Giảm chi phí logistics – tạo đòn bẩy cạnh tranh cho nông sản đồng bằng sông Cửu Long
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tại thời điểm cuối quý I/2021 chi phí logistics lên đến 30% giá thành sản phẩm khiến cho nông sản đồng bằng sông Cửu Long giảm sức cạnh tranh so với nông sản các nước trung khu vực và thế giới. Vấn đề đặt ra làm gì để giảm bớt chi phí này?
Cảng Cái Cui, TP Cần Thơ. Ảnh: TL
Nhiều rào cản
Là vùng trọng điểm kinh tế đất nước, mỗi năm đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây cho xuất khẩu cả nước. Hằng năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL lên đến hàng chục triệu tấn. Theo phân tích của các chuyên gia, chi phí logistics lại quá cao, hiện tại đang chiếm cao nhất và cao một cách bất hợp lý, cụ thể là lên đến 30% giá thành sản phẩm, trong khi của Thái Lan là hơn 12% và của thế giới là hơn 14%, điều này khiến cho nông sản ĐBSCL giảm sức cạnh tranh.
Tiến sĩ Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả thuộc Bộ Tài chính cho rằng, trong cạnh tranh thì có cạnh tranh về giá, cạnh tranh về chi phí, cạnh tranh về dịch vụ… còn ở đây không nói về chất lượng, mà tại sao chi phí quá cao… là do logistic của Việt Nam. Cho nên cái này ảnh hưởng đến đầu vào, mà đầu vào cao thì không thể bán với giá thấp được… đó là một trong những vấn đề lớn cần quan tâm.
Bên cạnh đó, cảng biển tại ĐBSCL còn thiếu, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu. Trong khi tình trạng một số cảng trọng điểm tại khu vực miền Đông, TP. Hồ Chí Minh thường xuyên quá tải, dẫn tới phí dịch vụ, lưu kho bãi, thời gian chờ đợi đều tăng…
Đại diện một doanh nghiệp chuyên thu mua, sản xuất, tiêu thụ dứa có bề dày thương hiệu tại tỉnh Hậu Giang dẫn chứng, người nông dân mua đầu vào mỗi thứ một nơi, khi thu hoạch thì tập kết, đem tới vựa, từ vựa phân loại rồi lên xe chở đến nhà máy, rồi chiếu xạ, mới đến cảng, lưu kho hoặc xuất đi…, qua nhiều khâu nên giá thành rất tốn kém. “Có đi thu mua trái cây của nông dân mới thấy sự khó khăn, từ đường sá, vận chuyển, chi phí không đáng có, nhiều khi doanh nghiệp rất muốn giúp họ nhưng không đủ khả năng” – đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.
Video đang HOT
Ông Trần Tuấn Kiệt – Công ty Lương thực thực phẩm xuất nhập khẩu miền Nam, chia sẻ về những chi phí logistic doanh nghiệp phải trả thêm phần lớn do hạ tầng yếu kém ở khu vực ĐBSCL.
“Chi phí vận chuyển thuê bên Tân Cảng (Sài Gòn) vận chuyển từ Thốt Nốt, Cần Thơ lên Sài Gòn khoảng 5,5 triệu /1 container, ảnh hưởng giá thành xuất khẩu gạo khi xăng tăng giá. Ví dụ đóng 10 container gạo từ Thốt Nốt, đi đường bộ bị kẹt ở Mỹ Thuận, Cái Bè vì đường cao tốc không mở rộng. Container đến cảng trễ giờ, tàu bị delay (chậm), bị giam ở cảng 7 ngày, 10 công 260 tấn, tương đương 2 tỷ 6, phải trả lãi ngân hàng trong 7 ngày, nguyên nhân là do mảng logistics không hòa đồng.” – ông Kiệt bày tỏ.
Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho rằng, hoạt động logistics phụ thuộc rất lớn vào cơ sở hạ tầng. Trong khi yếu tố này ở nước ta, đặc biệt là vùng ĐBSCL còn rất thiếu và yếu, sản phẩm thu hoạch xong không được xử lý kịp thời. Chi phí logisctics rất cao trong khi doanh nghiệp đủ khả năng để đầu tư nhà máy, kho bãi…
GS Võ Tòng Xuân, người rất có tâm với nghề nông vùng ĐBSCL nêu, đặc tính “cố hữu” trong sản xuất nông nghiệp lâu nay là mạnh ai nấy làm, đất đai thì của ông bà để lại nên muốn trồng cây gì thì trồng, không ai cản được. “Chúng ta có rất nhiều hợp tác xã, nhưng phần lớn là hình thức, nhiều người nhiều ý, mạnh ai nấy làm. Cả nông dân và doanh nghiệp đều cần đến “cò”. Rất cần thiết phải tập hợp nông dân lại, nhưng không dễ làm, nhà nước phải vào cuộc” – GS Xuân nhấn mạnh.
Cũng theo các chuyên gia, việc xây dựng các cảng biển và cảng sông với tải trọng thấp ở ĐBSCL phải được quan tâm hơn. Nhưng thời gian vừa qua do còn nhiều khó khăn nên việc phát triển giao thông đường thủy ở ĐBSCL còn nhiều vấn đề. Từ đó, việc xuất khẩu không chỉ nông sản mà cả hoa quả ở ĐBSCL bị tăng chi phí, giảm chất lượng khi xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Cần sự liên kết đầu tư có trọng điểm, chiều sâu
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam, khu vực ĐBSCL hiện chỉ có 6 kho lạnh, trong đó 4 kho ở Long An, 2 kho ở Cần Thơ và Hậu Giang, trong khi đó khu vực này có hàng trăm nhà máy sản xuất nông thủy sản, kho của doanh nghiệp thì thiếu hạ tầng lạnh dẫn đến hao hụt sau thu hoạch lên đến 20 – 40%. Ngoài ra, việc phải chịu mức chi phí logistics quá lớn khiến nông sản ĐBSCL rất khó cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực khi xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết, trong bối cảnh của nền kinh tế vùng ĐBSCL, việc tập trung tăng cường liên kết vùng, tạo điều kiện cho thông thương hàng hóa nông sản là vấn đề cấp bách, để giúp kinh tế vùng phát triển nhanh hơn bằng lợi thế vốn có.
Trong đó, cần sớm có các phương án, chính sách và mô hình hiệu quả, kết nối chuỗi cung ứng toàn diện cho nông sản Việt Nam từ sản xuất – thu hoạch cho đến thông quan – xuất khẩu, hướng tới tối ưu hóa chi phí logistics, tăng lợi thế cạnh tranh cho nông sản vùng ĐBSCL, tạo đầu ra bền vững cho nông dân.
“Để đạt đến kỳ vọng này, cần lắm sự chung tay của tất cả các bộ, ngành, địa phương; trong đó, phải đặc biệt quan tâm cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, tạo cú hích cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics phát triển, đặc biệt là logistics nông sản” – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh bày tỏ.
Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng, trong cạnh tranh thì có cạnh tranh về giá, cạnh tranh về chi phí, cạnh tranh về dịch vụ… còn ở đây không nói về chất lượng, mà tại sao chi phí quá cao… là do logistic của Việt Nam. Cho nên cái này nó ảnh hưởng đến đầu vào, mà đầu vào cao thì không thể bán với giá thấp được… Đó là một trong những vấn đề lớn cần quan tâm.
Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, việc ĐBSCL chậm phát triển đường cao tốc, kho bãi, các bến cảng và các kho loại có thể dự trữ được nông sản lâu dài… là điểm bất lợi với xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam. Nhất là hiện nay xuất khẩu nông sản cần coi trọng về mặt chất lượng, cho nên nông sản Việt Nam bây giờ có rất nhiều sản phẩm có thể xuất khẩu, nhưng rất tiếc là phải xuất khẩu vào các thị trường chưa đòi hỏi chất lượng cao.
Chỉ có rất ít sản phẩm xuất khẩu được sang Liên minh châu Âu hay Nhật Bản, mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến rất xa trong việc gia nhập Hiệp định CPTPP và đã ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU. Sắp tới đây Chính phủ đã nhận thức rõ và sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc nâng cao đầu tư cho kết cấu hạ tầng của ĐBSCL.
Tại phiên họp cuối cùng của Chính phủ khóa XIV hôm 31/3/2021, Thủ tướng Chính phủ cho biết, đã nhất trí về nguyên tắc cho việc vay nguồn vốn quốc tế với tổng số khoảng 2 tỉ USD của Ngân hàng Thế giới, Đức, Pháp… cho mục tiêu phát triển ĐBSCL. Bộ Giao thông vận tải đã chuẩn bị đầu tư mới 39 dự án tại ĐBSCL trong bốn lĩnh vực gồm: đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không…, với tổng mức đầu tư khoảng 118.209 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo việc xây dựng cảng ở ĐBSCL sẽ gặp phải nhiều khó khăn do làm đường hay làm cảng ở ĐBSCL là rất tốn kém vì nền móng rất yếu, vật liệu xây dựng không sẵn có, mà làm cảng biển càng khó khăn vì độ bồi lắng rất lớn. Do vậy cần có sự phối hợp, liên kết tính toán thật kỹ lưỡng trong quá trình đầu tư, triển khai có trọng điểm, có chiều sâu các dự án tới đây./.
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo
Thanh Hóa là một trong những tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm của vùng Bắc Trung bộ, với tổng diện tích sản xuất lúa mỗi năm đạt gần 240.000 ha, sản lượng từ 1,3 đến 1,4 triệu tấn/năm, sản lượng gạo đạt 900.000 tấn.
Giá trị sản xuất lúa gạo năm 2020 ước đạt 7.100 tỷ đồng, chiếm 52% giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Với vùng nguyên liệu dồi dào, phong phú về chủng loại, thế nhưng giai đoạn trước, trên địa bàn tỉnh gần như chưa xây dựng được một sản phẩm gạo mang thương hiệu đặc trưng của tỉnh. Do đó, giá trị trong sản xuất lúa gạo còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng.
Quy trình đóng gói sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Quý Hương, tại Nhà máy chế biến lúa gạo của Công ty CP Thương mại Sao Khuê.
Nguyên nhân của hạn chế này là do diện tích đất sản xuất lúa tuy lớn song còn manh mún, nhỏ lẻ; việc áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các địa phương miền núi. Thiếu sự liên kết trong tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất, chế biến còn hạn chế. Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lúa gạo chưa được các cấp chính quyền và bà con nông dân quan tâm.
Nhận thấy được những vấn đề hạn chế trong sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh, để nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế cho sản phẩm lúa gạo của tỉnh, những năm gần đây, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để "nâng tầm" cho sản phẩm gạo, trong đó chú trọng đến giải pháp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo.
Theo đó, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, quy mô lớn. Nghiên cứu, lựa chọn các giống lúa sản xuất ra gạo thương phẩm có giá trị cao, phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của thị trường. Tăng cường ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến theo quy trình cải tiến SRI, quản lý dịch hại tổng hợp, quản lý cây trồng tổng hợp, quản lý nước tưới theo phương thức nông - lộ - phơi, sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản xuất; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện việc truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và thương hiệu gạo trên thị trường. Tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và chế biến lúa gạo để thu mua lúa, sấy lúa, chế biến, dự trữ và xuất khẩu gạo nhằm giảm thất thoát, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất. Cùng với đó, lồng ghép các chương trình, dự án để tổ chức chiến lược quảng bá, giới thiệu các sản phẩm lúa gạo của Thanh Hóa trên website, phương tiện truyền thông, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại.
Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xây dựng thương hiệu gạo của tỉnh, hiện toàn tỉnh đã thu hút được 5 doanh nghiệp chế biến gạo, gồm: Công ty CP Thương mại Sao Khuê, Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Công ty TNHH Nông sản An Thành Phong, Công ty TNHH Giống cây trồng Bắc Trung bộ, Công ty TNHH Lương thực Thuần Dũng, với tổng công suất chế biến khoảng 235.000 tấn/năm. Có 1 nhà máy chế biến sữa gạo lứt giàu protein, công suất chế biến 120 triệu hộp 250ml/năm của Công ty CP Mía đường Lam Sơn. Ngoài ra, còn có 6.829 cơ sở xay xát; 1.481 hộ và 18 cơ sở chế biến bún, miến, bánh, mì khô... phân bố khắp các huyện trong tỉnh. Sản phẩm lúa gạo trên địa bàn tỉnh được chế biến của các doanh nghiệp đều thông qua theo quy trình xay xát khép kín, để cho ra thị trường các sản phẩm gạo chất lượng cao, gạo thơm, gạo hữu cơ, gạo đặc sản. Hiện, có tới 90% sản phẩm lúa gạo đang được tiêu thụ tại thị trường nội địa, còn 10% lượng gạo thơm, gạo chất lượng cao được xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang thị trường các nước: Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia...
Các sản phẩm gạo có thương hiệu của Công ty CP Thương mại Sao Khuê được giới thiệu đến người tiêu dùng.
Thông qua thực hiện các giải pháp xây dựng thương hiệu gạo, toàn tỉnh đã có 2 sản phẩm, gồm: gạo nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang của HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Long, xã Hà Long, huyện Hà Trung; sản phẩm gạo sạch Hương Quê của HTX dịch vụ nông nghiệp Trường Sơn, xã Trường Sơn, huyện Nông Cống được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh 3 sao. Có 2 sản phẩm gạo Hương Thanh 2 của Công ty CP Thương mại Sao Khuê, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn; gạo nếp cau Lộc Thịnh của HTX nông nghiệp và dịch vụ xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc, được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh 4 sao. Có 3 sản phẩm, gồm: gạo nếp cái hoa vàng Quý Hương, gạo Hương Thanh, gạo Ngọc Phố của Công ty CP Thương mại Sao Khuê được công nhận danh hiệu Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có các sản phẩm được chế biến từ lúa, gạo được xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, như: miến gạo Thăng Long, xã Thăng Long, huyện Nông Cống; bánh lá răng bừa, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân.
Điều đáng nói hơn, trong quá trình xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm gạo, các đơn vị đã xây dựng được hệ thống sản xuất theo chuỗi và quy trình sản xuất khoa học tiến bộ, đúng tiêu chuẩn. Điển hình như sản phẩm gạo sạch Hương Quê của HTX dịch vụ nông nghiệp Trường Sơn, với 126 ha vùng nguyên liệu và tham gia sản xuất của hơn 600 hộ dân của 2 xã Trường Sơn và Tượng Văn (Nông Cống) và toàn bộ quy trình sản xuất được kiểm soát từ khâu đầu vào đến khi thu hoạch. Sản lượng lúa được HTX dịch vụ nông nghiệp đứng ra làm đầu mối để tiêu thụ. Trong quy trình sản xuất này, ngoài sự giám sát của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, các hộ sản xuất còn được chính quyền xã và chính các hộ giám sát lẫn nhau để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Do được áp dụng các khâu kiểm soát nghiêm ngặt nên sản phẩm gạo Hương Quê luôn bảo đảm được các tiêu chí về chất lượng, an toàn thực phẩm và được người tiêu dùng đón nhận.
Ngành Thủy sản: Đặt mục tiêu sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 18.400 tấn Năm 2021, ngành Thủy sản tỉnh đặt mục tiêu thực hiện sản lượng thủy sản nuôi trồng nước mặn, nước lợ và nước ngọt đạt 18.400 tấn, trong đó có 18.300 tấn thủy sản nuôi nước mặn, nước lợ và 100 tấn thủy sản nuôi nước ngọt. Cụ thể, đối với nuôi ao đìa nước lợ, phấn đấu đạt 4.100 tấn tôm sú,...