Giảm cấp phát, tăng cường cho vay lại vốn ODA
Theo số liệu của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, trong giai đoạn 2011-2016 đã có 319 hiệp định vay vốn được ký kết với tổng giá trị đạt khoảng 33,643 tỷ USD.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Góp phần cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia
Trong tổng giá trị nói trên, vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi là 32,296 tỷ USD; viện trợ không hoàn lại là 1,346 tỷ USD. Tổng dư nợ nước ngoài tính đến thời điểm 31/12/2016 tương đương 44,3% GDP, vẫn nằm trong giới hạn cho phép theo Nghị quyết 25/2016/QH14 (nợ nước ngoài không quá 50% GDP).
Trong đó, các nhà tài trợ thuộc nhóm 6 ngân hàng phát triển chủ yếu cung cấp khoảng 80% vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi (riêng cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chiếm 40%, Ngân hàng Thế giới (WB) chiếm 29%, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chiếm 13%, phần còn lại là từ các nhà tài trợ khác) và các chương trình, dự án đầu tư hạ tầng kinh tế – xã hội quy mô lớn vẫn chiếm vị trí vượt trội.
Các lĩnh vực giao thông vận tải, môi trường (cấp, thoát nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh,…) và phát triển đô thị, năng lượng và công nghiệp là những lĩnh vực có tỷ trọng vốn ODA và vốn vay ưu đãi tương đối cao.
Đoàn giám sát của UBTVQH đánh giá, những số liệu trên đã cho thấy nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan đầu mối quản lý như Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành, địa phương trong việc vận động, đàm phán, ký kết và quản lý nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Video đang HOT
Theo báo cáo của Đoàn giám sát, giai đoạn 2011 – 2016, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ khoảng 226.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 17 – 18% tổng nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, trong đó, trả nợ gốc là khoảng 158.200 tỷ đồng (chiếm 70% tổng nghĩa vụ trả nợ), trả nợ lãi và phí là 67.800 tỷ đồng (chiếm 30% tổng nghĩa vụ trả nợ).
Từng đánh giá về nội dung này, ông Nguyễn Đức Hải – Trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã khẳng định, qua thực hiện giám sát, việc trả nợ các khoản vay nước ngoài về cơ bản được thực hiện chặt chẽ, đúng hạn, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn ảnh hưởng tới cam kết, góp phần giúp Chính phủ từng bước cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia. Các dự án, công trình đầu tư từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2011 – 2016 cơ bản phù hợp với nhu cầu, định hướng phát triển kinh tế – xã hội và chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Cơ hội còn nhiều
Theo ý kiến của Đoàn giám sát, với nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế, xã hội của đất nước còn lớn trong bối cảnh cân đối ngân sách khó khăn, nguồn lực trong nước chưa đáp ứng đủ thì ODA và vay ưu đãi nước ngoài sẽ tiếp tục là một nguồn lực cần thiết, quan trọng đối với Việt Nam.
Trong thời gian tới, nguồn tài trợ phát triển trên thế giới sẽ phong phú và đa dạng hơn, ngoài các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ truyền thống có sự xuất hiện của các quỹ, ngân hàng khu vực hoặc toàn cầu như Quỹ Mekong – Nhật Bản về phát triển hạ tầng hiện đại, Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) và Ngân hàng Các nền kinh tế mới nổi (BRICS Bank),… Điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội lựa chọn cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Để tiếp cận với nguồn vốn ODA và các vốn vay ưu đãi, Đoàn giám sát cho rằng, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng về huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính theo quy định của Hiến pháp, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác.
Đồng thời, Đoàn giám sát yêu cầu xây dựng chiến lược, định hướng huy động, sử dụng vốn vay nước ngoài phù hợp với điều kiện nguồn vốn ODA, mức độ ưu đãi của các nguồn vốn các nhà tài trợ.
Các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài cần được tính toán, cân nhắc, so sánh hiệu quả, chi phí so với vay trong nước, tránh lệ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời, phải được đánh giá kỹ về hiệu quả kinh tế – xã hội và tác động đối với nợ công.
Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng đề nghị giảm tỷ lệ cấp phát, tăng cường tỷ lệ cho vay lại; quản lý chặt chẽ việc bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, người quyết định đầu tư…
H.Vân
Theo baohaiquan.vn
Đã giải ngân hơn 30% kế hoạch vốn nước ngoài
Theo Bộ Tài chính, trong quý 3/2018, Việt Nam đã thực hiện ký kết 5 hiệp định vay vốn nước ngoài với tổng trị giá 382 triệu USD. Như vậy, đến hết 9 tháng, đã có 13 hiệp định vay vốn nước ngoài được ký kết với tổng trị giá 1.220,3 triệu USD.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Thông tin thêm về nội dung này, đại diện Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết: Riêng tháng 9/2018, Chính phủ đã thực hiện ký kết 2 hiệp định vay vốn nước ngoài, với tổng trị giá 80 triệu USD.
9 tháng đầu năm 2018, số vốn vay nước ngoài được giải ngân khoang 1,457 tỷ USD, tương đương khoang 33,5 nghìn tỷ đồng, bằng 31% kế hoạch năm (trong đó cấp phát khoảng 26.404 tỷ đồng, cho vay lại khoảng 7.107 tỷ đồng).
Việc trả nợ vay của Chính phủ vẫn đảm bảo đầy đủ, đúng hạn. Riêng trong tháng 9/2018, tổng số tiền Chính phủ đã trả là 12.312 tỷ đồng (trong đó trả nợ trong nước là 5.036 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài là 7.276 tỷ đồng).
Lũy kế 9 tháng đầu năm, giá trị trả nợ là 165.246 tỷ đồng, bằng 60% kế hoạch năm (trong đó trả nợ trong nước là 127.843 tỷ đồng; trả nợ nước ngoài là 37.403 tỷ đồng).
Đề cập việc huy động vốn trong nước của Chính phủ thông qua phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP), đơn vị này cho biết, tổng khối lượng TPCP phát hành trong tháng 9/2018 là 11.900 tỷ đồng; lũy kế huy động 9 tháng đạt 132.961 tỷ đồng.
Toàn bộ TPCP phát hành 9 tháng qua đều có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, trong đó 86,3% có kỳ hạn từ 10 năm trở lên. Kỳ hạn phát hành bình quân đạt 12,9 năm, góp phần duy trì kỳ hạn bình quân của danh mục TPCP đến ngày 20/9/2018 là 6,69 năm, đáp ứng mục tiêu về kỳ hạn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và nghị quyết của Quốc hội.
Lãi suất phát hành bình quân trong 9 tháng năm 2018 là 4,5%/năm (thấp hơn 1,48%/năm so với lãi suất phát hành bình quân năm 2017).
H.Vân
Theo baohaiquan.vn
Không ràng buộc trách nhiệm, "càng giải ngân nhanh, thất thoát và lãng phí càng lớn" "Nếu chỉ nới lỏng các quy định về quy trình, thủ tục đầu tư nhưng những ràng buộc trách nhiệm đối với những người ra quyết định và tổ chức thực thi không rõ ràng, thì càng giải ngân nhiều, nhanh thì thất thoát, lãng phí, nợ công sẽ ngày càng lớn" - đại biểu Vũ Tiến Lộc e ngại. Thu ngân sách...