
Hiện nay, trước dịch Covid-19, BHXH đã cho bệnh nhân được cấp phát thuốc 2 tháng. Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng khuyến cáo với các cơ sở y tế có thể cấp phát thuốc 2, 3 tháng cho những bệnh nhân mãn tính. Điều này sẽ giúp người bệnh đỡ phải đi lại và hạn chế tập trung đông người ở bệnh viện hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo người bệnh không nên lo sợ dịch mà không tái khám hoặc hết thuốc vẫn cố gắng chịu. Với những người cần sử dụng thuốc hàng ngày như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch nên xin tư vấn bác sĩ không nên sợ dịch dẫn đến những biến chứng đáng tiếc.
An tâm khi đến bệnh viện
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều bệnh viện tại TPHCM cho biết, lượng bệnh nhân đến bệnh viện (BV) khám chữa bệnh sụt giảm hơn so với trước.
Nguyên nhân được cho là do tâm lý e ngại đến nơi đông người của người dân. Tuy nhiên các bác sĩ cảnh báo, một số người bệnh có nguy cơ bệnh trở nặng hơn nếu không được khám, điều trị kịp thời.
Người dân đến thăm khám tại Bệnh viện Da liễu TPHCM đều được đo thân nhiệt ngay từ cổng bệnh viện
Lượt khám chữa bệnh giảm mạnh
BV Chợ Rẫy TPHCM, nơi trước đây mỗi ngày có 5.500 - 6.000 người bệnh đến khám ngoại trú thì nay con số này chỉ còn khoảng 4.000 lượt khám. Không còn cảnh đông đúc, chen chúc đến ngột ngạt thường thấy, những ngày gần đây người bệnh đã cảm thấy "dễ thở" hơn khi đi khám bệnh. Bệnh nhân Võ Thị Mến (61 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) cho biết: "Các khâu chờ đến lượt khám, đóng tiền, chờ chụp phim, trả kết quả... cũng nhanh hơn bình thường".
Theo bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp BV Chợ Rẫy, trong bối cảnh dịch bệnh đang có nhiều diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như Việt Nam, việc người dân có tâm lý e ngại đến nơi đông người là điều dễ hiểu. Vì thế, nhiều người đã "hoãn", không đi khám bệnh trong dịp này.
Tương tự, tại BV Da liễu TPHCM, nếu trước đây mỗi ngày có hơn 2.200 lượt khám bệnh thì nay con số này chỉ còn khoảng 1.800 ca, giảm 20% - 25% so với trước. TS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc BV Da liễu, cho biết: "Đương nhiên giảm bệnh nhân thì nguồn thu chắc chắn giảm, nhưng so với những đồng nghiệp phải trực tiếp chống dịch thì khó khăn của chúng tôi chỉ là chuyện nhỏ". Có mức giảm mạnh hơn là Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, những ngày gần đây, số lượt khám chữa bệnh đã giảm đến 50%.
PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, phụ trách phòng khám, cho biết do dịch Covid-19, đa số người dân lo sợ phải đến các cơ sở y tế vì những nơi này thường đông người. Nhiều người có tâm lý chỉ khi cần cấp cứu hoặc bệnh nặng mới phải đến BV. Cảnh tượng "vắng" bệnh nhân cũng diễn ra tại các BV nhi trên địa bàn thành phố. Tại BV Nhi đồng 1, hiện mỗi ngày tiếp nhận khoảng 2.000 - 3.000 ca khám ngoại trú, trong khi trước kia lên đến 5.000 - 6.000 bệnh nhi/ngày. Còn BV Nhi đồng 2 thì mỗi ngày hiện chỉ có khoảng 2.000 - 2.500 bệnh nhi đến khám, có ngày giảm xuống dưới 2.000 lượt.
Nguy hiểm khi không thăm, khám kịp thời
Mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 từ 3 năm nay, đều đặn mỗi tháng 2 lần, bà Lê Thu Nga (65 tuổi, ngụ quận 2) đến BV Quận 2 tái khám, kiểm tra đường huyết và được bác sĩ kê đơn thuốc. Thế nhưng hơn một tháng nay, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, bà không đi tái khám.
"Tôi nghe báo đài nói hạn chế đi ra đường, hạn chế đến nơi đông người nên tôi không dám đi tái khám, mà tự ở nhà theo dõi đường huyết, lấy toa thuốc cũ mà bác sĩ kê cho hồi đầu tháng 2 để mua thuốc uống", bà Nga cho biết.
Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp, bà Nga không phải là trường hợp ngoại lệ, tình trạng người dân tự ý sử dụng lại toa thuốc cũ mà không tái khám theo lịch do e ngại dịch bệnh đã trở nên phổ biến. "Việc sử dụng lại đơn thuốc là vô cùng nguy hiểm, nhất là đối với những người bệnh mãn tính. Không phải tự dưng mà các bác sĩ chỉ định lịch tái khám cho người bệnh. Đã hẹn lịch tái khám có nghĩa là người bệnh cần thiết phải quay lại để được kiểm tra sau khoảng thời gian đó, nếu không quay lại thì có nguy cơ bệnh trở nặng, thậm chí có thể tử vong. Có khi không chết vì dịch Covid-19 mà chết vì các bệnh đang mắc phải", bác sĩ Hiệp lưu ý.
Cùng ý kiến phản đối người bệnh tự ý sử dụng lại toa thuốc cũ, bác sĩ Phạm Thanh Việt cho rằng, với những người bệnh có nguy cơ cao thì việc sử dụng toa thuốc cũ tiềm ẩn những nguy hiểm nhất định. Ví dụ, những người bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp nếu sử dụng lại toa thuốc cũ thì hiệu quả kiểm soát đường huyết, huyết áp sẽ giảm nhưng người bệnh vẫn không hay biết, từ đó có sự chủ quan. Đến một thời điểm nào đó, bệnh sẽ bắt đầu có biến chứng như gây nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não...
"Bình thường việc giảm lượng bệnh nhân đến BV là tín hiệu vui, vì sức khỏe của người dân ổn định. Tuy nhiên, nếu như vì lo ngại dịch bệnh mà không đến BV để khám bệnh kịp thời thì lại vô cùng nguy hiểm, bởi vô tình đã bỏ qua giai đoạn vàng, phát hiện sớm bệnh, đến khi bệnh nặng quá mới đi khám thì mọi việc đã không thể cứu vãn", bác sĩ Nguyễn Thanh Việt khuyến cáo.
Các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho cả người bệnh lẫn nhân viên y tế. Đơn cử như các BV Đại học Y Dược TPHCM, Da liễu, Thống Nhất... đều tăng cường công tác sàng lọc tất cả đối tượng vào khuôn viên BV (người bệnh, người nhà người bệnh, người nuôi bệnh, người thăm bệnh, đối tác đến làm việc, học viên...), trước khi vào cổng đều được nhân viên y tế của BV đo thân nhiệt, sát khuẩn tay.
Do đó, người dân nên yên tâm, tin tưởng vào các giải pháp phòng dịch của BV. Các bác sĩ khuyến cáo, khi có bệnh người dân nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, đồng thời quay lại tái khám đúng hẹn tránh tình trạng để bệnh quá nặng, sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Khi đến BV hoặc những nơi đông người, người dân cần trang bị khẩu trang, hạn chế nói chuyện, rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn... để phòng dịch.
7 cách phòng ngừa Covid-19 cho bệnh nhân ung thư Người bệnh ung thư đang hoặc vừa được điều trị phẫu thuật hay hóa chất, khi nhiễm Covid-19 có nguy cơ gặp biến cố lâm sàng nặng (cần điều trị ICU - Hồi sức tích cực hoặc tử vong) cao hơn so với người không mắc ung thư. Bệnh viện K tăng cường tần suất vệ sinh khử khuẩn các khu vực công...