Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp: Cần nhưng chưa đủ
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 khiến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận khá tích cực.
Đây được xem là động thái “tiếp sức” cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa bị ảnh hưởng bởi COVID-19 duy trì sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Công nhân Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (Thành phố Hồ Chí Minh) thi công công trình nhà xưởng lắp ghép. Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN
Cuối tháng 9/2020, Chính phủ chính thức triển khai Nghị định 114/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Nghị quyết 116/2020 của Quốc hội khóa XIV về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Theo đó, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.
Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP Hồ Chí Minh, việc giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có doanh thu không quá 200 tỷ đồng trong năm 2020 có ý nghĩa rất lớn đối với các doanh nghiệp trong ngành cơ khí – điện.
Dù đại dịch COVID-19 tác động đến ngành cơ khí – điện không mạnh mẽ như ngành du lịch, dịch vụ, tuy nhiên ảnh hưởng gián tiếp lên ngành cũng không nhỏ. Thị trường tiêu thụ nội địa giảm mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, nhiều đơn hàng bị hủy… đã khiến doanh thu của các doanh nghiệp ngành cơ khí – điện giảm mạnh từ 10 – 20% so cùng kỳ năm 2019 trong 9 tháng năm 2020. Trong khi đó, chi phí tiền lương của doanh nghiệp lại tăng lên do rơi vào chu kỳ tăng lương cho lao động
“Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất đều gặp khó khăn về dòng tiền. Do vậy, việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp đáp ứng “trúng” mong muốn của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để duy trì sản xuất kinh doanh, trả lương cho người lao động”, ông Đỗ Phước Tống nói.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt May Thêu đan TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, bên cạnh việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là chính sách tài khóa rất thiết thực hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Theo ông Việt, hiện các doanh nghiệp trong ngành dệt may đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong trong quý IV/2020, các đơn hàng giảm tới trên 50% so với cùng kỳ; cả 2 thị trường xuất khẩu chính của ngành là Mỹ và EU đều giảm mạnh. Trong khi đó, mặt hàng vốn là lợi thế của nhiều doanh nghiệp may Việt Nam là khẩu trang và đồ bảo hộ hiện giá cũng đã giảm mạnh, do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới. Việc doanh thu giảm mạnh cùng với áp lực chi trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, tiền vay ngân hàng và các chi phí khác đã khiến doanh nghiệp càng thêm lao đao.
Video đang HOT
Do vậy, đại diện Hội Dệt May Thêu đan TP Hồ Chí Minh đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả doanh nghiệp, thay vì chỉ dành cho các doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng như quy định hiện nay. Đồng thời, kiến nghị giảm thuế giá trị gia tăng xuống 5% và cho phép doanh nghiệp khấu trừ lỗ năm 2020 vào phần quyết toán 20% của năm 2019 để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Trong một khảo sát mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, có tới 84% số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn do thiếu vốn kinh doanh, bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu, thị trường bị thu hẹp… do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do vậy, việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp được cho là tín hiệu khá tích cực cho các doanh nghiệp thêm lực vượt qua khó khăn.
Riêng đối với các doanh nghiệp trong ngành du lịch, dịch vụ, ông Trần Đoàn Thế Duy, Quyền Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) cho rằng, chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp dường như ít tác động đến doanh nghiệp trong ngành. Bởi lẽ, do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 kéo dài nên hầu hết các doanh nghiệp ngành du lịch, dịch vụ đều không có doanh thu từ tháng 3 đến nay.
“Tổng thu không đủ bù lỗ nên việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm 2020 không có tác dụng nhiều. Điều chúng tôi mong muốn hiện nay là Chính phủ, Bộ Tài chính kéo dài thời gian giãn thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp ít nhất đến giữa tháng 6/2021, thay vì chỉ 5 tháng hay đến cuối năm để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính vận hành bộ máy cũng như thực hiện các kế hoạch kinh doanh”, ông Trần Đoàn Thế Duy chia sẻ.
Một số ý kiến cho rằng, nhìn chung mặt bằng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm 2020 là khá thấp, nhiều ngành nghề, doanh nghiệp sẽ có doanh thu không đủ bù đắp chi phí. Do đó, chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp có thể chưa hỗ trợ cho được nhiều doanh nghiệp.
Do vậy, ngoài chính sách về thuế, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan một số chính sách hỗ trợ khác để doanh nghiệp có thêm trợ lực ổn định sản xuất trong thời gian tới; trong đó, có các hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp có thể tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ cho người lao động. Đồng thời, đề nghị tất cả mọi người lao động trong doanh nghiệp nếu bị giảm thu nhập sâu đều được tạm ngưng đóng bảo hiểm xã hội, hủy bỏ quy định 50% lao động nghỉ việc mới được giải quyết.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị sửa đổi nhanh về mặt chính sách đối với chính sách cho vay trả lương người lao động theo hướng cho nhiều ngân hàng cùng làm, nhà nước bù lãi vay cho doanh nghiệp, thay vì chỉ giao một Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện. Đây là một chính sách rất có ý nghĩa với doanh nghiệp nhưng thời gian qua không thực hiện được.
Giảm 30% thuế TNDN: Chia sẻ khó khăn nhưng chưa thiết thực
'Chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng cho thấy sự cố gắng của Chính phủ trong việc cân đối thu chi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.'
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 114/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội, theo đó doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng sẽ được hưởng chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp ( TNDN) cho kỳ tính thuế năm 2020.
Theo ông Phạm Tuyến, Giám đốc chi nhánh Bà Triệu, Công ty chứng khoán KIS Việt Nam: "Chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng cho thấy sự cố gắng của Chính phủ trong việc cân đối thu chi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME)."
Tạo động lực cho những công ty kinh doanh có lãi
Ông Tuyến phân tích về góc độ kinh tế, việc miễn giảm thuế này được cho là một trong những chính sách đúng đắn của Nhà nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn trong giai đoạn COVID-19, bởi trong ngắn hạn việc này có thể gây áp lực lên thu ngân sách Nhà nước, ước tính giảm thu khoảng 23.000 tỷ đồng trong năm 2020. Tuy nhiên về trung dài hạn, việc làm này sẽ góp phần cho việc tăng doanh thu thuế ở các năm sau khi mà những doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách có quá trình hồi phục và tăng trưởng mạnh trở lại khi nhận được sự hỗ trợ trên.
"Đối với các doanh nghiệp kinh doanh có lợi nhuận, việc giảm thuế sẽ giúp họ có thêm động lực phát triển đồng thời có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm chi phí lãi vay, hạ giá thành sản phẩm, các chi phí khác... qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người làm động," ông Tuyến nói.
Các chuyên gia kinh tế trong nước cũng cho rằng những sự hỗ trợ của Chính phủ sẽ tạo tiền đề "cứu sống" cho hàng nghìn doanh nghiệp đang gặp những khó khăn về tài chính do tác động bởi dịch COVID-19.
Tiến sỹ Trần Duy Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC nhấn mạnh Chính phủ đã vào cuộc rất quyết liệt với việc ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong thời gian qua, trong đó có gói chính sách giãn, giảm thuế.
"Song trên thực tế, gói chính sách hỗ trợ tác động đến doanh nghiệp chưa nhiều, bởi chủ trương thì hoàn toàn đúng nhưng từ chủ trương đến doanh nghiệp vẫn còn một khoảng cách. Thời gian qua, các gói vay ưu đãi giải ngân được chưa nhiều, trong khi có khoảng 70.000 doanh nghiệp và hộ doanh nghiệp đã phải tạm dừng kinh doanh hoặc đóng cửa, kéo theo khoảng 31 triệu lao động đang không có việc làm, cho thấy sự ảnh hưởng ghê gớm của COVID-19 lên nền kinh tế," ông Khanh nói.
Tiến sỹ Trần Duy Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC chia sẻ:
Doanh thu dự báo sụt giảm 4,3% so với năm 2019
Theo báo cáo của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực ngành nghề. Trong đó, việc giao thương với các đối tác nước ngoài chính là những nguyên nhân chính gây nên sự sụt giảm về doanh thu, đặc biệt tại các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nghề xuất khẩu, thương mại quốc tế, dịch vụ, du lịch...
Ông Tuyến cho biết, doanh thu các công ty niêm yết (ngoại trừ nhóm ngân hàng) sẽ bị sụt giảm đáng kể, dự báo giảm 4,3% so với năm 2019 và đây mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008 đến nay. Theo đó, lợi nhuận sau thuế được dự báo là giảm trên 20%.
"Nếu đúng như các dự báo về doanh thu và lợi nhuận ở trên, thì đây cũng là mức giảm sâu nhất kể từ năm 2012 - năm cuối cùng trong chu kỳ khủng hoảng kinh tế," ông Tuyến nhận định.
Trước tình hình kinh doanh ảm đạm của doanh nghiệp, ông Khanh cũng tỏ ra băn khoăn về tính hiệu quả của chính sách. Ông Khanh cho rằng chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp về ý tưởng thì rất tốt nhưng khi đi vào cuộc sống thực tế, doanh nghiệp được hưởng lợi chưa nhiều và điều này thực sự không phù hợp với các doanh nghiệp không có nguồn thu.
Về điều này, bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Công ty Trà và Đặc sản Tây Bắc cho biết: Chính phủ giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp là một biện pháp chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất cần dòng tiền, do đó nếu chính sách thuế cho phép doanh nghiệp chậm nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) thì sẽ hiệu quả hơn nhiều.
"Như doanh nghiệp của chúng tối, nếu doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/tháng và được hoãn, chậm nộp thuế VAT 10% tương ứng 200 triệu đồng, thì điều này rất quý, đây chính là việc hỗ trợ dòng vốn cho doanh nghiệp nhỏ trong bối cảnh doanh thu bị sụt giảm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19," bà Thắm nói.
Ông Khanh nhấn mạnh hàng hóa không xuất được, doanh nghiệp không kinh doanh được sẽ không có cả tiền trả lương cho nhân viên, vì vậy nhiều doanh nghiệp đang cần "sống" và họ chưa cần miễn giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, chính sách kéo dài thời gian nộp thuế giá trị gia tăng sẽ hỗ trợ thiết thực hơn đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh "cạn kiệt" dòng tiền.
"Bên cạnh đó, Chính phủ cần có sự đôn đốc, kiểm tra việc triển khai các gói chính sách hỗ trợ của các cơ quan chức năng, địa phương, mà đặc biệt cần quan tâm thực chất hơn nữa đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì họ đang quá khó khăn," ông Khanh nói./.
Giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp: Chấp nhận hụt thu ngân sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Vừa qua, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 114/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) mà DN phải nộp của năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Nghị định này hiện thực hóa chính sách hỗ...