Giẫm đạp giành dầu phước, 20 người thiệt mạng
ít nhất 20 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong vụ giẫm đạp ở một sân vận động khi giành dầu phước lành.
Hàng trăm người đã tập trung tại một sân vận động ở thị trấn Moshi, gần sườn núi Kilimanjaro nổi tiếng ở bắc Tanzania tối 1/2. Những người này đã giẫm đạp lên nhau khi họ vội vã chạy đến để được xức “dầu phước lành”.
“20 người thiệt mạng và 16 người khác bị thương trong vụ giẫm đạp”, ủy viên quận Moshi Kippi Warioba hôm nay cho biết. Trong các nạn nhân có 5 trẻ em.
Giới chức Tanzania lo ngại số người chết có thể lớn hơn do quy mô đám đông lớn và vụ dẫm đạp xảy ra lúc trời tối.
Các tín đồ trong một buổi cầu nguyện đầu năm tại Dar es Salaam, Tanzania hôm 1/1. Ảnh: AFP.
Linh mục địa phương có tên Boniface Mwamposa thu hút đám đông khổng lồ bằng cách hứa hẹn sự thịnh vượng và chữa khỏi bệnh cho những người đi trên những gì ông mô tả là “dầu phước lành” trong các buổi lễ.
Video đang HOT
Ngày càng có nhiều “linh mục thịnh vượng” xuất hiện tại Tanzania trong những năm gần đây, những người hứa hẹn giúp người dân thoát khỏi đói nghèo và thực hiện nghi thức mà họ gọi là “phương thuốc thần kỳ”.
Hàng nghìn người ở quốc gia châu Phi 55 triệu dân này đổ về các nhà thờ Ngũ Tuần. Họ là nguồn thu chính của các nhà thờ này khi phải đóng góp đều đặn 10% thu nhập.
Quốc Hưng (Theo Reuters)
Theo vnexpress.net
LHQ điều tra lại về cái chết bí ẩn của cựu tổng thư ký năm 1961
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 27/12 phê chuẩn nghị quyết mở rộng điều tra về cái chết bí ẩn năm 1961 của cựu Tổng thư ký Dag Hammarskjold.
Nhà ngoại giao Thụy Điển, cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, đang trên đường công tác đến miền Nam châu Phi thì máy bay chở ông bị rơi.
Nội dung nghị quyết mở rộng điều tra do Thụy Điển đề xuất và được hơn 100 quốc gia ủng hộ. Nó được thông qua theo quy tắc đồng thuận mà không cần bỏ phiếu, theo AFP.
Thụy Điển cũng đề nghị tái bổ nhiệm luật sư Mohamed Chande Othman, cựu bộ trưởng Tư pháp Tanzania, người chỉ đạo cuộc điều tra trong nhiều năm.
Cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Dag Hammarskjold, người chết bí ẩn trong vụ tai nạn máy bay năm 1961. Ảnh: AFP.
Trong báo cáo cuối cùng do ông Othman công bố hổi đầu tháng 10, Mỹ và Anh bị cáo buộc giữ kín thông tin liên quan đến cái chết của ông Hammarskjold.
Ông Hammarskjold, Tổng thư ký thứ 2 của Liên Hợp Quốc, cùng 15 người khác đã thiệt mạng vào ngày 18/9/1961 khi chiếc máy bay của họ bị rơi gần thành phố Ndola, thuộc về đất nước khi đó được gọi là North Rhodesia và bây giờ là Zambia. Đã có những giả thiết cho rằng chiếc máy bay bị bắn hạ một cách có chủ ý.
Vào thời điểm đó, ông Hammarskjold đang tìm cách thống nhất Congo và cố gắng ngăn tỉnh Katanga giàu khoáng sản tách khỏi Congo.
Congo, nước có trữ lượng uranium lớn nhất thế giới, khi đó nhận nhiều sự trợ giúp và hàng hóa từ Liên Xô. Trong ngày định mệnh, ông Hammarskjold đang trên đường bay tới gặp thủ lĩnh tỉnh Katanga Moise Tshombe để trao đổi về vấn đề này.
Tổng thư ký Hammarskjold và các trợ lý nhận ra sẽ không thể có được một thỏa thuận hòa bình do sự xung đột lợi ích của các nước phương Tây và lính đánh thuê ở Katanga đang ngăn cản điều này, ông quyết định đưa binh sĩ Liên Hợp Quốc vào đây trong chiến dịch Morthor.
Hai cuộc điều tra đã kết luận vụ tai nạn là do lỗi của phi công. Tuy nhiên, kể từ năm 2014, các cuộc điều tra mới đã tập trung vào thuyết âm mưu như Othman công bố gần đây.
"Nam Phi, Vương quốc Anh và Mỹ gần như chắc chắn nắm giữ thông tin quan trọng không thể tiết lộ về vụ việc", ông Othman cho biết.
Nghị quyết vừa được thông qua hối thúc các quốc gia thành viên, "đặc biệt là những nước được đề cập trong báo cáo, công bố bất kỳ hồ sơ nào có liên quan thuộc quyền sở hữu của họ".
Trong báo cáo của mình, ông Othman đề cập đến khả năng các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc "bịt các đầu mối dẫn đến vụ tai nạn".
Ông cũng nhắc đến sự hiện diện của các thế lực nước ngoài như phi công và nhân viên tình báo tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn.
Theo news.zing.vn
Cựu thủ tướng Congo kêu gọi 'thôn tính' nước láng giềng Rwanda Cựu thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Congo hôm 23/12 đã kêu gọi chính phủ tuyên chiến với nước láng giềng Rwanda để chấm dứt tình trạng bạo lực giữa các phiến quân. Cộng hòa Dân chủ Congo là trung tâm của hai cuộc chiến khu vực từ năm 1997-2003 với hai nước láng giềng Rwanda và Uganda, theo AFP. Congo cáo buộc...