Giải trình về quy hoạch để chặn lợi ích nhóm, thông đồng, tiêu cực
Chính quyền thu hồi quy hoạch treo, người dân phấn khởi. Cần quy định lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch xây dựng, trách nhiệm giải trình của đơn vị quy hoạch, tư vấn nhằm ngăn chặn lợi ích nhóm trong việc lập quy hoạch… ĐBQH góp ý trong phiên thảo luận chiều 11/11.
Khó giám sát công trình lớn của TƯ
Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi), nhiều ý kiến của đại biểu tập trung vào vấn đề quy hoạch xây dựng. Báo cáo thẩm tra về dự án luật của UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, nguyên tắc cần đặt lên hàng đầu là tắc quy hoạch xây dựng phải đi trước một bước, tạo cơ sở cho việc lập kế hoạch đầu tư và công cụ quản lý khi luật mới chưa được ban hành.
Đại biểu Phạm Văn Cường (Lào Cai) nêu thực tế, thời gian qua, vấn đề quy hoạch xây dựng có quá nhiều bất cập, đó là việc quy hoạch treo hay quy hoạch rồi sau đó lại điều chỉnh, việc sửa đi, sửa lại đã gây bức xúc trong nhân dân. Đại biểu nêu yêu cầu, việc sửa luật hiện hành cần phải quy định việc công khai minh bạch trong thực hiện quy hoạch.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cũng chỉ ra điểm bất cập trong quy hoạch xây dựng hiện nay là tình trạng tự phát, việc phân tách quy hoạch nông thôn và đô thị chưa đặt vấn đề thích ứng với bão lũ. Ông Đáng đề nghị xây dựng các quy định trong luật sửa đổi cần bảo đảm công khai, minh bạch đối với quy hoạch xây đựng dược duyệt.
Đại biểu Huỳnh Minh Thiện phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 11/11 (ảnh: TTXVN).
Đại biểu Lê Trọng Sang (TPHCM) nhận định, quy hoạch xây dựng là một vấn đề rất quan trọng. Kinh nghiệm ở một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc, cần quy định rõ ràng về việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch xây dựng, trách nhiệm giải trình của các đơn vị quy hoạch, tư vấn nhằm ngăn chặn lợi ích nhóm trong việc lập quy hoạch.
Video đang HOT
Ông Sang chỉ rõ, dự thảo luật đề xuất quy định thời gian lấy ý kiến nhân dân đồ án quy hoạch là 30 ngày, đối với cơ quan là 15 ngày. Đại biểu đề nghị tăng thời gian gấp đôi để bảo đảm chặt chẽ hơn. Đại biểu cũng gợi ý quy định cụ thể những loại đồ án quy hoạch do UBND tỉnh chỉ định, còn lại nên cho đấu thầu đơn vị lập quy hoạch đồ án để tránh thông đồng lợi ích, ngăn chặn tiêu cực.
Ông Lê Trọng Sang cũng “phê” quy định về vấn đề cấp phép xây dựng tạm. Đại biểu lập luận, xây dựng gì thì người dân cũng phải bỏ công sức, tiền bạc đầu tư, xác định “tạm” hết sức lãng phí. Vì vậy, cần quy định cụ thể hơn về việc cấp phép xây dựng trong khu vực đã có quy hoạch (không gọi là cấp phép xây dựng tạm) để giải quyết bức xúc của người dân, giải quyết tình trạng quy hoạch treo, quy hoạch tạm.
Đại biểu Huỳnh Thành Lập (TPHCM) cũng góp ý, đối với các dự án treo, cần quy định rõ việc nhà nước bồi thường như nào cho người dân khi quy hoạch quá hạn mà chưa triển khai. Kinh nghiệm của TPHCM vừa qua, thành phố thu hồi các dự án treo, người dân rất phấn khởi. Từ đó, đại biểu đề nghị tăng cường vai trò của người dân trong quy hoạch như quy định lấy ý kiến nhân dân về đồ án quy hoạch phải ghi rõ đối tượng người dân được mời lấy ý kiến như đại diện MTTQ, hội Phụ nữ…
Tán thành ý kiến này, đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) cho rằng đó là một cách tăng cường sự giám sát của cộng đồng trong lĩnh vực xây dựng. Nữ đại biểu cho rằng trong thực tế, giám sát trong cộng đồng chỉ giám sát được những công trình địa phương đầu tư, còn các công trình lớn của bộ, ngành TƯ rất khó để giám sát. Nếu quy định rõ trong luật đầy đủ quy trình công bố, trách nhiệm, quyền hạn của cộng đồng giám sát sẽ góp phần phát huy được sự giám sát của nhân dân ở địa phương, hạn chế được tiêu cực trong quá trình xây dựng.
“Trói” trách nhiệm cơ quan thanh tra môi trường
Cũng trong chiều 11/11, các tổ đại biểu Quốc hội cũng dành thời gian thảo luận về dự thảo Luật bảo vệ môi trường. Một số đại biểu đề nghị dự luật cần quy định về nội dung, giải pháp và trách nhiệm trong phòng chống, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là trong tình hình thiên tai như hiện nay. Các đại biểu cũng đồng tình cần thiết phải sửa luật, vì ô nhiễm môi trường hiện nay là đáng báo động, tác động đến đời sống dân cư.
Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) lên tiếng đầy bức xúc khi chỉ rõ, ô nhiễm môi trường hiện nay là đáng báo động, tác động đến đời sống nhân dân. “Cần đưa chế tài ngay trong luật để xử phạt hành chính đủ nặng, đủ sức răn đe với tổ chức, cá nhân vi phạm, cũng như chấm dứt tình trạng cơ quan quản lý vẫn đi kiểm tra, giám sát, chỉ ra sai phạm, sau đó xử phạt nhẹ nhàng và bỏ ngỏ vụ việc” – Ông Thiện đặt vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Văn Phụng (TPHCM) cũng phân tích, xử phạt trong lĩnh vực môi trường chủ yếu là phạt hành chính, chưa có vụ nào truy cứu hình sự dù hành vi rất nghiêm trọng. Ông Phụng dẫn chứng, Vedan vi phạm nghiêm trọng, xả thải trộm, đầu độc sông Đồng Nai nhưng chỉ bị phạt 200 tỷ đồng. Hào Dương vi phạm tới lần thứ 10 nhưng cũng chỉ bị phạt hành chính. Trong khi hành vi của các doanh nghiệp này là không thể chấp nhận được, khi xả thải trực tiếp ra môi trường.
Cũng là một đại biểu của TPHCM, bà Đoàn Nguyễn Thùy Trang đề cập đến quy định về thanh tra, kiểm tra trong bảo vệ môi trường. Bà Trang khát quát, công tác thanh, kiểm tra trong bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều hạn chế khi thời gian qua, các vụ việc gây ô nhiễm môi trường do thanh tra phát hiện còn ít, nhiều vụ việc nghiêm trọng chủ yếu do lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện hoặc do người dân phản ánh.
Nữ đại biểu đề nghị, ngoài quy định bắt buộc thanh tra định kỳ 2 lần/năm, dự án luật cần bổ sung quy định ít nhất 1 lần thanh tra đột xuất, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động thanh tra trong việc phát hiện các hành vi vi phạm về môi trường.
P.Thảo
Theo Dantri
Bị khoán trắng, nhiều công trình thủy điện không đảm bảo
"Việc quản lý chất lượng công trình xây dựng hầu như được giao hoàn toàn cho chủ đầu tư, thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy, tại một số công trình thủy điện, chất lượng có nhiều hạn chế, gây không ít hệ lụy tiêu cực".
Đó là đánh giá của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội về kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện được ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban này trình bày trước Quốc hội ngày 3/10.
Thủy điện Ia Krêl 2 (tỉnh Gia Lai) bị vỡ đập cách đây chưa lâu (ảnh Thiên Thư)
Kết quả rà soát quy hoạch thủy điện trong báo cáo thẩm tra về kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện đến nay đã loại bỏ 424 dự án, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án. Như vậy, cả nước hiện còn lại 815 dự án, công trình thủy điện, đang vận hành 268 dự án (14.240MW), đang thi công xây dựng và dự kiến khai thác từ nay đến năm 2017 là 205 dự án (6.198MW).
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Phan Xuân Dũng cho biết, ủy ban này đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương có liên quan thống nhất về nguyên tắc cần loại bỏ những dự án, vị trí tiềm năng thủy điện không bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, mất an toàn cho cộng đồng dân cư, hiệu quả đầu tư thấp, tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội.
Ủy ban KH,CN&MT cũng nhận thấy, có giai đoạn việc quản lý chất lượng công trình xây dựng hầu như được giao hoàn toàn cho chủ đầu tư thực hiện và tự chịu trách nhiệm, thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Tại một số dự án, công trình thủy điện, chất lượng khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát có nhiều hạn chế, gây không ít hệ lụy tiêu cực.
Trong khi đó, trách nhiệm, xử lý sai phạm của chủ đầu tư, các chủ thể khác có liên quan khi công trình có chất lượng kém hoặc để xảy ra sự cố chưa được quy định cụ thể. Công tác quản lý an toàn tại các công trình thủy nhỏ chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.
Ủy ban KH,CN&MT cho biết các công trình thủy điệm nhỏ có gần 30% số đập chưa được kiểm định; khoảng 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão. Hiệu quả làm việc của hệ thống quan trắc tại một số công trình thủy điện là rất thấp. Việc xây dựng phương án phòng chống lụt bão cho vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp, vỡ đập... gặp nhiều khó khăn, ít được quan tâm.
Theo KH,CN&MT, nguyên nhân của những bất cập nêu trên là không ít chủ đầu tư dự án thủy điện nhỏ có năng lực chuyên môn và tài chính hạn chế; quy định về chế tài xử phạt vi phạm về an toàn đập, kiểm định đập; vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư chưa được ban hành kịp thời, rõ ràng và chưa được thực thi đầy đủ. Ngoài ra, thông tin, số liệu về điều kiện tự nhiên thường không đầy đủ và thiếu cập nhật do hạn chế nguồn lực đầu tư cho giai đoạn điều tra, khảo sát khu vực dự án.
Quang Phong
Theo Dantri
Thủy điện Lai Châu chạy đua với thời gian Thủy điện Sơn La đã suôn sẻ, đang hoàn thành thử nghiệm, hồ sơ quyết toán công trình; với thủy điện Lai Châu, công việc vẫn đang ngổn ngang... - Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng báo cáo về 2 dự án thủy điện lớn cuối cùng trên bậc thang Sông Đà... Dự án thủy điện Sơn La được Quốc hội thông...