Giải quyết những ‘nút thắt’ của du lịch đồng bằng sông Cửu Long
Có tiềm năng lớn nhưng du lịch đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa đạt được tốc độ tăng trưởng vượt bậc, mà một trong những nguyên nhân được các đại biểu chỉ ra là do rác thải và giao thông.
Du khách ghé vào thăm miệt vườn ở tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam )
Đồng bằng sông Cửu Long lâu nay nổi tiếng hấp dẫn du khách bởi vẻ mềm mại, mát mẻ giữa không gian xanh miệt vườn, cây trái xum xuê quanh năm, những lạch sông uốn lượn…. Vị trí thuận lợi, tài nguyên du lịch rất đặc sắc nhưng ngành du lịch các địa phương nơi đây vẫn chưa tạo được đà tăng trưởng đột phá xứng với tiềm năng của vùng.
Mong muốn thúc đẩy hoạt động du lịch nhằm tăng trưởng mạnh mẽ lượng khách đến, Hiệp hội du lịch đồng bằng sông Cửu Long vừa tổ chức hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch khu vực này tại Hà Nội. Hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2019 đang diễn ra, từ ngày 27-30/3.
[EU giúp du lịch Việt cải thiện hoạt động marketing, hình ảnh điểm đến]
Rác thải “dìm” du lịch
Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch đồng bằng sông Cửu Long Phạm Thế Triều cho biết: Trong 5 năm gần đây, du lịch đồng bằng sông Cửu Long tăng trưởng hơn 10%/năm về lượt khách lưu trú và doanh thu. Đặc biệt, dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú tăng lên đáng kể, đủ điều kiện phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách. Năm 2018, đồng bằng sông Cửu Long đón 40,7 triệu lượt khách đến với các khu điểm du lịch và sử dụng dịch vụ du lịch.
Theo ông Triều, trong những năm qua, các địa phương trong vùng đã xây dựng các sản phẩm đặc thù như: du lịch sinh thái miệt vườn sông nước, du lịch văn hóa-tâm linh, du lịch biển đảo, du lịch nông nghiệp cộng đồng, du lịch tìm hiểu di tích di sản và văn hóa lịch sử… Và hiện, khu vực này đang khai thác phát triển loại hình du lịch MICE.
Chủ vườn pha trà mật ong mời khách. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam )
Các địa phương cũng tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm độc đáo như: Bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng, Bà chúa xứ núi Sam, Núi Cấm, rừng Tràm Trà Sư, Đồng Tháp Mười, mũi Cà Mau, Cồn Thới Sơn, đờn ca tài tử, đua bò Bảy núi, đua ghe ngo và nhiều sản phẩm khác không kém phần hấp dẫn để phục vụ khách.
Tiềm năng lớn như vậy, tuy nhiên vùng du lịch này vẫn chưa đạt được tăng trưởng vượt bậc, mà một trong những nguyên nhân được các đại biểu chỉ ra là do rác thải và giao thông.
Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Đặng Văn Tiến chia sẻ, ông từng phải khuyên anh em đừng đưa khách đi thăm quan khi con nước xuống vì sẽ lộ ra rất nhiều rác. Bản thân ông Tiến cũng từng phải tìm cách thoái thác với đoàn khách nước ngoài khi họ muốn đi chợ nổi Cái Răng, vì hoạt động giao lưu buôn bán ở đây nay đã khác xưa…
Cũng canh cánh mối lo ngại về rác, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long Trần Việt Phường cho biết, nhiều năm qua, thành phố Cần Thơ đã xây dựng đề án bảo đảm vệ sinh môi trường nhưng chưa hiệu quả.
“Mỗi ngày có hai chiếc ghe đi thu gom rác ở chợ nổi Cái Răng nhưng vẫn không xuể,” ông Phường nói.
Trước thực trạng trên, các đại biểu đều thống nhất quan điểm, địa phương cần nâng cấp và xây mới các điểm du lịch, bên cạnh việc mời gọi các nhà đầu tư chuyên nghiệp khai thác tiềm năng du lịch đồng bằng sông Cửu Long.
Du lịch miệt vườn thu hút đông khách đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam )
Giải pháp cho những “nút thắt”
Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng vùng “chín sông” đã có những chuyển biến nhưng trừ Phú Quốc (Kiên Giang), còn lại những tỉnh, thành khác hầu như chưa có các khu nghỉ dưỡng nhiều sao, khu vui chơi giải trí lớn, tầm cỡ quốc tế. Nếu không thay đổi, du lịch vùng này rất khó cạnh tranh với những điểm đến khác trên cả nước.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương đánh giá, cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch trong vùng nói chung phát triển chậm, sản phẩm du lịch na ná nhau, chưa tạo được sự khác biệt.
Do đó, theo bà Hương, du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long cần thu hút được các nhà đầu tư lớn, đầu tư chuyên sâu về du lịch, nhà cung cấp dịch vụ trực tiếp cần tiếp cận với các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước; tăng cường công tác quảng bá xúc tiến, đón các đoàn famtrip tới khảo sát, kết nối du lịch.
Video đang HOT
Trong khi đó, với “nút thắt” của du lịch đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm (farmstay) là con đường nhanh nhất để người dân vùng vùng này thoát nghèo và đem lại ấn tượng khó quên cho du khách.
Đi ghe qua các con lạch là một ‘đặc sản’ ở đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam )
Trước ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long Trần Việt Phường khẳng định, ban lãnh đạo Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp tại hội nghị để tham mưu cho Ủy ban nhân dân các địa phương, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch đồng bằng sông Cửu Long sâu rộng, đa dạng hơn đồng thời nâng cao chất lượng video clip quảng bá về thời lượng, bố cục, nội dung; có giải pháp đồng bộ cho vấn đề vệ sinh môi trường, nhất là phát triển du lịch đường sông…
Ông Phường cho biết, hệ thống giao thông đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới sẽ thuận tiện hơn khi cầu Vàm Cống thông xe trong tháng Sáu tới, kết nối huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ).
Bên cạnh đó, đến cuối tháng 5/2019, sân bay Cần Thơ sẽ mở thêm các đường bay mới đi Thái Lan, Malaysia, Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Nha Trang, Đà Lạt… tạo điều kiện thuận lợi thu hút du khách đến với đồng bằng sông Cửu Long. Hy vọng với những thay đổi thuận lợi cho giao thông này, du lịch vùng đất Cửu Long sẽ sớm có diện mạo mới./.
Khách du lịch nước ngoài xuống thuyền thăm quan chợ nổi Cái Răng, thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam )
Theo Xuân Mai (Vietnam )
Cần Thơ lọt top những thành phố sông nước đẹp nhất thế giới
Thế giới có nhiều thành phố nổi tiếng với hệ thống kênh rạch tuyệt đẹp, đáng để du khách khám phá.
Cần Thơ, Việt Nam: Thành phố ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nổi tiếng với hệ thống kênh rạch, chợ nổi Cái Răng và chùa Ông.
Cần Thơ cũng có một số đặc sản được bán tại chợ nổi. Làng du lịch Mỹ Khánh cũng là điểm không thể bỏ qua khi du khách tới thành phố này.
Tô Châu, Trung Quốc: Thành phố này không chỉ là một trung tâm kinh tế lớn của Trung Quốc mà còn nổi tiếng với hệ thống giao thông đường thủy.
Con kênh lớn nhất ở Tô Châu có 20 cây cầu bằng đá, kết nối các khu phố cổ.
Hamburg, Đức: Thành phố này có nhiều cầu hơn London, Venice và Amsterdam cộng lại.
Hamburg có tổng cộng 2.500 cây cầu bắc qua các con kênh chạy khắp thành phố. Phần lớn du khách tới đây lựa chọn đi thuyền trên kênh để thưởng ngoạn phong cảnh.
Giethoorn, Hà Lan: Với số dân với 3.000 người, thị trấn nhỏ ở Hà Lan được coi là "Venice thu nhỏ".
Giethoorn là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới, với các cây cầu gỗ bắc qua hệ thống kênh chạy khắp thị trấn.
Bangkok, Thái Lan: Đây là thành phố đông đúc với khoảng 8 triệu dân. Bằng cách di chuyển bằng thuyền trên kênh, du khách có thể tránh được cảnh tắc đường xảy ra thường xuyên ở Bangkok.
Các con kênh ở Bangkok cũng trở thành nơi buôn bán và giải trí dành cho người dân và du khách.
Utrecht, Hà Lan: Đây là một thành phố lâu đời với lịch sử có niên đại từ thời Trung Cổ. Thành phố nổi tiếng với hệ thống kênh Oudegracht, kết nối khu trung tâm.
Ngày nay, hệ thống kênh ở thành phố Utrecht trở thành nơi giải trí và ăn uống dành cho du khách.
Annecy, Pháp: Nằm giữa núi Alps và hồ Annecy, thành phố tuyệt đẹp này vẫn chưa được nhiều du khách biết đến.
Thành phố Annecy nổi tiếng với hệ thống kênh chạy xung quanh các tòa nhà cổ ở khu trung tâm.
Venice, Italia: Venice có lẽ là thành phố nổi tiếng nhất thế giới với lịch sử lâu đời từ thế kỷ thứ 10 trước công nguyên.
Thành phố Venice và hệ thống kênh ở đây là được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Những chiếc thuyền truyền thống gondola được coi là biểu tượng của thành phố sông nước này.
Ganvie, Benin: Khoảng 20.000 sinh sống tại ngôi làng nhỏ này ở Benin. Các ngôi nhà được xây dựng trên mặt nước và những chiếc thuyền là phương tiện di chuyển quan trọng của người dân.
Ngôi làng Ganvie nằm cách xa bờ, nên người dân kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá.
Bruges, Bỉ: Thành phố này nổi tiếng với công trình kiến trúc từ thời Trung Cổ, đường phố lát đá cuội và hệ thống kênh dày đặc.
Các con kênh chạy qua trung tâm thành phố Bruges và được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Stockholm, Thụy Điển: Hệ thống kênh Djurgrdsbrunnskanalen là điểm nhấn tại thủ đô của Thụy Điển.
Hệ thống kênh Djurgrdsbrunnskanalen cũng được sử dụng làm tuyến đường kết nối các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Stockholm, bao gồm bảo tàng Vasa.
Ko Panyi, Thái Lan: Tại ngôi làng chài này ở Thái Lan, các ngôi nhà được xây dựng trực tiếp trên mặt nước.
Ko Panyi là điểm phục vụ ăn trưa dành cho du khách tới thành phố du lịch Phuket.
Ô Trấn, Trung Quốc: Đây là một trong 6 thị trấn cổ được kết nối với nhau bởi sông Dương Tử ở Trung Quốc.
Thành phố Ô Trấn nổi tiếng với Hồ Tây và đền Lingwin. Đây là điểm đến lý tưởng dành cho du khách muốn khám phá văn hóa Trung Quốc.
Kerala, Ấn Độ: Nằm ở trung tâm miền nam Ấn Độ, Kerala là một thành phố bờ biển nhiều màu sắc và các đầm nước lợ.
Thành phố Kerala có 5 hồ lớn và chúng được kết nối với nhau bằng hệ thống kênh, mương.
Birmingham, Anh: Thành phố này không nổi tiếng về phong cảnh đẹp, nhưng hệ thống kênh nơi đây thuộc nhóm tốt nhất thế giới.
Hệ thống kênh ở Birmingham có vai trò như các tuyến giao thông thủy huyết mạnh nối trung tâm thành phố với vùng ngoại ô.
Theo danviet.vn
Khám phá bộ ảnh đẹp ngẩn ngơ của cô gái quyết 'oanh tạc' cực Nam Tổ quốc để thấy miền Tây đẹp đến mức nào "Đi càng xa, tôi càng tiến gần đến bản thân mình" (Andrew McCarthy) - chắc chắn là câu nói đúng nhất dành cho Trần Linh - chủ nhân của chuyến hành trình khám phá trọn vẹn miền Tây sông nước. 21 năm với những mơ hồ về chính vùng đất nơi mình sinh sống, Trần Linh (21 tuổi, Bến Tre) nhen nhóm kế...